Pages

Saturday, May 18, 2024

CẢM NHẬN NHÂN ĐỌC ‘THƠ NGẮN ĐỖ NGHÊ’

Trịnh Y Thư
 
Thơ Ngắn Đỗ Nghê
 
1.
   Tôi thích đọc “thơ ngắn” của Đỗ Nghê. Những bài thơ “ý tại ngôn ngoại,” đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc đều nhận ra thêm một cái gì mới, khác, mở ra những chiều kích bát ngát hương thơm. Hãy giở trang đầu tiên của tập thơ, bài Trái đất, cả bài thơ chỉ có vẻn vẹn sáu từ:
 
Giữa đêm
Thức giấc
Giữa ngày…
Boston, 1993
 
    Từ chìa khóa để hiểu bài thơ là “Boston,” mặc dù nó chỉ là phụ chú cho bài thơ. Giữa đêm thức giấc, bên kia nửa vòng trái đất là giữa ngày, chợt bàng hoàng tỉnh giấc, thao thức nỗi nhớ nhà, chợt thấy cô đơn, ôm nỗi sầu vạn cổ, thấy cái tôi bé nhỏ không một chút trọng lượng lọt thỏm giữa vũ trụ bao la.
Tứ thơ cô đúc, được nén chặt đến cực độ trong sáu từ, đột ngột phóng ra như một tia chớp lóe, để người đọc mặc tình buông ra từ trí tưởng của mình những cảm xúc bát ngát diệu kỳ.
   Trên bước đường lữ thứ của cuộc hành trình đời người, chúng ta ắt hẳn phải có lúc cảm thấy cùng một tâm trạng với bài thơ. Bài thơ chỉ có sáu từ sao lại có sức mạnh truyền tải cảm xúc mạnh mẽ đến thế!
 
   Ý thức rất rõ về sự hữu hạn của vật thể hữu hình và tính vô thường của kiếp nhân sinh, thơ Đỗ Nghê chuyển hóa bi kịch đời sống thành những cung bậc cảm xúc đẹp buồn, trữ tình. Những dấu vết của đau thương, tan rã, chia lìa gần như được xóa nhòa để cái đẹp – dù là cái đẹp bi ai – thăng hoa thành nghệ thuật, và sau cùng đạt đến cõi như nhiên, tĩnh tại.
 
Từ nỗi đau xót như nhát dao cứa sâu vào da thịt:
 
Mỗi năm
Mỗi người
Thêm một tuổi
Chỉ mình con
Mãi mãi
Tuổi đôi mươi…
(La Ngà 3)
 
   Nỗi đau xót ấy, như được sưởi ấm bằng những đốm lửa yêu thương, biến thành nỗi buồn man mác nhưng dịu ngọt:
 
Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…
(Bông hồng cho mẹ)
 
   Những câu thơ đẹp, vì được kết tinh một cách ưu ái và trang trọng từ trái tim, từ trái tim người làm thơ sang thẳng trái tim người đọc, không cần qua một lăng kính hay một bộ phận chắt lọc nào. Nếu những cụm từ như “bông hoa trắng,” “đóa hồng” được dùng như một hoán dụ, thì hoán dụ ấy cũng chẳng thể ngăn cản cảm xúc dạt dào dâng lên như sóng vỗ tràn bờ. Thực chất, thơ Đỗ Nghê ít sử dụng ẩn dụ hoặc hoán dụ, mà phần nhiều là những câu nói (vâng, thơ là tiếng nói, tiếng nói tinh tuyền nhất) rất đơn sơ, rất thật và rất đậm tính người.
 
Có gì “người” hơn những câu thơ này?
 
Mùa xuân mừng tuổi thơm tho áo
Nắng cũng vàng phai ngày cũng xa
Anh thương nhớ quá làm sao nói
Gọi tên em vang động gốc cây già…
(Quê nhà)
 
   Nó là tiếng kêu của muôn loài sống trên mặt đất, tiếng chim gọi nhau buổi ngày nắng tắt trên đầu non, tiếng kêu trầm thống của loài cá voi dưới mặt nước đại dương sâu thẳm. Nó là chất keo sơn giữ cho cuộc sống này bền chặt. Không có nó, thế giới vỡ tung mất thôi, và có vẻ như nó đang vỡ thật. Một mai nếu để mất nó, chúng ta sẽ rơi vào hố thẳm tuyệt vọng, vô phương cứu vãn, và linh hồn chúng ta sẽ mãi mãi trầm luân trong cõi huyền tẫn mịt mù, không ai có thể chuộc tội cho chúng ta, ngay cả người đóng đinh trên núi Sọ.
 
   Vâng, tôi xin bắt chước nhà thơ, ngày xuân “gọi tên em vang động gốc cây già.”
 
2.
   “Nước”, “sóng”, “sông”, “biển” là những thi ảnh xuất hiện nhiều trong thơ Đỗ Nghê. Trong bài thơ Nước – gồm 20 câu, một trong những bài thơ dài toàn tập thơ – thi sĩ vẽ hành trình của nước len lỏi qua nghìn dặm nẻo đường núi non sông lạch, thậm chí “từ cơn gió thoảng, từ làn mây trôi,” chỉ để bâng khuâng buông ra một suy nghiệm có tính siêu hình:
 
Nước vẫn muôn đời
Không đi chẳng đến
Ai người nỡ hỏi
Nước đến từ đâu?
Ai người nỡ hỏi
Nước trôi về đâu?…
 
   Nước, trong ngữ cảnh bài thơ, là một hoán dụ ám chỉ khái niệm Duyên khởi và tính Không trong Phật giáo. Nước “không đi chẳng đến,” phải chăng ám chỉ khái niệm “vô thỉ vô chung” vốn chủ yếu liên quan đến sự hiểu biết về thời gian, sự tồn tại và quan hệ nhân quả.
   Duyên khởi khẳng định rằng mọi hiện tượng phát sinh đều phụ thuộc vào các hiện tượng khác. Nó mô tả một chuỗi nhân quả, trong đó mỗi mắt xích phụ thuộc vào mắt xích trước đó, dẫn đến sự phát sinh của các hiện tượng tiếp theo. Theo quan điểm này, không có điểm bắt đầu hay điểm kết thúc biệt lập, độc lập đối với bất cứ điều gì trong chu kỳ tồn tại. Mọi thứ đều có mối liên hệ với nhau và phụ thuộc lẫn nhau.
    Còn khái niệm tính Không thì nhấn mạnh đến sự thiếu vắng của bản chất nội tại cố hữu của sự vật. Sự vật không có sự tồn tại cố hữu. Sự tồn tại của chúng phụ thuộc vào các yếu tố khác. Do đó, khởi đầu hay kết thúc của tồn tại trở nên vô nghĩa. Thay vào đó, sự tồn tại trải qua vô tận các chu kỳ lặp đi lặp lại gồm có sáng tạo, hủy diệt và tái sinh (mà ta gọi là luân hồi). Trong những chu kỳ này, không có điểm bắt đầu hay điểm kết thúc cuối cùng.
    Nó chính là “nước” của Đỗ Nghê: Không đi chẳng đến.
    Theo Tứ Diệu Đế, khổ đau là cố hữu do tham ái và vô minh. Tái sinh được xem là sự tiếp nối của vòng đau khổ này cho đến khi người ta đạt được giải thoát (niết bàn). Theo nghĩa này, tồn tại được xem là không có khởi đầu, với khả năng giải thoát đánh dấu sự kết thúc của vòng tái sinh.
    Hiểu được bản chất của “nước” là hiểu được chu kỳ của tồn tại, là hiểu được con đường dẫn ta đến giải thoát. Tôi đồ nhà thơ Đỗ Nghê chỉ muốn nói có bấy nhiêu. Một điều vô cùng giản dị mà sao chẳng mấy ai thực hiện nổi!
   Khái niệm “Sắc tức thị không, Không tức thị sắc” còn được thi sĩ nhắc lại trong bài thơ Có không:
 
