Thursday, May 9, 2024

CHIỀU THU CAO NGYÊN. CHƯA TÀN PHAI ĐÂU. ÁNH MẮT NĂM XƯA BÊN HOA DÃ QUỲ.

Nguyễn Đức Nhân
 
Dã quỳ Đà Lạt
 
hoàng hôn phố núi
ly cà-phê nóng vỉa hè rất thơm. không thể ngăn
mùi nước hoa bốc hơi từ người đàn bà đi ngang qua
 
hoàng hôn phố núi
 
những chiếc lá vàng gởi tin cấp báo
mùa mưa dầm. những ngày sắp tới. sẽ
cư trú trong cơn ho tóc bạc qua đường. và
cơn mưa sẽ ngủ
trên cây đòn gánh cong mệt mỏi áo cơm
dựng bên hông cao nguyên nắng chiều
 
hoàng hôn phố núi
 
hồ Than Thở. vẫn mây trắng
chẳng hề thở than
Đà Lạt mơ màng
im hơi
chiều thu
hoàng hôn phố núi
 
ánh mắt phố núi long lanh
dường như có ai đang gặm nhấm kỷ niệm
trên ngọn thông thắp sáng nắng vàng ấp ủ tiếng chim
 
chiều rớt lạnh
dưới bóng hoàng hôn
 
từ Đà Lạt quay về Phi Nôm. Cầu Đất
những đoá hoa dã quỳ vàng rực được gió chiều ngợi ca
còn nhớ không
mắt cao nguyên long lanh
chiều thu
dưới bóng hoàng hôn
 
dõi theo sắc màu cao nguyên
Phi Nôm. Cầu Đất trải lòng. mây trắng bay
tôi. mỉm cười
không thể níu giữ đời ai
nơi vòng tay hữu hạn
phận người
nụ cười cao nguyên năm xưa
nghiêng nghiêng bên hoa dã quỳ
chưa tàn phai đâu
 
dưới bóng hoàng hôn
 
dọc đương gió bụi. bầu trời xanh lơ tâm tưởng. hơn một lần ảo ảnh
mái tóc cao nguyên. hay
mái tóc chiều thu xưa. bay
bay trên phố thị. ruộng đồng. sa mạc. trùng dương. buồn vui óng ả
mái tóc cao nguyên. hay
mái tóc chiều thu xưa. bay về đâu
làm sao biết mái tóc bay về nơi đâu là
tận cùng. chiều thu
 
dưới bóng hoàng hôn
 
những ngọn đồi ấy. đang
bận rộn chuẩn bị đón tiếp mùa hoa vàng. một thuở. thu xưa
đâu cần thiết phải để lại lời nhắn cho cỏ mọc hoang
phải thế không
 
dưới bóng hoàng hôn cao nguyên
 
tôi - bụi đường nhiệt đới
tôi - vỉa hè lang thang. khét mồ hôi Châu Á
tôi - chiếc lá rơi nghiêng chưa chạm đáy mùa
vẫy chào cao nguyên bao la. huyền ảo tâm tư chiều thu
tôi ra đi
không níu giữ đời ai nơi vòng tay hữu hạn
phận người
trên nền trời cao nguyên xanh lơ. hôm nay. ngày mai. mai sau
ánh mắt cao nguyên năm xưa. bên hoa dã quỳ
chưa tàn phai đâu
còn nhớ không. chiều thu
Đà-lạt, 01/6/2021
NĐN

Wednesday, May 8, 2024

Ở MỘT NƠI KHÔNG PHẢI QUÊ NHÀ

Huỳnh Liễu Ngạn

Huỳnh Liễu Ngạn, 1984
 
tôi đến thành phố vào hai giờ sáng lạnh lẽo vô hồn
cơn mưa rơi ngoài hàng hiên có con chim bồ câu trú ẩn
ánh điện vàng như thây ma bên mái chái
người homeless nằm co quắp dưới gầm cầu
đưa tay xin điếu thuốc
trời về khuya lặng lẽ như vì sao băng
tôi nhập vào hư không để thở
để ngó vào bóng đêm mong chờ một tiếng động
để không lạc đường vào cô quạnh hẩm hiu
 
hai giờ sáng ở một nơi không phải quê nhà
sao lại nhớ ai rao bánh mì khuya khoắt
tôi dựa vào chiếc ghế từ đời ông cố ông sơ
của một ngày dài hơn lịch sử
dù cây lộc vừng đã mấy lần hờn dỗi chẳng ra hoa
hàng thùy dương bờ cát trắng chan hòa
những chiều sóng xô cát đuổi
tóc tôi dài hai nhánh sông khép lại
tình ái như đám rong nằm phơi khô giữa bãi
không hề hay biết từng đoàn người
đã chìm sâu dưới đáy biển
vào một ngày biến động xa xưa
 
tôi đến thành phố vào hai giờ sáng
trời cuối năm như hấp hối lạnh lùng
làm cành cây trơ giống mặt người thiếu tuổi
người homeless lại xin thêm điếu thuốc
ở bên kia đường cây xăng còn thức
đứa con gái mặc áo ấm xuống xe
đi về phía bình minh mái tóc
rối bù theo cơn gió ẩn hiện giữa đôi chân
bước trên sỏi đá u buồn
từ xa có tiếng còi tàu xe lửa xuyên bang
gợi nhớ lại bài hát tiếng còi trong sương đêm
đã nghe đã nghe và đã nghe
từ sâu thẳm của thế kỷ dại khờ
 
