Saturday, November 26, 2022

26 TÂY

Vương Ngọc Minh
 
Woman-Ochre. by Willem de Kooning. 1955
 
không biết từ khi nào
tôi bị mắc chứng cuồng hút bụi
không một chút bụi vẩn
nào
 
trên thảm
 
vẫn cứ bật máy hút bụi
đè lên thảm - lùng
sục
khắp căn buồng
cái máy hút bụi
giờ đây
nom hệt con chó nghiệp vụ
 
tối hôm qua
gần cô
trên nguyên tắc - đi vào cô
bao giờ cô cũng đều buộc
tôi
phải bọc bao cao su từ đầu
đến cuối
 
có được hơn ba giờ
xé rào/ không đeo bọc cao su
người tôi lâng lâng
lúc cô gặm đầu dương vật
và liếm dưới lườn
tôi nói khẽ là cô hãy cùng lúc
mân mê nó
 
với nhiệt tình
một cách thái quá - tôi cứ đi dây
giữa tiếng ồn tủ lạnh lúc ngắt
lúc chạy
với từng đám mây
từ giấc mơ ban đêm
 
mồ hôi
lúc nào cũng túa
ướt khắp người
 
tôi biết- chỉ cần vươn tay sờ
nắm
bầu vú
tức thì sẽ nghe chuỗi tiếng thở
y hệt của loài chồn cái
cùng tiếng động của quả tim
trộn cùng mùi nhục dục dưới nách cô toả ra
 
không lẫn vào đâu
tôi
hầu như luôn cảm thấy
được bao bọc
một cách tuyệt đối
do công việc thường xuyên hút bụi mang lại
 
quái quỉ
nó khiến tôi vui vẻ
nhiều bận cơn ham muốn xác thịt xảy
đến - trong lúc hút bụi
tôi bỏ mặc
không màng đếm xỉa
xử lý nó
 
lúc vùng hông cô
chuyển động - liên tục
hai bầu vú cô căng
cao
thêm nữa
tôi nhìn thấy cô quả đang thực sự thích thú
 
nhắm hai mắt thả cho thân thể co
giật
áp miệng vào bầu vú cô
mịn
hít lấy hít để mùi mồ hôi - ôi chao
tôi lại có cảm giác
mình như con cá đang cắm mặt
nhìn vùng nước sáng loáng
dưới đáy sông hồng
 
thời gian này tôi thường xuyên gặp
bác sĩ tâm lý
sau khi bác sĩ xác quyết tôi bị mắc chứng
cuồng hút bụi
 
tôi bỏ hết thời giờ - ngày
tối
vô công việc hút bụi
như một cách dịch
chuyển
về kiếp trước!
..
VƯƠNG NGỌC MINH.
 
 
 

Monday, November 21, 2022

MÙA THU CHẾT*

Duyên
 
Adieu d’ Automne. acrylic on canvas.
tranh duyên. 11.2022
 
ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
em nhớ cho mùa thu đã chết rồi *
 
đi về phía mặt trời…
sau lưng. mùa thu đang ửng đỏ
lá xôn xao
gió hiu hiu lạnh
lá vàng tươi, tô điểm dặm đường xa…
Thu yêu kiều, ráng Thu rực rỡ
bừng sống hết lòng
trước phút phân ly
Thu đẹp não lòng, sao Thu buồn quá!
khi đông về. ngày thật gần…
chôn lấp cả mùa Thu.
 
đi về phía mặt trời…
bỏ lại sau lưng rừng Thu vàng, óng ả
gió se lạnh. thu năm nào
quyến rủ, Thu xưa
lá đỏ. lá vàng…đẹp ngỡ ngàng
mỗi độ sang Thu
lá vàng ơi. dặm đường xa. có mỏi
Đông bên góc trời
xám ngắt. chờ
xoá bỏ mùa Thu
người lênh đênh. bên đời
như chiếc lá thu chao trong gió
có mùa Thu nào, quên
ẩn dấu một mùa Đông.
 
trở về. sân nhà ngập lá
phủ kín lối đi…
cây ginko vườn sau trơ cành. gầy guộc
sót lại. vài chiếc lá trơ vơ
thềm lá vàng
chất chồng lên nhau, chen mầu nâu, đỏ
đẫm ướt dưới mưa đêm
cố giữ hơi ấm cho nhau…
ngày tàn thu
tối nhanh. đêm rất lạnh
nhặt vài chiếc lá nhàu nhĩ
nhủ thầm
thôi. muộn màng rồi
bookmark ginko
canvas. còn nguyên. mầu nắng.
 
ngày cuối Thu buồn tênh…
vầng trăng chưa tỏ
bóng những chiếc lá
thoi thóp trong đêm
sẽ vùi chôn theo…
mùa Thu chết!*
 
DUYÊN
10.30.2022
 
*Mùa Thu Chết, thơ Bùi Giáng phỏng dịch theo bài thơ L’Adieu của Guillaume Apollinaire, Phạm Duy phổ nhạc.
tiếng hát Julie:
https://youtu.be/iadWZHJwBCI 

ĐỢI CHỜ

Hoàng Xuân Sơn
 
Tranh Đinh Cường
 
Chúm chím môi            lâu
cười
cũng mỏi
 
Anh còn phơi áo
giữa vân mòng
 
Vàng chiều mưa
                                giạt nghiêng
                                                        vào nắng
 
Chợt
lóe bất ngờ
một ánh sông
 
H O À N G X U Â N S Ơ N
2017

 

Sunday, November 20, 2022

TIẾNG HÁT TẠ ƠN

Lê Chiều Giang
 
Tranh Nghiêu Đề
 
Dù xa xôi cách trở đến đâu, điều ước mơ duy nhất là mong gặp lại Chị. Tôi biết, ở một góc trời nào đó, Chị cũng thường nhớ và ao ước như tôi. Đời sống, chợt có những ra đi biền biệt không ngờ, như một tiếng hát vút bay, rồi mất tăm trong gió.
 
Tuổi nhỏ tôi quấn quít, líu lo bên nhà Chị nhiều hơn với Mẹ. Chị giải dùm tôi những bài toán khó, sửa lại những câu văn ngớ ngẩn và còn giúp tôi nhớ tên nhiều nhân vật trong những bài sử dài lê thê…
Giọng nói Chị vừa dìu dặt, vừa ấm áp. Đặc biệt Chị hát rất hay, khi hát cổ Chị ngước cao với mắt nhìn chìm đắm. Chị đẹp, nhan sắc óng ánh của một loài chim quí, Chị học Văn Khoa khi tôi còn lẽo đẽo lớp tám.
Tôi nhỏ xíu trong lứa tuối nhõng nhẽo dễ thương, Chị bao dung cười khi tôi lằng nhằng vòi vĩnh…
Nhân vật Chị yêu thương. Tài hoa, đẹp, và bạt mạng. Tôi thích Anh, một phong cách giang hồ mỗi lần ngồi với guitar, đàn theo tiếng Chị hát. Khán giả duy nhất là tôi, rưng rưng bên dòng nhạc mơ màng. Những giấc mộng của tôi như đã mơ hồ vói theo cùng tiếng hát mênh mang, vời vợi… Tôi hát theo và nhận ra giọng mình cũng ngân vang, thanh thoát.
Không hát về Chú Cuội, Hằng Nga. Tôi mê nhạc Phạm Duy với những lời ngọt ngào, xa vắng. Đôi khi Anh cũng nương tiếng đàn theo giọng hát non nớt, bé bỏng của tôi và Chị thường khen như một lời khuyến khích.
Lên tới lớp mười, Ba Mẹ bắt tôi ở nhà học với một cô giáo dạy kèm, thay vì tìm cớ sang nhà Chị, lo đàn hát và tíu tít vui chơi nhiều hơn bài vở.
Chúng tôi chỉ còn gặp nhau mỗi ngày cuối tuần và đặc biệt, tôi rất ít được gặp Anh, bởi Anh không tới nhà Chị những ngày chủ nhật.
 
