Monday, March 25, 2024

TỤNG CA. MẸ & THẾ GIỚI HIỆN TƯỢNG

Nguyễn Đức Nhân
 
Bóng mẹ

             * tặng anh Nguyễn Xuân Thiệp
 
Trên khoảnh đất nhỏ bé ấy. mẹ
đã xới đất thật tơi
bà đã cấy. đã bón lòng vị tha cho các loại rau xanh tốt
Các món ăn bốc khói. thoảng hương
tâm hồn mẹ
Bằng ánh mắt. nụ cười. mẹ
đã cuốc xới tuổi thơ tôi. thật tơi xốp
bà đã gieo vào tuổi thơ tôi hạt giống yêu thương. vị tha. tri thức
Chẳng bao lâu. tôi lớn. trưởng thành
Dưới ánh bình minh. cả trong bóng tối. tôi
tôi thấu thị các điều kiện của hiện hữu
Bên ngoài. và. bên trong tôi là trường tương tác. tương nhập. thanh lặng. âm
thầm. tôi
vâng. tôi không phải một hình khối. độc lập với thế giới hiện tượng
Tôi. tôi tồn tại trong tiến trình của sinh. và. diệt
thu nạp. và. đào thải
Sinh thành làm điều kiện cho diệt. diệt làm điều kiện cho sinh thành. từng
khoảnh khắc. không
bền vững. tôi
Tôi mỉm cười. mỉm cười một cái tôi hiện tượng
Cảm ơn me
Cảm ơn đất. mưa. gió. mặt trời
Tôi. tôi tồn tại trong cơn lốc xoáy khắc nghiệt của
vô thường
Mẹ đã đi xa
 
Vâng. bà đã đi xa
Những ngày lạnh lẽo. tôi gặp lại bà -- hơi ấm mặt trời
Những ngày oai nóng. tôi gặp lại bà -- làn gió biển khơi
Những lúc đau buồn. tôi gặp lại bà -- những đóa hoa bên đường
Trên con đường dẫn vào khu rừng. vài
chiếc lá vàng đang rơi
Rơi. không lời từ biệt. rơi. không
một lời chia buồn. rơi. không
nghi lễ tiễn đưa về nơi an nghỉ vĩnh hằng
Tôi. tôi mỉm cười
yếu tính Thượng Đế. và. Chân Không Diệu Hữu
Tôi. tôi mỉm cười
Thấu thị
Bây giờ. và. tại đây
 
NĐN
19/3/2024

  

Saturday, March 23, 2024

KHI NGHỆ THUẬT BỊ KIỂM DUYỆT

Phan Tấn Hải
 
Hàng trên, trái: họa sĩ, điêu khắc gia Sikander.
Và các tác phẩm đầy chất thần thoại Hồi giáo có tính đấu tranh nữ quyền.
 
Nói chung, nghệ thuật muôn đời là bị kiểm duyệt. Đó là số phận bất khả tách rời của một tác phẩm. Thời xưa, tác giả có thể bị rơi đầu, thời nay thì bị tường lửa. Trước tiên, một bài thơ, một bức tranh, một pho tượng, một tiểu thuyết, một bộ phim… ban đầu là lựa chọn của tác giả, được chọn lọc để trình bày những gì tác giả tin là đẹp nhất có thể, và nêu lên được nhận thức của tác giả đối với cuộc đời. Người độc giả, người xem tranh, người xem phim sẽ có những phản ứng khác nhau. Và rồi, phía chính quyền, phía dư luận nhà trường, phía các giáo hội… sẽ dòm ngó xem có vi phạm cấm kỵ nào hay không để sẽ phải vùi dập, nếu cần.
Ngay cả tại Hoa Kỳ, những phản ứng cấm kỵ vẫn xảy ra, bất kể Tu Chính Án số 1 là quyền Tự do phát biểu. Có những cuốn sách này vẫn bán được tại các tiệm sách hay trên mạng, nhưng lại bị cấm đưa vào thư viện công cộng nhiều nơi, nhất là tại các tiểu bang bảo thủ. Có khi chỉ vì một lá cờ gợi tới quyền bình đẳng của người đồng tính, có khi vì một huy hiệu có vẻ giống như biểu tượng Đức quốc xã, hay có khi là một chân dung bị cho là bôi xấu một vị giáo chủ một tôn giáo nào đó… Thế là có biểu tình, có cấm kỵ.
Nhưng bản chất nghệ thuật muôn đời là bị rơi vào tranh cãi.  Trên nguyên tắc tại Hoa Kỳ, tất cả các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm hội họa, điêu khắc, tiểu thuyết, phim ảnh đều là quyền tự do ngôn luận được bảo vệ khỏi sự kiểm duyệt của chính phủ theo Tu chính án thứ nhất. Thực tế, chính phủ liên bang có thể cho phép, nhưng chính quyền tiểu bang có thể cấm. Và nếu tiểu bang cho phép, chính quyền cấp quận vẫn có thể cấm. Và nếu chính quyền quận cho phép, một học khu vẫn có thể cấm. Nghĩa là, cái gì cũng có một số giới hạn. Để dẫn ra một trường hợp: tranh khỏa thân có thể triển lãm ở các phòng tranh tư nhân ở Laguna Beach (Quận Cam, Califonria) vì tính nghệ thuật, nhưng sẽ bị cấm ở các cuộc triển lãm tại các thư viện và trường học trong quận.
 