Tràn vào khắp ngả
Đất trời mênh mông
Nhẹ như không có
Có mà như không…
 
    Thơ Đỗ Nghê thấm đẫm mùi Thiền, rất nhiều bài trong tập thơ mang phong vị Thiền học, nhưng nó là cái Thiền giúp ta thong dong đi vào phố chợ, nhập cuộc trần ai, mà lòng an nhiên như đang thảnh thơi dạo bước trên con đường mòn giữa cánh đồng hoa lá:
 
Duyên sinh vô ngã
Ngũ uẩn giai không
Từ đó thong dong
Thõng tay vào chợ…
(Vè thiền tập)
 
   Bởi thi sĩ hiểu rõ chân lý sinh diệt của vũ trụ tuần hoàn, từ cát bụi, ta là ta hôm nay, ta là “đất động” hay “sóng thần,” nhưng rồi một ngày nào đó không xa, ta lại trở về cát bụi:
 
Đất động ta cũng động
Sóng thần ta cũng sóng
Giật mình chợt nhớ ra
Vốn xưa ta là đất…
(Đất)
 
3.
    Một người làm thơ trữ tình như Đỗ Nghê ắt hẳn không thể nào dửng dưng với mảnh đất quê hương mình. Quê hương ông là biển, là sông, là hồ, là cát, là cây, là đá, tất cả hòa quyện trầm mặc trong thơ. Các địa danh xa lạ với nhiều người nhưng thân thương với thi nhân, như hòn Bà, đá Ngãnh, được đem vào thơ, tái hiện hoài hoài trong những giấc mơ, hay một ký ức không thể bào mòn.
 
   Tôi đặc biệt yêu thích bài Hội An sớm:
 
Hội An còn ngái ngủ
Mái chùa ôm vầng trăng
Giật mình nghe tiếng chổi
Gà gáy vàng trong sương…
 
   Như một khúc Đường thi. Thi ảnh, tuy cổ điển, nhưng đẹp não nùng. Và, chao ơi, tiếng chổi. Sao lại tiếng chổi từ trong sân chùa một cách mơ hồ vọng ra? Sao không là tiếng tụng kinh, tiếng chuông, tiếng mõ vào buổi sớm? Chính sự bất ngờ ấy đánh động tâm hồn khiến thi nhân giật mình, đã làm tăng thú vị khi đọc bài thơ. Bất ngờ hơn chuyện ông Trương Kế lúc từ Phong Kiều bước xuống thuyền nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn vọng lại. Bài thơ của Đỗ Nghê là bức tranh hiện thực được vẽ bằng bốn câu thơ năm chữ.
   Và tiếng gà. À, thì ra ngôi chùa chẳng ở đâu xa mà nằm gần kề một thôn xóm quê nghèo. Nó cho ta cảm giác ám áp, gần gũi, thân thương. Cụm từ “vàng trong sương” là một thủ pháp tu từ mỹ học. Ở đây nó là điểm nhấn như điểm nhấn trong hội họa, để từ đó người đọc thơ có thể vin vào, đoạn phóng chiếu ra tổng thể một cảnh tượng lung linh bóng hình thật đẹp, gồm có cả hình ảnh lẫn ảo ảnh. Hình ảnh là ánh tinh quang nhạt nhòa trong sương sớm. Ảo ảnh là một thôn làng xa xôi rơi rớt trong mớ ký ức ngổn ngang buồn nhớ.
    Ngôi chùa ở Hội An của Đỗ Nghê thân quen, gần gũi trong một tâm trạng cảm hoài nhưng một tâm thế u tĩnh, yên bình. Ngôi chùa Hàn Sơn của Trương Kế thì xa lạ, trống vắng trong một cảm giác bất an, mông lung, thậm chí bồn chồn, hoang mang, lạc lõng.
 
4.
   Tình yêu là đề tài muôn thuở trong thơ của gần như mọi thi sĩ đông tây kim cổ. Tình yêu trong thơ Đỗ Nghê là một thứ tình yêu đằm thắm, nhẹ nhàng. Bạn đừng tìm kiếm những tứ thơ nồng cháy nóng bỏng, khốc liệt trong thơ ông. Ngôn ngữ tình yêu là những nét chấm phá thi vị. Và ý nhị, thâm trầm:
 
Cảm ơn em sợi bạc
Cảm ơn em sợi hung
Cảm ơn em năm tháng
Đã theo già cùng anh.
(Theo già)
 
Hay:
 
Lá chín vàng lá rụng về cội
Em chín vàng chắc rụng về anh…
(Lá)
 
   Tôi thích những vần thơ tình nhẹ nhàng của Đỗ Nghê, bởi dù trong xa vắng, tình yêu của thi sĩ vẫn đẹp. Tháng năm trôi qua, đôi khi chạnh lòng nhớ lại kèm theo một chút bùi ngùi thương nhớ:
 
Hoa vàng đã rụng đầy sân vắng
Tình cũng ngùi phai theo tháng năm…
(Cố nhân)
 
Lòng còn vương vấn dù thời gian dâu biển bao mùa đã qua. Chẳng còn gì để nhớ, để thương… Không, hình như vẫn còn… Và chỉ chừng đó thôi đã đủ cho “ta” bồi hồi sung sướng:
 
Trái thông khô rớt vèo chiều tím
May mà còn ánh mắt dao cau…
(Tím)
 
   Hình ảnh “bạo liệt” nhất trong thơ Đỗ Nghê là bài sau:
 
Anh đọc bài thơ tình
Em ngồi nghe lặng thinh
Anh đọc thêm bài nữa
Em vẫn ngồi lặng thinh
Anh buồn không đọc nữa
Em chồm lên hôn anh
Như đổ dầu vào lửa…
(Thơ tình)
 
    Và, không kém quan trọng, tình yêu trong thơ Đỗ Nghê bao giờ cũng hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước, với biển, cát, sóng, trời. Trái tim của thi nhân có đủ chỗ cho cả em lẫn biển:
 
Anh… ngoằn ngoèo trên cát
Không ngờ mà hóa tên em
Biển xanh nắng vàng sóng bạc
Không ngờ cùng kéo đến xem…
 
   Tình yêu trong thơ Đỗ Nghê là thứ tình yêu phổ quát, đẹp muôn đời, đáng ca tụng mãi mãi, thế hệ nào cũng có thể liên kết cá thể mình vào được. Ngôn ngữ ca ngợi tình yêu của thi sĩ giản dị, chân thành, biểu hiệu một tấm lòng thương quý dành cho món quà quý giá nhất Thượng đế ban cho loài người. Một món quà như thế mà hình như chúng ta đang đánh mất nó, đang để nó vuột khỏi tầm tay. Một mai không còn tình yêu nữa, chúng ta sống vô cảm, vô tính như một robot AI hay một con người văn minh, chỉ biết có khoái lạc nhục dục và soma gây mê, như Aldous Huxley miêu tả trong cuốn tiểu thuyết Brave New World của ông, thì liệu lúc đó con người có còn là con người nữa không? Đọc thơ tình Đỗ Nghê để giữ gìn, trân quý món quà Trời cho đó, xin bạn đừng bao giờ đánh mất.
 
