Tạp
bút Nguyễn Âu Hồng
Vại Tàu Ô. Nha Trang
Vại (dt). Đồ đựng hình ống.
Bằng sành. Bình chân như vại.
Công anh làm rể Chương Đài, ăn hết mười một mười hai vại cà (cd).(1)
Người Việt ta ở nông thôn ai còn
lạ gì vại cà muối, vại dưa cải, vại nước rửa chân…Nhưng không hiểu từ nguồn gốc
nào một vách đá vừa cao vừa rộng ở vị trí đông-bắc đảo Hòn Tre -Nha Trang (2) lại
được gọi là vại: Vại Tàu Ô.
Tàu
Ô (dt) Tàu sơn ô, nguyên là tàu của
giặc cướp người Trung Hoa hồi xưa : Giặc tàu ô.(1)
Như vậy, Vại Tàu Ô là vách đá
ngoài hải đảo có liên quan tới Giặc tàu ô.
Để xác đinh tọa độ của Vại Tàu Ô,
cần biết rõ bản đồ khu vực biển đảo Nha Trang. Bờ biển Nha Trang như một cánh
cung lõm vào đất liền, dây cung nối từ mũi Kê Gà phía bắc và núi Chutt ( Biệt
thự Bảo Đại) phía nam. Ngoài biển, phía đông, cách dây cung đúng năm cây số là
Mũi Nam của đảo Hòn Tre, một hòn đảo lớn vừa tạo cảnh quan kỳ tuyệt, vừa che chắn,
bảo vệ thành phố Nha Trang khỏi phong ba, bão tố. Đảo Hòn Tre - Nha Trang (2) có
chiều dài trên mười cây số từ Mũi Nam phía tây trải dài ra khơi theo hướng
đông-nam đến Mũi Điện ở cực đông. Sao có chuyện Mũi Nam mà lại nằm ở phía tây? –
Nam đây là gió nam, là mỏm đá hứng gió nam. Chiều ngang của đảo, chỗ rộng nhất
từ Mai Thọ kéo qua Tùng Lâm dài khoảng hai cây số. Đảo Hòn Tre có núi cao -cao
505m- rừng rậm, hình dáng lồi lõm với nhiều gành đá, vách đá , nhiểu đầm vịnh
và bãi biển. Những đầm vịnh và bãi biển này như những đường cong tuyệt mỹ của
thiên nhiên, đẹp như tranh vẽ, đẹp như trong mơ. Đó là Bãi Trủ-Đầm Già ( ngày
nay là khu du lịch Winpearl) cận tây, bãi Đá Ken-Đầm Báy nằm ở khoảng giữa, và giáp
cận đông là Đầm Tre và Bích Đầm. Những đầm vịnh này ăn sâu vào đảo, làm cho khoảng
cách giữa phía nam và bắc tức phía bấc và phía nồm của đảo được thu hẹp chỉ còn chừng ba-bốn trăm
mét. Còn những vách đá, gành đá thì tạo nên cảnh hùng vĩ, nhất là những lúc có
gió lớn sóng đánh mạnh rầm trời, bọt biển tung trắng xóa.
Ngoài cảnh đẹp trên bờ, Hòn Tre cùng
với Hòn Mun -một hòn đảo phía đông Bích Đầm-Mai Thọ, tạo nên những rạn san hô
đa dạng sinh học, là những “thủy cung” đầy mê hoặc, muôn hình muôn vẻ, trăm hồng
nghìn tía khoe đủ mọi sắc màu dưới đáy biển.
Vại Tàu Ô nằm giữa Gành Trăng và
Mũi Điện tức hướng đông-bắc sát cận đông của đảo Hòn Tre - Nha Trang(2). Đó là một vách đá, mũi đá thì đúng hơn vì hơi
lồi ra, cao độ chừng 50 mét và dài trên 100 mét, toàn khối màu đen, dưới chân sóng đánh bày ra lớp đá nâu đỏ. Điều đặc biệt là mũi đá vừa dài vừa cao lại
không có những vết nứt gãy nào lớn mà hầu như nguyên khối. Đi đường biển từ hướng
bắc vào, nhìn Vại Tàu Ô trông giống như một con tàu sơn đen (ô) khổng lồ với ống
khói là ngọn hải đăng nằm trên đỉnh Mũi Điện.
Có hai giả thuyết:
Một, vì hình khối giống như một
con tàu đang gối sóng lại có màu đen nên được gọi Tàu Ô là tàu sơn ô của bọn giặc
cướp người Trung Hoa.
Hai, bọn giặc cướp người Trung
Hoa bị quân nhà Nguyễn thời Gia Long vây khốn dồn vào vách đá dựng. Quân ta chỉ
cốt vây hãm chớ không tấn công trực chiến, cố ý đợi hướng gió chuyển từ nồm
sang bấc, để sóng lừng nhận chìm đoàn
tàu của bọn cướp. (Ngư dân địa phương biết rõ vào thời điểm nào thì gió đang nồm
sẽ bất ngờ chuyển sang bấc). Khi gió bấc thổi mạnh thì vùng biển đang yên tĩnh
từ Gành Trăng ra Mũi Điện sẽ nổi sóng lừng rất nguy hiểm, sóng dội từ vách đá
phủ ngược ra biển đến năm-bảy chục mét. Bấy giờ, quân ta ở ngoài vùng sóng lừng
mới siết chặt vòng vây vừa nổi chiêng, trống hò la vừa thuận chiều gió tấn công
bằng tên, ná. Quân giặc cướp không phá được vòng vây, bị sóng phủ chìm tàu, chết
không còn một mống. Sau trận chiến nhà vua cho sơn đen vách đá và cho khắc chữ
để nhằm răn đe quân giặc cướp người
Trung Hoa.