Họa sĩ Shahzia Sikander
Điểm nữa, có những trường hợp ẩn dụ quá siêu hình, có thể bị suy đoán theo nhiều ý nghĩa khác nhau, và sự phân tích nào cũng có thể gây tranh cãi. Thí dụ, trường hợp một pho tượng của nhà điêu khắc AShahzia Sikander bị nhiều người bảo thủ Texas chống đối. Hiển nhiên, không phải vì bản thân cô Sikander là người Hồi giáo. Có thể cũng không nhất thiết vì cô đã từng có lập trường cởi mờ về phá thai, mà cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2024 có thể nhiều phiếu bầu sẽ dựa trên lập trường cho phá thai hay không. Hiển nhiên cô là người đấu tranh cho nữ quyền, nên các tác phẩm của cô được triển lãm tự do ở New York, nhưng rồi bị cản trở ở Texas. Hay chỉ vì đơn giản, Texas là tiểu bang có lập trường chống di dân gay gắt, và Sikander là biểu tượng của một di dân thành công về nghệ thuật ở Hoa Kỳ… Hay chỉ đơn giản nghệ sĩ Hồi giáo này bị chụp mũ là nét sáng tác Satan, kẻ chống Thiên Chúa theo truyện cổ trong Kinh Thánh, là chưa ai nói rằng họ đã từng nhìn thấy Satan. Chúng ta chỉ nêu ra nghi vấn thôi. Câu chuyện thực tế cụ thể hơn.
 
Công nhân đang ráp pho tượng đồng Witness (2023)
của nhà điêu khắc Sikander tại New York, nhưng tượng này bị cấm ở Texas.
 
Bản tin MSN tuần qua ghi rằng một tác phẩm điêu khắc của AShahzia Sikander đang bị chỉ trích sau khi một nhóm chống phá thai tuyên bố rằng tác phẩm này cổ vũ hình ảnh “có tính satan”. Tác phẩm điêu khắc mang tên Witness, nghĩa là Nhân Chứng, thực hiện năm 2023, được nghệ sĩ giải thích là nhằm khám phá mối quan hệ giữa nữ tính và quyền lực.
Pho tượng có hình một người phụ nữ bay lên trên mặt đất (than ôi, phụ nữ mà bay chỉ có 2 trường hợp: hoặc thiên thần, hoặc quỷ dữ), tay và chân của pho tượng nữ nhân biến thành hình dạng giống như rễ cây. Tượng nữ nhân này mặc phần khung (armature) của một chiếc váy vòng có những bức tranh khảm mô tả thực vật. Cô cũng có một chiếc cổ áo bằng ren tương tự như chiếc cổ áo mà Ruth Bader Ginsburg, cố thẩm phán Tòa án Tối cao, đã mặc. Ai cũng biết rằng Thẩm phán Tối cao Ginsburg có lập trường cởi mở về phá thai.
Theo lời điêu khắc gia Sikander, pho tượng này một phần là phản ứng trước việc cắt giảm quyền phá thai trên toàn quốc Hoa Kỳ. Giữa những diễn biến đó, Sikander viết trong một tuyên bố đi kèm với tác phẩm, chỉ ra sự chống đối đối với “tinh thần không biết mệt mỏi của những người phụ nữ đã cùng nhau đấu tranh cho quyền đối với cơ thể của mình qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, sức mạnh lâu dài nằm ở những người bước vào và ở lại trong cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng. Tinh thần và sự can đảm đó là những gì tôi muốn ghi lại trong các tác phẩm điêu khắc.”
Nghĩa là, pho tượng có ý nghĩa nữ quyền như thế. Trên nguyên tắc, lẽ ra, pho tượng sẽ triển lãm vào tuần tới tại Đại học University of Houston ở Texas. Tuy nhiên, một số nhóm bảo thủ không muốn tác phẩm được trưng bày.
Hồi đầu tháng 2/2024, Texas Right to Life (Quyền sống của Texas), một tổ chức tự mô tả là “ủng hộ sự sống” được cho là đã giúp hủy bỏ hồ sơ Roe vs. Wade (cho phá thai với điều kiện) trên Tòa án Tối cao, đã tuyên bố rằng pho tượng của cô Sikander sử dụng “hình ảnh satan để tôn vinh việc phá thai và tưởng nhớ cố Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg.” Tuy nhiên, nó không mô tả hình ảnh satan đó là gì, vì cái gọi là satan muôn đời là cái không được thấy.
Tổ chức này viết: “Sự bất tuân với Thượng Đế hiển nhiên không nên được xã hội coi trọng, càng không nên được ca ngợi bằng một bức tượng. Ngược lại, nghệ thuật phải phản ánh chân, thiện, mỹ: ba giá trị vượt thời gian bộc lộ bản chất của Thiên Chúa. Nghệ thuật không thể có vẻ đẹp nếu không có sự thật. Nghệ thuật không thể có sự thật nếu không có sự thiện. Một bức tượng tôn vinh việc hiến tế trẻ em không có chỗ đứng ở Texas.” Thực tế, không ai thấy sự hiến tế đó. Đây không phải là lần đầu tiên tác phẩm của Sikander gây tranh cãi trên các phương tiện truyền thông bảo thủ.
Hồi năm 2023, đài Fox News đã thực hiện một bản tường trình về việc người dùng mạng X gọi tác phẩm điêu khắc đó là “ma quỷ”. Báo Axios loan tin rằng tổ chức Texas Right to Life đang đề cập đến một tập sách nhỏ về pho tượng Witness do cơ quan Madison Square Park Conservancy xuất bản, đề cập đến các tôn giáo thuộc hệ Abrahamic (như Do Thái Giáo, Ky Tô Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo…) đề cập đến những sinh vật có sừng.
Hiển nhiên, họ nhân danh nhà thờ để chụp mũ nhà điêu khắc Sikander, hễ thấy cái gì có sừng là chụp mũ satan liền. Theo nhà phê bình Aruna D'Souza, trong tín ngưỡng hệ Abrahamic, quái thú có sừng liên quan đến mọi thế lực tà ác, hỗn loạn và hủy diệt, nhưng, “Chuyện ẩn dụ không chỉ của riêng nghệ sĩ: các vị thần và nữ thần có sừng có rất nhiều trong các tôn giáo trên thế giới, từ Ai Cập cổ đại và Hy Lạp đến các khu vực và thời đại khác ở Châu Phi và Châu Âu. Nhưng một lần nữa, Sikander tiết lộ cho chúng ta điều thực sự đang bị đe dọa trong những quan niệm như vậy. Trong câu chuyện sáng tạo trong Kinh thánh, Satan và Eva gắn bó với nhau như con rắn quấn quanh cành cây; phụ nữ là phương tiện cho tội ác, kẻ cám dỗ, công cụ của cái ác. Nhà điêu khắc Sikander coi ý tưởng này, một ý tưởng xuyên suốt rất nhiều nền văn hóa, thời đại và triết lý - về phụ nữ như một mối đe dọa, như một hiện thân của ham muốn không thể diễn tả được, như vết nhơ - và biến sự tiêu cực thành sức mạnh. Eva của nàng, Havah của nàng, đeo những chiếc sừng như một chiếc vương miện như một điểm kiêu hãnh. Nàng hiểu những hình ảnh vô tận về bản thân chính là sức mạnh của mình.”
Tuy nhiên, Đại học University of Houston vào cuối tháng 2/2024 cho biết sẽ hủy bỏ cuộc triển lãm dự kiến của Shahzia Sikander, bất kể rằng các tác phẩm của cô đã triển lãm nhiều tháng qua ở New York.
Nghĩa là, buổi lễ gặp gỡ nghệ thuật và hội thoại với nghệ sĩ được tổ chức nhân dịp khai mạc triển lãm tác phẩm của nghệ sĩ người Mỹ gốc Pakistan Shahzia Sikander tại Đại học University of Houston đã bị hủy bỏ sau khi một nhóm chống phá thai đe dọa phản đối sự kiện này. Trong bản tuyên bố gửi tới tạp chí The Art Newspaper, Sikander bày tỏ sự thất vọng của mình về quyết định này, nói rằng: "Nghệ thuật nên là lời trình bày chứ không phải lời bị kiểm duyệt. Thật xấu hổ cho những ai khiến nghệ sĩ im lặng."
Tóm tắt tiểu sử như sau: Shahzia Sikander (sinh năm 1969, Lahore, Pakistan) là một nghệ sĩ thị giác người Mỹ gốc Pakistan. Hoạt động trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm vẽ, sơn, in ấn, hoạt hình, sắp đặt, tượng, biểu diễn và video. Sikander hiện đang sống và làm việc tại thành phố New York. Sikander học tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quốc gia Lahore ở Pakistan, nơi cô được dạy môn truyền thống về hội họa thu nhỏ Ấn Độ-Ba Tư. Lấy bằng Cử nhân Mỹ thuật năm 1991. Sikander chuyển đến Hoa Kỳ và theo học tại Trường Thiết kế Rhode Island (RISD), lấy bằng Thạc sĩ Mỹ thuật về Hội họa và In ấn vào năm 1995. Là một nữ nghệ sĩ Hồi giáo, Shahzia Sikander thường phải chịu đựng những định kiến trong cộng đồng của mình. Mạng che mặt (loại khăn thường được phụ nữ Hồi giáo đeo) che tóc và cổ và là biểu tượng của cả tôn giáo và nữ tính. Những bức tranh thu nhỏ của Sikander thường đề cập đến tấm màn che, khám phá lịch sử tôn giáo và bản sắc văn hóa của chính cô.
Độc giả có thể tìm hiểu thêm về pho tượng Witness (2023) của nhà điêu khắc Shahzia Sikander đặt tại công viên Madison Square Park ở thành phố New York:
   