                                                      ************
Khi thấy Anh đứng trước cổng trường, tôi vui mừng chạy tới, cứ như mình chờ đợi đã từ rất lâu.
Anh nói muốn đưa tôi về. Chẳng thắc mắc, tôi vén vạt áo dài ngồi nghiêng trên Vespa và véo von cười nói… Lạ lùng, chúng tôi không hề nhắc tên Chị.
Lần thứ hai, rồi thứ ba và những lần sau nữa…
Anh chờ tôi trước cổng trường đã thường xuyên mỗi ngày. Tạo cho tôi một thói quen, ngồi học mà chỉ mong cho thời gian mau hết, mong giờ nghe tiếng chuông tan.Tôi bắt đầu điệu đà, xoa lên môi chút son nhạt, đ̣ể khi gặp Anh, mắt tôi cùng môi hồng cười vui, lúng liếng.
Những ngày mưa, trong lớp học nhìn ra sân trường, gió thổi tung bay ngàn lá rụng. Tôi cầu mưa ngưng rơi, hay chỉ còn chút mưa nho nhỏ, để tôi sẽ úp mặt mình sát vào lưng Anh, trốn ướt...
Rất khó định nghĩa về tình cảm của Anh và tôi là gì? Lập luận như một sự bao che cho cả hai, tôi nghĩ Anh xem tôi như một cô em bé nhỏ.
Thiên hạ bắt đầu những xúc cảm bằng mắt, qua dáng vẻ hấp dẫn, đẹp bên ngoài. Có khi rung động bởi thính giác, để xao xuyến, nhớ hoài một giọng nói êm đềm, trìu mến…
Với tôi, là những mùi hương.
Tôi đã chợt nhớ thiết tha chút mồ hôi trên áo Anh nồng nồng, mằn mặn. Khi chiếc xe lao đi, chợt ngưng lại gấp gáp, mũi tôi chúi vào lưng áo Anh... Là khi tôi bàng hoàng, nhận biết điều mê đắm.
Tôi tránh gặp Chị mỗi cuối tuần bởi mặc cảm nói dối. Dù tôi chẳng làm gì sai trái, chỉ thích được ngồi sau lưng Anh, thở với hương thơm từ lưng áo âm ẩm ướt, ngai ngái chút mê man như có ẩn chứa nhiều điều bí mật… Khứu giác, một tín hiệu chân thực, tín hiệu không cần tiếng nói, tín hiệu tuyệt vời, dù lặng câm.
 
Anh nói với tôi đã chẳng còn gặp Chị. Không vớ vẩn hỏi tại sao, nhưng lờ mờ tôi đoán thủ phạm phải chính là mình.Thoáng chút ân hận, biết Chị đang mong chờ Anh trong khổ đau, buồn bã. Tôi nghĩ sẽ tránh mặt, tự hứa không bao giờ gặp lại Anh nữa.
Nhưng tôi cứ quấn quít theo gió sau lưng áo Anh, cùng với hương nồng quen thuộc. Tôi đã áp sát tóc trên áo, để đêm về mê muội, hít hà trên tóc chút thơm tho còn vương vất…
 
Hôm Chị sang nhà thăm Ba Mẹ. Tôi ngờ ngợ chút xấu hổ, nhưng vẫn vờ líu lo… Chị hẹn gặp tôi chiều mai, trong buổi họp bạn ngày Chị mãn khóa.
Với chiếc áo đầm đẹp, vàng óng ả. Tôi rực rỡ, yêu kiều nhất giữa rất đông bạn bè của Chị.
Anh không đến. Tôi vui ngấm ngầm, điều mà sau này tôi ân hận, vì hiểu ra mình là con bé vừa đành hanh, vừa độc ác.
Có ai đó đàn theo tiếng hát Chị, tiếng hát vút cao chan hòa với chút nắng bên ngoài.
Chới với, tôi nhận ra mình đang nhớ tiếng đàn cũ.
Anh không có đây, nhưng tưởng như Anh ngồi đó cùng Chị và tôi, với tiếng đàn óng ánh và ngạt ngào theo tiếng hát …
Chỉ mấy tuần thôi, Chị và tôi đã không ngồi với nhau, từ khi Anh đưa đón tôi trước cổng trường. Mới đó, mà sao tôi đã nhìn chị như lạ lẫm, dửng dưng?
Chị thông minh, nhạy bén. Không nói ra, nhưng tôi hiểu Chị biết hết vì sao Anh đã chẳng còn đến chơi nhà…
                                                            ********
 
Mùa hè, mùa của líu lo không đèn sách. Nhưng mùa hè đã lê thê dài của tôi năm đó. Là mùa của đợi chờ, bởi nhận ra mình đã chớm biết nhớ nhung… Mùa hè, Anh không còn dịp đón tôi trước cổng trường.
Tôi loanh quanh đếm ngày, đếm tháng. Chín mươi ngày, sao mà dài như chín mươi năm.
 
 Một chiều mưa rơi rắc, nỗi nhớ Anh thiết tha đã dẫn đưa tôi tới Chị. Tôi muốn nhìn ra, muốn tìm thấy bóng Anh, vẫn chìm khuất đâu đó trong phòng học nhỏ quen thuộc.
Cây guitar như buồn rầu, khô héo bên góc tủ sách. Nó nhớ vòng tay Anh, nhớ tiếng hát Chị ngân nga trác tuyệt, và nhớ cả lời hát tôi ngây thơ, vụng dại.
Chúng tôi không nhắc gì về những ngày tháng cũ. Những kỷ niệm mới đó, không lâu nhưng sao như đã trôi xa, đã mất tăm theo cùng với mùa hè chờ đợi của tôi. Và… cùng những âu sầu của Chị.
Tiếng hát Chị chợt cất cao, vời vợi đắng cay và nghe như tiếng mưa rơi trên những khóm hoa rũ rượi ướt trước hiên nhà.
 
“...Chủ nhật nào ta im hơi
Vì đợi chờ không nguôi ngoai
Bước chân người nhớ thương
Đến, khi đã rất muộn
Trước quan tài, mờ khói hương…”
     [Rezso Seress ”Sombre Dimanche”; PhạmDuy]
 
Bồi hồi, tôi lăn sà trong lòng Chị như những năm còn học lớp tám.
Chị hát mà nước mắt đầm đìa rơi trên tóc tôi. Tay Chị hiền hòa đan trong mái tóc tôi dài, ướt và rối rắm…
Tôi cũng khóc, khóc như nhớ thương ai, và khóc với những nghẹn ngào, cùng muôn vàn ăn năn, xa xót...
Qua tiếng hát Chị, tôi hiểu ra rằng, không phải chỉ vì mùa hè. Mà chính vì lòng tôi đã chợt thoát theo cùng tiếng hát nhân ái, và cùng với giọt nước mắt Chị bao dung…
Rồi tôi sẽ phải chôn dấu hết những nhớ nhung, chìm đắm.
 Chút mùi hương mà tôi đã mê muội, mơ màng, sẽ phải lặng bay theo mùa hè, phải  biến mất tăm theo cùng với gió…
Nằm trong lòng Chị, ấm ức khóc vùi theo tiếng hát. Tôi quyết định sẽ xin Ba Mẹ đổi trường cho mùa học tới.
***
“... Chủ nhật nào ta im hơi
Vì đợi chờ không nguôi ngoai… “                                               
 
Cuối cùng, Chị lập gia đình. Tôi theo chồng.
Chúng tôi, đã chẳng ai ”Im hơi”. Chẳng ai đã dại dột “ tắt thở “, chỉ vì chút nhớ mong, trông đợi...
                                                          *********                                                                                
Đã bao năm, từ khi rời bỏ quê hương đến sống tại California. Chưa bao giờ tôi bỏ sót, không tổ chức cùng gia đình ngày đặc biệt: Thanksgiving. Với tôi đó là dịp để bày tỏ chút ân tình, lòng cảm tạ với những ân sủng, đã được ban phát cho bởi đất trời, và lòng tử tế của muôn phương...
Giữa gia đình trong một Party rất trang trọng của lễ Tạ Ơn, bạn bè đã lắng nghe tiếng hát tôi, hát như để nhớ tới, để TRI ÂN một quá khứ…
Ở nơi nào xa xăm, Chị có nghe tôi hát đêm nay? Trong một Thanksgiving với ngàn ánh nến lung linh, và đầm ấm.
Tiếng hát tôi mong manh gửi theo gió những lời xưa, cùng với niềm ăn năn của thời bé thơ, vụng dại.
Khi cất cao tiếng hát, tôi ngậm ngùi nhớ tiếng hát Chị. Tiếng hát dạt dào lòng nhân ái...
Nước mắt ngày xưa. Giọt nước mắt từ bi, ướt đẫm trên tóc tôi, hòa với lời nhạc buồn tê tái. “Sombre Dimanche”, sẽ chẳng bao giờ tôi có thể quên.
Cho dù tất cả đã trôi xuôi, đã mất tăm theo cùng với những mưa, những nắng của đời...
 
