Saturday, June 22, 2024

SÁCH MỚI

 
Văn Học Press
22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978
email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press
 
Trân trng gii thiu:
 
ĐƯỜNG VỀ THỦY PHỦ
 
Tiểu thuyết
TRỊNH • Y • THƯ
VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2024
 
Tựa:
BÙI VĨNH PHÚC
Bạt:
 
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Tranh & Thiết kế bìa:
ĐINH TRƯỜNG CHINH

Cuốn sách vẽ ra được một toàn cảnh với các chi tiết, tạo được một ấn tượng về cuộc chiến, về không gian và cuộc sống xã hội, lịch sử của các giai đoạn gối tiếp nhau. Và về cuộc bể dâu mà con người phảiđối mặt, với những quyết định sai lầm của chính nó. Hay với cái “quyết định”, cái hướng đi mù loà, xiên xẹo và xộc xệch của lịch sử […] Cuốn tiểu thuyết này, với lịch sử được dùng làm một phông nền qua những gam mầu rất mờ nhạt, và ước muốn của nó, theo tôi thấy, là hướng về phía ánh sáng, về sự yênbình, về sự xoa dịu, qua lòng hiểu biết và niềm tin vào cái thiện, cái tốt. – Bùi Vĩnh Phúc, nhà phê bình văn học.

 Với thủ pháp dùng hư cấu, phi hiện thực để người đọc lần ra chân tướng hiện thực, khiến Trịnh Y Thư có một thái độ khách quan khi viết về sự tương quan giữa các nhân vật với những sự kiện liên hệ đến lịch sử và ý thức hệ […] Thân phận con người quả là chiếc lá nhỏ nhoi trong cơn lốc lịch sử, đấy là một thông điệp nhắc nhở hay một kết luận buồn bã? Dù là gì nó đều nói lên nỗi thống khổ của phận người từ đó khích động các cảm xúc về lòng Trắc Ẩn, Nhân Đạo, Lương Thiện và Vị Tha. Đó là luồng ánh sáng chiếu xuyên suốt tác phẩm này, lấp lánh qua văn phong tả chân, bạo liệt mà không thiếu tính trữ tình của lòng nhân ái, đa cảm. – Nguyễn Thị Khánh Minh, nhà thơ. 

@@@
 
Sách có bán trên BARNES & NOBLE
326 trang, bìa cứng, 6” x 9”, giá bán: US$25.00
Xin bấm vào đường dẫn sau:
Duong ve thuy phu by Trinh Y. Thu, Hardcover | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com)
Từ tìm kiếm: duong ve thuy phu, trinh y thu
 
Hoặc liên lạc với tác giả / NXB qua hai địa chỉ email sau để mua sách có chữ ký của tác giả:
 
trinhythu@gmail.com
vanhocpress@gmail.com

Thursday, June 20, 2024

N H Ữ N G B À I T H Ơ M Ư A

Hoàng Xuân Sơn
 
Mưa. Tranh Alexander Bolotov. Ukraina
 
MƯA
 
mưa bay trong đầu
mưa sầu trên tóc
mưa khóc đôi hàng
mưa quàng áo trắng
mua lăn gấu quần
uớt đầm vai nhỏ
,
mưa nằm quán trọ
mưa gõ vách buồn
mưa tuôn sách vở
mưa thở qua đời
mưa ơi nhè nhẹ
{ báo Văn VN 1966 }
 
 
MỘT BÀI MƯA CŨ
 
bước qua tháng sáu
 
mưa
 
rồi
khoanh tay ở một thế ngồi
nghe mưa
năm này. cùng với năm xưa
năm nào cũng có một mùa trúng mưa
ước chi tình được trúng mùa
cái ô che nắng
để mưa
 
chùng
 
chình
{ Quyenbook 1995 }
 
 
MƯA MÙA NƯỚC LỚN
 
Rồi cuốn trôi đi nhành củi mục
khi mùa mưa lũ nước tràn sông
nhà ở bên tê múi Đập Đá
ngó đất trời dạ cũng sầu mông
 
Giờ này chăn ấm e còn ngủ
ôm vai mưa mộng tiếng ru dài
có thấy bâng khuâng hồn bão rớt
và có mơ mòng nghĩ một ai
 
Nước xiết chân rồi đò không lại
thương thương này gởi gió qua bờ
gởi màu mây xám giăng ô cửa
cho nhớ nhung mềm những sợi thơ
 
Buồn lắm mênh mông triều sóng bạc
như người cất rớ đứng cô đơn
bèo trôi ra biển rồi mất biệt
còn chút rêu rong bỏ lại nguồn
 
Làm sao bỗng nhớ rằng như đã
trong tiếng hò ơi nặng những tình
rủ Huế di xem mùa thủy tích
phố, đồi và mây nước nằm nghinh
 
Mai nước xuống rồi trường học lại
qua ngày lễ lụt ngóng hình nhau
đón đưa cho thỏa niềm canh cánh
và nắng xinh thêm buổi hẹn đầu
{Văn Học hải ngoại 1992
Huế Buồn Chi 1993}
 
 
M ƯA Đ U Ổ I CH IỀU
 
tặng Lữ Quỳnh [ gặp lại sau 31 năm đào tị ]
 
nghe mưa
đầu ngõ loang dần
ướt xanh lên những kỳ trân
bụi
bờ
mình nằm trong chái ầu ơ
nhà. hay thuyền. vẫn
vô bờ vô thân
vô phương
thì cũng có lần
chộ em qua đó
mà trần ai như
chiều vàng khê
đục. ảm. nhừ
hát thôi chiều hỡi!
bóng
 
lừ đừ
trôi
{ tháng sáu, 21 }
H O À N G X U Â N S Ơ N
 

Wednesday, June 19, 2024

SỰ MÉO MÓ KÝ ỨC

Vương Ngọc Minh
 
Siêu thực Dali. Alice In Wonderland
 
                   .tặng nhà thơ khế iêm.
 
thơ tự do-ở đây
ở kia
mọi thứ đều không rõ ràng
ai bán nhà
đất
cứ bán nhà, đất
ai làm trạng sư cứ làm trạng sư
ai dạy học hãy dạy tốt
ai chơi bời nhớ đeo condom..
 
hiện dưới cái nóng ôn đới
thực mất dạy, tôi mơ
thấy cô gái da trắng chân dài
trên đường santa clara đoạn giữa đường số 1
với số 4
ho
thuần tính
 
-đấy
tôi đánh cánh áo hoa (khuất
tầm nhìn mọi người
bởi vẫn chưa tường tận về vực thẳm
sự mật thiết của việc buột tóc
ngăn với tầng trời đã thành quán tính
 
tới đỉnh cao
hủ lậu..
 
