Đọc
Trịnh Y Thư là đọc một nghệ thuật viết tiểu thuyết vừa siêu hình vừa hiện thực.
Nó thực thực hư hư đầy bất ngờ ở những bước ngoặt tình tiết. Độc giả thoạt thấy
câu chuyện là như vầy, nhưng đoạn sau nó lại mở ra một cảnh mới, nhân vật cũ mà
cảnh thì khác. Lối sắp xếp câu chuyện, dàn cảnh như trong phim trường. Tác giả
dẫn dắt khán giả như đang xem một cuốn phim mà nhà đạo diễn đổi cảnh quay, đổi
đề tài, đổi tâm tính mà vẫn luôn giữ khán giả ở lại với nhân vật của truyện, của
con người Việt Nam trong suốt ba cuộc bể dâu.
Nhà
văn Trịnh Y Thư thuộc nền văn học hiện đại, tại hải ngoại kể từ 1975. Nhìn dáng
dấp, khuôn mặt, cách nói chuyện của ông, người ta thấy cái “cá tính” của ông hiện
lên một cách rõ ràng. Những ai quen biết ông đều thấy cái gì ông đụng vào đều
làm nó trở thành siêu! Làm nhân viên ngành điện tử viễn thông, viết văn, chơi
classical guitar, sáng tác nhạc, ông đều làm tròn vai trò một cách xuất sắc.
Đường
về thủy phủ là quyển sách gồm ba truyện vừa. Thoạt tiên độc giả cứ tưởng ba mẩu
chuyện Ký ức của loài bò sát, Dưới những gốc nho biển và Đường về thủy phủ với
tình tiết của những nhân vật khác nhau, ở những thời điểm khác nhau, chẳng liên
hệ gì với nhau. Thế nhưng không! Trịnh Y Thư đã không tiết lộ gì cả ở hai truyện
đầu, và chỉ dần mở ra rồi nối kết chúng lại ở truyện vừa thứ ba Đường về thủy
phủ. Các nhân vật bác sĩ Mẫn trong Ký ức của loài bò sát, nhân vật “cô” trong
Dưới những gốc nho biển, nhân vật “tôi” trong Đường về thủy phủ đều có dây mơ rễ
má với nhau.
Đọc
Trịnh Y Thư để thấy tính cách, lối suy nghĩ, hành xử của người Việt Nam, tạm đại
diện bởi những nhân vật trong truyện của ông, ở ba thời đại. Thời kỳ Pháp thuộc,
thời hậu chiến tranh 1975, và thời kỳ lưu vong nơi xứ người. Cả ba thế hệ tuy với
số tuổi cách biệt nhau từ 80 năm đến 20 năm tuổi đều có những tình cảm, nỗi niềm,
khổ sở, chấn động tâm lý chẳng khác nhau là mấy. Cái hay của tác giả là lịch sử
đất nước, con người Việt Nam trải dài từ hậu bán thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21, tất
cả đều rất đúng, đều có thực. Ông đã tiểu thuyết hóa các nhân vật, trong đó là
đại diện cho một số người có thật ở từng thời và từng vùng.
Ở
Ký ức của loài bò sát, những nhân vật ở độ tuổi thiếu niên niên lớn dần thành
những thanh niên sống trong khung cảnh lịch sử của người Việt chống Pháp. Họ sống
động và sống thực, nên họ khóc cười, nôn ọe… giống y tình huống thực của người
đương thời ngày ấy. Những thiếu niên đùa phá rồi cười khúc khích khi xem trộm cảnh
cô gái tắm bên giếng vườn sau nhà. Rồi thời gian trôi, người ngày lớn dần lên,
cuộc chiến ngày càng khốc liệt, cách đối xử của hai phe Việt Minh và kẻ xâm lấn
– người Pháp – ngày càng tàn khốc. Tác giả đã tả chân và thực đến nỗi độc giả
cũng phải muốn ọe theo tình cảnh của truyện. Nhưng tác giả vẫn luôn giữ được
tính nhân bản của người Việt Nam ở phần kết, ở lời ru bú mớm của nhân vật Xụ Phụn
Phèn. Cô ru đứa con khi cả hai mẹ con đều không còn trên cõi đời nữa: “Yêu là
gì, hả mẹ?” “Yêu là có thể hy sinh thân mình cho người mình yêu.” “Thế mẹ có
yêu bố không” […] “Bố sẽ về với mẹ con mình mãi mãi…” “Bao giờ, hả mẹ?” “Bố hẹn
với mẹ con mình ở thủy phủ…” […] “… Họ cùng về thủy phủ với mình, nơi không còn
bom đạn hay hận thù, nơi mẹ con mình sẽ gặp bố, bố sẽ yêu thương bảo bọc mẹ con
mình. Thôi con nhé, con hãy ngủ đi, khi nào mặt trời mọc là mình đến nơi.”
Trịnh
Y Thư tài tình là vậy, ông chiếu cảnh người tàn sát người, người với bao nhiêu
là tính xấu hành xử với người chân chất thật thà, nhưng ông vẫn lồng vào đấy
“tình người”. Sự yêu thương giữa người và người có thật, cho dù thật hiếm hoi
vì nó phải được che phủ dưới một lớp mặt lạnh lùng, vào thời điểm đó. Cái tài
tình nhất là ông chấm dứt câu chuyện ở tình yêu thương của mẹ và con và người
cha. Ông thuyết phục độc giả lấy lại niềm tin về con người. Con người có đốn mạt
bao nhiêu vẫn không thể xóa hết những tính yêu thương chân thật trong lòng.