“...Ta muốn tìm mau
Tới cõi nào, nương náu
Cho ta thành mơ,
Sống yên trong lời thơ
Vắng tanh,
Như đời gió…”
[Chopin-Tristesse;PhạmDuy]
 
LÊCHIỀUGIANG

Thursday, November 17, 2022

TÌNH YÊU VIỆT TỘC

 Vương Ngọc Minh
 
Tác phẩm mới của Vương Ngọc Minh
 
nỗ lực nhổ hết các gai trong mắt
coi - kể thất bại
thị
bỗng chốc sống một cuộc sống khá u uất
lúc nào cũng say (say khi vừa tỉnh lại!)
 
chiều nay
khi chưa say
ngồi kề bên tôi
thị vận chiếc váy (đầm) màu đỏ
chân đi hài
 
hỏi tôi: rốt cuộc truyền thống có phải chỉ như khuôn mẫu
được đúc hàng loạt?
tôi không trả lời do đọc “Cái trống thiếc”
của Gunter Grass
một phần mồm đang nhai kẹo cao-su
 
thị xô ghế đứng dậy
bước đi hãy còn vững
tôi vẫn ngồi dán chặt trên đám sương trắng hếu
sau lưng thị
tiếng sóng đánh ngoài biển vang tận mang tai
nghe “rì rầm... rì rầm...”
 
rồi với ánh nhìn lạc thần
khá ấn tượng
thị nói thị rất sùng đạo
đoạn - như thể vừa sống lại - đọc nhiều câu kinh Phật
cực trừu tượng
 
hỏi tôi làm sao để đừng ngạc nhiên khi biết
vừa tự đóng cây đinh mười phân tây
vô bàn chân mình
 
nhả miếng kẹo cao-su
tôi nhờ thị lấy hộ cái trống thiếc
mà người ta nhét dưới đóc họng / không hề xem xét
dù qua loa
thị kêu từ rày đừng làm gì để bị rơi vào trường hợp
mọi thứ vượt ngoài khả năng thị
 
thực vô lí
một thiếu nữ như thị tại sao cứ say
say ngay lúc vừa tỉnh
định nói với thị thế / nhưng
e sẽ kì quặc
 
cột con lừa vô con tàu vừa đóng xong
 
trên tàu thay vì gắn bánh lái
được gắn tay ga (phân khối lớn!)
thúc nó kéo con tàu tiến ra biển lớn
tôi nói tôi muốn địa ngục biến mất khỏi thực tại
 
thị cho tôi đang châm chọc
và mở nắp chai rượu
chẳng nói gì nữa / bắt đầu uống
hai bắp đùi thị săn
 
cứng!
...
VNM

Wednesday, November 16, 2022

KHÁNH TRƯỜNG. NGƯỜI KẾT NỐI MUÔN PHƯƠNG

Trần Thị Nguyệt Mai
 
Họa sĩ Khánh Trường
 
Tháng 10/1991, Hợp Lưu ra đời. Tôi đã có mặt ở Mỹ vài năm, còn thuộc diện dân mới nhập cư. Cảm thấy không kham nổi việc làm nặng nhọc với vóc dáng “mình hạc xương mai”, nên dù đã xa tuổi thiếu nữ, tôi vẫn cố công đèn sách tạo dựng tương lai. Xứ sở mới, ngôn ngữ không là tiếng mẹ, đầu óc tiêu thụ chậm, nên trong khi người khác chỉ cần học một giờ thì tôi phải ngốn gấp ba bốn lần nhiều hơn. Cộng thêm gia đình, con nhỏ... chẳng còn thời gian nào để nghĩ đến chuyện văn chương. Thành phố tôi ở có ít người Việt, sách báo tiếng Việt cũng không. Mà nếu như có, chắc tôi cũng đành phải giả đò ngó lơ “cầm bằng như không biết mà thôi”...
 
Tôi bắt đầu nghe tên anh khi đọc bài viết “Khánh Trường, Sức Mạnh Của Im Lặng” của họa sĩ Đinh Cường vào tháng 1/2012 nhân dịp anh bày 30 bức tranh Thiền. Lúc đó, tôi chỉ biết anh là một họa sĩ như anh Đinh Cường đã nhận xét, Tôi thật sự cảm phục bạn ở Sức Mạnh Của Im Lặng và tìm chốn nương tựa cho tâm hồn mình: Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Như Nietzsche với hình ảnh Zarathustra đã gợi lên lộ trình sâu rộng của một bậc Đại Bồ Tát giữa lòng đen tối của thế gian. Khánh Trường là hình ảnh của Zarathustra “Trong tất cả những tác phẩm, ta chỉ yêu những tác phẩm nào đươc tác giả viết bằng máu của chính mình. Ngươi hãy viết bằng máu rồi ngươi sẽ biết được rằng máu chính là tinh thần.” Zarathustra đã nói như thế Khánh Trường đã vẽ như thế.” [1]
 
Tôi thật sự cảm phục bạn ở Sức Mạnh Của Im Lặng và tìm chốn nương tựa cho tâm hồn mình: Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Như Nietzsche với hình ảnh Zarathustra đã gợi lên lộ trình sâu rộng của một bậc Đại Bồ Tát giữa lòng đen tối của thế gian. Khánh Trường là hình ảnh của Zarathustra “Trong tất cả những tác phẩm, ta chỉ yêu những tác phẩm nào đươc tác giả viết bằng máu của chính mình. Ngươi hãy viết bằng máu rồi ngươi sẽ biết được rằng máu chính là tinh thần.” Zarathustra đã nói như thế Khánh Trường đã vẽ như thế.” [1]
 
Cách đây vài năm trước thời đại dịch Covid-19, trong lần ghé phố Bolsa, tôi nhờ anh Thân Trọng Mẫn đưa đến thăm anh chị Nguyễn Đình Thuần. Bữa đó anh Mẫn nói với tôi, đại ý: “Anh sẽ đưa Nguyệt Mai đến nhà anh Nguyễn Đình Thuần. Nhưng tới Bolsa mà không đến thăm anh Khánh Trường là một thiếu sót lớn. Anh ấy đang bị bệnh nặng, không biết lần tới Nguyệt Mai đến Bolsa thì còn có dịp để gặp không?” Thế là anh Mẫn chở tôi đến nhà họa sĩ Khánh Trường trước, dù tôi chưa hề quen anh. Chỉ nghe nói họa sĩ Khánh Trường layout và làm bìa sách rất đẹp. Lúc đó anh đang bệnh nhiều, phải nằm trên giường. Đương nhiên, khi cả hai người không quen hay biết gì về nhau thì câu chuyện không thể tránh khỏi sự tẻ nhạt. Tôi chỉ hỏi thăm anh đôi câu về sức khỏe, còn lại anh Mẫn và anh nói chuyện với nhau là chính. Quả tình tôi không hề biết mình đang được hạnh ngộ người sáng lập tờ Hợp Lưu một thời đình đám.
 