5.
    Ngôn ngữ thơ của Đỗ Nghê, nói chung, mang phong cách truyền thống, trữ tình. Cấu trúc và thi pháp cổ điển. Bởi thế, nhạc tính và cú điệu trong thơ du dương, trầm lắng. Đêm trên biển Lagi là một bài thơ với niêm luật chỉn chu theo đúng tinh thần Đường thi. Ông không tìm kiếm sự cách tân trong thơ mình. Kỹ thuật được ưa chuộng bởi các nhà thơ cách tân, như thủ pháp đặt cặp phạm trù/ thi ảnh tréo ngoe liền kề, không hề thấy trong suốt thi tập. Chữ nghĩa ông thâm trầm, dung dị. Ông không nệ chữ, không chuộng sử dụng những từ lạ, hoa mỹ, không vắt dòng vô cớ, không tra tấn người đọc bằng những ký hiệu rối rắm, ngớ ngẩn. Nhưng chữ nghĩa của ông là thứ chữ nghĩa có trọng lượng và buộc người đọc thơ phải suy ngẫm, liên tưởng, để trèo từ tầng chữ nghĩa lên tầng cảm xúc của thơ, để khám phá, để đắm chìm vào những khung trời, trong đó tâm hồn mình được vuốt ve, yên ủi.
    Tuy vậy, đó không phải loại thơ “khẩu khí” vốn đè nặng thi ca Việt Nam suốt mấy trăm năm qua và phần nào tiếp diễn cho đến ngày hôm nay. Thơ ông là tiếng nói, tiếng nói thầm thì nhưng trong veo và có sức mạnh chuyển tải cảm xúc, biểu hiệu cho một tâm hồn thơ giàu suy cảm.
    Có thể có kẻ thấy thiếu vắng một ý thức lịch sử, xã hội hay chính trị trong thơ Đỗ Nghê, thiếu cả những thao thức, khao khát nội tâm, do đó, họ biện biệt, thơ thiếu chất sống, không tiếp cận với đời sống con người, thân phận con người, vốn là cơ bản cho tất cả các thao tác văn học nói chung, thơ nói riêng.
    Tôi phản bác lập luận này. Đồng ý, thơ phải có một “đời sống thơ,” nhưng đời sống ấy không phải sinh ra để gồng gánh những trọng trách như minh họa kỷ nguyên lịch sử, miêu tả xã hội, bảo vệ ý thức hệ – dù là một ý thức hệ tốt đẹp – như Milan Kundera từng phát biểu nhiều lần. Mượn lời Kundera, tôi có thể nói là, thay vào đó, thơ tự cho nó một nhiệm vụ nói lên những điều “chỉ thơ mới nói được.” Ngôi nhà chữ nghĩa của thơ vốn ảo diệu, khó vào, thông thường chỉ mở lối cho người đọc thơ đi vào bằng con đường trực cảm hoặc linh cảm, thậm chí thần cảm. Khoác chiếc áo sứ mệnh nặng khôn kham lên thơ chỉ làm thơ thêm tội nghiệp và giết chết thơ.
    Ý thức rất rõ về điều đó, nhà thơ Đỗ Nghê đã không khoác chiếc áo sứ mệnh lên thơ mình.
    Nhưng “đời sống thơ” trong thơ Đỗ Nghê là gì, và ta phải hiểu như thế nào?
 
    Nhờ thấm đẫm Thiền vị, như đã nói bên trên, thơ Đỗ Nghê thắt buộc sự hiện hữu của con người vào thế giới xung quanh, và quan trọng hơn, tìm ra được quan hệ hài hòa giữa sự hiện hữu ấy với thế giới. Con người và thế giới không là chủ thể-khách thể như được hiểu theo ý nghĩa triết học cổ điển, mà là một tương tác giao thoa. Triết học Hiện sinh đặt vấn nạn chúng ta bị ném ra ngoài thế gian này mà không biết tại sao. Chúng ta giống nhân vật thần thoại Hy Lạp Sisyphus, bị kết án vĩnh viễn lăn tảng đá lên đỉnh núi chỉ để nhìn nó lăn xuống lần nữa. Thơ Đỗ Nghê không thắc mắc chuyện đó. Thơ ông cho ta thấy khả năng con người nhận thức được thực tế của hiện tồn, để từ đó biết trực diện với khổ đau và cái chết, đối đầu với những thách đố của đời sống dựa trên sự thông hiểu sâu sắc về bản chất của hiện tồn.
    Nhưng không thể gọi thơ Đỗ Nghê là thơ triết học. Đó là thơ. Thơ với tất cả những tố chất cố hữu của thơ. Bởi thơ ông không đưa ra một suy niệm tiên nghiệm nào, và bởi thơ đi thẳng từ trái tim thi nhân vào trái tim người đọc.
    Đọc “thơ ngắn đỗ nghê” giữa một thế giới đảo điên như hôm nay, giữa một cuộc sống đầy gian truân, trắc trở, với tôi, là một hạnh phúc.
TRỊNH Y THƯ
 
(Nguồn: Tạp chí Ngôn Ngữ, số đặc biệt Đỗ Nghê Đỗ Hồng Ngọc, tháng 5/2024)
 

NỒI CANH MĂNG CHUA

Khê Kinh Kha
 

bao năm rồi, đi giữa đời
giữa đời mưa nắng giữa đời lưu vong
tháng Tư về, mùa Xuân sang
nụ hoa nào nở giữa lòng tha hương
trời trong hay mắt em trong
mây bay hay tóc em buông vai gầy
rừng tóc em, xõa quanh đời
sao em chưa xõa vào đời riêng tôi
lòng xưa vẫn mộng mơ hoài
làm sao có được tháng ngày bên em
 
bao năm rồi, em đã quên
quên tôi, quên cả duyên tình trăm năm
quên luôn những nồi canh măng
xưa em hay nấu thơm ngon nồng nàn
măng chua, ngọt, như nụ hôn
 
em hay đem ví tình nồng đôi ta
 
nay bổng nhiên, thật tình cờ
em đem nấu lại cho vừa nhớ nhung
nhớ nhung để giữa tim nồng
chỉ mong mây gío nối lòng với nhau
em ơi mình đã bạc đầu
măng chua vẫn ngọt tình sâu vẫn còn
KKK
 

 

Friday, May 17, 2024

HIỆU ỨNG CỦA ÂM VÀ THANH TRONG THƠ QUA LĂNG KÍNH CỦA NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC BÙI VĨNH PHÚC

Trần C.Trí (*)
 
Tác giả Bùỉ Vĩnh Phúc

Nhà văn Trần C. Trí và nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc
 
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc là nhà văn, nhà thơ, nhà dịch thuật, nhà giáo và nhà ngôn ngữ học.
 Trong cõi phê bình văn thơ vừa mênh mông, dàn trải, vừa tỉ mẩn, rạch ròi của Bùi Vĩnh Phúc, kết quả của một công trình mất nhiều thập niên như cuốn 9 Khuôn Mặt. 9 Phong Khí Văn Chương, tôi chỉ có thể tập trung vào một vài chỗ nhỏ, rất nhỏ, để nói lên một số nhận xét của mình đối với lối phê bình tài hoa của tác giả về một số câu thơ của Thanh Tâm Tuyền và Bùi Giáng.
 Đôi khi, chúng ta chợt quên đi nhà thơ Bùi Vĩnh Phúc, có lẽ là vì những tác phẩm chính của anh là về phê bình văn học, vốn làm nên tên tuổi của anh trong văn chương hải ngoại.
 Vì vậy, tôi muốn trích một bài thơ bốn câu của nhà thơ Bùi Vĩnh Phúc, để gọi là mời gọi tất cả chúng ta cùng bước vào không khí thơ ca, mà cũng là đề tài nhỏ của tôi trong bài này:
 
Cắt
 
Biển. Đêm giông bão. Nhớ chia lìa.
Ghe cắt vào sông tiếng cắt khuya
Đời cắt vào ta ngọn gió buốt
Em cắt vào ta ánh sao khuê.
 