bốn ngàn năm tôi vẫn đi một mình
qua năm mươi tiểu bang nước mỹ
và đêm nay tôi trở về thành phố
mà ngày đầu tiên mới đến
ăn lát bánh mì
uống lon coke
nhìn lỗ đen trên bầu trời khép lại
khi nỗi cô đơn là giọt nước bên thềm
của người homeless nằm co chân chờ bản tin thời tiết
mà chiến sự vẫn tiếp diễn nơi chúa ra đời
chẳng có phép màu nào làm ngừng lại được
khi máy bay không người lái vẫn vần vũ trên trời
 
hai giờ sáng như hai nỗi đời không gặp lại
ngày mai tôi sẽ quay ngược giờ theo ý thích của tôi
để mùa đông đừng đến muộn cùng giọt mưa
ngoài hàng hiên xẩm tối
cho mắt tôi thôi thở dài khi ngày tháng cứ trôi qua
để lại vết nhăn lên đám mây không còn vì sao cuộn lại
như khi đưa tay lục tìm một điều gì không rõ
phải bật lên ánh lửa giữa đêm trường
 
ngày mai con đường có chia ra nhiều hướng
nơi đồng bằng thấp thoáng màu áo của người xưa
như màu xanh của tỉnh thành phía bắc
chưa một lần về thăm dãy núi cao
nghe tiếng con vượn hú
cho lòng trôi từ vượn lên người
của thời sơ khai mà mẹ tôi quấn lá
đẻ ra tôi bên bụi cỏ hoang đường
 
tôi đến thành phố vào hai giờ sáng
tiếng chuông nhà thờ còn ngủ ở trên cây
thế giới bây giờ vẫn im lìm như thời đại dịch
tôi vẫn đeo khẩu trang đón chuyến xe về
vùng tuyết trắng ban sơ khi mới tìm ra châu mỹ
cùng đàn gà tây mà đến lễ tạ ơn
người ta làm thịt để ăn
hai giờ sáng của một đời người
chỉ là nỗi phù du dâu bể.
 
20.2.2024
HUỲNH LIỄU NGẠN
 

Tuesday, May 7, 2024

HÔM QUA. VÀO XẾ TRƯA

Vương Ngọc Minh
 
Tranh Khánh Trường
 
..đi từ đường lincoln
góc 22ave
về chúng cư-tôi có cảm giác một con cóc ghẻ đang trượt trên
sóng lưng/và
thực kỳ lạ
hễ định thần
thì cái cảm giác đấy của con cóc ghẻ
chứ không phải của tôi..
 
quái
mọi điều đang nghĩ
trong đầu-kể cả về những bước chân chạy rầm rập
mơ hồ
những kẻ cùng khốn bị nước cuốn trôi
cũng của nó nghĩ nốt
 
tình cảm như thế
bấu chặt hai bàn chân
khiến mặt đường xính (dính!) hồi chiến tranh tương tàn
ngày nào
nhác thấy tôi
ai ngó trước-liền cho
giống người từ sao hỏa rớt xuống/nghe
thấy
câu đó
mọi người đồng kêu lên i hệt
 
nhưng phải nói
-ở đây
mọi con đường men theo bờ sông
không có chỗ để nhảy xuống cứu nạn
tôi là người lớn
chỉ biết chạy la
 
cầu khẩn..
-ối
con cóc ghẻ đời nay
giống như đúc con cóc ghẻ đời trước
 
thoạt nhìn
hồi lâu
thiên hạ thảy đều cho-tôi
giống hệt một bản sao méo mó
của lũ cóc ghẻ(!) mẹ kiếp
có nói cạn lời
chả thấm/điều oái oăm
khi nhìn kĩ thêm
cấp kì
tôi lại phải cố đuổi kịp tốc độ phóng
từ dòng chảy thời gian
hòng sống sót
và cảm giác có con cóc ghẻ trượt trên sóng lưng
sẽ gợi lên nỗi nhớ tổ tông..
 
tôi không biết
mình tìm gì nơi những người đàn bà
"sự thủy chung" chăng ? và
chỉ vì điều đó
nó khiến tôi tắt tiếng
phải vận quần/áo-của lính thủy đánh bộ
dài
rộng-đi đâu về đều nằm co quắp trên sô- pha
sao nhãng hết mọi việc
 
chỉ gẫm tới "xì căng đan" lớn
tỉ như: Putin chết
chiến tranh với Ukraine mới chấm dứt
 
mặc dù đéo bằng chứng
thuyết phục
nhưng tôi vẫn tin chắc rằng-vừa rồi
mình có
các hành động tỉ như: nói
viết
gõ xuống các mặt chữ triền miên
chẳng qua
còn vô số thời giờ
 
nghe
thực tức cười
 
với một nhà thơ
luôn bị trầm cảm/chứng bệnh vẫn mắc phải
với mọi người
tôi chăm chú nhìn các nhà thơ
hội nhà văn VN
bảo "mấy ông nên bắt đầu làm trường ca
chả việc chi kinh hãi.."
 
vậy rồi
tôi liên tục buồn nôn
nôn ra tuyền niềm tin
một cách hết sức kỳ cục!
..
VƯƠNG NGỌC MINH.
 