Họa sĩ Badiucao
Họa sĩ Badiucao (巴丟草), nếu đọc kiểu phiên âm tiếng Việt sẽ là Ba Đâu Thảo. Tranh của Badiucao là một phần của cuộc chiến vì dân chủ ở Trung Quốc và Hồng Kông, do vậy bị cấm ngặt là chuyện dễ hiểu.
Badiucao sinh năm 1986, là một họa sĩ truyện tranh chính trị, nghệ sĩ và nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc có trụ sở tại Úc. Anh được coi là một trong những họa sĩ biếm họa chính trị nổi tiếng và thành công nhất của Trung Quốc. Anh ta lấy bút danh để bảo vệ danh tính của mình.
 
Họa sĩ lưu vong Trung Hoa Badiucao (trái) và tranh giễu Tập Cận Bình,
sau khi Tập trong tháng 7/2017 ra lệnh tất cả các mạng TQ phải xóa hình ảnh
(và tên gọi ‘Xiaoxiong Weini’) chú gấu Mỹ có tên “Winnie the Pooh” vì tên gấu này
được các nhà dân chủ ám chỉ Tập. (Photo: badiucao.com)
 
Theo Tự điển Bách Khoa Mở Wikipedia, Badiucao sinh năm 1986 và lớn lên ở thành thị Thượng Hải. Ông nội của anh là một nhà làm phim tiên phong, người đã bị đàn áp sau khi cộng sản lên nắm quyền, bị đưa đến các trang trại laogai ở Thanh Hải trong Chiến dịch chống cánh hữu và chết vì đói. Vài năm sau, thân phụ anh trở thành trẻ mồ côi khi bà ngoại anh qua đời trong cảnh nghèo khó vào đêm giao thừa. Cha anh lớn lên nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm và cố gắng học đại học nhưng bị từ chối nhập học vì lý lịch trong mối quan hệ gia đình.
Badiucao không được đào tạo chính thức về nghệ thuật khi ở Trung Quốc. Anh học luật tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Hoa Đông. Anh và những người bạn cùng ký túc xá vô tình xem được bộ phim tài liệu “The Gate of Heavenly Peace” (Cánh cổng thiên đường) sau khi nó được giấu trong một bộ phim truyền hình lậu của Đài Loan. Vỡ mộng với Trung Quốc, anh chuyển đến Úc du học vào năm 2009. Anh làm giáo viên mẫu giáo trong nhiều năm. Phim hoạt hình chính trị đầu tiên của Badiucao là về vụ va chạm xe lửa ở Ôn Châu năm 2011. Câu chuyện này xảy ra ngày 23 tháng 7/2011, hai tàu cao tốc đâm vào nhau ở quận Lộc Thành, Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Một số toa xe của mỗi tàu bị trật đường ray. Các đoàn tàu đang trên tuyến đường sắt Ninh Ba - Thai Châu - Ôn Châu khi tai nạn xảy ra. Theo các truyền thông nhà nước Trung Quốc, có 40 người chết, và ít nhất 192 người bị thương.
Theo một cuộc phỏng vấn năm 2013, Badiucao ngưỡng mộ ba họa sĩ truyện tranh chính trị Trung Quốc khác vào thời điểm đó—Hexie Farm, Rebel Pepper và Kuang Biao.
Badiucao sử dụng tài liệu tham khảo châm biếm và văn hóa đại chúng để truyền tải thông điệp của mình. Anh thường vận dụng những hình ảnh nguyên mẫu từ tuyên truyền của Đảng Cộng sản TQ để đưa ra những tuyên bố chính trị đòi dân chủ. Các họa phẩm của anh đã được Tổ chức Ân xá Quốc tế, Freedom House, BBC, CNN và China Digital Times sử dụng hoặc xuất bản và đã được triển lãm trên khắp thế giới.
 