Tính yêu thương của những người thật là “người”, không phải là “ngợm”!
Trong
Dưới những gốc nho biển, nhân vật “cô” là nhân vật có thật đâu đó, trải dài suốt
đất nước Việt Nam. Với tình huống chính trị đã qua thời chiến tranh, súng đạn của
người miền Bắc – cộng sản xâm chiếm người miền Nam – Việt Nam Cộng Hòa, đã
ngưng bặt. Nhưng người Việt ở cả hai miền Bắc-Nam nào được sống thanh bình
trong yêu thương. Chế độ cộng sản và con người cộng sản vẫn còn tính hung tàn.
Chẳng hiểu tại sao!? Nên, người miền Nam phải ra đi tìm tự do, cho dù họ quăng
mình vào biển cả một mất một còn. Người vượt biển có thể thành công để đến bến
bờ bên kia, ở một nước thứ ba. Hoặc họ thất bại thì lại tìm đường về Thủy Phủ,
nơi không còn hận thù hay oán ghét. Nhân vật “cô” sống như ảo ảnh trên cõi đời
vì thiếu tình thương mẫu tử. Mặc dù bên cạnh cô vẫn còn một bóng người yêu
thương cô đấy, ông “bác sĩ bộ đội”. Có phải chăng nhân vật Mẫn trong truyện Ký ức
của loài bò sát xuất hiện trở lại? Nhưng tình yêu của ông ta vẫn không thể thay
thế được tình mẹ con mà cô đang tìm kiếm.
Và
cuối cùng cô cũng tìm về Thủy Phủ!
Tiếp
đến truyện thứ ba Đường về thủy phủ, độc giả cứ ngỡ và chờ nhân vật “tôi” cuối
cùng cũng tìm đường về Thủy Phủ. Nhưng không! Tác giả không cho phép là vậy.
Ông dùng kỹ thuật nghệ thuật viết tiểu thuyết tạo dựng nhân vật “tôi” bước ra từ
trang sách của một nhà văn-giáo sư. “Tôi” như ảo ảnh dưới mắt độc giả. Nhân vật
nữ mà giáo sư-nhà văn đã vẽ ra trong truyện để rồi cô sống thật. Mà chính nhân
vật này đã nhiều lần “càm ràm” với giáo sư-nhà văn là mình quái đản cũng do vì
ông đã tạo ra nó. Cả tác giả lẫn nhân vật sống quyện vào nhau, tạo ra những cảnh
“thật” mà giống như “không thật” ở một xứ sở văn minh nhất trái đất. “Tôi” quay
cuồng sống mà thẳm sâu trong tâm thức cô vẫn hỏi rằng “tôi là ai”, “bố mẹ tôi
là ai?” Cô thiếu tình yêu thương máu mủ từ cha mẹ. Để rồi… “tôi” làm một chuyến
trở về quê hương. Tìm kiếm lại gốc gác của mình với hy vọng mong manh là thấy lại
được người mẹ ruột của mình. Và độc giả đã cùng “tôi” thấy được bao cảnh đời có
thật mà người Việt phải chịu đựng trong cái gọi là “thời bình” đầy nhiễu nhương
này.
“Tôi”
không tìm ra được mẹ, nhưng ngược lại cô tìm được một ông “bố”. “Bố và con” rất
tương đắc ở thời gian này. Bố-con chẳng có mảy may huyết thống nào, nhưng lại
có được một tình thương yêu chân thật là nhờ vào cái gạch nối “mẹ” của cô.
“Tôi” gần như sống trọn vẹn ở thời gian hiện tại, nơi “mẹ” cô từng ngồi. Và cuối
cùng “tôi” quên khuấy cái chết cứu cánh mà cô đã từng nghĩ đến.
Thủy
Phủ bị bỏ quên!
Màn
từ từ hạ cùng với tiếng cười của hai “bố-con” ở nơi “mẹ” đã từng ngồi.
“Thủy
Phủ” là chốn dành cho người có ước mơ mà không thành và cũng cho cả người đạt
được ước mơ, nữa chứ. Ai mà chả chết! Thủy Phủ sẽ là thiên đường hay địa ngục
tùy ở từng người. Người nào lúc ra đi với tâm hung ác thì Thủy Phủ chỉ có thể
là địa ngục. Địa ngục ngay ở trần gian, ngay khi còn hít vào thở ra. Còn với
người ra đi với tâm lành thiện, nhiều yêu thương thì Thủy Phủ sẽ trở thành
thiên đường với đầy yêu thương, trở lại bản tính nguyên thủy của con người.
Thiện-ác,
thiên đường-địa ngục là hai phạm trù mà con người khó tránh khỏi. Cái vấn đề ở
đây là sống làm sao để ta có ngay thiên đường khi đang còn hít thở. Địa ngục-thiên
đường nó nằm trong tâm. Cái tâm không ai nhìn thấy nó đang ở đâu, nhưng nó lại
được nhận ra bởi sự yêu thương của người trao cho người. Nó còn được nhận ra bởi
ánh mắt, tiếng cười và lời nói mà con người trao cho nhau.
Thủy
Phủ sẽ tràn đầy lòng yêu thương và vang tiếng cười khi con người hiểu biết thế
nào là tâm lành và tâm thiện!
DOÃN
CẨM LIÊN
(California,
ngày 30 tháng 10, 2024)