Đến khi giúp tạp chí Ngôn Ngữ đọc bản thảo số 2 (tháng 7/2019), xem tùy bút “Tha hồ mây trắng bay” của anh Khánh Trường, tôi thật sự thương cảm cho hoàn cảnh của một cậu bé sinh ra trong gia đình khó khăn không may rơi vào số phận nghiệt ngã. “Quá khứ tôi? Chẳng những chả có gì đáng tự hào, trái lại luôn làm lòng tôi quặn thắt.” [2].  Cậu bé 13 tuổi đã phải rời nhà ra đi khi “Cha tù tội oan khiên. Mất đi nguồn lao động chính. Bữa cơm hàng ngày dù chỉ mắm rau nhưng vẫn bữa đói bữa no. Bà mẹ kế không nghề nghiệp. Tôi và hai đứa em trai còn quá nhỏ... Một ngày một đêm trên con tàu cũ kỹ đến vùng cao, Đà Lạt, đẫm ướt sương mù và lạnh cóng. Đói, khát, lo sợ. Thằng nhỏ bước xuống sân ga, tay ôm một bọc ni-lông tái chế xỉn bẩn, bên trong đựng bộ quần áo cũ, hai may-ô, hai quần lót và một gói xôi, ba củ khoai lang mua từ ga Phan Rang. Trong túi chỉ còn đúng 20 đồng nhàu nhĩ.” [2]. Đi về hướng hồ Xuân Hương, trời lạnh cóng. Nhìn thấy tiệm thuốc tây, cậu bé bước vào định tránh gió, bớt lạnh thì ông chủ tiệm hỏi mày muốn mua gì? Cảm nhận mối nghi ngờ nơi người chủ, nó sợ hãi ấp úng, đáp Optalidon “vì có lần đọc báo biết một thiếu nữ bị tình phụ, cô ta tuyệt vọng, quyên sinh bằng cách uống trọn tuýp Optalidon”[2]! Rời tiệm với ống thuốc và hai đồng tiền thối, nó tiếp tục đi vô định đến một trạm taxi, có cây xăng lớn, tìm góc tối cuối nhà rửa xe và thiếp đi một lát. Khi tỉnh dậy, thấy bọn nhỏ trạc tuổi lăng xăng xách nước, lau rửa những chiếc taxi trong bến và được tài xế cho tiền, nó nghĩ sẽ sống được bằng nghề này nên cũng bắt chước làm theo. Chẳng ngờ chưa kịp làm gì thì đã lãnh ngay một cú đá trí mạng, ngã ngửa của tên đàn anh vùng đó. Rồi cậu bé bị bán đi cho “chị Hai” của một động điếm. “Buổi tối, sau một ngày mỏi rã chân ngoài đầu hẻm, léo nhéo mời chào các đấng chiến sĩ rằn ri ngang qua, “Đại ca ơi, đi một phát lấy hên đại ca. Hàng mới ở tỉnh lên, mướt rượt, đông ngò (nhiều lông), nước nôi đầy đủ. Hết sẩy đại ca ơi…” Khuya, tôi trở vào, ăn qua quít bát cơm với vài chị đượi, rồi vào ngủ ở một trong bốn phòng, nếu vắng ‘khách’”[2]. “Một tối, đang thiu thiu nửa tỉnh nửa mê, tôi nghe có tiếng đôi co bên kia “vách”, “Ra đi cha nội... Uống chi lắm rứa? Dai như đỉa, bộ tui sức trâu à?”. Tiếng cười hềnh hệch: “Càng lâu càng sướng em ơi... Lẽ ra em phải thối tiền lại cho anh... Không cảm ơn còn bày đặt than thở...”. “Tui chịu hết nổi rồi.” Tiếp theo, tiếng động mạnh, có lẽ một thân thể bị đẩy rơi xuống mặt sàn gác. Tôi giật mình tỉnh ngủ. “Tui không đi nữa, để tui xuống nói Má Hai tìm cho anh con khác. Tiếng đàn ông lớn giọng: “Đụ mẹ mày ngon. Tao đập chết mẹ mày bây giờ!” “Thách đó, đập đi!” và tiếng xô xát. Tôi tốc tấm “vách” chạy sang. Tên lính đang nắm tóc chị T. kéo rịt xuống. Chị T. không vừa, một tay bóp chặt hạ bộ tên lính, một tay quơ quào rối rít, cố gỡ nắm tóc dài đang bị tên lính làm chủ. Cả hai đều trần truồng. Chị T. mới đến làm ở “động” non hai tháng, người nhỏ nhắn, không đẹp nhưng tính tình vui vẻ hào phóng. Chị rất thương tôi. Những hôm ế khách chị và đồng nghiệp đợi gánh hột vịt lộn ngang qua, gọi vào, chén. Tôi được hưởng ké, chị T. luôn luôn bao giàn. Khi thấy chị T. bị tên lính hành hung, tôi lập tức nhảy vào bênh. Tôi phóng người bám trên lưng tên lính, hai tay đấm thùm thụp vào đầu hắn. “A, thằng oắt con, muốn chết hử?” Tên lính thả chị T. ra, vòng tay thộp cổ tôi, đẩy mạnh vào vách ván. Tôi nhỏ con, ốm yếu, chả hơn gì con nhái bén trong bàn tay hộ pháp của tên lính. Chị T. được tự do, vội nhào xuống sàn, lật gối lấy con dao giấu bên dưới, chĩa về phía tên lính, hét: “Thả thằng nhỏ xuống. Tên lính cười hăng hắc, không quay lui, thay vì buông tôi ra, hắn lại đẩy lên cao. Tôi nghẹt thở, tay chân giãy giụa điên cuồng. Chị T. nhào tới. Và thật bất ngờ, ngoài dự đoán của tôi, của cả tên lính, chị T. vung tay, đâm ngọt lưỡi dao vào sườn tên lính. Hắn giật bắn người, buông tay, tôi rơi xuống sàn, hắn cũng loạng choạng quỵ ngã, hai tay ôm bụng. Khi Má Hai hay tin, sai người gọi cảnh sát đến thì tên lính cũng vừa thở hắt, giã biệt trần gian. Chị T. bị bắt, bị tù. Ngày tôi được vào thăm, chị vuốt tóc tôi, cười buồn: “Thế này biết đâu lại hay, ra tù, chị sẽ về quê...” Chị khuyên tôi, “Đời em còn dài, không nên chôn vùi ở đó...” và chị nhắn Má Hai trao tôi một phần số tiền chị đã dành dụm được trước đây, hiện Má Hai đang giữ hộ. Nhờ số tiền, tôi mua vé xe đò xuống Qui Nhơn, ở đó, tôi sống chung với một thằng bạn cùng tuổi trong một toa tàu bỏ hoang cuối sân ga.”[3]. Giữa lúc tuyệt vọng, đói lả, cậu bé gặp một ân nhân, là thầy giáo, nuôi cậu trong những ngày đầu và dạy nghề vẽ cho cậu. Từ đó, cậu bé sống bằng nghề ký họa chân dung cho lính viễn chinh và gái điếm ở những snack bar còn người bạn thì đi đánh giày. “Trời vừa sụp tối, tôi cùng thằng bạn cắp sách vở đến các lớp học bổ túc. Trầy trật mấy năm, thằng bạn đỗ được cái tú tài bán. Hắn đăng lính, lon chuẩn úy, đóng đồn trên Pleiku. Ở đơn vị mới chưa được bao lâu, một đêm đồn bị tấn công, hắn chết. Tôi mất một thằng bạn quý. Người đã từng chia ngọt xẻ bùi với tôi suốt thời niên thiếu, người đã từng đưa lưng hứng chịu một con dao chặt nước đá lởm chởm răng cưa để cản đường cho tôi thoát thân, khi cả hai bị một băng nhóm khác thanh toán vì đã xâm phạm địa bàn hoạt động” [3].
 