Bài thơ thật cô đọng và thấm thía. Chỉ với 28 chữ, nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh chứa đựng một âm thanh duy nhất (Ghe cắt vào sông tiếng cắt khuya) mà độc giả phải tự “nghe ra”, tuỳ theo trí tưởng tượng của mình (1). Cùng lúc là những hình ảnh cụ thể (biển, đêm, giông bão, sông, ghe, sao), pha lẫn với những hình ảnh trừu tượng (đời, em, ta), cảm xúc và cảm giác (nhớ, chia lìa, buốt). Động từ “cắt” như lưỡi dao bén ngọt, cứa vào những thực thể và cả vào tâm hồn của tác giả, để lại những chữ, những vần, những tứ thơ đẹp và buồn, đau đớn và mênh mang.
 Cái Tôi ẩn mật và Dương bản thiên nhiên ngày vây hãm trong Thơ Ở Đâu Xa của Thanh Tâm Tuyền (hay “Biệt khúc cho Thanh Tâm Tuyền”)
 Nhưng bây giờ chúng ta hãy trở lại với nhà Nhà Phê Bình Văn Học Bùi Vĩnh Phúc. Có thể sự so sánh này của tôi là khá khập khiễng, nhưng tôi nghĩ, một nhà phê bình văn chương cũng giống như một hướng dẫn viên du lịch. Khi đi ngoạn cảnh, chúng ta sẽ thấy rõ, thấy sâu, thấy nhiều cảm xúc hơn đối với vẻ đẹp của thiên nhiên đang bày ra trước mắt, nếu may mắn có được một hướng dẫn viên kinh nghiệm, nhiều kiến thức, và nhất là nhiều tâm tình, đang cùng chúng ta chiêm ngưỡng một công trình tuyệt mỹ của tạo hoá.
Một áng văn hay một bài thơ, tự nó đã có một vẻ đẹp riêng, nhưng qua bàn tay “phù thuỷ” của một nhà phê bình tài hoa, vẻ đẹp đó sẽ trở lên sống động, tương tác với người đọc qua từng cung bậc cảm xúc của mình.
 Điều gì sẽ xảy ra khi một nhà phê bình thơ cũng là một nhà thơ, đồng thời là một nhà ngôn ngữ học? Đó là một sự giao thoa tuyệt diệu giữa thi ca và ngôn ngữ, mà trong đó nhà phê bình/nhà ngôn ngữ học đã soi sáng cho người đọc thấy hiệu ứng âm thanh đóng một vai trò trọng yếu trong nghệ thuật làm những vần thơ đang nằm im lặng trên trang giấy bỗng bừng sống dậy, lấp lánh trong không gian ba chiều, cộng thêm chiều thứ tư nữa là cảm xúc của người thưởng ngoạn bài thơ.
  Thi ca khác văn xuôi ở chỗ nó dành cho âm thanh, nhịp điệu một vị trí đặc biệt, nếu không muốn nói là cao hơn những yếu tố cần thiết khác cần có cho một bài thơ, cho dù đó là một bài thơ tự do. Về vị trí của âm thanh trong thi ca, nhà văn/nhà thơ/giáo sư Alberto Ríos (Khôi nguyên giải thưởng thi ca Walt Whitman, 1981) có nhận xét: “Âm thanh hiện hữu hay không hiện hữu trong một bài thơ – có nghĩa là, với tư cách một người đọc, bạn nhận thức điều này rất rõ ràng, nếu không thì nó chẳng tạo ra điều khác biệt gì đáng kể cả. Hai tình trạng này có thể được coi là cường độ âm thanh hay khoảng cách âm thanh. Cường độ âm thanh hiện hữu khi âm thanh là tất cả trong một bài thơ. Khoảng cách âm thanh, trái lại, hiện hữu khi âm thanh chỉ là một hay nhiều thành phần của bất cứ yếu tố nào làm cho bài thơ thành công.” (2)
  Khi phê bình một bài thơ, Bùi Vĩnh Phúc xem xét nhiều góc độ khác nhau như lời thơ, ý thơ, tứ thơ, vần điệu, nhưng đặc biệt nhất đối với tôi là lúc anh “chiếu” thẳng vào từng từ ngữ, tháo tung nó ra như người thợ sửa đồng hồ, săm soi từng bộ phận chi li của nó. Bùi Vĩnh Phúc “gỡ” một chữ ra, lắng nghe âm và thanh của từng thành phần nhỏ nhất cấu tạo nên chữ đó, để cảm nhận những tín hiệu mà các âm thanh đó mang đến, tạo thành cái hồn của chữ, của câu và của cả bài thơ.
  Bùi Vĩnh Phúc làm đầy đủ tất cả những công việc của một nhà phê bình: anh phân tích, so sánh, đối chiếu, trích dẫn, tổng hợp, chiêm nghiệm và cảm nhận, nhưng điều mà anh làm nổi bật lên trên mọi thứ, đó là việc phân tích. Người miền Nam thường nói hai chữ “phân tích” thành “phân tách”, và tôi muốn dùng cách phát âm miền Nam này để nói lên tài “phân âm” và “tách thanh” của nhà phê bình, nhà thơ và nhà ngôn ngữ học Bùi Vĩnh Phúc thú vị như thế nào.
  Chúng ta thường dùng hai chữ “âm thanh” khi nói về một trong những thuộc tính của ngôn ngữ như một thói quen. Thế nhưng, nếu ngẫm cho kỹ, khi so sánh tiếng Việt với tiếng Anh, chúng ta sẽ nhận ra rằng mỗi chữ trong tiếng Việt đều có đầy đủ “âm” và “thanh”, còn từ ngữ tiếng Anh chỉ có “âm” mà không có “thanh”. Tất nhiên là tiếng Anh có “trọng âm” mà tiếng Việt không có. Dẫu sao đi nữa, nếu chữ nghĩa trong tiếng Anh hàm chứa hai loại âm, trong khi lại thiếu thanh, thì làm sao có thể trầm bổng, ngân nga khi đem vào thơ ca như trong tiếng Việt được?
 
Nam Lê, một nhà thơ gốc Việt làm thơ bằng tiếng Anh, cũng nhận thấy vai trò không-thể-thiếu của thanh đối với tiếng Việt (được biểu thị bằng “dấu giọng”/tone marks trong chính tả). Trong bài thơ Dire Critical của anh, Nam Lê cho thấy thanh điệu là một phần lớn trong bản sắc của mỗi người Việt (và làm sao có thể thiếu nó trong thi ca?). Bài thơ tiếng Anh nói về tiếng Việt này đậm chất ngôn ngữ học, chơi chữ, nhiều ẩn dụ, nhuốm triết lý, ‎nếu cố dịch ra tiếng Việt e sẽ làm mất đi nhiều màu sắc, hương vị và chiều sâu của nó. Chi bằng chúng ta hãy đọc thẳng nó trong nguyên tác. Đây là phần đầu của bài thơ:
 
Dire Critical (3)
 
All in the tone.
Give us each day our diacritics – our low and high, fall
and rise, our horns and holds:
Flat we are without.
(You like that, no doubt)
 
Give us our dau sac, huyen, nga, hoi, nang…
 
 Chắc cũng cùng trong tâm tình này, Bùi Vĩnh Phúc đã say mê đi thật sâu vào thế giới âm thanh của từng chữ, từng âm tiết, thậm chí đến từng âm tố, trong một bài thơ. Muốn cảm nhận hết tài phân tích âm thanh của anh, chúng ta cần có một hiểu biết nhất định về ngữ âm và âm vị tiếng Việt. Bùi Vĩnh Phúc không nói ra điều này trong phần phê bình của anh, mà chỉ tế nhị đưa qua phần cước chú (số 4, 84). Trong phần này, anh trình bày một cách tóm tắt nhưng khá đầy đủ về cấu trúc âm, từ nhỏ đến lớn mà đa số các thứ tiếng trên thế giới cùng có là âm tố, âm tiết, âm tự và âm cú. Anh phân biệt âm đoạn là tầng có “âm điệu”, với siêu âm đoạn là tầng có “thanh điệu” (cùng với ngữ điệu và trọng âm).
  Về phần thanh điệu, cước chú cho thấy các thanh trong tiếng Việt chia thành hai thành phần: cao độ (hay âm vực) – Thanh điệu cao (ngang, ngã, sắc) và thanh điệu thấp (huyền, hỏi, nặng); đường nét (hay âm điệu) có thanh bằng (ngang, huyền) và thanh trắc (ngã, sắc, hỏi, nặng). Thanh trắc lại chia thành thanh gãy (ngã, hỏi) – trong tiếng Anh được gọi là curve tones5, hay contour – và thanh không gãy (sắc, nặng).
  Với “hành trang” âm vị học đó, chúng ta có thể bắt đầu thưởng thức tài bình thơ của Bùi Vĩnh Phúc. Khi phê bình thơ của Thanh Tâm Tuyền, ở nhiều chỗ, tác giả cho thấy rằng chính âm và thanh là những yếu tố quyết định mà nhà thơ sử dụng để tạo những hiệu ứng về hình ảnh, âm thanh và nhất là tứ thơ, lột tả tâm tình của tác giả trong bài Vang Vang Trời Vào Xuân. Về bốn câu trong bài thơ này:
 