Sunday, May 5, 2024

QUỲNH LIÊU

Lê Chiều Giang
 
Nhà văn Ngô Thế Vinh
 
Tình bạn. Tiếng nói của ngàn năm
         Ngô Thế Vinh. Nghiêu Đề
 
 Cứ theo cách suy nghĩ thông thường, khi một Ca sĩ luống tuổi được các Show tổ chức vội vàng để mời đến trình diễn, nói đôi lời bóng bẩy trong buổi ca nhạc trên sân khấu. Một Nhà văn cho in, viết thêm hồi ký. Hoặc một Thi sĩ luôn được bạn bè réo gọi họp mặt, trong nuối tiếc... Ngay lập tức, thiên hạ đoán già đoán non, đưa ra kết luận toàn những điều tai ương, hay các chứng bịnh nan y khó chữa… Nghe mà sợ hãi.
Nhưng tôi biết anh Ngô Thế Vinh không bị ai “tưởng” gì hết. Anh vẫn say sưa, chìm đắm viết về, nói đến dòng sông gần khô cạn rất tội nghiệp của quê hương. Anh vẫn có ngàn ngàn bệnh nhân xếp hàng chờ khám để nhận được những toa thuốc… Mát tay. Dù tạp chí Ngôn Ngữ đang chuẩn bị số đặc biệt về anh, Nhà văn Ngô Thế Vinh.
 
Thuở Nghiêu Đề lúc cạn tiền, túi hết, anh hay lang thang ra ngồi Café góc phố. Nhưng nếu bán được tranh, coi như tiền có từ trên trời rơi xuống, anh thích ngồi La Pagode. Anh gọi hết bè bạn ra café thuốc lá, kên đời và để huyên thuyên cười nói… Riêng anh Ngô Thế Vinh đã chẳng bao giờ sống bạt mạng như thế. Anh thích ngồi trang trọng chỉ riêng với vài bạn thân ở quán Thanh Bạch. Anh quen biết rất đông giới văn nghệ, nhưng lại ít tham dự cách vui chơi huyên náo của những văn nhân, thi sĩ. Anh rất hòa nhã nhưng dè dặt, lặng lẽ và kín đáo. Sẽ chẳng bạn bè nào hiểu Ngô Thế Vinh đang nghĩ gì…
Nhưng nếu chúng ta còn thắc mắc Ngô Thế Vinh nghĩ gì, chắc đã là điều vô cùng thừa thãi. Bởi chẳng phải anh đã dàn trải bao nỗi niềm, tỉ tê nói hết ra trong “Mây Bão” [Sông Mã 1963] hoặc “Bóng đêm” [Khai Trí 1964] rồi đó sao?
Những tác phẩm xuất bản ở Sài Gòn khi tôi mới vừa biết đánh vần, nên chỉ duy nhất chính tôi mới là người không hiểu gì về anh Ngô Thế. Vinh, người bạn của Nghiêu Đề đã từ lâu lắm.
 
Năm 1992, trong một tối họp mặt tại căn nhà rất đẹp của anh Trang Châu ở Montréal, trong dịp anh Kiệt Tấn đến từ Paris và chúng tôi từ California qua thăm gia đình anh Luân Hoán, và anh chị Hoàng Xuân Sơn. Nơi nào có Kiệt Tấn nơi đó phải có “rượu đổ đầy máng xối”. Thiên hạ rót rượu như suối và bàn toàn những chuyện trên trời. Chán rồi các vị cũng phải tán về những chuyện ngay dưới đất. Chiến tranh. Một cuộc chiến dai dẳng mà như vừa mới xảy ra rồi chấm dứt hôm qua. Để khi tàn cuộc thì tất cả chúng tôi đã phải chạy thoát khỏi quê hương, sống tản mát khắp mọi nơi như bây giờ…
 
