Wednesday, May 18, 2011

Ành trăng & cánh bướm

Sao khuê


                         Trừu tượng Nguyễn Đình Thuần

   Những hình ảnh rất đẹp, rất thơ  ấy đã xuất hiện trong một truyện ngắn thật ngắn, đâu hơn một ngàn chữ, của một người viết văn trẻ hiện ở trong nước: Anh Nguyễn Bình Phương, lúc ấy mới 27 tuổi. Truyện có tựa đề là Đi, đăng trên tạp chí Văn Học ở Cali. Bầu không khí của truyện thật lạ lùng, nó có sức quyến dụ thật đặc biệt. Và tôi đã chú ý tới hai hình ảnh lung linh, sinh động giữa vùng không gian u tối, sâu thẳm.
      Ánh trăng và những cánh bướm.
      Những hình ảnh đó, thật ra không ở trong thế giới chúng ta. Nó ở một cõi u minh nào đó... Trong khung cảnh “những mái nhà lập lờ bồng bềnh”, trong “bóng tối mùi ngai ngái, chỉ một ánh trăng duy nhất chiếu thẳng xuống đất làm thành con đường vàng nhạt, mỏng, sắc, vẩn những hạt bụi li ti. Người lính lầm lũi đi trên vệt sáng đó...” Và rồi những cánh bướm, “người lính đánh mắt nhìn đôi bướm trắng, chúng bay theo anh từ lâu, bốn cái cánh chờn vờn thoắt ẩn thoắt hiện tựa bốn mẩu giấy vụn quấn quýt trong gió.”
     Người lính, ánh trăng và những cánh bướm. Rõ ràng những cái này đang trôi xa, và rồi sẽ mất hút trong một vùng bóng ảo nào đó. Cả âm thanh nữa, dường như cũng không ở trong bầu khí chúng ta đang hít thở. Nguyễn Bình Phương tả: “Không gian rì rào, cái rì rào thiêng liêng nơi sự sống không có mặt. Đôi bướm trắng bay ra từ gốc cây đổ, chúng lượn sát mép vệt sáng, sau đó dấn lên rồi lại chìm vào bóng tối thăm thẳm.” Người lính trong truyện, một anh lính Bắc Việt lưng mang ba lô vai khoác AK, vừa đi vừa đếm bước. Một mẩu hồi ức chợt hiện.
   “Kỷ niệm chầm chậm rẽ lớp sương mờ hiện về.
    -Mình thích không?
    -Thích.
    -Tìm cho em cái cặp tóc, nó rơi đâu đây thôi. Mai mấy giờ mình đi?
    -Họ bảo tập trung trên huyện lúc bảy rưỡi. Chán thật. Cặp của mình đây này. Ở nhà chu đáo với mẹ một tí. Năm nay mẹ yếu lắm rồi đấy.
    -Vâng. Mình đừng quên em đấy nhé.
    -Quên thế chó nào được. Tôi sẽ về, nhất định về với mình.
     Tôi chỉ đi hai nghìn linh chín bước thôi.
     -Không, hai nghìn linh tám cơ.
     -Thì hai nghìn linh tám. Đúng hai nghìn linh tám không hơn không kém, còn lại mặc kệ....
      -Mình muốn nữa không?
      -Có.
      -Sao mình khỏe thế! “
     Người lính tiếp tục đếm bước. Một mẩu hồi ức khác: “Lại một tiếng thở dài. Ngày xưa, cả thị trấn mắc bệnh thở dài, vừa hát vừa thở dài, vừa hôn nhau vừa thở dài.... Mẹ ngồi bên bậu cửa đăm đăm nhìn ra đường, trên bàn thờ, bố trẻ măng nhìn mẹ.... Sau đó tất cả biến mất, chỉ còn lại tiếng thở não nề bất tận.”
     Người lính vẫn đều đều đếm bước. Anh đếm tới hai nghìn linh sáu thì thấy mình đứng dưới cái cổng hình bán nguyệt. Cổng làng? Có thể. Nhưng nó mờ mịt và lạnh lẽo như cửa vào âm ty. Anh đếm tới hai nghìn linh bảy, rồi đếm lại từ đầu. “Người lính không biết khi vượt qua vòm cổng, anh đã bước sang bên kia mặt trăng, ở đấy vĩnh viễn chỉ có hai nghìn linh bảy bước.”
     Một truyện thật lạ lùng. Nó thuộc loại truyện viết theo nghệ thuật “hiện thực huyền ảo”. Kiểu những trang viết của Garcia Marquez về đàn bướm trong tiểu thuyết Trăm Năm Cô Đơn. Thực và ảo trộn lẫn. Nhưng thực cũng chỉ là ảo. Người lính kia không còn là hiện thực nữa,  chỉ có u hồn anh vẫn còn vơ vẩn trên đường hành quân.
      Dường như cái chết đến với người lính quá nhanh, đúng như nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn nhận định, anh không biết rằng anh đã bỏ lại xác thân ở một góc rừng nào đó, và giờ đây hồn anh đang bước vào cõi u minh, nơi mọi vệt sáng đều đã tắt, không gian chỉ là màu nâu nhạt. Anh đã ở phía bên kia của mặt trăng, nghĩa là ở cõi âm.

     Thế giới mà Nguyễn Bình Phương tả ra trong truyện Đi này là một thế giới huyền ảo. Đã hẳn là thế, nhưng về nhiều điểm nó vẫn còn có những vang và bóng của đời sống nơi miền Bắc trong chiến tranh. Như đã dẫn, hồi ức nóng bỏng và ngọt ngào về một cuộc chia ly trước khi lên đường ra trận, hồi ức với những mảnh đời khổ nhục, tan tác trong chiến tranh -mẹ ngồi trên bậu cửa đợi chờ, cha trên bàn thờ khuôn mặt còn trẻ, cả thị trấn trong tiếng thở dài buồn bã... Giữa một không gian ảo, những chi tiết này lại quá thực, như những vết dao cắt vào da thịt, chưa kín miệng, và thỉnh thoảng còn bật máu trở lại.
      Như vậy, không đúng như nhận định được nêu lên ở đâu đó, rằng Nguyễn Bình Phương ở trong số những nhà văn trẻ không có những kinh nghiệm xót xa về chiến tranh. Ở truyện ngắn này, như chúng ta đã thấy, chiến tranh vẫn còn là một ám ảnh khốc liệt.

SK

No comments:

Post a Comment