Nên từ đó, tôi vào các trang mạng tìm hiểu thêm những thông tin về họa sĩ Khánh Trường. Đây là lý lịch trích ngang do anh tự ghi:
          “... sinh ra, lớn lên, đi học, đi giang hồ, đi làm... du đãng. 1968: đi lính, 1970: bị thương. 1972: giải ngũ. 1987: vượt biển đến Thái Lan. 1988: định cư ở Nam California, Mỹ. Nghề chính: không có. Nghề phụ: thập cẩm. Một cuộc đời trôi nổi hư hỏng và tầm thường, nhợt nhạt đến chính chủ nhân cũng phải thở dài!”
                                                                      (chung cuộc, trang 170) [5]
Anh thổ lộ với Lê Quỳnh Mai, “ngày xưa đi lính, tôi bị sáu mảnh đạn ghim trong đầu, chấn thương sọ não, mắt vì thế bị lưỡng thị (nhìn một thành hai). Mấy mươi năm sau giải ngũ, thị giác dần hồi phục, nhưng vì tai biến, cơ thể suy nhược, bệnh cũ tái phát. Nay, tôi vẽ, phối màu, phần lớn dựa vào kinh nghiệm, để gia giảm sắc độ hơn là bằng mắt nhìn.” [3]

Và chia sẻ với Đỗ Lê Anh Đào, “giai đoạn sáng tác đáng nhớ nhất là ngày tôi đã tập cầm cọ lại được sau bạo bệnh. Đáng nhớ, vì chưa bao giờ trong đời tôi cực nhọc như thế nhưng vui như thế khi vẽ hoặc viết. Cô cũng biết tôi bị stroke 3 lần, đưa đến hậu quả tay chân chỉ sử dụng được khoảng 30%. Chân đi đứng nghiêng ngả, phải ngồi xe lăn; tay vụng về, cầm nắm vật dụng nếu thiếu chú tâm, sẽ rơi, đổ; tệ hơn, không viết được, chỉ có thể gõ chữ trên phím computer bằng một ngón duy nhất của bàn tay phải, chữ được chữ mất vì không làm chủ được tứ chi. Giọng nói ngọng nghịu, phát âm khó khăn. Mắt lưỡng thị, chỉ nhìn và nhận biết mọi sự vật qua một… màn sương, và chỉ đọc được chữ trên màn hình computer với điều kiện phải phóng lớn chữ thành tối thiểu size 14. Chưa hết, hơn một năm trước tôi lại bị thêm bệnh ung thư thanh quản và loét bao tử. Sức khỏe đã sa sút càng tệ hại trầm trọng, có thể “lên tàu” bất cứ lúc nào. [4]
 
Trần Vũ đã vẽ lại chân dung họa sĩ Khánh Trường lần đầu gặp mặt:
Khánh Trường với Khánh (một nhân vật trong “Có Yêu Em Không” của KT) là một. Một con người và một nhân vật với tất cả liều lĩnh khinh mạn, nửa hảo hớn, vừa du đãng, chất ngất đam mê nhưng cũng bất cần đời và đôi lúc biết mất dạy... Những ngày sau tôi khám phá anh là type Django như tôi ưa thích. Tôi cũng thích có một người anh chịu chơi như vậy, đầy thói hư tật xấu nhưng biết hiên ngang bao che cho đứa em khi cần thiết.[6]
 
Nhưng hơn hết thảy, phải nói đến tấm lòng của anh đối với văn chương, muốn phá bỏ quá khứ nặng nề, định kiến hẹp hòi một chiều, tạo một diễn đàn, sân chơi chung để anh em cầm bút hải ngoại và quốc nội cùng tham gia. Anh đã làm hết sức thể như vẽ bìa, layout sách, thậm chí viết... dâm thư với mục đích duy nhất là có tiền trả chi phí giúp tờ báo sống còn, và chịu đựng tất cả những lời hằn học, bỉ thử của không ít người chống đối. Là “cha đẻ” của Hợp Lưu, với niềm tin đó là “diễn đàn đầu tiên khởi xướng giao lưu hai dòng văn học Việt Nam Bắc Nam do hoàn cảnh trớ trêu và bi thảm của một giai đoạn lịch sử, đã phân rẽ thành hai nhánh. Hai thập kỷ, 1954-1975, nếu lấy chiều dài của dòng chảy một dân tộc, quả thực chả nghĩa lý gì. Nhưng chúng ta, những người làm văn học nghệ thuật đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong giai đoạn này, không thể phủ nhận đã khắc đậm vào não trạng của chúng ta, hướng dẫn tư duy của chúng ta, để sản sinh, làm thành hai mảng văn học chảy về hai hướng khác biệt. Bằng rung cảm nhạy bén của một người yêu tiếng Việt, chúng tôi đã nhìn thấy điều đó, và mang khát vọng muốn đồng quy hai dòng chảy này. Bởi chưng, thiển nghĩ, văn học Việt Nam không thể lớn mạnh nếu không hợp lưu. Một thủy đạo lớn tất nhiên sẽ mạnh hơn hai phụ lưu nhỏ. [7]
Anh chia sẻ: “Ngày nay đọc lại những số Hợp Lưu cũ, bạn đọc mới không thể hình dung được vô vàn khó khăn đến từ nhiều mặt, từ xin bài, đánh máy, layout, chạy tiền in, quảng bá để có độc giả dài hạn, đi đến các nhà sách trong phạm vi 6, 700 dặm để phát hành và đòi tiền bán… Một mình một ngựa. Tôi, đến bây giờ thỉnh thoảng nhớ lại, vẫn còn ngạc nhiên sức lực đâu chu toàn hàng trăm việc như thế. Nhất là phải đối đầu với nhiều chống đối dữ dội, cực đoan. Hàng đêm điện thoại gọi đến nhà chửi rủa, lăng mạ, thậm chí còn hăm dọa ném lựu đạn vào nhà “cho tan xác lũ ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Báo chí bêu riếu, bỉ thử, thậm chí một bà chủ báo viết: “Ra đường chẳng may gặp tên KT buộc phải bắt tay thì hãy mang vào bàn tay 10 áo mưa để tránh bẩn” (vì đến số 3 hết tiền in, tôi phải viết… dâm thư, bán, để có tiền in báo). Ban ngày vào quán, khách quen giạt qua bàn khác vì sợ “lạc đạn”. Tình hình 40 năm trước không giống bây giờ tẻo teo. Một tác giả trong nước xuất hiện trên một tờ báo hải ngoại nếu không là Việt cộng thì đích thị là bọn nằm vùng hoặc phản bội, trở cờ cần thanh toán!!![7]
 
Quyết tâm thực hiện tờ báo, gắng sức vượt qua những trở ngại khó khăn, Hợp Lưu đã có những thành công, được nhà văn Trần Vũ ghi lại: “12 năm không biên giới đã cho phép Hợp Lưu đăng tải vô vàn những sáng tác, biên khảo, phỏng vấn của các tác giả trong nước. Không thể liệt kê hết 16.500 trang của 66 số báo, chỉ có thể nhắc lại những ấn tượng chính:
 
