Tôi đã đọc bản thảo “Dòng Đời” khá là chậm. Đôi khi tôi đọc
lại môt số đoạn, một số trang. Khi đọc lại toàn văn bản thảo lần thứ nhì, tôi lấy
giấy ra ghi chú về các nhân vật, các mốc thời gian, những chuyển biến khi các
nhân vật dời đổi từ bên dòng sông này qua thị trấn miền núi kia. Tất cả như một
cuốn phim về một quê nhà đang tìm hướng đi trong thời kỳ hậu thực dân Pháp, nơi
lối rẽ của tranh chấp để con sông trở thành đôi bờ và rồi người lái đò (trong
tiểu thuyết này là người có tên là ông Ba Đò) trở thành người hai mặt, bị buộc
cung cấp tin cho cả hai lực lượng thuộc hai ý thức hệ khác nhau.
Những gì hiện ra trước mắt, trong tâm tưởng của một độc giả
như tôi, là một quê nhà đầy nước mắt, khi truyện kể dọc theo, trải qua ba hay bốn
thế hệ, những người dân trong một xã hội bi thảm của thời thực dân Pháp, rồi tới
sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trên trang giấy là một quê nhà tôi rất mực yêu
thương được nhà văn Lê Lạc Giao kể lại những góc nhìn từ một thanh niên cùng thế
hệ với tôi: sinh trước ngày đất nước chia đôi, nhìn thấy bạn bè một phần “nhảy
núi” theo phe bên kia, và một phần khác đã tình nguyện ra trận để giữ gìn tự do
cho miền Nam.
Nhân vật chính là Hiểu, chàng trai sinh bên dòng sông Cái của
Nha Trang. Thân mẫu của Hiểu là cô Chanh, người sống với nỗi buồn khi thấy chồng
là ông Xuân có vợ nhỏ và rồi đưa vợ nhỏ từ chợ Nha Trang lên Pleiku sống luôn.
Thế rồi, cô Chanh đã xuất gia, trở thành một bà ni già tại một ngôi chùa trên một
ngọn núi vùng Nha Trang. Hiểu thỉnh thoảng thăm mẹ, và thắc mắc tại sao mẹ lại
chịu vào tu ở ngôi chùa lưng núi, nơi vị trụ trì là người thân với những người
“cách mạng” trong núi. Mẹ Hiểu là người chơn tu, là người thuần tu, không bận
tâm chuyện chính trị, muốn dứt bỏ thật xa những chuyện lao xao dưới các phố chợ
của vùng Nha Trang.
Truyện mở đầu bằng hình ảnh của Hiểu tại vùng Nam California,
khi Hiểu vào một quán cà phê, nghe giọng nói của một cô tiếp viên và nhận ra,
giọng nói Hà Nội sau 1975 và cô có lẽ là một du học sinh. Lúc đó, Hiểu đã sống
hơn ba mươi năm tại Hoa Kỳ. Hiểu về nhà trong nỗi cô đơn, cầm đàn lên và bất chợt
hát... Tác giả Lê Lạc Giao kể: “...Hiểu hát một khúc nhạc nhưng đến lần thứ
hai anh mới nhận ra mình đàn và hát. Bài hát Một Dòng Sông Xa Nguồn của người
nhạc sĩ đã chết trong Tết mậu thân 1968. Vừa nghĩ đến tác giả, Hiểu như nghe lại
tiếng ho của ông trong những đêm dài trước tết Mậu Thân. Hiểu hồi tưởng những trăn trở thời chiến
tranh trong đó thế hệ của anh đắm chìm trong bao đêm dài không ngủ! Sự bế tắc
tâm thức con người lúc bấy giờ, biểu hiện cụ thể qua sự phung phí tuổi trẻ cho
một thời điểm đậm nét phi lý, hư vô. Để rồi sau cuộc chiến tranh, bóng tối quá
khứ nhuộm đen quãng đời còn lại của những nạn nhân và chứng nhân cuộc chiến
tranh.”