Có ai đó hỏi Bác Sĩ Trang Châu về Ngô Thế Vinh, luôn tiện nhắc lại Vòng Đai Xanh. Tác phẩm anh Vinh khởi viết từ giữa thập niên 60 và hoàn tất năm 1969 khi anh đang là Bác Sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù. Tôi nhớ Vòng Đai Xanh có bức tranh bìa anh Nghiêu Đề vẽ với cách trình bày rất tân kỳ, xuất bản năm 1970. Tuy không mặn mà lắm với những tác phẩm viết về chiến tranh, nhưng tôi đọc Vòng Đai Xanh chỉ vì tác phẩm này đã đoạt giải văn chương năm 1971.
Năm ngoái anh có ý định nhờ tôi đọc Audio Vòng Đai Xanh. Đây là lúc tôi “chịu khó” đọc lại sách của anh Ngô Thế Vinh nhất.
Đọc để hiểu và thẩm thấu hết những điều anh viết về những người hùng của Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, đã dồn hết nỗ lực bảo vệ những người Thượng trên miền đất cao nguyên, nơi rừng sâu thâm u, ngã ba Việt Miên Lào. Vùng Biên Trấn.
Nhưng sau khi đọc lại Vòng Đai Xanh, tôi mới biết rằng, giọng đọc của tôi không cách nào lột tả ra hết sự hùng tráng, kiên cường của những người lính anh dũng trong quân lực VNCH. Và làm thế nào để tôi diễn đạt tới nơi tới chốn những tai ương, bi thảm đầy phi lý của chiến tranh, cộng thêm với biết bao chi tiết tàn bạo đến kinh hoàng? Quá lắm chắc tôi chỉ có thể… “Hỡi em yêu dấu...”, như anh Nguyễn Đình Toàn đọc trên đài phát thanh mỗi chiều thứ năm thời xa xưa ở Sài Gòn.
Cuối cùng cả anh Vinh và tôi đều quên mất chuyện Audio cho Vòng Đai Xanh.
--------------
Khi biết anh Ngô Thế Vinh đang bị tù giam tại Suối Máu, chúng tôi tới thăm Bà. Mẹ anh Vinh nắm tay anh Nghiêu Đề như tìm lại hơi ấm từ đôi bàn tay người con đang bị giam cầm nơi xa xôi. Bà nhìn Cu Bi con trai của chúng tôi đi lẫm đẫm quanh nhà rồi nhắc nhớ đến Quỳnh Liêu, cô cháu nội mà Bà biết sẽ chẳng còn có bao giờ được gặp lại. Quỳnh Liêu đã đi với mẹ trên chuyến bay di tản. Nước mắt Bà rơi khi nghẹn ngào kể chuyện. Trước ngày Dương văn Minh đầu hàng, anh Vinh đã dự tính ra đi, nhưng cuối cùng anh quyết ở lại. Anh muốn ở lại nhà, nơi còn có Mẹ già cần anh chăm sóc.
 
Quyết định này của anh cũng làm tôi nhớ đến thời gian mà cuộc chiến đang vô cùng khốc liệt, Anh không đi tìm cho mình những thăng tiến an lành, khi mà còn rất nhiều những chiến binh kiêu hùng cần đến bàn tay nhân ái của anh. Anh phải ở lại để cùng hy sinh và chiến đấu. Như người bạn thân, Bác sĩ Lê Thành Ý có một lần đã liều chết để mổ khẩn cấp, quyết tâm cứu một người lính trẻ 28 tuổi gốc thiểu số trong một Trạm Xá Dã Chiến trên vùng cao nguyên. Người lính Biệt Động Quân này bị một trái M79 ghim sâu vào bắp chân khi chiến đấu tại Pleime. Tiểu đoàn đã không dám tải thương về Quân y viện Pleiku, bởi sợ trái đạn phát nổ bất cứ lúc nào trong khi di chuyển. Và nó cũng có thể nổ tung, tiếng nổ sẽ làm chết nhiều người, những phụ tá và cả anh Lê Thành Ý trong lúc đang loay hoay giải phẫu…
Cuối cùng Bác Sĩ Lê Thành Ý đã hoàn tất ca mổ như một phép lạ ngay giữa núi rừng thâm u trong một đêm đầy lửa đạn.
—--------
Tôi thích tựa bài viết như thích tên mà anh Ngô Thế Vinh đã đặt cho cô con gái của anh chị: Quỳnh Liêu.
Cái tên đẹp và thơ mộng như thời anh Ngô Thế Vinh và anh Nghiêu Đề đã cùng nhau thực hiện Tạp chí “Tình Thương”, và cùng lập ra Nhà xuất bản “Sông Mã” từ những năm rất xa xưa ở Sài Gòn.
 
LÊ CHIỀU GIANG
2023

Saturday, May 4, 2024

BA BÀI LỤC BÁT

Nguyễn Đức Nhân
 
Bóng quê xưa
 
ĐƯỜNG LÊN ĐỈNH MÂY NGỦ
 
Người về.  từ phía mưa bay
Tôi đi.  về phía bóng ngày qua sông
Bờ lau.  đá tảng.  ruộng đồng
Tiếng chân có động.  mù không.  chiều tà
Đường lên mây ngủ.  non xa
Mịt mờ phương hướng.  quê nhà nơi đâu
 
 
EM VỀ THĂM VĨNH ĐIỆN.  QUÊ XƯA
 
Em về thăm lai quê xa
Cho tôi xin gởi ít quà lang thang
Tàu dừng.  khách xuống Nha Trang
Nhờ em xem nắng còn vàng như xưa
 
 
VỀ THĂM CHỐN CŨ -- SÀI-GÒN
 
Về thăm chốn cũ -- Sài-gòn
Thấy mình nhếch nhác.  sạm giòn nắng mưa
Sờ cằm.   râu mọc lưa thưa
Bước chân trĩu nặng nghìn xưa rừng già
Bóng rừng quẫy đạp trong ta
Đêm thao thức.  nhớ non xa nắng tàn
Về thôi.   đêm tím đại ngàn
Thôi về.   thở ánh trăng vàng thiên thu
2023
NĐN
 

Friday, May 3, 2024

MUÔN TRÙNG

Huỳnh Liễu Ngạn
 
Bến sông xưa
 
cũng hoài hủy mọc nửa vầng trăng xế
nên ngàn thu bóng mẹ lại muôn trùng
anh nghe lạnh cả phương trời viễn xứ
bởi dặm trường hoài gót mỏi mông lung
 
vẫn tà dương chết bên bờ liễu rủ
thôi mộng đầu ngây dại đến muôn sau
lòng héo úa như đêm rằm trở ngọn
người ven trời còn cách trở sông sâu
 
