nguyễnxuânthiệp
Đêm Noel
Đà Lạt
Từ buổi mới bước vào
đời, Nguyễn cũng như bao bạn bè làm văn làm thơ khác, đã biết yêu hình ảnh và
không khí đêm Giáng Sinh. Cho đến khi có tình yêu thì được cùng người yêu đi
nhà thờ và dự Lễ Nửa Đêm. Rồi chiến tranh. Rồi lính tráng. Ba lô lên vai, đáo
nhậm đơn vị ở Pleiku. Bước xuống phi trường Cù Hanh mà lòng ngao ngán, nhìn
những dãy núi xa và ruộng bắp ngô xơ xác trong màu đất đỏ mà chỉ muốn bỏ ngũ về
lại Sài Gòn
Nhưng rồi đời lính cũng quen, phải không
các bạn, và có những niềm vui ấm áp. Ở đây có Kim Tuấn -thi sĩ tiệm thuốc Tây “cơm
nhà quà vợ” nay không còn nữa, than ôi!- và Tô Mặc Giang. Ở Pleiku chừng nửa
năm thì được Diên Nghị -bạn học bạn thơ ngày trước, lúc bấy giờ là trưởng phòng
Tâm Lý Chiến Quân Đoàn- bốc sang Đà Lạt làm phát thanh Quân Đội. Từ đó, gắn bó
với Đà Lạt, nhưng vẫn đi về Pleiku thường xuyên. Ở Đà Lạt nhiều năm, tất nhiên
Nguyễn đã qua nhiều mùa Giáng Sinh nơi đó. Đêm Noel lạnh, khí trời trong vắt,
sao lấp lánh đầy trời, vương trên những ngọn thông. Nguyễn đã bắt đầu tìm đến
những mẩu chuyện trong Tân Ước, và hình dung thấy các đạo sĩ Phương Đông đang
tìm tới hang Bethlem chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng. Ý thức và cảm hứng tôn giáo
chớm nở từ đây. Và ở đây, Nguyễn đã gặp các bạn Đinh Cường và Trịnh Công Sơn
rồi Khánh Ly và bao nhiêu người nữa. Giáng Sinh, kéo nhau đi uống bia, rồi về
đàn hát ở studio Đinh Cường trên đường Rose. Có đêm uống rượu ở kiosque Dì Ba,
hay vào Night Club dưới chân Đài Phát Thanh nghe Khánh Ly hát. Ngoài ra, không
thể không nhắc tới Thanh Sâm. Một tình bạn thật đẹp, những ngày tháng thật đẹp.
Giáng Sinh, trên những cành thông, còn vọng lời ca Silent Night. Holy Night. All is calm. All is bright…
Bây giờ là thời chiến tranh, và tiếng
chiến trận đã ở trên Vết Lăn Trầm và Xin Mặt Trời Ngủ Yên của Trịnh Công Sơn.
Đó là những năm sau 65. Chiến tranh ở xa Đà Lạt nhưng đã bắt đầu ám ảnh tâm trí
thanh niên. Lê Uyên Phương kể lại thời ấy như sau trong Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles, xb 1990 ở Mỹ: ”Không thể
nào quên được những đêm thật tuyệt vời ở Đà Lạt vào những năm của thập niên 60.
Chúng tôi như phần đông những người trẻ lúc đó, thường hay la cà ở các quán cà
phê ở Đà Lạt, nhất là cà phê Tùng ở gần chợ Hòa Bình. Cái phòng vuông vức với
những hàng ghế liền bọc plastic đỏ, những chiếc bàn thật thấp, trên tường có
một bức tranh lớn vẽ một người chơi guitar theo lối nửa lập thể nửa ấn tượng,
và cái không gian đầy khói thuốc trộn lẫn với âm nhạc nhẹ phát ra từ chiếc loa
không lớn lắm đặt trên cao, tất cả đã trở thành một thứ ma túy đối với chúng
tôi.” Thật ra, bức tranh vừa nói ký tên Vị Ý, khiến nhớ The Old Guitarist
(1903) của Picasso. Hồi đó, sau 1965, ở Tùng còn treo bức Thiếu Nữ Màu Xanh lớn
của Đinh Cường. Mới đây, Nguyễn nghe ai viết ở đâu đó nói rằng ở phòng dưới của
Tùng chỉ còn bức của Vị Ý còn bức Thiếu Nữ của Cường đã được đưa lên lầu. Nghĩa
là cà phê Tùng vẫn còn cái gì đó của ngày xưa, nhưng khi xem đến tấm hình của
PTNhư Ngọc chụp trước tiệm thì Nguyễn hỡi ơi:
vỉa hè tróc lở với những người đẩy xe đạp xiêu vẹo ngang qua. Cũng trong
KCMTTPLA, Lê Uyên Phương kể “ở đây, trong quán, người ta thường nói về về chiến
tranh và cái chết ở nơi này nơi khác, về cái phải và không phải của cuộc chiến
này, về cả nghệ thuật và văn học thế giới… Một đêm, anh H. sinh viên nghiện ma
túy, bỗng ra dấu cho mọi người yên lặng, anh cầm cái thẻ sinh viên của anh đưa
lên cao cho chúng tôi nhìn thấy rồi xé làm đôi, anh tuyên bố từ hôm nay anh
chặt đứt mọi hệ lụy trong quá khứ của mình, ngày mai anh lên đường đi trình
diện nhập ngũ.” Và Lê Uyên Phương kết luận đoạn viết: “Chiến tranh đôi lúc đã
giải quyết một cách hữu hiệu những vấn đề cá nhân như thế.”