Rồi truyện mở ra với cả một bầu trời chuyển biến của quê
nhà, trải rộng qua ba hay bốn thế hệ, có lẽ là một trăm năm, từ thời ông Tước
(ông nội của Hiểu), tới ông Xuân (thân phụ của Hiểu), tới Hiểu khi đang dạy học
bị Tổng động viên năm 1972 để trở thành quân nhân biệt phái cho ngành giáo dục ở
Miền Tây. Hiểu chứng kiến cuộc nội chiến qua hình ảnh các nhân vật liên hệ
trong gia đình và trong làng xóm. Ông Tước chứng kiến lính Tây càn quét làng
xóm, đốt làng. Ông Tước và thế hệ của ông trở thành những người hỗ trợ cho Việt
Minh trong cuộc kháng chiến, chống thực dân Pháp, và khi đất nước chia đôi đã ước
mơ sống trong hòa bình. Ông Tước nhìn thấy một số học trò võ năm xưa của ông bị
lôi kéo vào núi để tham gia cách mạng, chống lại nền hòa bình của chế độ Việt
Nam Cộng Hòa tân lập. Ông Tước nhận ra ngay cả sự trụ trì Tâm Quảng của ngôi
chùa Tứ Chánh gần nhà ông lại là người hoạt động bí mật cho bên kia. Ông Tước sắp
xếp cho Xuân vào khu chợ Nha Trang để Xuân không bị lôi kéo “vào núi” hoạt động.
Thế rồi, trong khi kinh doanh xây dựng trong thị trấn, Xuân có vợ bé là một cô
thợ may trong chợ Nha Trang, rồi Xuân dẫn cô lên Pleiku ở, nơi Xuân kinh doanh
thành công với nghề xây dựng.
Dòng sông gần nhà cậu bé Hiểu là nơi ông Ba Đò, người lái đò
bị buộc phải lấy tin cho cả phe quốc gia và phía Cộng quân, mà họ tự gọi là
Cách mạng. Kết cục bi thảm là khi ông Ba Đò bị níu kéo căng thẳng, đã rút khẩu
súng K-54 ông giấu dưới một viên gạch ra tự bắn vào đầu tự sát.
Hiểu lớn dần theo những cuốn sách cậu đọc, và những mối tình
học trò nhạt nhòa. Nhưng phần chính của truyện là dòng chảy của lịch sử. Kể về
ông Mười Sách hành nghề pháp sư, rồi nghi thức thầy pháp kỳ lạ, rồi phát nguyện
từ bỏ nghề thầy pháp, những hình ảnh mơ hồ, khó hiểu của tín ngưỡng dân gian.
Truyện cũng kể về những bi thảm, như trường hợp xã trưởng Thắng bị quân VC nửa
đêm về làng, lôi ra xử bắn.
Và Lê Lạc Giao ghi lại: “Ông Tước quen biết Thắng từ những
ngày phong trào chống Tây và triều đình Huế. Ông kính trọng Thắng vì ông ta là
một trí thức yêu nước, và quyết định của Thắng từ bỏ Việt Minh về thành, ông Tước
không đánh giá phản bội như đám người trên núi. Nhưng ông Tước cũng không để
đám người cách mạng lưu ý cách suy nghĩ ông. Đến hôm nay vì con trai, ông biết
mình bắt đầu một cuộc đương đầu trong bóng tối với những kẻ ông tạm gọi là đồng
chí một thời của mình.”
Trải rộng trong truyện dài của Lê Lạc Giao là các bạn của Hiểu,
những người cùng thế hệ và các thiếu nữ quen thời đi học, từ Nha Trang tới Sài
Gòn. Nơi đây là những hình ảnh gần nhất mà tôi cảm nhận, vì họ là những người
trong thế hệ của tôi.
Như người bạn của Hiểu, say mê làm thơ, từ Miền Trung vào
Sài Gòn học đại học, và quen với Hiểu ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Lê Lạc Giao
ghi nhận: “Ngạc học Triết nhưng chuyên làm thơ và điên cuồng mê thơ. Ngạc bảo có thơ thỉnh thoảng
đăng trên tạp chí Văn học Sài gòn. Ngạc tỏ ra sành điệu ăn nhậu và hôm ấy uống
đến ba chai bia 33 trong khi Hiểu hai chai đã thấy choáng váng muốn về…”
Nhưng tâm hồn thơ mộng của Hiểu đã có từ thời đi học bên các
thôn ven bờ sông Cái. Và cậu học trò vương vấn hình ảnh về mái tóc của chị
Chiêu, như tác giả kể: “Lần về mùa hè năm Hiểu học đệ ngũ, Chị Chiêu đi chợ
ghé cửa hàng mẹ Chanh, và gặp đứa trẻ từ bé đã biết say mê một mái tóc thề mà về
sau trưởng thành, Hiểu cho là biểu tượng quê nhà của một kẻ đi hoang, hay lạc
loài ngóng vọng về những khi cô đơn nhất.”