ở đây, ở kia
tôi vẽ bức tranh hai mặt-vừa trừu tương
vừa hiện thực
có lũ chó choàng qua vai dọc tẩu
chúng đút chiếc túi đựng máy chụp ảnh xuống đóc họng
..trong họng đầy không khí ẩm
mốc, bạc thật
giả
vô số (vấn đề không phải chỗ này!)
 
chuyện
..lưng phát mọc vây, màu vằn vện
tôi chưa bao giờ nhòm tới
và nó đang chấp chới, cứ chực bay
phải liên tục thở ra
hơi thở tuyền màu hồng phấn
chúng lan tỏa
 
chì chiết..
ai cũng tưởng tượng nổi
vấn đề là đừng nhớ gì
có thể khoảng giữa-tôi
cô gái da trắng chân dài
chẳng có gì để nói (bởi quá nhiều thứ rững mỡ
rậm đám!)
trong giấc mơ
 
ở đây, ở kia
nọ nay thường xuyên ăn gạo lức
muối mè
kể con ma xó nghe
nó bảo hết còn huyền ảo truyền kì nhá
đợi khi hoá tiên ông hãy hô hoán
đừng nói "thậm chí" ở đây, vô nghĩa
 
hai mắt tôi, chốc chốc đảo ngược
xuôi
phải/trái-cốt tìm từ cửa chính tiếng cười đùa của cây roi da
con ma xó cất giọng
bảo "giời còn tỏ nao núng huống hồ tôi
ông ơi.."
 
cô gái da trắng chân dài, bất thần ôm ngực
rũ rượi
lướt qua tôi
hướng downtown
có nỗi trống lớn như thể cơn giá lạnh
hết sức bí ẩn
 
tôi chồm
chồm, dợm phóng giờ/giấc ngay đây lạ
tiếng dao phay
chặt gò nống trúng chân gió nghe “phập
phập!”
thơ mới vào đầu tháng sáu
có từng cơn ngoái
-ngó
cờ đuôi nheo đuổi theo vào tận tâm khảm
 
cả cây sồi héo
bên hông Oe kenzaburo
 
hai con mèo vàng
nău
đang vờn/múa
trên nóc nhà thờ đường số 7
trước mắt
chiếc khăn william carlos williams rơi
khập khiễng
bối cảnh lúc ngày đang lên đậm toan tính
 
tôi biết thời kì thơ việt đang tàn
úa
do người làm thơ, hết ngày này sang ngày khác
họ nhồi nhét hàng đống bóng đêm
vô phương triệu hồi
nào lòng chảo ngập miên man
và độc ai oán chuyện ăn
 
nằm, đéo cần thiết!
..
VNM

Monday, June 17, 2024

JOSÉ H.

Tí Ngô
 
 Portrait of a man. Modigliani
 
Hàng năm cuối xuân đầu hè các nông trại đất quê tưng bừng hoạt động.
Đây là mùa trồng cấy hoa trái (berries, dâu, framboise...) kéo dài tới cuối thu mới xong.
Nhân lực cần nên các nông trại nhận người vô ào ạt, phần lớn đây là những công nhân tài tử, là đám học sanh sanh viên từ các xứ khác, vừa du lịch hè vừa đi làm kiếm tiền trang trải chi phí.
Đã có hẳn những dịch vụ thu nhận công nhân kiểu này, mở ra khắp nơi trong khuôn viên các đại học âu mỹ và mỷ châu la tinh. Nhơn công ngoại quốc sang làm việc phải đóng thuế và mua bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế do cơ quan trung gian phụ trách. Ăn ở trong thời gian làm việc do đám chủ nông trại lo. Cuối ngày, cuối tuần được xe nông trại chở ra thả ngoài phố ngoạn cảnh. 
 
Năm đó Hô-zé (José) tham dự lần đầu tiên - the very 1st và cũng là the very last -
Em trai nó mỗi năm mỗi đi, đi hoài thành quen thuộc. Rồi rủ thằng anh đi cùng, mùa xuân năm 2020. José học Ph.D đang sửa soạn trình thesis, mới lập gia đình được 1 năm và vợ nó đang có bầu. Dự tính của José là đi một lần cho biết, vừa kiếm tiền, vừa du lịch, về sẽ trình thesis vào mùa thu, rồi đi làm - cả làm việc lẫn làm bố - Nhưng... toan tính không thành khi cô Vi 19 tuổi thình lình xuất hiện.
 
Tất cả, dà tất cả, những nông dân tài tử nọ, có lẽ do ăn chung ở chung tại farm, nên... đã lây nhau suốt lượt. Đứa còn khoẻ ra đồng, đứa hổng khoẻ nằm bẹp ở nhà, một căn nhà tiền chế to đùng, y chang những barack ở trại lính. Và cả hai anh em Jose đã lọt vô nhóm bịnh này.Thuốc men hổng có chi ngoài mấy viên tylenol giải cảm.
Mùa xuân năm 2020 ấy, những hiểu biết về covid còn mù mờ, thuốc chủng chưa có, nhơn loại loài người đã chết như rạ (ngoài đất trung cộng, hổng nghe nói có tử vong).
Jose vào suy hô hấp, được ambulance chở thẳng ra bịnh viện vùng, rồi chuyển tới covid unit của tui.
 
Jose ngó trí thức (thì nó trí thức thiệt) hiền lành, nói năng từ tốn đàng hoàng đâu ra đó.
Nó kể chuyện học hành, về gia cảnh, về những tính toán tương lai, nghe thấy thương luôn.
Nó hỏi "bác nô thấy tình trạng cháu ra sao". Tui nói cháu an tâm tịnh dưỡng, có bác đây đừng lo lắng chi. Nhưng... em covi đá cá lăn dưa 19 tuổi nọ, đâu dễ lường. Trị liệu khi ấy chỉ là trị triệu chứng, nhứt là triệu chứng hô hấp. Đã không thể, chưa thể lường được những biến chứng tim mạch não bộ và nội tạng.
 