Chiến Tranh và Giáng Sinh ở Đà Lạt những năm
cuối 60 và đầu 70 của thế kỷ trước… Noel ở Đà Lạt là tuyệt vời. Nguyễn vẫn còn
hình dung thấy cô bé hippie, tóc xõa trên vai, mắt mở lớn, cầm một nhánh hoa
hồng đi trong chiều Giáng Sinh. Và đêm về, người ta từ quanh khu Hòa Bình, men
theo bờ hồ qua cầu, đi ngược lên dốc nhà thờ Con Gà chói lọi ánh đèn mà lòng
chợt thấy ấm lên. Ôi nhà thờ Con Gà trong tranh Đinh Cường. Và ở đâu nữa, trong
một thành phố của nước Pháp có bóng họa sĩ Corot ngày xưa, như lời kể của
Nguyễn Đạt ở Sài Gòn. Và rồi nhà thờ con gà của những chủ nhật ở thành phố
Avray (Les Dimanches de la ville d'Avray) -như Nguyễn đã kể lại trong một bài
viết kỳ trước. Còn nhớ, đêm Noel cuối cùng ở Đà lạt, 1973, Nguyễn và các bạn
cùng Lê Uyên và Lê Uyên Phương thực hiện chương trình Đọc Thơ & Hát Thơ ở
Lục Huyền Cầm. Một kỷ niệm không quên.
Rồi tháng Tư 1975. Tháng Tư sấm động. CS
chiếm miền Nam, đưa đất nước vào một thời kỳ đầy bóng tối hỗn mang. Trại cải
tạo -thực chất là những trại tù, lao động khổ sai- dựng lên khắp nơi. Nhiều
trăm ngàn sĩ quan VNCH bị đưa đi học tập. Và Giáng Sinh đầu tiên của Nguyễn và
một số bạn bè Miền Nam là ở trại Long Giao.
Đây, vùng đất của lau sậy và rừng cao su
ngày ấy.
Noel 1975. Tháng 12, rừng cao su rộ lên màu
đỏ của lá. Hàng mấy ngàn người thuộc chế độ cũ được đưa về giam trong những
trại của quân đội Cộng Hòa bỏ lại, nằm sâu trong vùng đất đỏ lau sậy Long Giao.
Trại của Tim, đối diện với Trại 1 bên kia con lộ, có khoảng 500 người, trong đó
có một số bác sĩ, dược sĩ, ngoài ra là sĩ quan cấp úy.
Khi Nguyễn và các bạn đến, lán trại hoàn
toàn trống trải. Chỉ có tiếng gió thổi lồng lộng ngày đêm. Trống trơn. Không có
cả giường ngủ. Anh em trải những tấm bạt mang theo nằm trên nền xi măng tróc
lở. Ngày hai bữa cơm toàn gạo mọt đâu từ trong rừng chở về. Ngày ngày, tù phải
cuốc đất trồng khoai sắn, đào vét giếng lấy nước uống. Để có củi đun bếp, cán
bộ trại cho xe chở anh em vào rừng cao su, hạ cây cưa ra từng khúc chở về.
Những khúc cây cao su vỏ lốm đốm trắng
nằm ngổn ngang trên sân trại, anh em khuân về làm bàn ghế.