Đứng vững không khuỵu chân
Trên mảnh đất nghèo khổ
Thở hít tận vô cùng
Ngây say đoá hồng rợ
 
… Bùi Vĩnh Phúc đã thấu cảm được tâm hồn và ý chí của nhà thơ được diễn đạt, không chỉ bằng cách chọn từ ngữ, mà còn qua thanh âm của những từ ngữ đó. Cách vận dụng các thanh bằng trắc của nhà thơ đã giúp nhà phê bình “đọc” được, đồng cảm được với tính khí khái mà đúng ra chỉ ẩn sâu trong trong tâm thức của một người tù, khó lòng mà nhận diện được:
  Đoạn thơ thứ hai, bốn câu giữa, xét về vần, về điệu, là những câu đặc biệt. Vần trắc cho những câu hai, bốn và vần bằng cho những câu một, ba. Nhưng cái vần bằng này là một nỗ lực kiên cường, bất khuất của thi sĩ, cố giữ cho thân và lòng mình ở cái thế thăng bằng, không gục ngã, cũng như không biến lòng mình thành một bãi chiến trường của sự oán thù. Người thi sĩ đã cương quyết đứng vững trong cuộc đời. (66)
  Những thanh trắc trong câu thơ làm Bùi Vĩnh Phúc liên tưởng đến sự cứng rắn, còn những thanh bằng khiến anh nghĩ đến sự mềm mại, nhưng không phải là sự yếu đuối:
  Hai chữ đầu của câu đầu trong đoạn này, “đứng vững”, đều là những âm tiết trắc, với những thanh trắc cao, để chỉ sự cương quyết. Từ “không”, thanh bằng, cao, vừa như buông lơi của thân xác, cho tâm hồn được mềm lại, vừa như một xác quyết không lay chuyển. (66-67)
  Ít ai trong chúng ta đi vào sâu trong không gian âm và thanh của một chữ tưởng như là rất bình thường như chữ “không” trong câu thơ Đứng vững không khuỵu chân như Bùi Vĩnh Phúc. Khi đọc đến đó, phần lớn chúng ta chỉ thấy “không” là “không”, là một trạng từ phủ định, cùng lắm là thấy nó diễn tả thái độ bất khuất của nhà thơ, vậy thôi. Còn với Bùi Vĩnh Phúc, trạng từ phủ định này, ngoài lớp vỏ ngoài về chính tả, hình vị và cú pháp, còn có một lớp vỏ âm thanh bên dưới, chứa đựng không những là thanh bằng mà còn là thanh bằng cao, tạo nên một sự pha trộn giữa cái nhu và cái cương tồn tại song song trong một con người không chịu thua số phận.
 Tháo rời từng chữ ra để săm soi rồi, Bùi Vĩnh Phúc “ráp” chúng lại với nhau, xem chúng phối hợp nhịp nhàng với nhau thế nào để làm các câu thơ bừng sống dậy6, thấm đẫm vào tâm tư của người thưởng thức. Trong những bài thơ sau này của Thanh Tâm Tuyền trong tập Thơ Ở Đâu Xa, Bùi Vĩnh Phúc đã khám phá ra một khuynh hướng mới lạ, có phần “gai góc”, của nhà thơ khi sáng tác trong một giai đoạn mới của cuộc sống, một giai đoạn bể dâu, trong thân phận ngục tù.
Khuynh hướng mới mẻ đó phản ảnh một tâm thức mới, tâm thức phản kháng của một nhà thơ có cùng thân phận câu thúc như nhiều người quanh ông, tuôn ra những vần thơ thừa thanh trắc, ít thanh bằng, như vẽ ra một tâm hồn không còn bình yên, một tâm hồn bời bời tủi hận:
  Ông rất hay dùng những kết hợp ít thấy trong thơ, như kết hợp trắc-trắc theo dạng cao-cao, một không gãy, một gãy (đứng vững không khuỵu chân, cháy rỡ mây hồng); thấp-cao (theo dạng ít thấy, dấu hỏi đi với dấu ngã, cả hai đều gãy: đứng ngây trời ẩm sũng); kết hợp ba âm trắc sát nhau: gọi nghe biển dậy sóng, thở hít tận vô cùng, tim ta cũng cháy đỏ, thoáng lơi tay tỉnh thức ngón tê mê, nhìn nắng loé ánh trên tàn lá, mưa rối mắt đong đưa búp lá nõn (câu thơ tám âm tiết mà có tới năm thanh trắc cao, thanh cuối lại gãy). (69)
  Bùi Vĩnh Phúc cảm thụ một câu thơ bằng tâm hồn của một con người, một nhà thơ, nhưng đồng thời cũng bằng kiến thức sâu rộng về ngữ âm học và âm vị học của anh. Trong một câu thơ khác của Thanh Tâm Tuyền, âm tố cuối cùng của câu thơ, theo khiếu thưởng ngoạn của nhà phê bình, chính là yếu tố quan trọng nhất đã gợi cảm giác mạnh mẽ đối với tâm tình nhà thơ muốn gửi gấm đến người đọc. Mấy ai có thể thấy thổn thức chỉ vì một phụ âm đến sau cùng trong một câu thơ như Bùi Vĩnh Phúc? Tôi có cảm tưởng như anh đã đặt phụ âm đó dưới một cái kính lúp và hào hứng mô tả nó cho người đọc có thể cùng anh cảm nhận được những hình ảnh, âm thanh và tình cảm đến từ những đặc điểm vật lý tự nhiên của nó.
 
Câu thơ đó là Trời xanh cao vút giếng nước ngọc. Và Bùi Vĩnh Phúc đã tận tình “mổ xẻ” phụ âm cuối trong chữ cuối cùng của câu thơ, phân tích tỉ mỉ những đặc tính ngữ âm của nó và nắm bắt được hiệu ứng của chúng trong việc gây một cảm xúc hụt hẫng lẫn ngỡ ngàng cho người đọc đối với phong cảnh được miêu tả trong câu thơ này:
  … Âm tiết ngọc cuối cùng lại mang trong nó một thanh trắc thấp, cũng không gãy, nhưng âm tố cuối của nó, “c”, “cờ” [k] lại là một âm tắc, vô thanh7, âm bị tắc một cách đột ngột như hạ cái nhìn của con người một chút xuống “đáy giếng” và sững lại ở đó, bàng hoàng, trong một tâm thế và một cái nhìn quán chiếu đầy ảo hóa và thơ mộng, để thấy cái chất ngọc lung linh lóng lánh thơm và xanh biếc của bầu trời. (71)
   Cảm xúc của nhà phê bình thơ, như ta đã thấy, đến từ âm thanh trong những câu thơ. Anh đã nghiêng về phía “cường độ âm thanh”, thay vì “khoảng cách âm thanh”, như nhà thơ Ríos đã nhắc đến trong phần đầu của bài viết này.
 