Rồi Jose vào suy tim mạch, buộc lòng tui phải chuyển nó qua viện tim mạch.
Hồi báo tin, cả hai bác cháu cùng rướm nước mắt. Cháu rướm vì xa bác, bác rướm vì... không đoán được sẽ xảy ra chi cho trái tim non nớt bịnh tật nọ.
Jose biểu "thế cháu không ở lại đây được à". Tui nói không, qua bên kia mới có đủ phương tiện theo dõi trị liệu chớ - cháu đừng lo, khi nào rảnh bác sẽ qua thăm -
Nhưng khi ấy chuyện đi thăm là chuyện không tưởng, absolute isolation, chưa kể là công việc nhiều tới không còn làm chi khác được nữa (tui vô toilet và thường khi ngủ ngồi luôn trong trỏng - hổng rảnh để mơ tưởng việc đứng nữa cà)
 
Một bữa em social worker bên viện tim mạch phôn qua, nói bác Nô ơi, Jose muốn gặp bác, nhứt định phải gặp bác trước khi về nhà (before going home). Tui nghe vậy, hiểu vậy và yên trí vậy. Mà bữa đó thiệt là hổng rảnh. Qua bữa sau, em social worker bên đây mới chở qua bển thăm thằng cháu.
Hồi tới ICU chỗ nó nằm thì giường trống, tấm ảnh chụp hai bác cháu bên này vẫn còn ở tablet đầu giường. Phòng nó đang chờ lau chùi quét dọn để đưa bịnh khác vào. Xác nó đã bỏ vô túi nylon và đưa xuống nhà xác. José chết có một mình ! Em nó còn nằm bẹp ở farm chưa đứng lên được.
 
Tui cũng tính xuống nhà xác ngó mặt nó lần cuối cùng, nhưng rồi được dạy rằng... nhà xác chật chỗ rồi, viện tim mạch đã phải thuê một xe vận tải chở đồ đông lạnh để giữ xác, thành ra... biết ai vào với ai mà kiếm mà tìm !
Rồi thì... cái giường, chỗ nằm của Jose trong covid unit của tui được di chuyển, mang sang chỗ khác (để bác nô qua lợi tránh nỗi thương tâm).
 
Tui vẫn còn liên lạc với vợ con Jose sau đó.
Nghe nó sanh con trai, đặt tên Gabriel theo đúng lời Jose dặn dò.
Thằng nhỏ nay đã hơn 3 tuổi, mặt mũi giống cha như đúc (hay tui tưởng tượng hổng chừng).
Nửa năm nay hổng nghe tin tức mẹ con nó nữa. Con nhỏ học xong Ph.D ra trường và vừa tái hôn với một đồng nghiệp cùng sở.
 
Tui vẫn đi chung với mỗi bịnh nhơn một đỗi đường.
Nhưng... đoạn đường đi chung với José tuy quá ngắn mà gồ ghề khúc khuỷu, thành chừ... hai chân vẫn còn đau!
I miss you, Hô-zé
TN

  

MANG MANG

Nguyễn Đức Sơn
 
  
Đồi thông Phương Bối,
nơi Nguyễn Đức Sơn an nghỉ
 
Mang mang trời đất tôi đi
Rừng im suối lạnh thiếu gì tịch liêu
Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh
Còn một mình hỏi một mình
Có chăng hồn với dáng hình là hai
Từng trưa nằm nghĩ đất dài
Phiêu phiêu nhẹ cái hình hài bay lên
Mù sương âm vọng tiếng huyền
Có con dơi lạ bay trên cõi đời
Sau xưa mắt đã ngợp rồi
Tôi nghe tôi chết giữa trời thinh không.
NĐS

Sunday, June 16, 2024

TẠI SAO CHÚNG TA LÀM THƠ

Trịnh Y Thư
 
Tranh Marc Chagall
 
1. Thơ là biu hin và kết ni cm xúc
    Trước hết, về cơ bản, thơ ca cho phép các cá thể con người nói lên những cảm xúc, suy nghĩ và trải nghiệm sâu sắc nhất của họ. Nó có thể nắm bắt được các sắc thái cảm xúc của con người theo những cách mà các loại hình giao tiếp khác không thể làm được. Vay mượn câu nói của Milan Kundera, “có những điều chỉ tiểu thuyết mới nói được”, tôi có thể nói “có những điều chỉ thơ ca mới nói được.”
    Chúng ta đang sống trong một thế giới mà con người ngày càng xa cách, tách ly nhau; thơ ca là con đường cứu chuộc cuối cùng cho vấn nạn đó. Trong lúc sự hư ngụy, giả trá được tâng xưng lên làm chân lý, thì thơ ca vẫn lặng lẽ nói lên Sự Thật. Sự Thật của thơ ca là hy vọng cuối cùng cho con người tìm lại được sợi dây thắt buộc mình lại với nhau sau những phân liệt tranh chấp và hận thù.
    Thơ ca mở rộng ngôn ngữ, cho phép nhà thơ giao cảm theo cách mà các hình thức khác – một cuộc trò chuyện thông thường, một câu chuyện kể bằng văn xuôi, v.v. – không mang lại được. Chúng ta có thể sử dụng thi ảnh và cảm xúc trong thơ để đạt đến mức độ giao cảm sâu sắc hơn, ngay cả khi thơ không chứa đựng những mật ngôn ẩn giấu, những ý nghĩa đa tầng.
    Nhiều nhà thơ đương đại sử dụng tác phẩm của mình để nói lên các vấn đề công bằng xã hội, phân biệt giới tính, xu hướng tình dục, chủ đề chính trị và phê phán văn hóa. Thơ có thể nâng cao nhận thức, kích thích tư duy và truyền cảm hứng hành động cho những vấn đề quan trọng thuộc phạm vi chính trị-xã hội.
    Thơ với tư cách là một loại hình nghệ thuật tiếp tục mang lại niềm cảm khoái thẩm mỹ. Việc sử dụng ngôn ngữ, nhịp điệu, hình ảnh và âm thanh có thể tạo ra vẻ đẹp và gợi lên cảm giác ngạc nhiên thích thú về nghệ thuật ngôn từ.
    Thơ giúp bảo tồn di sản văn hóa bằng cách truyền lại những truyền thống, câu chuyện và giá trị qua nhiều thế hệ. Đồng thời, nó cũng cho phép đổi mới văn hóa, phản ánh bản sắc và trải nghiệm đang phát triển của con người trong một thế giới toàn cầu hóa.
 