Tuy nhiên, chị Chiêu học hơn Hiểu vài lớp, trong khi mối
tình học trò đầu tiên của Hiểu là Nhạn. Tác giả ghi nhận: “Hiểu đến trước mặt
Nhạn đặt tay lên vai cô thật lâu. Nhạn
im lặng, vai run lên và Hiểu lần đầu tiên nghe mùi tóc của Nhạn thật nồng và
thơm. Hai người đạp xe về nhà. Đêm hôm ấy trước khi ngủ, Hiểu tự hỏi sao tóc của
Nhạn có mùi thơm nồng nàn quyến rũ như thế!
Rồi thái độ của mình thế nào khi đặt tay lên vai của Nhạn? Mình muốn ôm
Nhạn nhưng không dám. Mình mười sáu tuổi rồi, mình ở vào tuổi đàn ông khi đọc
bao nhiêu sách nhắc nhở như thế.”
Một người tình học trò khác nữa của Hiểu là Cẩm, và nàng đã
được ba mẹ đưa đi du học ở Đức quốc. Kể như là biệt xứ, nhưng hình ảnh lãng mạn
của Cẩm thật khó quên. Lê Lạc Giao ghi lại hình ảnh của Hiểu khi lang thang đường
phố Sài Gòn và nhớ Cẩm: “Hút đến điếu thuốc thứ ba Hiểu ra khỏi Pagode lang
thang trên đường phố Lê Lợi. Anh vào hàng sách cũ, ngồi xuống lục lọi đống sách
báo bày trên lề nhớ lại những ngày đi học. Sinh hoạt ồn ào nhộn nhịp của Sài
gòn cho Hiểu thấy mình ngày càng xa xôi cái ốc đảo hạnh phúc, và có lẽ vĩnh viễn
không bao giờ có lại được niềm an vui từ mối tình với Cẩm, hay những tháng ngày
êm ả trong giảng đường đại học. Hiểu đứng lên lang thang qua các quầy sách cũ
bìa vàng ố màu như tàn tích của một thời quá vãng mà anh từng cho là “nỗi buồn
đau hạnh phúc” mỗi một khi cảm thấy cô đơn. Hiện giờ anh đang cô đơn khi đi qua
quán cơm Thanh Bạch, rạp chiếu phim Vĩnh Lợi nơi từng in dấu hai người yêu nhau.”
Hay là hình ảnh bất chợt của một chiều mưa Sài Gòn: “Nhìn
theo bộ váy ngắn trắng tinh và dáng vẻ cô gái tuổi học trò đệ nhất cấp, Hiểu nhớ
đến cơn mưa bất chợt trên đường Nguyễn Thiện Thuật lúc ấy Hiểu mười bảy tuối và
một cô bé nữ sinh mười lăm tuổi trú mưa dưới mái hiên của tiệm đàn Đức Thắng.”
Và hình ảnh nàng Hải Lan trong tim Hiểu. Lê Lạc Giao ghi lại:
“Hải Lan nhỏ hơn Hiểu hai tuổi, đang học năm thứ hai Luật khoa, là sinh viên
xa nhà ở trọ trên đường Nguyễn Trãi. Cha Hải Lan làm thư ký tòa hành chánh tỉnh.
Là con gái duy nhất, cô muốn trở về quê nhà làm công chức như cha và đang chờ
thi khóa phó đốc sự hành chánh. Hải Lan cho biết nhà hàng Thanh Đình của một
người bạn cha cô, bất kỳ khi nào rảnh cô đều có thể đến làm việc kiếm thêm tiền.
Hải Lan có thể ngồi thu tiền hay làm tiếp viên tùy nhu cầu của nhà hàng. Khi biết
Hiểu đang là sinh viên sĩ quan đi chiến dịch nhưng vốn là một sinh viên văn
khoa xa nhà trọ học như cô, Hải Lan vui vẻ như hai người quen nhau đã lâu.”
Tiểu thuyết “Dòng Đời” của Lê Lạc Giao là một cuốn
phim nhiều góc cạnh. Không thuần túy là truyện kể về ba thế hệ trong dòng lịch
sử quê nhà, nhưng cũng là những ký ức đau đớn và thơ mộng của Hiểu, một chàng
trai không bao giờ già, người trải qua những ngày trưởng thành nơi thôn Bạch
Hoa, nơi bàu Gáo, bên Cầu Đá, bên dòng Sông Cái, ngôi chùa Tứ Chánh… rồi tới
Pleiku, Sài Gòn, Miền Tây và rồi xa rời quê nhà.