 
Vấn Đề Thẩm Thức Một Tác Phẩm Nghệ Thuật
 
Trích đoạn bàn về thơ của Bùi Giáng
 
Bây giờ chúng ta hãy cùng nhìn qua phần phê bình khác của Bùi Vĩnh Phúc đối với hai câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng trong một trích đoạn từ tiểu luận của anh. Ngoài một số chỗ mà Bùi Vĩnh Phúc phân tích rất tỉ mỉ về cú pháp, hình vị và ngữ nghĩa trong thơ của Trung Niên Thi Sĩ, anh vẫn không bỏ qua phần phân tích ngữ âm sở trường của mình. Điều hết sức thú vị ở đây là Bùi Vĩnh Phúc đã cho chúng ta thấy nhiều cách cấu âm của từ ngữ đã gợi ra những hình ảnh độc đáo mà người đọc có thể hình dung ra một cách vô cùng linh động. Thông thường, người đọc một bài thơ có thể mường tượng ra một hình ảnh qua cách dùng từ ngữ của nhà thơ hay những mỹ từ pháp như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, v.v. Đối với Bùi Vĩnh Phúc, hình ảnh còn đến từ âm thanh nữa. Bàn về hai câu thơ Bây giờ em ở nơi đâu/Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao, anh tỉ mỉ phân tích:
  Về phương diện phát âm học, âm “âu” trong “nơi đâu” và “sầu” là một âm chúm. Tôi muốn nói là khi phát ra âm này, đôi môi người đọc hay nói phải chúm lại. Động tác chúm môi tạo hình ảnh một cái hôn, một sự trao gửi, yêu thương. (356)
 Chưa hết, đó chỉ là về cách phát âm nhị trùng âm “âu” trong chữ “đâu” mà thôi. Bùi Vĩnh Phúc còn “giải phẫu” luôn phụ âm đứng đầu trong chữ này, miêu tả vị trí phát âm của phụ âm đó, cùng với thanh điệu của toàn chữ, và anh cho thấy các đặc tính ngữ âm này đã góp phần đáng kể trong việc diễn tả thái độ và tình cảm của người nói:
  Từ “đâu” bắt đầu bằng phụ âm “đờ” trong tiếng Việt, là một âm mà khi phát ra, đầu lưỡi phải chạm vào thành lợi ở ổ răng phía sau những răng cửa của hàm trên. Tiếng Anh gọi âm này là “apico-alveolar”. Gần giống như âm [d] của những từ “do, did” trong tiếng Anh… Từ “đâu” lại có thanh phù bình chứ không phải trầm bình. Bởi thế, câu hỏi được đặt ra một cách nhẹ nhàng, âu yếm: Em ở nơi đâu? (356)
 Bùi Vĩnh Phúc còn xét đến một khía cạnh trong phương ngữ học trong câu thơ kế tiếp của Bùi Giáng, Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao. Đối với anh, một câu thơ không chỉ đơn thuần là dòng chữ mực đen nằm trên giấy trắng một cách câm lặng. Anh nghe chừng như chàng thi sĩ đã từng “lùa bò vào đồi sim trái chín” thủ thỉ câu thơ này với người yêu cũ bằng một giọng đậm đà của xứ “khúc ruột miền Trung”, đặc biệt là cách phát âm của một phụ âm đầu có thể giúp phân biệt một người nói giọng Bắc với một người nói giọng của miền khác. Ở chỗ này, nhà phê bình bỗng trở thành một ông giáo đứng trước bảng đen, đang say sưa bình thơ, đồng thời lồng vào đó là bài học ngữ âm bậc đại học:
  Từ “sầu” bắt đầu bằng phụ âm “sờ”, đọc là [s] (voiceless alveolar fricative) theo lối Bắc, hoặc đọc là [ȿ] (voiceless postalveolar retroflex fricative) theo lối Nam hoặc Trung, đều là những âm xát xuýt (fricative), phát ra hơi gió (sibilant) một cách liên tục. Tuy nhiên, nếu đọc theo lối Nam và Trung [ȿ] (âm quặt lưỡi) thì cuống lưỡi phải chạm vào phần vòm cứng ở ngay sau ổ răng cửa hàm trên, hơi gió được cuộn, ép lại, và đẩy ra mạnh hơn. Nếu đọc theo lối Bắc [s] (âm chân răng) thì nó cũng giống như trường hợp của âm [d] trong “đâu”. Bùi Giáng sinh ở Quảng Nam, người miền Trung, cho nên chắc đọc “sầu” với âm đầu là [ȿ]. Từ “sầu”, như thế, sẽ có âm gió thở mạnh ra (dù phần nào nghe nặng và đặc hơn so với âm [s]), lại thêm thanh trầm bình (huyền) đè xuống một cách thiết tha, nặng và buồn, da diết, rất hợp với tâm trạng của thi sĩ. (356)
  Tôi nghĩ như thế này, có lẽ là từ trước tới giờ mình đọc chưa đủ nên biết chưa tới, nhưng cũng có thể là từ trước tới giờ chưa có ai phê bình thơ mà đi vào tận cùng của thế giới âm và thanh như Bùi Vĩnh Phúc. Anh dùng ngôn ngữ học để lột trần ngôn ngữ trong thi ca. Tôi vẫn cho rằng thơ văn là nơi thăng hoa tột cùng của ngôn ngữ loài người. Đặc biệt là trong thơ ca tiếng Việt, ngôn ngữ đã được thể hiện một cách rốt ráo qua phần tinh hoa nguyên thuỷ của nó: đó là phần âm điệu và thanh điệu. Đối với những người thưởng thức hay phê bình thơ có khuynh hướng nhận nhìn “cường độ âm thanh”, thì âm thanh là thế mạnh, là chất liệu chính của một bài thơ, và Bùi Vĩnh Phúc đã giúp chúng ta soi rọi chói chang vào phần nổi bật nhất đó bằng khối óc, trái tim, bằng cảm xúc, cảm hứng và bằng tài hoa của một nhà phê bình văn học mà dòng văn chương Việt hải ngoại may mắn có được trong thế kỷ 21 này.
TRẦN C. TRÍ
 
(*) Nhà văn, TS. Hiện đang giảng dạy về Romance languages và Vietnamese tại University of California, Irvine.
 
[1]Một dạng của “auditory imagery”, một trong những thi pháp đòi hỏi người đọc phải “hình dung” ra âm thanh.
2 Nguyên văn “Sound exists or does not exist in a poem – that is, as a reader you are very aware of it, or else it makes no particular difference.  These two conditions may be thought of as sonic intensity and sonic distance.  Sonic intensity is when the sound is everything in a poem.  Sonic distance, on the other hand, is when sound is simply one more part of whatever makes the poem successful.” Mooring Against the Tide: Writing Fiction and Poetry.  Ed. Jeff Knorr and Tim Schell.  Upper Saddle River, NJ: Prentice Hall, 2001.  "Degas in Vegas: Some Thoughts on Sound in Poetry."  34-37.
3 Nam Lê chơi chữ trong tựa đề này, biến tính từ “diacritical” (‘thuộc về dấu giọng’) thành danh ngữ “dire critical” (‘lời phê bình tàn khốc’).
4 Le, Nam. trích trong "36 WAYS OF WRITING A VIETNAMESE POEM." The American Poetry Review, vol. 52, no. 2, Mar.-Apr. 2023, pp. 23+. Gale Literature Resource
5 Andrea Hoa Pham, The Key Phonetic Properties of Vietnamese Tones: A Reassessment – Paper at the 15th International Congress of Phonetic Sciences, Barcelona, 2003.
6 Bùi Vĩnh Phúc dùng động từ rất gợi hình là “bám” để mô tả sự kết hợp khắng khít có dụng ý của Thanh Tâm Tuyền giữa các âm tiết trong câu thơ.
7 Thuật ngữ “thanh” dùng trong phần phê bình của Bùi Vĩnh Phúc chỉ hai khái niệm khác nhau: Khái niệm thứ nhất thuộc về âm vị học/phonology, trong tiếng Anh là “tone”, ví dụ như “thanh sắc”/high-level tone (như trong cước chú của tác giả về hệ thống thanh tiếng Việt); khái niệm thứ nhì (dùng trong trích đoạn này) thuộc về ngữ âm học/phonetics, trong tiếng Anh là “voicing”. Tác giả miêu tả âm [k] là “vô thanh”/voiceless, đối lại với âm [g] (cũng cùng vị trí phát âm là âm ngạc mềm/velar consonant) là phụ âm “hữu thanh”/voiced.
TCT
 

Monday, May 13, 2024

CHIỀU CHIỀU

Nguyễn Tôn Nhan
 
Nguyễn Tôn Nhan (phải) và Nguyễn Lương Vỵ
dưới bóng Thánh Ca
 
Sáng hôm nay mặt trời xanh
Nàng giữ trên môi bông tuyết nhỏ
Lá trong vườn từng lưỡi dao găm
Nàng giữ trên tay bông tuyết đỏ
Chim không bay đến mái hồn tôi
Nơi cô đơn rêu ngàn năm đã phủ
Nơi vinh diệu những kẻ u buồn
Nơi sáng hôm nay của tôi của nàng
Của hai kẻ đem phơi hồn ủ rũ
Chiều tôi trở về trên đồi cây
Dưới cành khô có bóng nàng treo cổ.
NTN
 

Sunday, May 12, 2024

LẠI CHUYỆN CHIẾN TRANH.