Quả Vườn Ổi (Hoàng Cầm), Dị Mộng, Qua Sông (Cung Tích Biền), Ðàn Sẻ Ri Bay Ngang Rừng (Võ Thị Xuân Hà), Giấc Ngủ Nơi Trần Thế (Nguyễn Thị Ấm), Ðảo Ngụ Cư (Ðỗ Phước Tiến), Vũ Ðiệu Của Cái Bô (Nguyễn Quang Thân), Phù Thủy, Hậu Thiên Ðường (Nguyễn Thị Thu Huệ), Lão Khổ (Tạ Duy Anh), Một Chuyện Phải Gió (Nguyễn Quang Lập), Gió Dại, Khắc Dấu Mạn Thuyền (Bảo Ninh), Mùa Hoa Cải Bên Sông, Người Ðàn Bà Xóm Trại (Nguyễn Quang Thiều), Bảy Trích Ðoạn Mùa Xuân Vùng Da Cam, Phòng Bốn Giường (Bùi Hoàng Vị), thơ Thanh Thảo, Nguyễn Ðỗ, Hoàng Hưng, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Quyến, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Vàng Sao, Lâm Thị Mỹ Dạ, Triệu Từ Truyền, Lê Ðạt. Truyện ngắn Nhật Tuấn, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Ngô Thị Kim Cúc, Phan Thị Vàng Anh, Trần Thùy Mai, Trung Trung Ðỉnh, Lý Lan, Võ Thị Hảo, Trần Thị Trường, Hòa Vang, Nguyễn Bản, Lê Minh Khuê, Ma Văn Kháng, v.v... Biên khảo lý luận của Nguyễn Kiến Giang, Lại Nguyên Ân, Bùi Thiết, Ðào Thái Tôn, Vương Trí Nhàn, Tiêu Dao Bảo Cự, Lê Ngọc Trà, Phong Lê, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên, Lê Hoài Nguyên, v.v... Ở mỗi bộ môn đều có rất nhiều bản thảo gởi ra từ trong nước như trường hợp Thằng Bắt Quỷ (Cung Tích Biền), Xuân Hồng (Nguyễn Huy Thiệp), Từ Man Nương đến AK (Phạm Thị Hoài), Không Ðề (Trần Vàng Sao), Chia (Nguyễn Trọng Tạo), Người Thuận Tay Trái, Chạy Ðạn, Dặm Trường (Trần Thị NgH.), Tự Bạch, Tiểu thuyết Vô Ðề (Dương Thu Hương), Ngọn Núi Ảo Ảnh, Tuyệt Tình Cốc (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Tầng Trệt Thiên Ðường, Nghiệp, Dị Mộng, Khu X Nội Quang (Bùi Hoàng Vị), Truyện Của Chíp, Bụi Nắng (Phan Huyền Thư), Văn Học và Xã Hội VN (Phạm Thị Hoài), Nhìn Chung Một Bức Tranh Hoàn Chỉnh Về Văn Học Dân Tộc (Phạm Xuân Nguyên), thơ Hoàng Hưng, Nguyễn Ðỗ, Nguyễn Quốc Chánh, nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Bạt Tụy, tiểu luận Trần Ðộ, v.v... [6]
 
 Vì lý do sức khỏe của chính anh và sự từ nhiệm của chủ biên Trần Vũ cộng thêm những ý kiến không thể thống nhất được trong nội bộ, anh Khánh Trường đã rút hẳn tên khỏi Hợp Lưu từ tháng 7/2005.
 
Tháng 10/2022 tới đây là kỷ niệm 31 năm kể từ khi tạp chí Hợp Lưu ra đời. Tuy anh Khánh Trường không còn làm Hợp Lưu nữa nhưng 12 năm đầu do đích thân anh chăm sóc tờ báo đã lưu lại trong lòng độc giả những dấu ấn không phai. Như nhà báo Lê Quỳnh Mai đã trích lời Trần Đạo để ở phần chapeau bài phỏng vấn của cô: “Tạo ra một diễn đàn trong đó mọi nhà văn Giao Chỉ, bất kể hình hài ít nhiều dị hợm của nó trong thế kỷ 20, đều có tiếng nói, đâu phải chuyện chơi. Ông là người làm được điều đó. Nội chuyện đó thôi, ông sẽ lưu danh trong lịch sử văn học Việt Nam trong thế kỷ”[3]. Và nhà thơ Hoàng Hưng ghi ở chapeau khi giới thiệu bài viết của Khánh Trường “Hợp Lưu và hợp... tuyển” trên trang Văn Việt ngày 29-1-2019:  “Năm năm trước, một số anh chị em chúng tôi trong nước, lập ra Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam và báo mạng vanviet.info, cũng là tiếp nối ý nguyện, ý chí Hợp Lưu của anh!”
Như thế, ước nguyện mà anh Khánh Trường ấp ủ vẫn còn và sẽ còn được duy trì.
 
Trần Thị Nguyệt Mai
9/9/2022
 
 
Tham khảo:
[1] Đinh Cường – Khánh Trường, sức mạnh của im lặng
https://www.diendantheky.net/2012/01/khanh-truong-suc-manh-cua-im-lang.html
[2] Khánh Trường – Tha Hồ Mây Trắng Bay – Ngôn Ngữ số 2, tháng 7/2019.
[3] Lê Quỳnh Mai – Tác Giả, Với Chúng Ta – Phỏng vấn Họa sĩ Khánh Trường
https://hopluu.net/a2961/tac-gia-voi-chung-ta-hoa-si-nha-van-khanh-truong
[4] Đỗ Lê Anh Đào – Nói chuyện với Nhà văn / Họa sĩ Khánh Trường
https://damau.org/12002/noi-chuyen-voi-nha-van-hoa-si-khanh-truong
[5] Hà Khánh Quân – Họa phẩm trong thơ Khánh Trường
https://www.luanhoan.net/theochantho/html/theochantho-khanhtruong.htm
[6] Trần Vũ - Hợp Lưu 12 năm, trang tôn kinh huyền hoặc hậu hiện đại
http://phannguyenartist.blogspot.com/2012/12/khanh-truong.html
[7] Khánh Trường – Khánh Trường, Hợp Lưu và hợp... tuyển
http://vanviet.info/van/khnh-truong-hop-luu-v-hop-tuyen/
 
 

BERNICE BING. NHỮNG NÉT VẼ THIỀN

 

Họa sĩ Bernice Bing & Tranh
 
Bà là một họa sĩ độc đáo. Nói độc đáo bởi vì, bà nổi bật trong kiểu rất riêng, với tài năng và đời sống không hề giống ai hết. Họa sĩ Bernice Bing (1936-1998) là một họa sĩ người Mỹ gốc Hoa, đồng tính nữ, hoạt động trong làng nghệ thuật Vùng Vịnh San Francisco Bay trong thập niên 1960s, có ảnh hưởng từ nền văn hóa Beats – kiểu phóng khoáng hippies có chất phản kháng xã hội – trong khi bản thân họa sĩ Bing chịu ảnh hưởng Thiền Tông, và đưa ảnh hưởng Thiền vào nét vẽ trừu tượng thư pháp mà Bing ảnh hưởng sau khi học với họa sĩ Nhật Bản Saburo Hasegawa. Làm thế nào trong một họa sĩ lại có rất nhiều yếu tố thiểu số như thế: gốc Á châu, đồng tính nữ, văn hóa Beats, và nét vẽ Thiền Tông?
Vậy mà, trong nhiều thập niên vừa qua, con người và tác phẩm của họa sĩ Bernice Bing y hệt như tàng hình. Cho tới bây giờ, gần ¼ thế kỷ sau khi từ trần năm 1998, Bing lại được vinh danh ở bảo tàng viện Asian Art Museum với cuộc triển lãm nhan đề “Into View: Bernice Bing” (Vào điểm nhìn: Bernice Bing) --- nơi đây triển lãm các bức tranh, các bản vẽ, và các trang trích từ nhật ký của Bing từ thời cuối thập niên 1950s tới giữa thập niên 1990s. Cuộc triển lãm hiện đang diễn tiến và sẽ kết thúc vào cuối tháng 5/2023.
Người giám quản cho cuộc triển lãm của Bing là Abby Chen, người năm 2018 được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên phụ trách về hội họa đương đại tại bảo tàng này, nhận định rằng cuộc triển lãm này cho thấy sự đầu tư của bảo tàng viện này đối với các họa sĩ Hoa Kỳ gốc Á chưa được công nhận đúng mức. Nghĩa là, theo ý người giám quản, tài năng của họa sĩ Bernice Bing lẽ ra cần được vinh danh thích nghi hơn.
Thê thảm tới mức, trong khi Tự điển Wikipedia viết về cuộc đời họa sĩ Bernice Bing bằng 9 ngôn ngữ (Anh văn, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy điển, Ukraine, Ả rập Ai cập, Ả rập, Hebrew [Do Thái], Welsh) nhưng không thấy tiếng Trung Hoa. Có phải chính phủ Bắc Kinh và cả chính phủ Đài Loan đã xem họa sĩ Bernice Bing y hệt như ngoại tộc, không xem bà như khúc ruột xa ngàn dặm?
 