2. Làm thơ là khám phá và bông đùa vi ngôn ng
     Thơ tự thân là một trò chơi ngôn ngữ, nó luôn tìm cách vượt qua những đường biên ngôn ngữ đời thường để khám phá những khả năng mới mẻ của ngôn ngữ. Thử nghiệm ngôn ngữ là phong nhiêu hóa ngôn ngữ và mở rộng sự hiểu biết cũng như cách sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ phải là một sinh ngữ nếu muốn tồn tại, nó luôn luôn biến đổi theo thời gian qua các thời đại, bằng không nó sẽ là một tử ngữ.
    Thơ là một lối viết đặc biệt, khác rất nhiều so với các hình thức viết khác. Tuy nhiên, không có con đường đúng đắn duy nhất nào để trở thành một nhà thơ. Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam từ thời Trung đại, nhà thơ thường được xem trọng, vì giới sĩ phu đào tạo trong môi trường Khổng-Mạnh phần nhiều chỉ làm thơ. Nhưng bước sang thời cận và hiện đại, nhà thơ Việt Nam đã “thoát xác”, không còn mang nặng tâm thức “văn dĩ tải đạo” nữa mà ngày càng giống các đồng nghiệp Tây phương của mình.
    Thơ đương đại, Việt Nam nói riêng hay thế giới nói chung, là một loại hình nghệ thuật cho phép người viết sáng tạo mà không phập phồng lo sợ phải làm thế nào cho hoàn hảo, nhà thơ không cần lo lắng, phân vân về ý nghĩa. Một trong những tính cách đặc thù của thơ là cho phép người viết bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, ý tưởng, quan điểm của mình bằng một đường lối trừu tượng, cách điệu hóa tối đa, nếu cần, và không tuân theo các quy tắc viết “truyền thống”. Một nhà thơ, nếu hắn làm đúng công việc của mình, sẽ khiến người đọc phải cố gắng tìm ra chính xác ý nghĩa, mục đích hoặc cảm xúc được truyền tải là gì. Đây là một trò chơi, trò chơi đoán xem cái gì nằm trong trí óc người làm thơ khiến hắn viết như thế, một trò chơi thú vị.
    Khi làm thơ, cũng như hầu hết các nhà thơ, tôi bị cuốn hút vào một khoảnh khắc nóng bỏng với một tứ thơ nào đó. Cái gì thôi thúc tôi viết bài thơ, tôi không thể suy nghĩ rõ ràng, nhưng tôi cần thể hiện dòng ý thức của mình, càng nhanh càng tốt, và chính những điều này khiến bài thơ cuối cùng trở nên thú vị. Thơ Siêu thực, với “lối viết tự động” tuôn trào từ tiềm thức, vô thức, hay giấc mơ, đã đẩy thơ ca đến một biên vực mới lạ, đầy hào hứng.
    Thơ là một hình thức cho phép người viết bày tỏ sự đau khổ, nỗi sợ hãi và lo lắng của mình mà không cần phải chuẩn xác, thậm chí không mạch lạc ngay lần viết thử đầu tiên. Thơ cho phép người viết thể hiện mọi điều nhỏ nhặt trong tâm trí mình trên giấy (hoặc màn hình máy tính), theo một cách tiếp cận đơn giản. Lúc đó, mối quan tâm duy nhất của nhà thơ là hiểu được suy nghĩ và xử lý cảm xúc của mình.
    Sau khi làm xong một bài thơ, tôi thường có thói quen quên nó và đi làm chuyện khác, như ra ngoài đi bộ hoặc hẹn bạn bè đi quán uống cà phê. Sau vài ngày, đôi khi cả tháng, tôi xem lại bài thơ đó với một góc nhìn mới mẻ. Giờ đây, tôi có thể chỉnh sửa cho trau chuốt bài thơ, xóa bỏ sai sót, những sai sót tôi có thể mắc phải trong bản phác thảo đầu tiên lúc tôi viết nó trong cảm xúc nóng hổi.
    Chỉnh sửa và biên tập xong, nhà thơ vẫn có thể giữ được giọng điệu nguyên thủy và duy trì đúng ý nghĩa của nó. Cảm xúc nằm trên giấy, nhưng bây giờ nhà thơ phải trau chuốt lại một số từ hoặc cụm từ nhất định để cảm xúc thực sự đến với người đọc.
    Vẻ đẹp của thơ nằm ở chỗ hầu hết được sáng tác trong cơn đồng thiếp, ngẫu hứng, từ một phân cảnh đời sống buồn bã hoặc một nhận thức bất chợt tình cờ dẫn đến sự suy ngẫm, thậm chí một cơn phẫn nộ, giận dữ, một niềm vui sướng hạnh phúc dạt dào. Viết những câu chữ mạch lạc, như trong một bài nghị luận, đòi hỏi phải suy nghĩ và cẩn trọng nhiều hơn. Nhưng với thơ, mọi quy tắc ngữ pháp gần như bị bỏ qua, không có đường biên, không có giới hạn cho sự phá cách. Trong thơ, sẽ không hề chi nếu người đọc tác phẩm của bạn không hiểu rõ ý nghĩa bạn đang cố gắng truyền tải là gì. Thơ là một hình thức viết mà người đọc có thể chấp nhận việc rút ra kết luận của riêng mình và diễn giải tác phẩm theo cách riêng. Ở chừng mực nào đó, người đọc thơ tiếp nối sự sáng tạo từ người làm thơ, thậm chí phủ lấp người làm thơ.
    Nói vậy bởi tôi đang nghĩ đến thơ của thi sĩ Nguyễn-hòa-Trước.
    Thơ Nguyễn-hòa-Trước được đặc trưng bởi sự tập trung vào tính sáng tạo của ngôn ngữ, sự giải cấu trúc của cú pháp và ngữ pháp thông thường, đồng thời khám phá những hạn chế và khả năng cố hữu của chính ngôn ngữ.
    Thơ ông thường sử dụng cú pháp rời rạc. Cấu trúc thơ phân mảnh, thách thức các hình thức biểu đạt tuyến tính và tự sự thông thường. Sự phân mảnh phản ánh sự hoài nghi đối với ý tưởng về một ý nghĩa mạch lạc, đồng thời nhấn mạnh quá trình đọc thơ như một tương tác tích cực với ngôn ngữ. Người đọc thơ cùng lúc sáng tạo với người làm thơ. Thơ có thể gãy đoạn, không dễ cảm nhận tức thời, không đi thẳng từ trái tim người làm thơ sang trái tim người đọc, nhưng đó là sự gãy đoạn có ý thức khơi gợi những khả thể mỹ học khác lạ trong một tương quan mở. Chính nhờ vậy, ngôn ngữ trong thơ ông không bị lệ thuộc vào cái nghĩa, tức là cái tư tưởng tiên nghiệm, để từ đó thơ thoát ra khỏi thân phận công cụ, không bị trì kéo bởi trọng lượng khôn kham của sứ mệnh, và trở thành cứu cánh của văn học, của mỹ học.
    Là một thử nghiệm ngôn ngữ ở cấp độ vần/nhịp điệu, từ pháp, cú pháp và ngữ nghĩa, nhà thơ thường sáng tạo những từ mới, sử dụng cách chơi chữ và vận dụng ngôn ngữ để làm nổi bật những phẩm chất vật chất của nó. Sự đổi mới ngôn ngữ này nhằm mục đích phá vỡ các thói quen đọc và hiểu.
    Bởi thơ Nguyễn-hòa-Trước xem ngôn ngữ như một đối tượng vật chất, có xu hướng khám phá tính chất vật thể của nó cũng như cách thức nó định hình nhận thức và trải nghiệm, nên nhà thơ quan tâm đến kết cấu, cú điệu và hình thức trực quan của các từ trên mặt dệt bài thơ cũng như bối cảnh văn hóa và xã hội ảnh hưởng đến việc sử dụng chúng.
    Theo lời chính nhà thơ thì “Viết là để 'ngôn ngữ hóa' cảm xúc và tưởng tượng của mình; mà hai thứ này thì cứ thay đổi, biến chuyển tùy lúc. Do đó, chúng bắt buộc 'ngôn từ' phải tự biến hóa liên tục theo.”
 