Nhưng sao không gọi Mũi Tàu Ô hay
Vách Tàu Ô, mà lại là Vại Tàu Ô? Chữ Vại này từ đâu mà ra?
Theo chỗ chúng tôi được biết thì
chữ Vại có nguồn gốc từ tiếng Chăm: K’vai . K’vai là bờ đá, vách đá ngoài hải đảo
giống như gành nhưng cao to gồ ghề hơn. Vại khác gành ở chiều cao, khác vách ở
chỗ không thẳng đứng mà lồi ra “bầu bầu” như muốn chồm ra biển. Kề gành nước
thường cạn, kề vách có nơi cạn có nơi sâu, kề vại thì nước luôn sâu thẳm. Ngoài
ra, có sự khác biệt khá rõ dưới đáy biển: kề gành thường có tràn, kề vách có rạn,
kề vại thì trống trơn. Ở vại thường có sóng lừng cuộn đáy đánh mạnh nên san hô
không mọc được.(3)
Trong Vè Các Lái cũng có nói đến
những vách đá chồm ra biển trên đường hải hành cận duyên từ Trung vào Nam (hát
vô), đoạn giữa Cam Linh (Khánh Hòa) và Cà Ná (Ninh Thuận):
Vát
Mũi Dinh cho liền Chín Vại
Tắt
mặt trời Các Lái ra đi
Nhắm
chừng bãi lưới một khi
Tây
phương chỉ mũi, lái thì gác Đông
Gò
lèo ba cánh thẳng dong
Cà
Ná đã tới, Khu Ông đã gần (4).
Chín
Vại là tên gọi chín khối đá cao, to,
chồm ra biển phía nam Mũi Dinh. Vát Mũi Dinh cho liền Chín Vại nên hiểu là day xiên buồm đi ngược gió qua Mũi Dinh
thì gặp ngay Chín Vại liền nhau, ý nhắc nhở Các Lái biết trước để tránh tai nạn
(5).
Tới đây thì rõ mười mươi: vại
đang nói không phải là vại cà hay vại dưa muối, mà là một hay nhiều khối đá cao
to chồm ra biển (nước sâu).
Vại Tàu Ô là một chứng tích tuy
là truyền thuyết nhưng cũng cho thấy cách ông cha ta đã vận dụng sự thông thạo phong thổ
để diệt bọn giặc cướp Trung Hoa, giữ vững
biên cương biển đảo; cái cách mà bất cứ người Việt nào dù đang sống ở bất cứ
đâu trên hành tinh, đều có quyền được thừa kế.
Đó là chuyện tuy xưa nhưng không
bao giờ cũ. Vì sao? Xin thưa, lịch sử luôn luôn lặp lại. Bọn giặc cướp Trung
Hoa ngày xưa đã bị diệt không còn một mống khi dám xâm phạm biên cương biển đảo
Việt Nam, thì bọn bành trướng Trung Hoa ngày nay rồi cũng đi theo vết xe đổ và sẽ
đổ nặng hơn. Nương tay lắm thì tha mạng cho vài ba mống để còn về kể lại cho
đám Đại Hán ở Bắc Kinh về nỗi kinh hoàng ở Biển Đông, khi dám táo tợn quấy rối
(6) lãnh hải của “Nam Quốc Sơn Hà”.
NGUYỄN ÂU HỒNG
1.Từ
Điển Tiếng Việt-NXB Từ Điển Bách Khoa-Việt Nam-2010.
2.Tỉnh
Khánh Hòa có hai hải đảo cùng có tên Hòn Tre. Ngoài Hòn Tre-Nha Trang còn có
Hòn Tre-Vạn Ninh. Hòn Tre-Vạn Ninh chỉ cao gần 300 mét, dài 5 cây số nhưng đã
cùng bán đảo Hòn Gốm (Khải Lương-Đầm Môn) tạo nên vịnh biển Vân Phong với mây
gió, cảnh sắc tuyệt vời. Cư dân làng Bãi Giếng, cận đông bán đảo Khải Lương, là
những người nhìn thấy mặt trời mọc đầu
tiên trên toàn cõi Việt Nam.
3.Người
dân biển dùng chữ tràn với nghĩa tràn đầy, tràn trề nghê ngói, ý nói đá trên
gành nhiều quá tràn cả xuống nước. Rạn cũng là tràn nhưng sâu hơn và được san
hô phủ kín: rạn san hô.
4.Vát
(trt) Xiên, cách đi thuyền gió ngược bằng
lối day xiên lá buồm: Chạy vát. Xéo: Tấm ván cưa vát. Từ Điển Tiếng Việt (đã dẫn).
5.Vè
Các Lái dài gần 400 câu thổ lộ tâm tình của các thương lái ghe bầu trên hải
trình qua các địa danh từ Huế vào Gia Định - Đồng Nai (hát vô) và đi ngược ra
(hát ra). Ngoài giá trị thực tế là cẩm nang hải hành, Vè Các Lái còn có giá trị
nhiều mặt: địa lý, lịch sử, phong tục tập quán, thời tiết, thủy văn…(dẫn theo
Trần Xuân Toàn)
6.Chúng
tôi dùng chữ “quấy rối” thay cho chữ “hiếp đáp” (bullying). Gần đây, nhân vụ
China đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, một số cuộc biểu tình ở hải ngoại
dùng chữ invade (xâm lược) là không chính xác.
No comments:
Post a Comment