Họa phẩm của Badiucao để tưởng niệm chàng sinh viên đứng chận xe tăng ở quảng trường
Thiên An Môn năm 1989 để đòi dân chủ. (Photo: badiucao.com)
 
Trong một cuộc phỏng vấn đầu năm 2016, anh nói rằng “Phim hoạt hình và tranh chân dung có thể tạo ra một biểu tượng thị giác thống nhất, có thể giúp truyền bá thông điệp và thu hút sự chú ý liên tục, nhằm tạo áp lực từ dư luận. Có lẽ áp lực này có thể cải thiện hoàn cảnh của những người đang bị cầm tù, cũng như an ủi những người thân trong gia đình những người bị bức hại.”
Badiucao cực kỳ tích cực và thường phản ứng nhanh chóng với các tin tức và sự kiện đang thịnh hành liên quan đến Trung Quốc đại lục, Đài Loan và cộng đồng người Hoa hải ngoại. Ông cũng phản ứng nhanh chóng với các tin tức và sự kiện liên quan đến các quốc gia độc tài khác như Iran.
Năm 2018, một chương trình nghệ thuật về Badiucao đã được lên kế hoạch tổ chức tại Hồng Kông. Tuy nhiên, buổi biểu diễn đã bị hủy vì "lo ngại về an toàn" sau đó do chính quyền Trung Quốc đe dọa nghệ sĩ.
Vào năm 2019, một hội thoại nghệ thuật đã lên kế hoạch nói chuyện với nhà hoạt động dân chủ cũng là nhạc sĩ Hồng Kông Denise Ho tại Phòng Triển lãm Quốc gia Victoria ở Melbourne (Úc châu) đã bị phòng triển lãm giờ chót hủy bỏ vì “lý do an ninh.” Vào tháng 6/2019, vào dịp tưởng niệm trận thảm sát Thiên An Môn, phim tài liệu về Badiucao được chiếu trên truyền hình Úc.
 
Tượng thiếu nữ của Kim Seo-kyung và Kim Eun-sung
Có khi kiểm duyệt nghệ thuật cũng vì muốn chối bỏ một phần lịch sử. Đó là trường hợp chính phủ Nhật Bản gay gắt chống đối một pho tượng gọi là tượng hòa bình, và tượng này đã có bản sao đặt tại nhiều nơi trên thế giới.
 
Hình chụp ngày 7 tháng 1/2012 từ sau tượng: Tượng đồng thiếu nữ giải sầu
nhìn chằm chằm vào Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul. Tượng là tác phẩm của
Kim Seo-kyung và Kim Eun-sung. (Hình Wikipedia)
 
Tên chính thức của tượng là “The Statue of Peace” (Tượng Hòa Bình), đôi khi được báo chí gọi cho dễ nhớ, như “Tượng Thiếu Nữ Giải Sầu” (Comfort Woman Statue). Tượng này là biểu tượng của các nạn nhân của chế độ nô lệ tình dục, được quân đội Nhật Bản gọi “văn chương” là phụ nữ giải khuây trong Thế chiến thứ hai. Tượng thiếu nữ này lần đầu tiên được dựng lên ở Seoul, thủ đô Nam Hàn, nhằm kêu gọi chính phủ Nhật Bản xin lỗi và tôn vinh các nạn nhân. Tuy nhiên, từ đây, sóng gió lan ra toàn cầu vì phía Nhật liên tục phản đối.
Duyên khởi, ý tưởng về Tượng này đã được gợi ý bởi tổ chức có tên là “Korean Council for Women Drafted for Military Sexual Slavery by Japan” (Hội đồng Phụ nữ Hàn Quốc bị Nhật Bản bắt làm nô lệ tình dục trong quân đội). Ban đầu, hội đồng đề nghị dựng một tảng đá tưởng niệm trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul để tưởng nhớ nỗi đau của những phụ nữ mua vui là nạn nhân của chế độ nô lệ tình dục của quân đội đế quốc Nhật Bản. Thế rồi, hình ảnh tảng đá được biến thành tượng đồng. Vào ngày 14 tháng 12/2011, bức tượng đồng được đặt trước đại sứ quán, nhìn thẳng vào cửa. Tượng thiếu nữ được thiết kế bởi hai nhà điêu khắc Kim Seo-kyung và Kim Eun-sung. Tượng mô tả một cô gái mặc chima jeogori (một dạng quốc phục Đại Hàn đơn giản thời kỳ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20), với bàn tay nhỏ và mái tóc ngắn, đang ngồi nhìn chằm chằm vào Đại sứ quán Nhật Bản ở trung tâm thủ đô Seoul.
Bộ Ngoại Giao Nhật Bản đã nhiều lần yêu cầu dọn bức tượng đi nơi khác, nhưng chính quyền thành phố Seoul và đặc biệt là các nạn nhân đã bác bỏ những yêu cầu đó, nói rằng chính phủ Nhật Bản chưa bao giờ chính thức thừa nhận và sám hối về vấn đề cưỡng bách phụ nữ giải sầu. Trên thực tế, chính phủ Nhật Bản đã thừa nhận điều này vào năm 1992. (Theo báo New York Times ngày 14/1/1992, bài viết của phóng viên David Sanger, nhan đề "Japan Admits Army Forced Koreans to Work in Brothels.")
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, năm 2015, Nam Hàn và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận giải quyết vấn đề phụ nữ giải sầu. Là một phần của thỏa thuận này, Nam Hàn thừa nhận thực tế rằng Nhật Bản quan ngại về bức tượng trước đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul và cam kết giải quyết vấn đề một cách thích hợp. Tuy nhiên, chính phủ Nam Hàn lúc đó không hứa cụ thể về việc gỡ bỏ bức tượng ở Seoul. Vào tháng 12/2015, Nhật Bản tuyên bố rằng sẽ không trả 1 tỷ yên tiền bồi thường trừ khi pho tượng bị dọn đi khỏi vị trí của nó ở Seoul. Sau đó, là các bản sao, bức tượng thứ hai được dựng lên ở Busan, một thành phổ cảng Nam Hàn. Nhật Bản sau đó đã triệu hồi hai nhà ngoại giao từ Nam Hàn về và tạm dừng các cuộc đàm phán cấp cao. Nam Hàn cũng chấm dứt thỏa thuận năm 2015 vào ngày 21 tháng 11/2018 và đóng cửa một cách hiệu quả quỹ phụ nữ giải sầu do Nhật Bản tài trợ được thành lập để chi trả cho khoản giải quyết đã thỏa thuận. Nhật Bản khẳng định rằng thỏa thuận vẫn có tính ràng buộc về mặt pháp lý và do đó, việc đặt bức tượng là bất hợp pháp.
Từ đó, nhiều bản sao bức tượng được dựng lên ở các cộng đồng đông dân Đại Hàn, như tại Melbourne (Úc châu), tại Berlin (Đức quốc), tại Palisades Park (tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ), và nhiều nơi khác. Dĩ nhiên, không bao giờ tượng này vào được lãnh thổ Nhật Bản. Tượng này đầu tiên đặt tại Hoa Kỳ là ở thành phố San Francisco, nơi lúc nào cũng có các nghệ sĩ nổi loạn. Sau khi một tượng mô phỏng (tượng này đứng, không ngồi như bản gốc) được khánh thành ở San Francisco, chính quyền thành phố Osaka (Nhật Bản) đưa ra tuyên bố năm 2018 chấm dứt mối quan hệ kết nghĩa-thành phố kéo dài hàng thập niên.
 