Trái: Tranh “Chân dung tự họa với mặt nạ” (Bernice Bing, 1960).
Giữa: Bernice Bing khoảng 1960s. Phải: Tranh “Vital Energy” (Bernice Bing, 1986)
 
Bernice Bing có tên tiếng Hoa, theo phiên âm là Lee Yu Bing (李玉冰)và cũng là Lý Ngọc Băng, đọc theo âm Việt. Bernice Bing sinh ngày 10 tháng 4/1936 tại Phố Tàu, San Francisco, California. Bà từ trần ngày 18/8/1998, hưởng thọ 62 tuổi. Tên đầy đủ của bà là Bernice Lee Bing, khi còn thơ ấu được gọi bằng tên đùa giỡn là “Bingo” – có cha là một di dân từ miền nam Trung Hoa, và mẹ sinh tại Hoa Kỳ. Khi Bing sáu tuổi, mẹ chết vì bệnh tim, để Bing bơ vơ với di sản văn hóa Trung Hoa rất nhạt nhòa. Không cha lẫn mẹ, Bing cùng với em gái, tên là Lolita, được đưa vào sống trong các nhà nuôi trẻ mồ côi da trắng. Và rồi cùng với em gái được đưa vào sống trong Ming Quong Home, một nhà tập thể cho các cô gái trẻ trong Phố Tàu của thành phố Oakland. Bing thỉnh thoảng có lúc được ra cư trú ở Oakland với bà ngoại, người khuyến khích Bing nên theo đường hội họa. Là một đứa trẻ nổi loạn, Bing không học giỏi lắm, thế rồi Bing chuyển sang đam mê học vẽ. Frieda Weinstein, người quản trị di sản Bernice Bing, nói rằng khi chưa tới tuổi thành niên, Bing đã ở tới 17 viện mồ côi khác nhau, bản thân từng bị lạm dụng và cũng từng bụi đời lang thang.
 
Tranh Bernice Bing. Trái: “Dusk, 1987” (Bóng tối);
giữa: “Lotus Sutra, 1986” (Kinh Pháp Hoa); phải: “Thư pháp trừu tượng, 1987.”
 
Bà là một họa sĩ độc đáo. Nói độc đáo bởi vì, bà nổi bật trong kiểu rất riêng, với tài năng và đời sống không hề giống ai hết. Họa sĩ Bernice Bing (1936-1998) là một họa sĩ người Mỹ gốc Hoa, đồng tính nữ, hoạt động trong làng nghệ thuật Vùng Vịnh San Francisco Bay trong thập niên 1960s, có ảnh hưởng từ nền văn hóa Beats – kiểu phóng khoáng hippies có chất phản kháng xã hội – trong khi bản thân họa sĩ Bing chịu ảnh hưởng Thiền Tông, và đưa ảnh hưởng Thiền vào nét vẽ trừu tượng thư pháp mà Bing ảnh hưởng sau khi học với họa sĩ Nhật Bản Saburo Hasegawa. Làm thế nào trong một họa sĩ lại có rất nhiều yếu tố thiểu số như thế: gốc Á châu, đồng tính nữ, văn hóa Beats, và nét vẽ Thiền Tông?
Vậy mà, trong nhiều thập niên vừa qua, con người và tác phẩm của họa sĩ Bernice Bing y hệt như tàng hình. Cho tới bây giờ, gần ¼ thế kỷ sau khi từ trần năm 1998, Bing lại được vinh danh ở bảo tàng viện Asian Art Museum với cuộc triển lãm nhan đề “Into View: Bernice Bing” (Vào điểm nhìn: Bernice Bing) --- nơi đây triển lãm các bức tranh, các bản vẽ, và các trang trích từ nhật ký của Bing từ thời cuối thập niên 1950s tới giữa thập niên 1990s. Cuộc triển lãm hiện đang diễn tiến và sẽ kết thúc vào cuối tháng 5/2023.
Người giám quản cho cuộc triển lãm của Bing là Abby Chen, người năm 2018 được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên phụ trách về hội họa đương đại tại bảo tàng này, nhận định rằng cuộc triển lãm này cho thấy sự đầu tư của bảo tàng viện này đối với các họa sĩ Hoa Kỳ gốc Á chưa được công nhận đúng mức. Nghĩa là, theo ý người giám quản, tài năng của họa sĩ Bernice Bing lẽ ra cần được vinh danh thích nghi hơn.
 
Thê thảm tới mức, trong khi Tự điển Wikipedia viết về cuộc đời họa sĩ Bernice Bing bằng 9 ngôn ngữ (Anh văn, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy điển, Ukraine, Ả rập Ai cập, Ả rập, Hebrew [Do Thái], Welsh) nhưng không thấy tiếng Trung Hoa. Có phải chính phủ Bắc Kinh và cả chính phủ Đài Loan đã xem họa sĩ Bernice Bing y hệt như ngoại tộc, không xem bà như khúc ruột xa ngàn dặm?
Sau khi tốt nghiệp trung học Oakland Technical High School năm 1955, bà nhận một học bổng National Scholastic Award để vào học đại học California College of Arts and Crafts (CCAC). Bà học trường này cùng với họa sĩ trừu tượng biểu hiện George Miyasaki và điêu khắc Manuel Neri. Trong thời gian học nơi đây, Bing học với các vị thầy như Nathan Oliveira (1928-2010), Richard Diebenkorn (1922-1993), và Saburo Hasegawa (1906-1957), vị sau này ảnh hưởng lớn với Bing. Là một họa sĩ sinh ra ở Nhật Bản, Hasegawa giới thiệu Bing với Thiền Tông Phật Giáo, với các triết gia Trung Hoa, trong đó có Lão Tử và nhà thơ Bạch Cư Dị, và với thư pháp truyền thống Đông phương.
Năm 1958, sau một học kỳ tại trường CCAC, Bing chuyển trường sang California School of Fine Arts, nơi bây giờ có tên là San Francisco Art Institute (Học Viện Mỹ Thuật San Francisco). Nơi đây, Bing học với hai họa sĩ trường phái trừu tượng biểu hiện Elmer Bischoff và Frank Lobdell, và rồi tốt nghiệp văn B.F.A. (Cử nhân Mỹ thuật) với danh dự năm 1959 rồi văn bằng M.F.A. (Thạc sĩ Mỹ thuật) năm 1961. Để tự mưu sinh trong khi học, Bing cũng giữ một xưởng vẽ ở North Beach trên lầu của tiệm ăn Old Spaghetti Factory, một nơi được giới nghệ sĩ ưa chuộng tụ tập.
 
Vào cuối thập niên 1950s và đầu thập niên 1960s, bầu không khí nghệ thuật vùng Vịnh liên tục sinh động, và Bing sống gần với nhiều họa sĩ nổi tiếng đó. Nhóm bạn của Bing, nhiều người là các họa sĩ trừu tượng nổi tiếng, trong đó có Joan Brown, Wally Hedrick, Jay DeFeo, Bruce Conner và Fred Martin.
 
 Kim Anno, một giáo sư tại California College of the Arts và là một người cố vấn cho cuộc triển lãm tranh Bernice Bing, nhận định, “Bing sống xa lìa, cách biệt đối với những thành phần dư tiền lắm bạc.”
 