Ngòi bút Lê Lạc Giao trong tiểu thuyết này có vẻ như là một
nhân chứng, nhưng chúng ta không nên hiểu chữ này theo một nghĩa pháp lý, bởi
vì những dòng chữ trên giấy đã trở thành những dòng sông chữ nghĩa đang cuộn
sóng ký ức, nơi đó đã cuốn trôi những ngày thơ mộng của các nhân vật, đã vùi dập
ước mơ hòa bình của ba thế hệ, đã xóa nhòa những mối tình học trò rất ngờ nghệch
và khó quên.
Tôi không muốn nói rằng tiểu thuyết này là hư cấu hay sự thật
lịch sử của tác giả. Bởi vì sẽ rất nhiều độc giả tự nhìn thấy mình và người
thân của mình trong tiểu thuyết này. Có thể thân phụ của bạn đã từng gia nhập
Việt Minh thời chống Pháp, và rồi trở thành những người bảo vệ hòa bình cho các
chính phủ Miền Nam. Có thể bạn đã từng học ở Sài Gòn, nơi bạn từng đi uống cà
phê ở quán Hân, quán Bình Minh, ăn tiệm Thanh Đình, và những nơi tương tự như
hình ảnh trong truyện. Có thể bạn cũng từng rụt rè nắm tay bạn gái thời trung học và rồi nàng chợt biến mất… Có
thể ngay trong gia đình bạn cũng có những người thân đứng nơi hai chiến tuyến.
Cả một khung trời ký ức hiện ra trong tâm tôi, theo từng trang giấy của Lê Lạc
Giao. Có lúc, tôi chợt muốn dịch ra tiếng Anh cho thế hệ trẻ đọc. Nhưng rồi tự
thấy mình không kham nổi. Bởi vì, ngay khi viết bằng tiếng Việt, tôi cũng không
viết được như Lê Lạc Giao, và rồi như thế sẽ là lạc điệu, nếu ra sức dịch sang
tiếng Anh.
Tiểu thuyết “Dòng Đời” mang nhiều sức quyến rũ nhất trước giờ
trong văn Lê Lạc Giao. Tôi đọc và tự thấy mình chìm vào, tắm gội trong chữ và
trôi nổi trên các trang giấy. Tôi nghĩ rằng những dòng chữ trên các trang sách
này là nước mắt của thế hệ chúng tôi, những người sinh ra ở Miền Nam vài năm
trước khi đất nước chia đôi, và do vậy bị cuốn vào một cuộc chiến mà cha anh
mình đã từng tham gia trong một hình thức nào đó, bên này hay bên kia, và rồi,
thế hệ chúng tôi lên đường trong các đợt tổng động viên 1972 và 1973.
Lê Lạc Giao đã viết lên một cuốn tiểu thuyết xuất sắc, đẹp rực
rỡ, và cũng rất buồn, như một hình ảnh ghi trong truyện: “Có kẻ ra đi rồi trở
về nhưng cũng có kẻ ra đi mãi mãi. Những dấu chân trên cánh đồng mênh mông ấy hằn
sâu trong lòng Hiểu, cũng như bạn bè anh bao vết thương không bao giờ lành nỗi.
Tuổi trẻ thời chiến tranh làm thế nào thực sự bình yên khi mà chia lìa luôn
luôn đến trước những ước mơ!”
Thế rồi nhiều người trong thế hệ chúng tôi may mắn thoát chết.
Để nhiều thập niên sau, thấy lại một quê nhà hỗn loạn và yêu thương trên các
trang tiểu thuyết Lê Lạc Giao. Một khung trời đau đớn và yêu thương của một thế
hệ rất buồn. Nơi đó, một thời tôi đã trưởng thành từ các góc phố ngập nắng
vàng, một thời đã ngồi học trong các lớp ê a bên những rặng tre, đã lang thang
trên các hè phố thời sinh viên và tự thấy mình như các nhà thơ ưa nổi loạn của
chủ nghĩa hiện sinh. Và là một thời thương nhớ bên một tà áo lụa giữa nắng Sài
Gòn và giữa những dòng thơ viết dở dang.
---- California, tháng 7/2024.