Một bản sao tượng thiếu nữ giải sầu đặt ngoài trụ sở
hội Korean Society of Victoria tại thành phố Melbourne, Úc châu.
Chiếc ghế trống để bất kỳ ai muốn ngồi vào chụp hình để chia sẻ cảm xúc.
Hình chụp ngày 18/5/2020. (Hình Wikipedia)
 
Tới đây, chúng ta thấy rằng, chuyện kiểm duyệt là chuyện muôn đời của nhân loại. Trừ khi tất cả những xung đột biến mất. Kiểm duyệt có thể vì lý do tôn giáo, vì thánh chiến, vì nguyên tắc sống, vì ước mơ dân chủ, vì những vết thương lịch sử chưa hàn gắn, và cũng vì đủ thứ lý do khác trong đời. Các cụ mình hồi đầu thế kỷ 19 dạy rằng “Đàn ông chớ kể Phan Trần” bởi vì truyện Phan Trần, viết theo thể thơ lục bát, dài 954 câu, soạn từ giữa thế kỷ 18 đã kể chuyện chàng trai Phan sinh tương tư người yêu đến nỗi toan tự tận, tức là quá nhu nhược và ủy mị. Hay là, chuyện này là trực tiếp mà người nào cũng nhận thấy: bao giờ Hà Nội chịu xóa sổ bức tường lửa đang ngăn cản độc giả từ Việt Nam vào đọc các trang báo hải ngoại, như Việt Báo? Kiểm duyệt như thế sẽ chỉ làm thiệt thòi cho quê nhà thôi.
PTH
 
 

Sunday, March 17, 2024

THỤY KHANH. BUỒN XƯA ĐÃ HẾT

Đặng Mai Lan
 
Thơ Thụy Khanh
 Tranh bìa Đinh Cường (An Tiêm 1992)
 
Buồn xưa bây giờ có còn buồn không?
Câu hỏi đã lan man trong đầu tôi khi hay tin chị mất.
Buồn Xưa Bây Giờ là tựa của một tập thơ. Bây giờ là khoảng thời gian nào? Đã qua chưa hay vẫn là hiện tại, vẫn mãi là những nỗi buồn của người tạo ra nó. Phải chăng tác giả muốn nói rằng nỗi buồn sừng sững đó, không thể phôi phai dù bất cứ lúc nào, ở đâu? Tại sao lại phải như thế?
Đã có lần tôi viết về chị. Một người tôi quen từ những ngày mới bước chân vào thế giới văn chương và thân thiết cho đến bây giờ dù tuổi tác chúng tôi cách nhau khá xa.
Đáng lý tôi sẽ viết nhiều hơn nữa, không chỉ để nói về những cuộc vui của chúng tôi. Những đêm khuya khoắt, ngồi bên nhau trong lòng xe, băng qua những con đường ngoại ô tít tắp, vắng lặng. Chúng tôi đã đuổi theo ánh sáng của vầng trăng trước mặt, hay những đám mây mù mờ chở đầy bóng tối cùng dư âm vọng lại từ một cuộc vui đầy những tiếng cười thú vị… Hay những buổi sáng ngồi bên tách cà phê trong căn bếp ngó ra khu vườn rộng. Vườn rộng, nhưng chỉ rải rác một vài chậu hoa còi cọc. Đó cũng là một nỗi buồn. Khung cảnh và những ngóc ngách của mảnh vườn nhà chị cũng là nơi ít nhiều tôi mang vào cõi viết của mình và chỉ một mình chị hiểu.
Vâng! Đáng lý tôi phải viết nhiều hơn nữa.
Nhưng điều tôi muốn viết là một cuộc đời, mà tôi nghĩ dù thế nào cũng vẫn cần ghi lại. Đời của một người con gái tài-sắc mà hồng nhan thanh xuân ngày đó đã làm say đắm biết bao người. Với tôi, cuộc đời đó như một bức tranh lập thể được lộng kiếng. Mặt kiếng không vì một nguyên nhân nào, tự nó đã có những vết trầy xướt. Có thể ví chúng như những vết thương, những thương tích định mệnh phải có nơi một đời sống thực và chúng không bao giờ giống nhau. Những hình thể, màu sắc trong tranh luôn làm tôi rung động. Nhưng tất cả những gì ẩn chứa nơi những mảng màu tối nhiều hơn sáng ấy, là những riêng tư, bất khả xâm phạm. Tôi tôn trọng không dám đến gần tìm hiểu, hỏi han vị chủ nhân của nó. Tôi chỉ đứng xa nhìn ngắm.
Nên đã bao lần tôi khuyên chị hãy viết về mình.
 