3. Miêu thut trong thơ
    Thơ có cần miêu thuật một câu chuyện nào không? Nếu là thơ vô ngôn, mật ngôn – tôi đang nghĩ đến nhiều bài thơ của nhà thơ Hoàng Xuân Sơn – thì không hề hiện hữu một tự sự nào, mà chỉ là tập hợp những từ chẳng liên quan gì đến nhau, cũng chẳng có ý nghĩa hữu cơ nào. Là người viết, chúng ta có khao khát muốn chia sẻ với độc giả những câu chuyện đời, từ những chuyện vụn vặt, vớ vẩn chẳng đâu vào đâu cho đến chuyện nói lên thân phận con người trong dòng chảy cuồng nộ của cái-gọi-là kiếp nhân sinh.
    Nếu là thiên tài như Nguyễn Du, bạn cứ nhẩn nha viết bài trường ca trên ba nghìn câu lục bát miêu thuật một câu chuyện éo le, ngang trái nhiều nước mắt. Nhưng thật may mắn cho chúng ta, những kẻ hậu bối tầm thường, vẫn có nhiều hình thức và loại hình văn bản khác nhau có thể mang lại trải nghiệm, hoàn cảnh hoặc tình huống cho cuộc sống. Bạn khao khát muốn kể ra sự thật đầy cảm xúc của câu chuyện hằng ấp ủ trong lòng, bạn chỉ cần ghi lại những khoảnh khắc nhỏ và biến chúng thành những khoảnh khắc quan trọng. Bạn kể một câu chuyện mà không cần trau chuốt xây dựng từng chi tiết nhỏ. Đó là nơi thơ phát huy tác dụng.
    Thơ có thể ngắn hoặc dài, tùy ý bạn. Bài thơ Trái đất của thi sĩ Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc chỉ vẻn vẹn có sáu từ. Tôi cũng nghe truyền tụng thi sĩ Nguyễn Đức Sơn có một bài thơ tổng cộng ba từ “Hột thì le!” Nếu đấy là sự thật thì bài thơ của Sơn Núi có lẽ là bài thơ ngắn nhất lịch sử thơ ca! Tuy rất ngắn, nhưng cả hai bài thơ của hai thi sĩ (nếu có thể gọi đó là “bài” thơ) đều trọn vẹn “miêu thuật” một cảnh huống hay một cảm xúc nào đó. Chưa bao giờ người đọc đóng vai trò quan trọng hơn, bởi người đọc phải tiếp nối, lấp đầy những phần trắng, phần trống, hở, của bài thơ. Các thể thơ haiku hay hokku của Nhật Bản cũng có tác dụng tương tự, nó yêu cầu sự tương tác giữa văn bản thơ và người đọc để bật lên những điều thú vị nằm bên ngoài thơ.
    Điều khiến thơ ca trở thành một loại hình nghệ thuật thiêng liêng là những câu chuyện được kể có rất ít lời. Kỳ thực, kể một câu chuyện lý thú dưới ba trăm từ là một tài năng ít người có được.
 