Tháng 12… Mùa rừng cao su đổ lá. Khí trời se
lạnh. Gió nhiều đêm thổi giật mái tôn. Ngoài kia lau lách khua xào xạc. Giáng
Sinh đầu tiên dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa toàn một màu xám ảm đạm. Anh em ngồi
kể cho nhau nghe câu chuyện một đêm đông, cách đây đã mấy trăm năm, bài thánh
ca Silent Night ra đời trong cảnh tuyết giá, gió thốc trên những con đường
quạnh vắng, và khúc hát đã có một đời sống dài hơn nhiều chế độ, cho mãi tới
ngày hôm nay. Đêm ấy, nơi lán trại hoang vu nhìn qua mật khu Mây Tào, âm thanh
bản Silent Night lại được cất lên trong tiếng đàn thùng tự chế của những người
tù. Và trong cái buốt giá từ rừng thổi về, anh em đốt những gốc cao su sưởi ấm
và hát thánh ca. Trong tiếng đàn tự chế và ngọn lửa bập bùng, hàng trăm cái
miệng cùng cất tiếng mà không phát ra lời. Cùng hát với anh em mà nước mắt Nguyễn
chảy thành dòng, nghĩ rằng từ đây thế là hết. Không còn nữa bầu trời sao. Không
còn bóng thần linh và niềm tin tôn giáo. Chỉ có mặt đất trần trụi, hoang vu và
lạnh giá
Rồi đêm mùa đông ở trại tù Cẩm Nhân, vùng
Thác Bà Yên Bái, trời lạnh như cắt, trại cho tù đốt lửa trong lán để sưởi ấm.
Và tiếng đàn thùng của nhà sư mặt ốm cất lên, bập bùng theo ánh lửa.* Ôi, làm
sao quên…
Bonfires on the Mississippi
Source:
Internet
Và rồi những đêm Giáng Sinh nơi xứ người. Ở
Oklahoma, San Diego, Orange County, Dallas… Đèn sao sáng trưng, rực rỡ các con
phố, trước cửa mỗi nhà. Nhưng ở đây không có thánh lễ nửa đêm và lệ ăn
reveillon. Chỉ có một nơi: đó là miền đất của đầm lầy, truông phá và bến cảng
sương mù. New Orleans. Dự Giáng Sinh nơi này là rất gần với Noel Sài Gòn, Đà
Lạt. Nguyễn nhớ năm đầu thiên niên kỷ, tại New Orleans đã có một thánh lễ Noel
thật tưng bừng. Khách sạn Fairmont Hotel sáng rực đèn và những cây Noel trưng bày
suốt
tháng 12. Trên quảng trường Jackson
Square, trong khu Pháp Cổ (French Quarter), cư dân New Orleans và khách từ viễn
phương tụ họp trong đêm hồng cùng hát những bài ca Giáng Sinh cổ truyền dưới
bóng giáo đường cao vút. Cũng trong khu Pháp Cổ, những người hát rong gọi là
carolers mặc y phục cổ truyền thời Charles Dickens diễu qua các phố. Nhiều
khách sạn và nhà tư nhân trong khu cũng kêu gọi trẻ con mang theo kẹo và búp bê
đến dự tiệc trà Giáng Sinh trong đêm. Dịp này, người ta hát lại những bài
Christmas carols thời cổ xưa và kể truyện cổ tích cho các bé nghe. Thành phố
New Orleans, gọi là Crescent City là nơi, có lẽ là duy nhất trên nước Mỹ, còn
giữ truyền thống ăn reveillon sau khi gia đình đi dự Lễ Nửa Đêm về. Ở đây,
trước khi cơn bão Katrina đổ vào phá nát thành phố, trong suốt mùa Giáng Sinh
công viên City Park rực rỡ ánh đèn, đón chào du khách trên những cỗ xe ngựa. Hàng
triệu, hang triệu những bóng đèn giăng trên những cây sồi và cây thốt nốt trăm
năm, chúng đứng thẳng tắp như những người lính gác qua thế kỷ. Trong khi đó, ở
giáo đường Saint Louis, những buổi hòa nhạc diễn ra tưng bừng. Đêm Giáng Sinh
năm ấy, dọc theo bờ sông Mississippi, những đống lửa củi rừng bonfires được đốt
lên soi đường cho ông già Noel bơi thuyền trên sông đi phân phát quà bánh cho
trẻ nhỏ.
Viết thêm vào sáng
ngày 4 tháng 12 năm 2010: Em ơi, bao giờ… bao giờ thì anh và em về lại New
Orleans trong đêm Noel để được nghe những bài hát cổ thời Charles Dickens và dự
Lễ Nửa Đêm, ăn reveillon có rượu đỏ và gà Tây quay?
NXT
*Mời đọc bài thơ ‘Đốt
Lửa Nghe Sư Đàn’ làm khi ở trại tù Cẩm Nhân Yên Bái
No comments:
Post a Comment