Từ lúc quen chị, tôi nhận ra cuộc sống chị là những hẹn hò, hẹn với thời gian. Chị mong muốn sẽ thực hiện điều này, điều kia khi xong việc này, việc nọ mà thời gian luôn có những bất ngờ. Tôi không tin thời gian. Thời gian có phép mầu hoán đổi những trật tự của đời sống mà con người đã sắp xếp, dàn dựng. Sự bội bạc của thời gian nhiều hơn lòng chung thủy.
Chớp mắt, tuổi trẻ của chúng tôi đã qua đi. Những nhịp đời chậm lại.
Chúng tôi gặp nhau càng ngày càng ít. Điện thoại mỗi lúc mỗi thưa thớt hơn. Nhưng có dịp tôi vẫn khuyên chị viết. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ người viết văn có lẽ ít khi làm được những bài thơ hay. Hai phạm trù văn-thơ khó cân xứng nơi một nghệ sĩ. Là một thi sĩ và chỉ xuất bản duy nhất một thi tập, tôi vẫn tin chị sẽ viết được, viết hay như những bài thơ xuôi của chị từng làm tôi rung động khi đọc.
 
Thi tập "Buồn Xưa Bây giờ" được những cây viết tên tuổi như cựu luật sư Trần Thanh Hiệp, nhà văn Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An, Ngọc Khôi, Đoàn Đức Nhân và Vĩnh Đào viết bài giới thiệu. Những bài thơ cũng đã mang bao cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ sáng tác. Nhưng tập thơ ra đời khi chưa có mạng lưới thông tin toàn cầu. Tác giả đã không nghĩ đến việc giới thiệu lại tác phẩm của mình qua những trang mạng điện tử như hiện nay. Vì vậy, ngoài những thân hữu, văn hữu yêu mến chị, tập thơ có lẽ ít được biết đến.
Hơn ba mươi năm, tập thơ dường như đã đi vào quên lãng. Bây giờ, cầm trên tay, giở từng trang đọc lại, tôi thực sự buồn-bã ăn-năn. In ấn vào thời buổi này đâu có gì khó khăn. Tại sao trước đây tôi không nghĩ chuyện khuyến khích, giúp chị tái bản, phổ biến lại tập thơ?
 
Ta mang hồn phiến cỏ
một đời hoài ăn-năn
những mùa xuân xưa đó
mù bay như khói sương
 
Đã mất về nơi đâu
những lời xưa chiêm-bao
mà hương gây nỗi nhớ
giờ ngỡ-ngàng trông nhau
 
Ôi ánh mắt thiên-thần
sáng trong niềm chờ mong
nét môi mềm vụng dại
vùng tóc là mây hoang
 
Nỗi buồn xưa trở lại
trên ngày tháng muộn phiền
tóc tơ vàng đá cũ
xanh-xao hoài dáng em
 
Trời mưa bên ấy không
xa rồi người tình chung
xưa hoàng-y rực rỡ
Sao nhung gấm bụi hồng
 
… Đó là những câu thơ trong bài Buồn Xưa, Bây Giờ mà chị đã dùng để làm tựa cho thi tập. Phải chăng bài thơ này là một bài tâm đắc của tác giả? Tôi không tin như thế. Bởi vì Thụy Khanh còn có những bài thơ mà chữ nghĩa trau chuốt, bóng bẩy hơn bài thơ này. Những con chữ vẽ lên bao hình ảnh thơ mộng trữ tình, thoảng chút hương xưa tiền chiến hay bàng bạc âm điệu cổ thi. Và phải chăng những câu chữ giản dị mới có thể lột tả được tâm tư tình cảm của tác giả?
 
Hầu như mỗi năm, chúng tôi đều đi dự văn nghệ Tết do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris tổ chức. Năm nay tôi không thấy chị, tôi nghĩ có lẽ chị bận. Tôi dặn lòng sẽ gọi điện thoại thăm chị. Tôi nào biết chị đang nằm bệnh, đang chống chọi với tử thần.
Tôi nhớ lại lần cuối chúng tôi trò chuyện qua điện thoại. Chị rất vui, chị đang chờ đợi một ngày vui trong bao số ngày đã lỡ lầm đánh mất. Còn tôi, chỉ là người được chị chia sẻ nhưng tôi cũng háo hức đợi chờ như chính tôi là chị. Tất cả cũng nằm trong một hứa hẹn tùy vào ngẫu hứng của thời gian. Tôi mong thời gian sẽ ưu đãi chị hơn bất cứ lúc nào. Lời cầu mong của tôi có đến được với chị không? Tôi tiếc là đã không còn cơ hội được biết để chia sẻ buồn-vui cùng chị.
 
Nhắc đến chị, dường như trong trí nhớ mỗi người không phải là một Thụy Khanh thi sĩ mà là hình ảnh một Thụy Khanh của âm thanh, đàn, sáo. Quả tình ngâm thơ cũng như ca hát. Chị có một giọng ngân nga luyến láy đầy cảm xúc, dễ làm rung động tâm hồn người thưởng thức.
 
Hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ lấy được những gì
về bên kia thế giới
ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi và tình ơi (1)
 
Tôi thích nghe chị hát bài này và tôi cảm thấy chị hát hay hơn những ca khúc khác, có lẽ vì chữ "Thụy" trong bài.
 
Thụy bây giờ về đâu?
 