4. Hình thc bài thơ
     Không có một hình thức nào được xem là đúng nhất cho một bài thơ. Tuy vậy, hình thức bài thơ cho phép người đọc có cái nhìn thoáng qua về dòng ý thức của nhà thơ. Mỗi đoạn thơ đều góp phần truyền tải một ý nghĩa, cảm xúc sâu sắc nào đó. Mỗi khổ thơ, cách ngắt dòng, dấu chấm hay dấu phẩy, những ký hiệu, thậm chí những đường nét như tranh vẽ đều được dụng công góp phần tạo nên bức tranh lớn hơn của bài thơ. Cách thức một bài thơ được định dạng nói lên nhiều điều về giọng điệu hoặc tâm trạng mà nhà thơ có thể đang cố gắng truyền tải. Nhà thơ có thể truyền tải một tư duy phân tán bằng cách sử dụng ngắt dòng và nhiều khoảng cách giữa các từ. Hoặc, nếu muốn bài thơ có vẻ sâu sắc hơn, bạn có thể làm thơ vần và mỗi khổ thơ có số dòng như nhau.
    Không giống như văn xuôi, thơ yêu cầu chúng ta chú ý đến ngôn ngữ không chỉ từng câu, từng chữ mà còn từng âm tiết, từng âm thanh. Chính nhịp điệu và âm nhạc của thơ đòi hỏi chúng ta phải lắng nghe, mở rộng các giác quan và nhận thức cách chúng ta tiếp nhận ý nghĩa vào tâm trí mình.
    Nhạc tính và những khoảng dừng (như những dấu lặng trong âm nhạc) được chủ ý xây dựng trong dòng ngắt quãng làm chúng ta chậm lại. Thơ yêu cầu chúng ta không nhảy về phía trước mà ngừng lại nuốt vào từng con chữ một để thẩm thấu trải nghiệm bàng bạc trong hồn thơ lai láng. Nó mời gọi sự hiện diện. Nó tiếc rẻ sao đêm chóng tàn.
    Hình thức và nội dung không thể tách rời trong một bài thơ. Một bài thơ có ý nghĩa chính xác như những gì được biểu hiện trong hình thức của nó. Hình thức là nội dung và nội dung là hình thức. Điều này tương tự như tính lưỡng phân giữa tâm trí và thân thể con người.
    Hình thức thơ của các nước Tây phương vào mấy chục năm giữa thế kỷ XX, nhất là thơ Mỹ, lâm vào tình trạng quá độ. Nó biến thành ký họa. Nhưng chỉ sau hai, ba thập kỷ tung hoành, nó lui vào bóng tối và ngày nay chỉ hiện hữu như một cước chú trong các giáo trình học đường cho các học sinh, sinh viên tìm hiểu về lịch sử thơ ca.
    Sau khi bài thơ hoàn tất, nó có thể mang bất cứ ý nghĩa gì. Hãy để người đọc tự giải thích. Đó chính là điều khiến thơ trở thành một loại hình viết thú vị và bí ẩn. Thơ là phiên bản giấc mơ của nhà thơ. Qua thơ của mình, nhà thơ có thể tạo ra điều gì đó đẹp đẽ từ bóng tối mà họ có thể đang trải qua. Thơ mang lại cho người viết sự nhẹ nhõm và sự thú vị cho người đọc.
 
5. Mc đích ca thơ là gì?
     Đối với nhiều người, câu hỏi này thoạt đầu nghe có vẻ vớ vẩn, chẳng chút liên quan. Hoặc bạn thích đọc và làm thơ, hoặc thơ không có mối quan tâm đặc biệt nào đối với bạn, và trong cả hai trường hợp, lý luận trừu tượng về nó chỉ khiến bạn cảm thấy câu chuyện trở nên lạc đề. Nhưng ít nhất từ thế kỷ XVI bên Tây phương, các nhà thơ đã viết những chuyên luận về tầm mức quan trọng của thơ ca. Tập sách Apology for Poetry (Lời xin lỗi cho thơ ca) của Philip Sidney dựa trên khả năng của thơ trong việc hướng dẫn độc giả thông qua “niềm vui” và giúp họ đạt được các “thao tác đạo đức”. Vào đầu thế kỷ XIX, cuốn Defense of Poetry (Bảo vệ thơ ca) của thi hào Anh Percy Bysshe Shelley đưa ra lập thuyết dựa trên khả năng rèn luyện trí tưởng tượng của thơ. Theo ông, thơ ca “đánh thức và mở rộng tâm trí” con người.
    Ngày nay, tính trung tâm văn hóa của thơ ca đã giảm sút đáng kể so với thời cách đây vài thế kỷ. Vào thời của họ, những thi sĩ như Shelley và Lord Byron có địa vị gần giống như các siêu sao nhạc pop, hay diễn viên điện ảnh thời nay. Nhưng những niềm vui và bài học từ thơ ca, nếu có, lại không giảm sút chút nào, và việc thể hiện rõ ràng lợi ích của thơ nhắc nhở chúng ta thơ là gì và chúng ta là ai, bởi thơ giúp chúng ta bộc lộ chính bản ngã mình.
    Thơ hiện hữu trong mọi giai đoạn, mọi tâm trạng, mọi trải nghiệm của cuộc sống. Osip Mandelstam viết nguệch ngoạc những bài thơ trong ngục tù Gulag ở Siberia; Thanh Tâm Tuyền vừa lao động khổ dịch tại những trại tù cải tạo Bắc Việt vừa lẩm nhẩm những câu thơ trác tuyệt nhất của ông; Trần Mộng Tú vừa nấu cơm tối cho chồng con vừa bật ra trong đầu những vần thơ nền nã. Thơ đi cùng chúng ta, gặp chúng ta nơi chúng ta đang ở, dẫn chúng ta đến những bước tiếp theo. Trong cuộc đời tôi, thơ luôn là người bạn đồng hành. Tôi đã viết những bài thơ trong những khoảnh khắc đen tối nhất và hạnh phúc nhất đời mình.
    Tôi nghĩ chừng đó thôi đã đủ cho thơ ca có một chỗ đứng trang trọng và viên mãn trong tâm hồn chúng ta.
 