đưa em qua một cuộc đời dâu bể
rồi long đong như chuyện cũ của lòng
rồi mười năm con nước ròng chảy xiết
rồi hồn anh hoang phế thuở chờ mong
 
từ ước hẹn có ai về ray rứt
vàng hoa đâu thời buổi của vô cùng
đếm ngon cỏ nghe mười phương hướng vọng
cách một trời xa biệt đến lao lung
 
chừ tang thương đã lụy phiền trăm ngã
nắng quê người dọi xuống nỗi hờn căm
anh về gục bên bờ trăng cũ kỹ
gợn mây mù lang bạt chốn xa xăm.
 
1985
HLN

  

Thursday, May 2, 2024

CHIM LỆCH ĐƯỜNG BAY TỪ THUỞ ẤY*

Đặng Mai Lan
 
Nhà văn Đặng Mai Lan. Ảnh: Lucie Ngô.
 
Paris trong tôi là hình ảnh những đoạn cầu lừng lững trên sông, ngăn chia khu phố, kết nối những con đường; là những pho tượng được dựng ở mọi nơi với nhiều nhân dáng, những hình tượng rạng danh lịch-sử và nền văn-hóa của đất nước này; là ngọn tháp chọc trời cao ngất gọi mời những bước chân du khách háo hức được bước lên tầng lầu cao nhất của kỳ quan thế giới. Và có thể ai đó cũng như tôi, sẽ nhận ra cái quyến rũ đích thực không từ những song sắt lạnh lẽo kiên cố, đã được rào chắn kỹ càng để tránh mọi bất cập rủi ro. Sự quyến rũ chính là những không gian bao la hiển hiện toàn cảnh một Paris lộng lẫy. Tôi đã có dịp được làm việc bên trong ngọn tháp này và nhận ra điều đó.
 
Ngọn tháp, những nhịp cầu trên sông, những đoạn cầu ngắn dành cho xe điện băng qua phố, những pho tượng, hay những trụ đèn cổ xưa tôi hằng thấy… Tất cả là một màu xám lạnh, nhưng chúng biết vui-buồn theo không gian, thời tiết của bốn mùa.
 
Tôi đã đứng trong sương sớm nhìn Paris khoác áo sương mù. Nhìn giòng sông, nơi ven bờ có những con tàu nằm yên ngủ. Tôi đã đặt tay lên những vai cầu lạnh buốt, ngắm những làn khói mong manh lãng đãng qua bao đôi mắt đèn đêm thao thức, chờ rạng đông tiễn biệt.
 
Paris, “mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ”
 
Paris, “Mai anh về giữa bến sông Seine, anh về giữa một giòng sông trắng. Là áo sương mù hay áo em“(1) 
 
Paris, “Tuyết rơi mỏng manh buồn, ga Lyon đèn vàng, cầm tay em muốn khóc…” (2)
 
Paris đã đi vào thi-ca từ những năm đầu của thập niên 50. Những bài thơ được phổ nhạc đã lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia và mãi mãi. Nhưng tôi yêu Paris những ngày mưa, những chiều tan sở, ngồi trong lòng xe nhìn ra bên ngoài mây trời xám ngắt, mưa lướt thướt trên sông, trên những cây cầu. Cái vẻ đìu hiu ấy luôn cho tôi những cảm giác buồn bã, trống vắng. Tất cả mang một vẻ ảo não…như một ngày cuối năm, năm cùng tháng tận của một đời sống buồn tênh.
 
Sương mù Tour Eiffel. Photo ĐML
 
Hãy kể đến những hào nhoáng của khu thị tứ Paris, hiển hiện nơi các cửa hiệu thời trang tấp nập những du khách nước ngoài. Trong một buổi mua sắm, một du khách Trung Hoa đã có thể bỏ tiền mua những sản phẩm mà trị giá của nó bằng giá của một căn chung cư nho nhỏ. Hay còn những ai khác tôi chưa được biết. Có lẽ vì thế, nên cửa tiệm nào cũng có nhân viên bán hàng người Á-châu, thường là người Trung Hoa hay Nhật Bản. Sẽ là một ưu điểm, nếu những nhân viên này biết nói tiếng mẹ đẻ của mình.
 
Kinh tế của đất nước này có thể bị suy thoái từ một nền kỹ nghệ nào đó, nhưng thời trang thì nhất định không thể lung lay. Dù chỉ là một người thợ, tôi có chút may mắn được hòa nhập với cả trăm nhân viên trong một vài ngày làm fitting, shooting để chuẩn bị cho một đêm trình diễn thời trang, quảng cáo trên những tạp chí.
 