Con đường ngắn có những ngôi nhà đóng cửa, ánh điện vàng hắt ra trong đêm.
Con đường sẽ đem ta đi xa hơn trong mịt-mùng đắm-mê, khi điệu đàn vẳng lên đâu đó, khi cánh tay anh quàng lên vai em, cho những lá me viết trang tình-sử.
Con đường là nỗi nhớ, niềm cô-đơn, một thoáng buồn như ngày mồng một Tết, là tiếng hát ăn- năn cay xé cả đời mình.(2)
 
Đừng hát nữa những lời ăn-năn cay xé! Mong chị thanh thản ra đi, về với quê nhà, đường xưa phố cũ. Về lại con đường Trần Quý Cáp thuở nào của người em phi hành (3) môi hồng mắt biếc. Nơi cõi thiên thu ấy buồn xưa sẽ quên. 
 
Từ trái sang phải: Đặng Mai Lan, nhà văn Kiệt Tấn,
nhà thơ Thụy Khanh và luật sưTrần Thanh Hiệp
(Paris tháng 5/2004)
 
(Tưởng niệm nhà thơ Thụy Khanh 1943 – 2024)
 
1/ Khúc Thụy Du (Anh Bằng – Du Tử Lê)
2/ Con Đường Lá Me Bay (Thụy Khanh)
3/ Người Em Phi Hành (Thụy Khanh)
 
ĐẶNG MAI LAN
(Paris 15/ 3/2024 - ngày tiễn đưa Thụy Khanh về cõi thiên thu)
 

Saturday, March 16, 2024

TIẾNG HÁT THU VÀNG

Huy Tưởng
 
 
Từ khi Thu Vàng xuất hiện trở lại trên một vài chương trình giao lưu hoặc của các tổ chức văn hoá của nhiều nhóm thân hữu, đã được thính giả khắp nơi đón chào nồng nhiệt như vừa tha thiết mà trân trọng những vang vọng ngọt ngào từ một dĩ vãng gấm hoa nào đó…Những gấm hoa ấy thuộc về những đàn chị như Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương,…mẫu mực & điêu luyện trong thuở sớm mai của nền Tân nhạc Việt.
Có nhiều nhận xét xa & khắt khe quyết đoán hơn, cho rằng tiếng hát Thu Vàng chỉ là cuộc tiếp nối tiếp theo các đàn chị trên !? Tôi hoàn toàn không thuận ý, & cho rằng, Thu Vàng có chất giọng tương đối gần với một vài đàn chị nhưng cảm thụ âm nhạc tươi tắn & tân kỳ hơn, Chị có nghe thật kỹ về kỹ năng luyến láy, phát âm & vẽ chữ của một ThaiThanh, hoặc sắc sảo mà sâu lắng của một KimTuoc, đến sự nền nả rất đàn bà của một MaiHuong, & nhiều hơn nữa. Và Thu Vàng hát, không phải theo một ai cả, hát để như lưu giữ những kỹ năng căn cốt của thanh nhạc, với một cảm thức & xúc cảm hoàn toàn riêng biệt, mới mẻ. Chị hát như chiết lọc những tinh hoa mà chị hằng ấp ủ, hằng chưng cất, cũng như từ rất xa xưa của truyền thống gia đình, của đam mê giằng giặc, của khát khao âm ỉ,…
Thu Vàng hát, một mình một cõi , vang vọng nỗi trầm tư trong lòng người xa vắng…
HUY TƯỞNG

  

Tuesday, March 12, 2024

NHỮNG CHIỀU ĐÔNG CUỐI NĂM

Khê Kinh Kha
 
Lá bàng mùa đông
 
những chiều đông cuối năm ngồi nhớ quê hương
nhớ vắt cơm nếp nhớ cọng rau thơm nhớ vị ớt cay
nhớ mùi trầm trên bàn thờ ngoại
nhớ mẹ cha mắt mờ theo ngày tháng
nhớ em thơ từ cay đắng lớn lên
nhớ chị hiền theo chồng ra biên giới
nhớ họ hàng bỏ làng xóm ra đi
 
những chiều đông cuối năm ngồi nhớ quê hương
nhớ bạn bè đã chết nhớ những thằng còn sống
những thằng mặc cảm những thằng còn cầm súng
 
và nhớ Tĩnh nhớ Thục nhớ Phượng nhớ Sai-gòn
nhơ’ Huế
 
những chiều đông cuối năm ngồi đốt thuốc tư lự
trên cành khô mùa thu nào đã chết
loài chim nào đã bỏ đi tình yêu nào đã vắng
nỗi hờn nào đã băng gía trong tim
kỷ niệm nào theo về trong lối gío
kỷ niệm nào vang vang lời tình xưa
kỷ niệm nào còn khua động trong hồn
 
những chiều đông cuối năm ngồi mong đợi
mà đã mong đợi hơn hai mươi năm
một cuộc tình êm dịu một ánh mắt trong
một nụ hôn một vòng tay một an ủi một sự thật
một hòa bình
 
những chiều đông cuối năm ngồi mặc niệm
những lãng phí nửa đời để lại lệ xót
và bây gìơ còn lại nỗi buồn trong mắt sâu
KKK

  

MỘT LẦN

Huỳnh Liễu Ngạn
 
Thiếu phụ bên sông. Tranh Mai Trung Thứ
 
thôi hoàng hôn một vầng trăng chưa tỏ
em đi rồi khóe hạnh có kề vai
mà mộng cũ cứ vờn qua khung cửa
một nỗi đời sự việc đã hôm mai
 
còn gì nữa mà ngồi mơ thuở nọ
thuở đường đi không mong đợi những gì
thế là hết ngã ba chia ngã bảy
ngã của đời xếp lại mấy tà huy
 
rồi cứ hẹn đường xưa chưa về kịp
bởi biết về cũng khó xử như xưa
ai ngõ đợi tơ vương mà ngân giọng
còn gì không tôi lên tiếng dạ thưa
 
thôi xin hẹn mấy lần thôi cũng hẹn
em đi hoài khóe hạnh có liêu trai
mà sự việc của hôm mai hôm mốt
hơn một lần thế sự cũng trầm phai.
 