6. Ti sao chúng ta làm thơ?
     Khi chú ý đến ngôn ngữ, chúng ta thấy rằng ngôn ngữ mang ý nghĩa trong mối liên hệ với truyền thống, nhận thức, kinh nghiệm. Một từ có nghĩa là một cái gì đó khác so với các từ khác; cú điệu chỉ được hình thành trong mối quan hệ với các cú điệu và âm thanh khác. Thông thường, tâm-thân được xem là hai thực thể tách rời, riêng biệt, nhưng xuyên qua nhận thức của chính chúng ta, tâm-thân chỉ là những từ nói lên những phần trải nghiệm của chúng ta mà trên thực tế, không thể tách rời nhau. Tương tự, ý nghĩa của bài thơ xuất phát từ những mối quan hệ được hình thành giữa thế giới sống, giữa các từ trên trang giấy, mối quan hệ giữa chúng với nhau và với chính người đọc. Nghề đọc, nghề làm thơ, do đó, gắn liền với thực tế sống.
    Dù đôi khi thấy khó khăn, chúng ta vẫn thấy được mối liên hệ giữa cái cụ thể và cái thiêng liêng, giữa cái nhỏ nhoi và cái to lớn, cái gì chúng ta có thể biết và cái gì chúng ta không thể lĩnh hội. Khi chú ý đến những mối quan hệ này, chúng ta cũng chú ý đến những khoảng trống giữa các sự vật, giữa các từ, cái không gian im lặng, cái không gian bí ẩn nơi những khả thể có thể xảy ra.
    Không gian của khả năng này chính là không gian của năng lượng sáng tạo, của tia lửa thiêng lóe sáng lên trong một giây phút bất chợt, phù du. Và mặc dù chỉ đọng lại trong tâm tưởng ta không quá một sát-na, nó chỉ hướng cho ta đến không gian mà nó mời gọi, nơi sự sáng tạo thành hình. Đó là lúc thần trí tưởng tượng dịch chuyển từ não thùy bên trái sang não thùy bên phải, thâm nhập vào không gian của sáng tạo. Đây là không gian của giấc mơ, của tiềm thức, của thần thoại, của thần cảm. Và không gian đó cũng là không gian diễn ra sự thay đổi. Nó là không gian của tiếng khóc nguyên sơ nhất của chúng ta – nỗi đau buồn, chấn thương, niềm đau thể xác – tất cả đều là một phần của không gian này và thường nằm ngoài ngôn ngữ. Đó cũng là không gian của niềm vui lớn nhất, ham muốn tình dục, tình yêu, và là không gian của chính sự thiêng liêng, của sự thần bí và kính sợ.
    Điều thú vị là những trải nghiệm cao độ nhất đưa ta ra ngoài ngôn ngữ. Và nghịch lý thay, sự chú ý rất chặt chẽ đến ngôn ngữ mà thơ ca tạo ra lại đưa chúng ta vào trạng thái phi ngôn ngữ. Nó là khoảng không trống rỗng giữa các từ, trí tuệ của phi ngôn ngữ, cái mà nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh gọi là “phút mong manh giữa những từ”.
    “Hãy nói lên Sự Thật nhưng hãy nói một cách nghiêng lệch.” Nữ sĩ Emily Dickinson thốt câu nói nổi tiếng đó. Thường thì chính sự nghiêng lệch của một bài thơ có thể đi đến sự thật một cách chính xác hơn. Mọi sáng tác đều là một quá trình khám phá, đặc biệt là thơ. Chính hình thức này đã cho phép chúng ta buông bỏ những cách nói hoặc suy nghĩ có tính thiên kiến, định sẵn về sự vật và thử nghiệm những hình thức mới, ý nghĩa mới. Chúng ta học hỏi thông qua quá trình đọc và viết của chính mình.
    Một lý do ta làm thơ là để tuôn ra từ sâu thẳm bản ngã một số suy nghĩ, cảm xúc, hiểu biết, câu hỏi, thậm chí một giai điệu nào đó mà bạn không biết là có trong bạn hoặc được ai trên thế giới nói đến hay chưa. (Hãy quay lại câu nói của Milan Kundera.) Các hình thức viết khác, như báo cáo khoa học, phân tích chính trị, thị trường chứng khoán, báo chí, phần nhiều cố gắng nắm bắt và thông hiểu những điều đã biết. Thơ là sự khai phóng cái gì đó trước đây chưa từng được biết đến và đặt nó vào thế giới hữu hình. Bạn viết để mời gọi điều đó, để biến cái vô minh thành một tập hợp những điều bất ngờ, và với may mắn, những điều không thể ngờ tới.
    Hấp lực của thơ thu hút những gì sâu sắc và những khả thể của thơ. Thơ cung cấp khả năng mở rộng khẩu độ và tăng phạm vi tiếp cận. Chúng ta thường sống trong tình trạng chính mình bị che khuất khỏi những người khác. Những yếu tố cô lập mang tính xã hội: quy ước, phép lịch sự; và cá nhân: rụt rè, tự sợ hãi hoặc mù quáng, mệt mỏi. Bước vào một bài thơ là chấp nhận rủi ro, chấp nhận cho bản ngã chui ra khỏi cái vỏ bọc kín bưng xưa nay nó nằm bất động. Việc làm thơ sẽ loại bỏ mọi biện pháp bảo vệ, để xem những bước tiếp theo sẽ như thế nào. Thơ là thủ thuật của ngôn ngữ, trong đó nhà thơ vừa là ảo thuật gia vừa là khán giả. Làm thơ có nghĩa là khám phá những điều mới mẻ trong cảm xúc và ý tưởng. Thơ thúc đẩy sự biến đổi của hiện hữu. Trật tự cũ, dù thế nào chăng nữa, một bài thơ sẽ thay đổi nó.
    Thay đổi như thế nào thì chẳng hề có một công thức hay phương trình cho ta tính toán những con số để xem đáp án sau cùng là gì. Mỗi nhà thơ là một cá thể con người. Tôi không giống Khế Iêm hay Vương Ngọc Minh, tôi không có sự táo bạo, liều lĩnh, “dám chơi dám chịu” như hai anh, và chắc chắn phong vị thơ tôi không giống thơ hai anh. Sự thật là mỗi nhà thơ có một phong khí (mượn chữ của nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc) khác nhau, không ai giống ai, và đó chính là nét đẹp của thơ ca.
    Yêu cầu cốt lõi của nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng, về hình dạng, tính đặc biệt của trải nghiệm, được định vị bởi tâm hồn và trải nghiệm sống của người sáng tạo ra nó. Cái tôi là, tôi sẽ chẳng bao giờ biến đổi được. Và điều tôi luôn tâm niệm trong khi làm thơ là, “Hay mở cửa sổ rộng hơn vài phân cho thoải mái”.
    Những gì chúng ta khao khát từ nghệ thuật là những điều còn thiếu sót trong cuộc sống mà chúng ta đang cố sống sao cho ý nghĩa. Luôn luôn thiếu một cái gì đó, và bởi thế việc sáng tạo nghệ thuật là vô tận. Nghệ thuật là con đường xuyên vũ trụ, không bao giờ đến đích. Người làm thơ, hơn ai hết vốn biết rõ điều đó, nên hắn chẳng bao giờ quan tâm đến sự thành công hay thất bại của mình.
    Ngoài ra còn có vấn đề kết nối. Bạn không thể dựng một thi ảnh, một ẩn dụ, một câu chuyện, một cụm từ mà không nghiêng sâu hơn một chút vào thế giới được chia sẻ, mà không nhận ra rằng sự cô độc được cho là của bạn ở mọi điểm trong chu vi của nó đều chạm vào một số điểm khác. Sự hiện hữu của con người là một hữu-thể-tại-thế như triết gia Martin Heidegger nhận định. Bạn không thể đọc một bài thơ, nhất là một bài thơ hay, của người khác mà không nhận ra khuôn mặt của chính bạn trong trải nghiệm của họ. Nghệ thuật cho phép chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc, chính xác và trìu mến hơn những gì hiện hữu xung quanh. Và nó mở rộng điều đó, mở rộng chúng ta.
 