Frieda Weinstein, người đồng quản trị Di Sản Bernice Bing, kể rằng Bing trở thành một phần trong không khí nghệ thuật avant-garde (tiên phong, thử nghiệm, sáng tạo…) của San Francisco, ưa tụ tập lang thang với nghệ sĩ hút thuốc và nốc rượu Cognac.
 Là một người trọn đời hiếu học, Bing tự học về vật lý lượng tử, say mê đọc về Carl Jung (nhà nghiên cứu nổi tiếng về tâm lý học, về ý thức và vô thức, về tôn giáo…) và năm 1967, Bing vào sống 9 tháng trong phong trào “ý thức nhân loại” tại viện Esalen Institute, tại thị trấn Big Sur, cùng với nhiều nghệ sĩ, trí thức khác. Từ thời đi học, Bing học Thầy Hasegawa về cảm nhận mỹ học và sống mỹ học với Thiền Tông. Nhưng chính tại viện Esalen, Bing được học thêm từ một chân trời Thiền Tông khác: Bing được Alan Watts dạy ngồi Thiền theo phương pháp Zen Nhật Bản để nhận ra tâm tỉnh thức, rỗng rang, lặng lẽ. Và rồi, Bing trở thành một Phật tử nhiệt tâm.
Bing, bản thân là một người viết nhật ký chuyên cần, tự chất vấn về nơi bà tùy thuộc: “Tôi, là một phụ nữ, là một người gốc Á châu, và là một đồng tính nữ trong một hệ thống của đàn ông da trắng – Nơi đâu tôi khởi đầu để hồi phục thực tại của tôi?” Câu hỏi đó trong nhật ký nổi bật trong bức chân dung tự họa, tay bà cầm một chiếc mặt nạ che mặt. Trong khi đó, bạn hữu và những người chung quanh mô tả Bing là một phụ nữ xinh đẹp nhưng ý chí vững vàng, ưa nói thẳng nhưng khiêm tốn, khôi hài nhưng phong thái quý tộc cao vời, theo lời của Weinstein.
Bing có nhiều năm trong đời hoạt động cộng đồng, soạn ra các chương trình sáng tạo mỹ thuật cho các khu phố, và khuyến khích người khác học vẽ. Sau khi xảy ra chuyện 5 người chết trong một vụ băng đảng gốc Hoa bắn nhau có tên là thảm sát ở tiệm The Golden Dragon tại Phố Tàu San Francisto năm 1977, Bing làm việc với các em thiếu niên ở Phố Tàu, dạy các em vẽ.
Khi được học bổng Fulbright Fellowship, Bing sang Trung Quốc năm 1984. Trong thời gian đó, Bing học thư pháp, và cách vẽ tranh bằng mực truyền thống. Thời gian này, tranh của Bing đậm nét Phật giáo và truyền thống Trung Hoa. Nhiều nhan đề tranh của Bing thời gian này liên hệ tới Kinh Pháp Hoa.
Vào đầu thập niên 1990s, Bing chẩn đoán có bệnh hemochromatosis (nhiễm sắc tố sắt mô) và bệnh lupus (lupus ban đỏ). Họa phẩm cuối cùng của bà có nhan đề “Epilogue” (Tái bút) vẽ trong các năm 1990-1995, chiều cao 1.8 meters và chiều rộng 7.3 meters đầy những màu sắc mãnh liệt và các đường mạnh mẽ. Trong khi vẽ tranh cuối đó, bà viết vào ngày 27/10/1992: “Tôi không có thể thay đổi thế giới. Điều duy nhất tôi có thể thay đổi là tôi. Và như thế có thể trọn một kiếp – không chỉ là kiếp sống hiện tại, nhưng sẽ là nhiều đại kiếp.” Chữ đại kiếp là khái niệm chỉ có trong Phật giáo, hàm nghĩa là nhiều không kể xiết, cũng hàm nghĩa là khi thân tâm tan rã, năm uẩn không còn trở về với cái có thể đếm được..
 
Sau đó, Bing lui về ngôi làng Philo, một nơi cảnh đẹp và xa xôi hẻo lánh, cách San Frncisco về phía bắc 120 dặm, nơi bà chăn dê, làm việc trong một tiệm bán thực phẩm hữu cơ và vẽ trong một căn chòi đổ nát.
Chú tâm vẽ, đối với Bernice Bing, cũng là một Thiền pháp. Bà viết năm 1964: “Tôi đôi khi đạt tới trạng thái giác ngộ này trong khi vẽ, nhưng điều này lại hiếm hoi… Tôi như dường không thể đưa cảm xúc mình vào tranh, khi tôi đạt tới cảm xúc trạng thái giác ngộ này.” Chỗ này chúng ta có thể suy đoán, khi Bernice Bing có cảm giác tới trạng thái giác ngộ, tức là khi nhìn thấy tâm rỗng lặng (cũng là tâm xa lìa các pháp) thì màu sắc đường nét cũng như dường biến mất.
 
Nhiều năm sau khi viết như thế, họa sĩ Bernice Bing ghi nhận về pháp Thiền tập của bà và tranh vẽ, vào năm 1989: “Trong pháp tu Phật pháp của tôi, tôi vẫn chưa học được cách buông bỏ cả mỹ thuật. Hình thức cao nhất của mỹ thuật là một phương tiện, một câu thần chú. Tôi còn mang gánh nặng về phương diện sắc tướng của hành vi vẽ tranh.” Có vẻ như bà ám chỉ tới Kinh Kim Cương, khi lời Đức Phật dạy là buông bỏ cả những cái được thấy và những cái được nghe. Trong khi đó, đối với họa sĩ, tranh vẽ là một phương tiện, là một cỗ xe chuyên chở, là một câu thần chú để bà làm cho trong lành hóa cõi nhân gian này, và để giải thoát tự thân người sáng tạo.
Theo học giả Lin Ma, họa sĩ Bernice Bing tiếp cận với cả 3 khuynh hướng Phật giáo: Thiền Tông, Nichiren (Nhật Liên Tông), và Nyingma Buddhism (Cổ Mật PG Tây Tạng). Thái độ ứng xử Phật học của Binh thể hiện qua cách tự nhìn chính mình trong suốt đời là, không để cho được nhìn qua căn cước người Mỹ gốc Hoa, cũng không muốn được xem như một đồng tính nữ, cũng không để cho được nhìn như một phụ nữ. Nghĩa là, vô ngã. Do vậy, công chúng không hề biết Bernice Bing một người đồng tính nữ. Chỉ tới một năm sau khi bà từ trần, trong cuộc triển lãm tưởng niệm 1999 do giới họa sĩ San Francisco tổ chức, lần đầu yếu tố đồng tính nữ được viết lên trong bài tưởng niệm.
Bernice Bing kể về Giáo sư Saburo Hasegawa, người dạy bà về Thiền Tông từ năm 1956, và nói rằng chính thập niên 1956-1966 đã cho bà những khám phá mỹ học Thiền và tư tưởng Đông phương. Trong nhật ký, Bing ghi rẳng Hasegawa là “ảnh hưởng thâm sâu đâu tiên về tư tưởng Đông phương.”
Bing kể lại về Thầy Hasegawa: “Ban đầu, Thầy chịu ảnh hưởng hội họa Châu Âu và rồi Thầy mới học Thiền. Thầy thực tập Thiền, và đưa thiền tập của Thầy vào trong họa phẩm. Tác phẩm của thầy là những gì trừu tượng như mộng, đẹp và phảng phất thư pháp. Thây giới thiệu tôi vào một toàn bộ không khí hoàn toàn xa lạ với tôi. Tôi không có khái niệm gì về gọi là một phụ nữ Á châu, và Thầy làm tôi bắt đầu suy nghĩ về cương vị đó, và cũng bởi vì Thầy nói bằng các ẩn dụ.”
 
Và rồi, nhiều năm sau, họa sĩ Bernice Bing viết về mắt nhìn Thiền Tông của bà: “Tất cả thiên nhiên đều trong lành thanh tịnh, và đều trừu tượng một cách thanh tịnh, là sự hợp nhất tâm linh nối kết cả hai phần: những sắc tướng thiên nhiên được thấy và không được thấy.” (“All nature is pure, and purely abstracted, the spiritual union links both the seen and the unseen forms of nature.”) Hiển nhiên, tự thân bà đã có một cái nhìn của một bậc Thiền sư.
 
Thấy như thế, viết như thế, vẽ như thế, và sống như thế. Không có bao nhiêu người tới được nơi mắt nhìn thanh tịnh trừu tượng như bà, nơi trong kinh thường gọi là pháp nhãn thanh tịnh. Lý Ngọc Băng, còn gọi là Bernice Bing. Là như thế. Chỉ là như thế. Nơi đây, bà không muốn được định vị căn cước của bà theo bất cứ cách nào khả lượng của thế gian.
PTH