HLN
1995
 

Sunday, March 10, 2024

RẮP TÂM ĐẰNG HẮNG MỘT PHÁT RẤT ĐIỆU!

Vương Ngọc Minh
 
Music of The woods. Vladimir Kush
 
phân biệt giới tính
chả bao giờ
có trong suy nghĩ
của tôi/vừa cắm xong bình bông
to tổ bố-thì xướng lên "mày!"
một con quạ sà xuống (tứ trụ còn vững!)
 
phải nói-tôi khá thoải mái
khi làm việc chung với phụ nữ
phụ nữ có tính cổ điển
càng thích/yah
có nhẽ
do họ ưa chăm chút các tiểu tiết
..tỉ dụ ưa hỏi "anh ăn chưa?"
 
tôi ngẩng mặt lên
thấy mẹ già
có cả em thơ
đứng cạnh cửa buồng/ba đình
nom-cực thâm u
 
mẹ già nhiếc "vì sao mày đi lâu đến vậy
mày đã làm gì
hở con?"
em thơ nói ""con đang tưởng bác đã ra ma!"
bà liền bảo em thơ "mày không được tưởng
thế nhá.." day qua tôi "hãy về con ạ
về/còn tính chuyện đào mồ
cuốc mả!"
 
"vâng ạ!
..con đi ngay giờ!" tôi đáp
cúi gằm mặt
 
-ối
còn thấy trong đôi mắt trắng
đục/gần lòa
của mẹ già
dường
vẫn dò (đoán!) chuyện hư
thực-ngay cửa miệng em thơ
còn hột cơm
 
xem những gì
thực sự đang ẩn náu nơi cuống họng
và tôi có thật không?
 
nói mãi
rồi-cạn tâm/trí
nhưng tôi vẫn tiếp tục vô giới hạn vào các mục đích
chưa giải quyết
 
..thử dùng rắn hổ mang ngâm rượu
hòng cho hai mắt sáng rực
lưng hết đau-thậm chí co
duỗi
hai chân liên tục
 
quái quỉ
dù chả kiếm ra đồng cắc
hòng thủ thân
tuy nhiên/ở đời
tôi vẫn đéo bỏ tật chơi dai!
..
VNM

Saturday, March 9, 2024

NĂM BÀI THƠ

Nguyễn Đức Nhân
 
Bông trúc đào
 
VẾT NỨT
 
Trên bức tường. chỉ có
ánh sáng biết rõ độ sâu. và. ngôn ngữ của
vết nứt
Tâm hồn bạn. không
hữu biên. không vô biên. tự chiếu sáng. không vết nứt
Bạn. hãy hân hoan tặng cho tâm hồn mình
một đóa hoa
Ô! đẹp biết bao
đóa hoa dại bên đường
cánh hoa long lanh
Không kiềm chế. bạn hét lên:
-- Ồ. mặt trời. và. đại dương!
 
 
Ở CUỐI HÀNH LANG
 
Ở cuối hành lang tâm hồn:
một khung cửa hẹp
một lọ hoa
 
Qua khung cửa hẹp
lời nói có thể trốn thoát sự truy lùng
Lọ hoa
 
không bao giờ
đứng ra làm chứng
Nó. tận hiến Cái Đẹp giữa ánh sáng
 
 
PHÁT HIỆN. SỰ THẬT
 
Lời nói của bạn
để lại dấu chân vô hình của nó. trên mặt đất. trên cát
và. trong tâm hồn đang phản ứng của đám đông
Ánh mắt của bạn
để lại dấu chân vô hình của nó. trên lá. trên hoa
và. trên gương mặt bộc lộ thái độ của tha nhân
Tuyệt nhiên
không tìm thấy đấu vết thính giác của bạn
bất cứ nơi đâu
ngay cả trên bầu trời đỉnh ngọ
Đó là sự mầu nhiệm. nội tại. vĩnh hằng
không kẻ cho. người nhận
Bình đẳng
giữa Bạn và Thượng Đế
 
 
KHÉP CỬA. MỘT NGÀY NẮNG XANH
 
nắng mai xanh -- xanh màu mắt trẻ thơ -- bắt đầu
từ hơi gió trong họng chim đang hót
búp lá non đang viết gia phả các thế hệ lá vàng rơi nhiều năm trước
đóa hoa tường vi cất giấu mối tình sơn nữ
phía sau sương mù là nụ cười và đôi môi đỉnh đạc
và câu hỏi đang thai nghén chờ sinh nở câu trả lời
 
đừng vội kết luận
đỉnh núi sẽ nứt nẻ bóng hoàng hôn
đừng vội phủ nhận
dòng nhựa nguyên đang lưu chuyển trong mệnh đề
những mẫu tự nẩy mầm trên trán bài thơ
 
lão xà ích quất roi vào mông ngựa
nắng chiều đau rát
té ngả trên sườn dốc dẫn đến đám mây sặc sỡ
chim đại bàng bay lượn tìm
bộ sưu tập ảnh những con thú nhỏ
quyển sách ấy
ai giấu trong búp lá non
bướm và ong bay tìm mùi hương lạ
nhớ về đồng lúa xanh quê cũ
quên hình bóng cánh cò năm xưa
cỏ giận dữ
 
hoàng hôn khép ngực
ngày đã cạn
hãy chờ đợi
tiếng chuông sẽ quay lại vẽ lộ trình của âm thanh
 
 
CỔ THỤ
 
Những người cao tuổi
không ai biết
nó hiện hữu từ bao giờ
Trên tán lá già cằn. tôi thấy
 
dấu chân của đôi vầng nhật nguyệt
Những chiếc rễ quái dị. ngoằn ngoèo. bò trên mặt đất. tôi thấy
giống dòng. tông chủng. tổ tiên tôi
Lớp da dày. sần sùi. bạc màu rêu mốc. bong tróc. tôi thấy
nếp nhăn lịch sử của đất nước tôi
Ánh mắt tôi no nê bóng mát
Tôi rời đi
những chiếc rễ nhỏ. vô hình. ôm lấy
trái tim tôi
NĐN
2024