Được nhìn ngắm những người mẫu đi qua-đi lại dưới bao đôi mắt quan sát của những nhà thiết kế, những nhiếp ảnh gia; được cầm trong tay vài ba thứ quần áo mà tôi biết ai sẽ khoác chúng lên người cũng là một điều thú vị. Không chỉ là một diễn viên lừng danh của nền điện ảnh Pháp, hay một cô ca sĩ đến từ Hoa Kỳ trình diễn, mà phải kể đến vị “Đệ Nhất Phu Nhân”. Đệ nhất mà! Để không trùng với những trang phục mà một khách hàng giàu có nào đó có thể sẽ mua, người cố vấn thời trang của bà mệnh phụ đã yêu cầu đám thợ chúng tôi phải làm khác đi kiểu mẫu.
 
Bảo sao đã đến tuổi được nghỉ ngơi nhưng tôi vẫn cứ đi làm, đam mê với công việc!
 
Tại sao tôi lại không viết ra những gì trong cuộc sống khá linh động của mình. Viết về một kinh thành bốn mùa đầy những sắc thái thơ mộng trên những nẻo đường. Hay viết về những ngày phố đầy lửa khói bạo loạn bởi những người biểu tình chống đối, đòi cải cách xã hội, mà những cửa tiệm dành cho giới thượng lưu thường là mục tiêu cho những kẻ quá khích trút cơn phẫn nộ. Đám nhân viên chúng tôi đã trở về nhà bằng những cửa ngõ đặc biệt, ăm ắp nỗi lo. Những nam đồng nghiệp của tôi thường là người đồng-tính. Viết về cá tính, năng khiếu của họ cũng là một đề tài lý thú.
 
Và đâu phải chỉ riêng một Paris hoa lệ. Ở xứ sở này còn biết bao nét đặc trưng của những tỉnh lỵ, những thành phố tôi đã đi qua suốt mấy thập niên dài.
 
Tại sao không viết? Một bạn văn đã hỏi tôi như thế! Viết là sống, được sống trọn vẹn đời của người khác là một thử thách đầy thú vị, nhưng sống lại đời mình bằng tâm tưởng thì không gì hạnh phúc hơn. Tôi đã không thể sống khác với những suy tư, nghĩ tưởng tự tâm hồn.

Hình minh họa: David Kanigan
 
Đã hơn bốn mươi năm,
 
Chim lệch đường bay từ thuở ấy.
 
Con chim ấy là tôi, đã lệch đường bay nhưng vẫn ngoắc ngoải ngóng về phương trời cũ.
 
Đôi khi tôi cảm thấy mình lạc loài, cô đơn ở đời sống này. Tôi tìm những thứ đã chìm sâu dưới đáy biển thời gian. Dẫu có tìm thấy lại cũng chẳng là gì, chỉ là những ngoi ngóp chập chờn, biến hình biến dạng.
 
Sau gần nửa thế kỷ gặp lại nhau, Khiết nói sao tôi cứ hay nhớ về những nỗi buồn, những mất mát đã xảy ra trong đời mình mà theo anh thì nên buông, bỏ. Tôi muốn nói với anh, những gì anh đang nghiền ngẫm về cuộc sống hiện tại, con đường anh đang đi chưa thuyết phục, níu kéo được bước chân tôi. Nhưng cách sống của tôi ít nhiều, dường như cũng nằm trong những phương thức cốt lõi gọi là “chuyển hóa tâm thức” để đời sống tâm hồn được thoải mái nhẹ nhàng hơn mà anh hay nói.
 
Là một người nhạy cảm, dễ buồn, vui, giận dỗi nhưng tôi luôn chấp nhận mọi thứ mà cuộc đời trao gửi. Chấp nhận một thứ luật “bù trừ”. Tôi tin cuộc đời không có gì tuyệt đối. Được và mất thường đi với nhau. Hai sự kiện đến với tôi liền lạc và gần như trở thành một kinh nghiệm sống. Tôi hiểu những trạng thái tâm lý của mình. Nhưng tôi không tìm cách buông bỏ như Khiết khuyên. Tôi biết lấy niềm vui này đặt lên nỗi buồn kia. Tôi thủy chung tuyệt đối với quá khứ. Chỉ có trí nhớ thường phản bội, đã bôi xóa, làm mờ đi tất cả. Và tôi nghĩ, con người chỉ thực sự an nhiên khi không còn trí nhớ.
 
Tôi muốn nói nhiều lắm, nhưng tôi không tin vào tri thức của mình khi bàn về lãnh vực này. Tôi sẽ đuối lý, nên tôi chỉ cười.
 
Nỗi buồn, sự đau đớn khi đứng trước cái chết của người thân, quen, là một nỗi buồn không thể sánh ví. Tôi đã đi qua những đau đớn chia lìa. Nhưng sau sự mất mát lại là những đền bù kỳ diệu. Có thể gọi đó là những hạnh-duyên như một sắp đặt trật tự của đất trời. Sau bóng tối sẽ là bình minh. Người này ra đi để lại chỗ ngồi cho người nọ. Ngẫu nhiên như nắng chan hòa sau những ngày mưa. Trong đời sống tôi, sự kiện này đã hai lần xảy ra. Và bây giờ với Khiết là lần thứ ba. Chỉ khác một điều Khiết không mới, Khiết cũ xưa như những con số đánh dấu thời gian mà chúng tôi nhẩm tính qua một tấm hình. Những  tiệm hình ngày xưa luôn in sau lưng ảnh năm tháng tấm hình được chụp. Nhưng nếu không có những ghi chú, tôi vẫn nhớ được khoảng thời gian ấy. Trí nhớ đôi khi là một ngọn đèn sáng rực, có thể rọi xuyên suốt những ngóc ngách quá khứ.
 