7. Ti sao chúng ta vn làm thơ, khi không còn ai đọc thơ na?
    Hy vọng tôi đã trả lời thỏa đáng phần nào câu hỏi “Tại sao chúng ta làm thơ” do bạn đưa ra, nhưng hình như bạn chưa chịu buông tha cho tôi mà còn bồi thêm một câu hỏi khác hóc búa hơn.
    Vâng, chúng ta đang sinh sống trong một thời đại mà mọi thứ di chuyển với tốc độ ánh sáng. Con người ngày càng bị cuốn hút vào cái “hố đen huyền tẫn” không có lối trở ra, và các thứ không thiết yếu cho cuộc sống tất bật với nhịp độ chóng mặt đều bị bỏ rơi lại đằng sau, thậm chí bị ném vào bãi phế thải. Việc đọc sách là một trong những thứ bị vứt bỏ không thương tiếc đó, nhất là đọc thơ, làm thơ.
    Ngày nay con người chỉ đọc những thông tin trên mạng, mà nội dung những thông tin ấy không lưu lại trong bộ nhớ của mình quá mươi giây đồng hồ để nhường chỗ cho những thông tin khác khẩn thiết, nóng bỏng hơn. Thơ ca trong thời hiện đại không còn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống con người nữa, chẳng có gì quá đáng nếu ta xem nó như là một di chỉ của nền văn minh nhân loại đã qua, nó đã trở thành cổ tích.
    Chưa hết, chúng ta còn đang sống trong một thời kỳ mà các cuộc khủng hoảng trên thế giới hình như liên tục tiếp diễn: chiến tranh; khủng hoảng kinh tế, chính trị; các băn khoăn về môi trường và biến đổi khí hậu; thậm chí cả những thảm họa từ thiên nhiên như động đất và thời tiết cũng được khuếch đại trong mối tương tác với một môi trường vốn từ lâu đã bị con người tha hóa biến đổi theo chiều hướng xấu. Toàn những vấn nạn to lớn cho con người và thế giới tương lai. Giữa bối cảnh đó, bạn có nghĩ rằng thơ ca và nghệ thuật nói chung có vai trò trong phản ứng của chúng ta trước những điều này và trong tiến trình biến đổi lớn hơn của xã hội?
    Ở Việt Nam tôi thường nghe người ta tranh luận về sứ mệnh thơ ca, nhưng đó là thứ sứ mệnh làm thế nào để cõng “sông núi trên vai” (mà họ dịch là “mountain river on the shoulder” [sic]) hầu đưa đất nước tiến nhanh tiến mạnh lên Xã hội chủ nghĩa, chứ ít nghe ai nói về những vấn nạn của thế giới bạn nêu trên. Thực chất, ở ngoài này, từ lâu đã xảy ra những cuộc tranh luận về các vấn đề này.
    Thế nhưng mục đích của nghệ thuật có phải là thực hiện những công việc to tát nằm ngoài sự tồn tại của chính nó không? Nghệ thuật có thay đổi điều gì bởi sự tồn tại hay không tồn tại của nó? Có nên để nghệ thuật khoác chiếc áo sứ mệnh nặng khôn kham lên thân thể ốm yếu, còm cõi đến thảm thương của nó không? Câu trả lời chung chung là, dù nhìn dưới lăng kính nào chăng nữa, tôi đều cho rằng nghệ thuật, nếu thực sự là nghệ thuật, phải là động lực hướng tới những cái tốt đẹp.
    Nhưng nghệ thuật hoàn toàn mang tính vị lợi sẽ không phải nghệ thuật nữa, mà là quảng cáo hay tuyên truyền. Thơ Chế Lan Viên viết vào thời kỳ chiến tranh Nam-Bắc khích động thanh niên miền Bắc vào Nam chiến đấu “chống Mỹ cứu nước” là những văn bản tuyên truyền, không hơn không kém! Không phải thơ, thậm chí, không phải vè.
    Nói cho cùng, nghệ thuật, nhất là nghệ thuật thơ ca, sau khi mọi chuyện ồn ỹ lắng đọng, vào cuối ngày chỉ để lại chút niềm vui nho nhỏ trong lòng người làm thơ và người đọc thơ. Một chút giao cảm nào đó dấy lên, và đó là hạnh phúc. Nhưng ngay cả niềm vui vô ích cũng không phải là tầm thường. Niềm vui chẳng có ý nghĩa trọng đại và không “đạt được” gì cả, nhưng lại là sự mở rộng thước đo không thể thiếu trong bất kỳ cuộc sống nào. Tại sao chúng ta muốn công lý, hay giảm bớt đau khổ, nếu không phải vì sự gia tăng hạnh phúc đơn giản mà nó mang lại?
    Nghệ thuật không hẳn chỉ là vấn đề đáp ứng được cái đẹp, đem đến sự an ủi hay tìm lòng bình yên, mặc dù điều đó có thể xảy ra và có thể được hoan nghênh. Nghệ thuật cũng không hẳn để chỉnh đốn tính cách khiến cho cuộc sống tốt đẹp hơn, mặc dù điều đó đã xảy ra ở chừng mực nào đó trong lịch sử loài người, có thể đang xảy ra và tương lai vẫn có nhiều hứa hẹn. Tôi chỉ có thể nói một cách hết sức giản dị rằng nghệ thuật tốt là nghệ thuật có khả năng điều chỉnh lại tầm nhìn hầu làm giảm bớt sự loạn thị trong mắt chúng ta, giúp trái tim chúng ta đập cùng một nhịp đập với thiên nhiên và người bạn đồng hành. Điều này tôi không giải thích được mà chỉ cảm thấy trong mạch đập của mình khi đọc những bài thơ hay.
    Tôi không nghĩ thơ ca sẽ biến mất khỏi mặt địa cầu, mặc dù ngày nay nó co cụm lại thành những cái “túi nhỏ”, trong đó các thi sĩ vẫn đắm chìm trong chữ nghĩa của mình để bày tỏ điều gì đó, không nhất thiết phải bày tỏ với ai, mà với chính mình. Những người làm thơ của thời đại hôm nay là những kẻ tự chọn đứng bên lề xu hướng thời đại, nhưng không chịu từ bỏ quan niệm cố hữu vốn xem mục đích của thơ ca bao gồm nhiều chức năng khác nhau, phản ánh khả năng thích ứng và sự phù hợp lâu dài của thơ trong cuộc sống.
TRỊNH Y THƯ