Tố Nghi
 
Israel-Palestine
 
Thinh không chiến tranh do thái-palestien tiến thẳng dô trại bịnh hổng thèm hụ còi nhấp thắng. Tui phải tất tả nhọc nhằn màn giữ hoà bình trị an, tốn sức lao động hết biết. Kết quả: đài phát thanh kiêm hãng thông tấn nội địa sanh tắc tiếng, tới độ chưa kịp khai bút đầu năm, cũng bởi thời giờ công sức đã dồn hết vô cuốn cựu ước kiếm vốn liếng hành nghề... tối cao pháp viện!
Số là... hai tên đồng sự thân tình trong sở, từng thề thốt màn "sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng tình bạn là chơn lý muôn đời". Rồi cái lý có chơn nọ, do phải bước miết đoạn đường dài sỏi đá khấp khuỷu gập gình nên sanh mỏi mệt, chơn bèn quẹo cua tìm hướng đi mới, thế là... hai đứa hai nơi ! Thỉnh thoảng đụng nhau trong ICU intense care unit (có tui đứng thị uy) chúng ngó nhau chằm chằm, hận thù dâng trào khoé mắt. Và ICU đã thành lò lửa chiến tranh cục bộ.
Tại sao ha? Thưa một kép là do thái, kép kia palestine, chung trường lớp, tốt nghiệp chung lượt và chọn chung nhiệm sở, thân thiết còn hơn ruột thịt. Nhưng đây là thuở sách đèn bận bịu, tâm hồn trong trắng chưa vẩn đục gió bụi thời gian và mầm mống chia rẽ tôn giáo chủng tộc. Rồi thì... chiến tranh đang đực cái âm ỉ tận đẩu đâu, thinh không bùng dậy. Chiến tranh từ bển kéo rốc sang, lừng lững tiến thẳng vô trại bịnh để tui vất vả màn canh chừng củi lửa, cũng bởi thằng do thái cô đơn mình ên, lạng quạng dám đi đứt !
Từ ba thập niên nay, di dân đổ qua lập nghiệp sanh sống rất đông. Đâu hổng biết chớ ngay cái-mông (lệ an) này, trong lãnh vực y tế, đám y công hầu như tuyền philippin haitian, còn aid-nurse và nurse tuyền trung đông ả rập - và đây là một trong những sắc thái ngộ nghĩnh dị biệt sắc tộc xã hội. Bởi vậy, chẳng may đụng gươm đụng giáo tại chỗ thì cái thằng bán chúa nọ, bảo đảm bình hổng trầy sứt cũng "rò rỉ". Thủ phạm nếu hổng tên palestine thì cũng đám cháu chít cùng cụ bành tổ ismael của nó.
Dĩ nhiên thằng do thái biết thân biết phận, có chi chỉ kéo Dr nô ra góc bỏ nhỏ than phiền, nhưng vừa nghe rồi là y phép phải day sang nghe tiếp bọn ả rập. Hồi đầu còn sức nên còn hăng, vừa nghe vừa cho ý kiến (... trung lập). Nhưng nghe miết sanh hồi hộp loạn nhịp tim, cạn hứng lẫn cạn sức. Khổ thân cho mệ nhọn mỏ, "hạ quyết tâm" ôm cựu ước chăm chỉ đọc, để còn răn đe cả hai bên. Rồi... teng teng teng tèng... dr nô bổng trở thành chiêng-da cựu ước, rành rẽ lịch sử loài người thời cổ đại, cả ả rập lẫn do thái.  Phải chăm chỉ đọc đăng còn hầu chuyện bọn ruồi bu nọ. Chúng nhứt định đổ lỗi cho nhau, rằng tui là nạn nhơn, bị tui hổng là người... gây hấn trước !
Chiến trận trump-biden còn dang dở chưa xong, thì cuộc chiến israel-palestine ập tới, dữ dội ồn ào gấp bội, hai kép đồng sự do thái-palestine, mỗi bữa thiếu điều mần màn sống mái. Một bữa gây cấn quá, muốn nổ tung trại bịnh, tui tống chúng ra, cho đứa con dao mổ, biểu xáp lá cà ngoài sân cỏ bịnh viện, trong này thuốc men băng ca sẵn sàng, chờ lượm xác đồng nghiệp, tử vì nước lẫn vì đạo. Ban giám đốc hay tin, chúng đuổi tuốt hai thằng, cấm đi làm trở lợi, còn tui chúng làm lơ.
Nay thì... sở cho do thái palestine nghỉ dài hạn thiếu lương đề phòng bất trắc - tuy bị cấm vô sở đi mần, nhưng vẫn có quyền ra phòng mạch tư, tiền vừa nhiều vừa khoẻ re - Kết quả là... tui phải một hơi làm 3 full time jobs, ngày đêm miệt mài. Nạn nhơn trực tiếp trong cuộc chiến do thái palestine tại đất cái-mông ni,  chừ là đôi lứa đang ủ rũ nơi đây. Làm ngày hổng đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày nghỉ. Ngồi miết tới trĩ lòi cả ra ngoài ! Trĩ heng, hổng phải cọng rau muống!
TỔ NGHI
 

CON ĐƯỜNG. LA STRADA

nguyễnxuânthiệp
 
Poster phim La Strada

Con đường nào chúng ta đã đi chung
nàng thơ của tôi. tên bạo chúa. gã khùng ơi
gelsomina. zampano. the fool
ôi. tiếng kèn. đã tắt trên môi em
và biển sẽ xóa hết. dấu chân. những người một thời yêu nhau
cùng đi chung một con đường. la strada
(NXT)
     Đã có nhiều tác giả viết về Con Đường - La Strada: Nguyễn Nam Châu, Lữ KIều, Nguyện Thị Hải Hà, Sâm Thương, Trần Hoài Thư… Thơ trên là của Nguyễn tôi. Sở dĩ nhiều người yêu thích và viết về cuốn phim La Strada vì trước hết đó là một phim hay, cực hay, có dính với nụ cười và nước mắt của một thời trẻ tuổi của mỗi người. Mới đây, khi gặp lại Lữ Kiều, nhân bàn về Ca khúc Les Feuilles Mortes của Joseph Kosma và Jacques Prevert, nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ và con đường mà mình và bạn bè đã đi qua. Vậy cho nên Nguyễn tôi về chép lại bài đã viết tự năm nào để tặng bạn mình.
  
     Phim La Strada của đạo diễn lừng danh người Ý Federico Fellini đã ám ảnh tôi những năm trẻ tuổi. Hồi đó, Nguyễn này vừa mới rời trường Quốc Học bước chân vào Sài Gòn mê những hàng me đường Catinat và phố xá rực rỡ, bước chân qua các giảng đường đại học. Tuổi mới đôi mươi, lòng còn trong trắng, yêu đời như yêu những giấc mộng. Thế rồi bỗng bàng hoàng rơi lệ khi cùng người xem phim La Strada.
 