Khiết còn giữ được rất nhiều hình ảnh thời học trò. Đúng hơn, sau khi anh vượt biên, những kỷ niệm của riêng anh đã được gia đình anh cất giữ. Những tấm hình với nhiều khuôn mặt, dĩ nhiên tôi không thể nào biết hết, hoặc tôi đã quên. Và tôi chỉ xin anh chụp lại cho tôi tấm ảnh có sáu người ngồi trên thềm nhà của một khách sạn ở Vũng Tàu. Chúng tôi thường có những cuộc đi chơi ra khỏi thành phố. Hơn năm mươi năm, giấy đã ố vàng nhưng màu ảnh vẫn còn đậm rõ những gương mặt rạng rỡ thanh xuân. Tôi thích giữ bức hình này vì sáu người trong ảnh có tôi, bây giờ chỉ còn bốn.
 
Sau ba năm Sài Gòn đổi chủ, Tánh biến mất không một dấu vết nào để lại. Tánh mang tất cả vào lòng đại dương. Bây giờ là Ngọc Lan, người tôi vừa gặp lại ở Nam Cali chưa lâu lắm. Cái chết của bạn làm sống lại quá khứ. Từng khuôn mặt hiện ra, những khuôn mặt tuổi trẻ sáng ngời ngày ấy bây giờ ở đâu? Hẳn khi biết tin Ngọc Lan mất họ sẽ buồn như tôi. Tôi nhất định phải tìm họ.
 
Người tôi nghĩ đến đầu tiên là Út. Tên Út, nhưng trong nhóm chúng tôi, có thể nói anh là người đầu đàn, là người bày ra những chuyến đi xa, gặp gỡ. Nơi xa nhất là Tây Ninh, gần nhất là ngôi nhà xinh xinh của gia đình anh, mà anh được sở hữu một khoảng không gian rất riêng, cho phép bạn bè đến tụ tập, đàn hát những ngày nghỉ học. Ca hát, nhưng đôi khi những câu ca bỗng trở thành những lời tán tỉnh như thật, như đùa. Đắm đuối nhìn nhau nghêu ngao “Phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng”(3) chưa đủ. Táo bạo hơn, có chàng dám cầm ly nước chanh của một nàng đưa lên cao, không phải để ngân nga uống ly chanh đường, uống môi em ngọt… (4), mà chỉ nheo mắt cười với nắng và mơ mộng hỏi mây rằng: môi đâu, môi đâu? Hình như đó là một tiểu tiết trong cuốn “Vòng Tay Học Trò” của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, mà có lẽ những cô cậu học trò sinh viên ngày đó đều tò mò tìm đọc.
 
Út có tính khôi hài, dễ thân thiện. Tôi và NL thân với anh hơn những bạn khác. Nhà của hai Lan cùng một đường, chỉ cách nhau một con ngõ nhỏ. Thỉnh thoảng anh đến nhà tôi với dăm ba câu chuyện, rồi tạt sang nhà NL. Út có người anh trai giữ một chức vụ quan trọng trong guồng máy chính quyền thời đó. Tôi nghĩ, gia đình anh có lẽ đã rời khỏi đất nước trong những ngày biến loạn. Nhưng không tìm anh, thì tôi biết tìm ai bây giờ. Đó là một cánh cửa gần nhất may ra tôi có thể mở được.
 
Và chúng tôi đã tìm thấy nhau, nghe lại giọng nói, nhìn nhau cười đùa qua màn hình điện thoại.
 
Người đi, người đến.
 
Tuần trước tôi ngồi với một người đàn ông trên một bãi cỏ, trong một không gian bao la vắng lặng. Mỗi người một góc, cả hai chúng tôi cùng xếp bằng dưới một khoảng đất trống mà diện tích đã được đánh dấu, phân chia. Một khoảng đất nhỏ hẹp nhưng sâu thẳm bên dưới là cả một kiếp người. NL đã đến đây, nằm đó, trong ngôi nhà thiên thu của đời cô chỉ vừa được đặt nền, chờ ngày xây cất.
 
Nơi chúng tôi ngồi không một bóng cây. Chỉ có bóng mát khiêm nhường của cây dù mà người đàn ông mang theo được nghiêng bên này, ngả bên kia. Anh đang cố che chắn cho tôi tránh khỏi những ánh nắng chẳng mấy dịu dàng giữa trưa khô khốc. Sự tử tế ân cần của anh làm tôi nhớ vợ anh tha thiết.
 