     Ôi, Federico Fellini người nghệ sĩ bi thảm của thời đại chúng ta. Người đã mở ra dòng phim mới với những tuyệt phẩm: La strada (1954), Le notti di Cabiria (1957), La Dolce Vita (1960), Amarcord (1973) -số lớn trong đó đã đoạt Oscars. Riêng bản thân Fellini đã giành giải Oscar về sự nghiệp thành tựu trọn đời vào năm 1993. Là một trong những thiên tài điện ảnh, Federico Fellini đã từng ảnh hưởng đến nhiều đạo diễn Âu Mỹ như Stanley Kubrick, Martin Scorsese, David Lynch hay Pedro Almodovar. Hôm 20/01/2020 vừa qua đánh dấu 100 năm ngày sinh của đạo diễn Fellini, từng được các điện ảnh gia người Mỹ mệnh danh là ‘bậc thầy’ Maestro.
      Mà không riêng kẻ này ngưỡng mộ Fellini và mê La Strada, còn có những cây bút khác như đã nhắc trên. Nguyễn Nam Châu, Lữ Kiều, Nguyễn Thị Hải Hà, Sâm Thương… Và giờ đây, Trần Hoài Thư đang chuẩn bị Thư Quán Bản Thảo ra số chủ đề về Fellini và tuyệt phẩm La Strada. Lữ Kiều: “Bài viết của NNC về Fellini với phim LA STRADA vẫn còn làm tôi xao xuyến mỗi lần nhớ lại. Hình như tôi đã nhiều lần nhắc đến nàng Gelsomina trong những bài văn thời trẻ của mình, nhờ NNC đó.” Trần Hoài Thư: “Vừa đánh máy mà vừa rưng rưng. Con đường của Fellini là con đường mang ý nghĩa triết lý của kiếp nhân sinh: Con đường cũng như cuộc đời, tự nó không biết khởi điểm từ đâu, mà cũng không rõ sẽ ngừng lại chỗ nào. Nó bắt đầu từ cuộc đời của những kiếp người. Người ta vào cuộc đời như người ta khởi sự lên đường. Có lần ta tạm biết mơ hồ mục-đích của cuộc hành-trình và thoáng thấy mình sẽ có ngừng lại ở điểm nào đó trên con đường, nhưng người ta không biết hết được những điều mình sẽ gặp gỡ trên nẻo đường muôn hướng đó, bởi vì Con Đường cũng có nghĩa là sự Gặp Gỡ giữa muôn vàn ngả đường. Cuộc đời cũng thế: Cuộc đời là sự gặp gỡ giữa các tâm hồn. (trích từ bài viết của NNC)
 
      Bây giờ, xin về với nội dung phim La Strada: Câu chuyện được Federico Fellini kể lại bằng một bút pháp điện ảnh đặc biệt. Nhân vật chính trong phim là Gelsomina do nữ diễn viên Ý, Giulietta Masina, thủ vai. Ôi, đôi mắt cô bé tròn xoe, luôn mở lớn, dễ thương quá. Nhất là khi cô buồn và khóc, khiến người xem se thắt lòng. Gelsomina là một cô gái chân chất, thật thà, quê mùa, nhạy cảm. Và nhân vật kia là Zampano, do nam diễn viên nổi tiếng của Mỹ Anthony Quinn đóng. Zampano, là tay nát rượu một người nóng nảy, hung bạo. Gã cao lớn vạm vỡ trong khi Giulietta Masina nhỏ bé để đứng gần Quinn cô như một cô bé mười hai mười ba tuổi.
     Mở màn, anh chàng hát xiệc giang hồ Zampano (Anthony Quinn) quay trở lại miền biển nghèo nước Ý điều đình với mẹ của Gelsomina, để có nàng thay thế Rosa, chị nàng đã qua đời. Để nuôi đàn con sót lại, mẹ nàng bằng lòng trao Gelsomina cho Zampano.
     Thế là Gelsomina theo Zampano rày đây mai đó trên chiếc xe ba bánh cà tàng. Nàng không biết làm gì khác hơn là đánh trống, nhảy múa, mỗi khi Zampano diễn trò bứt sợi xích sắt trước đám đông, nhưng nàng khờ khạo quá, đến nỗi thường bị  Zampano hành hạ đánh đập và chửi mắng. Đã có lần gặp người đàn bà đẹp, sexy hơn ở quán rượu, trong cơn say bỉ tỉ hắn liền kéo người đàn bà này đi bỏ Gelsomina ở lại bên lề đường giữa đêm khuya.  Tuy vậy hắn không thể xa nàng, nàng được dùng để sưởi ấm và thỏa mãn xác thịt những đêm đông không nhà. Nàng nhiều lần bỏ trốn, nhưng không được, nàng không biết đi đâu và không thể sống với ai khác, nên lại tiếp tục sống bên cạnh Zampano, trong gánh xiếc của hắn. 
      Thế rồi, định mệnh run rủi, hai người gặp The Fool Gã Khùng (Richard Baschart), một kẻ làm công cho một gánh xiệc giang hồ khác. Gã có tài đi trên dây cao: một trò chơi điên rồ. Gã lấy hiểm nguy đổi sự sống ư, e cũng không hẳn vậy, vì gã mắc bệnh lao, thấy mình gần với cái chết, nên muốn đùa giỡn với cái chết, mua vui cho người. Ở trên dây cao, chỉ cần một chút xúc động là gã có thể ngã xuống tan xương nát thịt. The Fool tử tế, có cảm tình với Gelsomina nên săn sóc nàng. Cử chỉ này làm Zampano bực mình. Đã thế hắn còn bị The Fool trêu chọc mãi nên ghét The Fool thậm tệ. Một lần nọ, gặp The Fool bị hư xe, Zampano ngừng lại chửi mắng. Kết quả là anh ta giết The Fool rồi vùi xác bên đường. Chứng kiến cái chết của The Fool, Gelsomina rất đau lòng, đến độ ngã bệnh tâm thần, trở nên điên loạn, mất trí. Và trong giấc ngủ mê sảng nàng gọi tên gã khùng làm Zampano sợ hãi, lo bị tù tội. Zampano muốn trả nàng về nhà nhưng nàng không chịu, vì nàng không thể sống thiếu Zampano. Phần Zampano, vì muốn yên thân đã bỏ Gelsomina lại dọc đường với một số tiền và cây kèn, hy vọng nàng có thể tự mình bươn chải. Nhưng Zampano đâu biết, xa chàng Gelsomina không sống được. Khi Zampano nhận thức được nàng là cần thiết, thực sự quan tâm đến nàng và mong muốn gặp lại nàng thì nàng đã không còn nữa.
 
      Nhiều năm sau, hắn đi ngang một làng nhỏ, nghe một cô gái huýt sáo một bài mà ngày xưa Gel thường hay lẩm nhẩm hát một mình. Ngạc nhiên Zampano đến hỏi thăm thì cô gái ấy bảo rằng ngày xưa, bố của cô bắt gặp một cô gái điên, bị ốm nặng sắp chết. Ông mang cô gái điên về cho trú ngụ, chăm sóc cho đến khi cô khỏe lại. Cô chìm vào trong cõi riêng không chú ý đến ai, lang thang trong xóm thường hay hát bài hát này vì thế cô bé con chủ nhà học thuộc bài hát. Một thời gian sau cô gái điên qua đời.
      Đêm đó, Zampano ra bờ biển, trong cơn say túy lúy ông ta gục xuống kêu lên một tiếng thét xé lòng. Rồi im lặng. Im lặng. Chỉ còn tiếng sóng biển.
 
      Ôi con đường. La Strada. Như bao cuộc đời khác, tôi cũng có một con đường với buồn vui sướng khổ, hội ngộ rồi chia ly. Và có Thơ. A, những bài thơ tôi viết cho người cho đời, và tặng những bông phù dung trong vườn chiêm bao ngày nọ. Rồi còn không, mai sau?
(Tổng hợp)
NXT