Tôi vuốt ve, thầm thì với những nhánh cỏ lởm chởm trên đất khô về những buổi trưa tôi ra đầu ngõ chờ bạn đến, hoặc NL đã đứng đó đợi tôi. Nắng ngày ấy cũng chẳng khác nắng bây giờ. NL thùy mị, điệu đàng hơn tôi. Nên dù đi học hoặc đi chơi bằng chiếc xe Honda Dame của nàng hay xe Yamaha của tôi, tôi vẫn là người cầm tay lái. Thuở chưa biết yêu người, tôi yêu thứ cảm giác lâng lâng cùng xe trôi vun vút trên đường. Mặc cho tóc rối, da khô, đôi bàn tay rám nắng. Nhưng NL thì không, con nhỏ khôn ghê, cứ nép sát vào lưng tôi trốn nắng. Tôi nhỏ con hơn NL, nhưng lại là người che chở nắng mưa cho bạn mình. Dẫu buồn cách mấy, người đàn ông vừa mất vợ phải cười khi nghe tôi kể công, khoe với anh những ngày tôi đã rất anh hùng, đã “hy sinh nhan sắc” cho vợ anh như thế nào.
 
Một ngày, qua bao chuyện vui-buồn của tôi và anh với người đã khuất, đủ để chúng tôi trở nên thân thiết. Trước khi trầm mình trong cơn bệnh, NL đã mơ một lần được đến Paris, nhưng chuyến tàu cuối cùng của đời cô đã cập bến quá nhanh. Tôi nói với anh, anh cũng có thể đến Paris cùng linh hồn cô ấy. Tôi sẽ đưa anh vào Giáo đường Notre-Dame, hay vào Vương cung thánh đường Sacré-Cœur trên đỉnh đồi Montmartre cầu nguyện. Đó là điều tôi mong mỏi.
 
Và bây giờ tôi đang đứng với Khiết trên một con dốc của Alum Rock Park, một công viên rộng như rừng ở miền Bắc Cali. Tôi nhìn xuống hai bên triền dốc. Cỏ chớm thu chưa vàng, những vòng xanh thoai thoải, nhấp nhô, lại làm nhớ những mùa hè ở một nơi khác. Cũng đồi dốc, suối khe, chỉ thiếu những bờ cát mỏng.
 
Ngày đó, với hai Lan nhí nhảnh hồn nhiên còn thêm một Mai Anh nghiêm trang chững chạc vì cô đã xếp áo học trò, theo đời cơm áo sớm hơn những người bạn cùng trang lứa. Giữa ba cô gái là một Út thông minh hoạt bát, luôn tạo ra những tiếng cười giòn giã; là một Tánh điển trai đa tình, ăn mặc chải chuốt, lúc nào cũng buông ra những câu nói tình tứ mặc cho người nghe (là tôi) nghĩ sao cũng được; là một Quyền hồn nhiên sôi nổi. Với những thứ mà Quyền có thời đó, nói theo ngôn ngữ thời này thì người ta sẽ gọi anh là một “thiếu gia”.
 
Mai Anh giờ lưu lạc chốn nào? Khiết còn giữ được gì trong ký ức của anh về tôi thuở đó? Tôi chỉ nhớ một anh chàng hiền lành lặng lẽ, thường tìm một góc nào đó ngồi nghe lũ bạn cười nói ồn ào. Khiết ngày xưa gầy ốm thư sinh, giờ cao to tráng kiện. Nếu tôi nói ra điều này, có thể anh sẽ dạy cho tôi một bài học làm thế nào để giữ cho “thân-tâm an lạc”.
 
Chúng tôi đã già! So với những ngày đầy đặn nét thanh xuân, tôi bây giờ co cụm lại như thời gian phải cạn dần đi nơi mỗi kiếp người.
 
Đường trước mặt không còn nơi đến, tôi quay về thương nhớ một thời xưa.
 
Tôi đã đứng trên cao – ngồi dưới thấp với hai người bạn thời niên thiếu. Nơi vùng đất lạ, bỗng quay quắt nhớ quê nhà. Dường như chưa bao giờ tôi nhớ Sài Gòn đến thế. Nhớ những Chủ nhật tươi hồng với bao hẹn hò háo hức. Tôi dắt xe ra khỏi nhà, lòng ngẫu nhiên vui khi nghe những câu ca được phát ra từ máy thu thanh của nhà hàng xóm. Tôi chạy xe thong dong dưới những con đường xanh lá. Khi dịu dàng trong đôi tà áo lụa, khi quần xòe rộng với áo ôm sát vai mềm, bờ lưng thon con gái. Thứ trang phục với những sắc màu, mang chút phong cách thời trang hiện đại. Tôi vẫn chưa quên thứ cảm giác mát rượi mơn man làn áo mỏng, những lọn tóc dài xác xao bay theo từng cơn gió chướng của Sài Gòn những ngày bão rớt.
 
Áo cũ, đường xưa chỉ còn trong tâm tưởng. Nhưng những đời cây trên hàng phố ấy là đời của trăm năm. Sao tôi không về, đứng dưới một rặng cây nào đó. Ngước ngóng, tìm nghe. Nghe lại tiếng chim hót cùng những tán lá trên cao, rì rào bao nỗi buồn vui của một thời hoa mộng.
 
Có con chim nào lạc hướng lại không mong được bay về phương trời cũ!
 
ĐẶNG MAI LAN
( Paris tháng 4, năm 2024)
 
* Tựa được trích từ bài thơ “Ngôn ngữ Chiều” (Ngô Nguyên Dũng)
1- Paris có gì lạ không em (Nguyên Sa – Ngô Thụy Miên)
2- Tiễn em (Cung Tầm Tưởng)
3- Biết đến thuở nào (Tùng Giang)
4- Trả lại em yêu (Phạm Duy)