Đỗ Hồng Ngọc
Sông Hương
Hẹn 6 giờ sáng có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất để bay đi
Huế lúc 7h30. Vây mà thức dậy từ 4h.
Không hiểu sao. Chắc tại nôn. Loa vang. Máy bay hoãn nửa giờ vì sân bay
Huế sương mù dày đặc, máy bay không đáp được. OK. Hoãn là chuyện thường ngày ở
huyện mà. Đã dặn “Ngoài không dính mắc là thiền/ Trong không lay động là định” (Huệ Năng) rồi mà. Vả
lại lâu lâu mới có dịp ngồi đợi ở sân bay coi người ta qua lại như coi trình diễn
thời trang cũng hay! Thời trang bây giờ quái dị, có người hình như chỉ mặc áo
đi qua đi lại. Lại xin lỗi, hoãn thêm nửa giờ nữa. Rồi lại hoãn nửa giờ nữa.
Máy bay vẫn đi Đà Nẵng ngon lành mà Huế thì cứ chờ mãi. Cách nhau có chút đèo Hải
Vân chớ nhiêu. Rồi hình như thấy đã khá trưa, mọi người chắc đói bụng, VN
Airline bèn tử tế mời hành khách vào ăn sáng. Xếp hàng rồng rắn đợi lấy thức
ăn, chưa kịp ăn thì loa mời lên máy bay gấp! Ùn ùn xếp hàng. Vừa lên xe bus
trung chuyển thì một cô hành khách cùng đi chào hỏi có phải bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
không, rồi cô mở túi xách lấy cuốn Nghĩ Từ
Trái Tim ra xin chữ ký! Cô nói nhóm cô đi Lào. Cô chỉ mang theo mỗi cuốn
này để đọc vì đã đọc nhiều lần chưa hiểu lắm, bây giờ có tuổi thấy hiểu nhiều
hơn! Ô hay, máy bay lại là Cambodia, Angkor Air chớ không phải VN Airline. Thôi
kệ. Air nào cũng Air. Angkor càng hay! Nhưng không.
Đến Huế đã quá trưa nên bị bể kế hoạch. Lấy phòng nghỉ
sát cạnh bờ sông Hương, gần Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, khoái rồi.
Cơm chay Bồ Đề cũng gần đó. Về Huế lần này có mấy người bạn gốc Huế nên chuyện
thăm chùa chiền lăng tẩm cung vua… hoàn toàn khỏi lo, chỉ lo “phần mềm” ngoài kế
hoạch thôi!
Quyết định thăm Lăng Gia Long trước. Về Huế nhiều lần
chưa đi. Khá xa. Ít người thăm viếng so với các lăng Minh Mạng, Tự Đức… quen
thuộc. Đường quanh co khúc khuỷu, sát bờ vực đầu nguồn sông Hương. Phong cảnh
yên tĩnh. Một miền quê thanh bình. Lăng các vua triều Nguyễn khác nhau, mỗi
Lăng thể hiện tính cách của mỗi ông vua! Tự Đức thì có cái “bay bướm” của nhà
thơ, “Minh Mạng” thì cái nghiêm trang của nhà “quản lý”… Gia Long thì uy nghi,
vừa trang nghiêm vừa thơ mộng. Đặc biệt ở Lăng Gia Long còn phảng phất nhiều
nét Nam bộ… Có lẽ do lúc còn bôn ba xuôi ngược ông đã gắn bó nhiều với miền
Nam. Quanh lăng nào xoài, nào vú sữa…, trước lăng mênh mông một đầm nước um tùm
lau sậy có nhiều cá lóc từ phương Nam được nuôi nơi đây, người giữ lăng cho biết.
Điện Minh Thành ghi 1816. Vừa đúng 200 năm! Khu lăng gồm
3 quần thể, giữa là lăng mộ, bên phải là điện Minh Thành và bên trái là Bi
đình, có núi Thiên Thọ làm tiền án, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm, bên trái và
bên phải có 14 ngọn núi tả thanh long, hữu bạch hổ.
Bên trong khu lăng mộ có hai ngôi mộ đá, hoàn
toàn giống hệt nhau, không phân biệt, song táng vua và hoàng hậu. Không ngờ từ
thời xa xưa đó, đã có sự bình đẳng giới tính hay vậy!
Triều Nguyễn hình như khi lên ngôi thì vị vua nào cũng
lo trước hết xây cho mình một cái Lăng để đợi ngày… băng hà! Không biết các triều
đại khác có giống vậy không. Phải chăng vị vua nào của triều Nguyễn cũng ý thức
đời là vô thường, kiếp sống là giả tạm? Bởi vua chúa khi lên ngôi thì thường lo
gồm thâu lục quốc, nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị, lo xây tam cung lục
viện, tìm thuốc trường sanh bất tử…?
Từ Lăng Gia Long về, đến thăm nhà một người bạn Huế.
Đó là một ngôi nhà đẹp, trên ngọn đồi
cao cạnh chùa Trúc Lâm. Hoa mai hôm Tết chưa kịp nở vì quá lạnh, nay đã vàng
ươm trên thảm cỏ xanh. Hoa mộc cũng vừa rải trắng xóa. Đã có một vài thân hữu xứ
Huế đợi nhau hàn huyên chuyện học chuyện hành Phật pháp vào một buổi chiều còn
chút mưa vẫn mưa bay…
Về Huế lần này chỉ mang theo 2 cuốn sách mới vừa ra mắt
ở Hội Sách Thành phố Hồ Chí Minh ngày hôm trước. Cuốn Cõi Phật đâu xa,
cho nhà Phật học, anh LVL và cuốn Một hôm gặp lại cho nhà thơ PN. Lần
này có dịp gặp một đồng nghiệp trẻ, bác sĩ D, nghe anh trình bày “triết lý” về
y học khá độc đáo của anh, cũng như cách anh thể nghiệm trên bản thân… Anh cho
biết sau thời gian nhịn đói 49 ngày, anh sụt 20kg nhưng sức khỏe vẫn tốt, có thể
bơi 3 vòng sông Hương! Thời gian không nhiều nên chưa kịp tìm hiểu sâu hơn về vấn
đề này thấu đáo về sinh học và tâm học, y học.
Chiều đó, cùng ăn bữa cơm chay thân mật trên thảm cỏ
xanh sân vườn. Chỉ thiếu chút ánh trăng lung linh trên hồ nước giữa đêm rằm!
Tối lang thang bên bờ Hương giang, nơi có Chợ đêm nhộn
nhịp, không thấy đâu một tà áo tím, dù là tà áo tím phai màu…
Sông Hương vẫn tràn đầy. Trong khi Cửu Long cạn kiệt!
Nhớ người bạn đồng nghiệp NTV đã báo động hơn mười năm trước: “Cửu Long cạn
dòng, biển Đông dậy sóng!”.
Lại nhớ Bùi Giáng: Thưa em xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn
núi Ngự bên bờ sông Hương…
Ngày 2 ở Huế. Vẫn mưa. Làm như mùa này không mưa thì không phải Huế vậy. Giữa tháng 2 âm lịch rồi
chứ! Vẫn lạnh 17 độ. Nghe nói “tháng ba bà già chết rét”!
Không gì thú vị hơn sáng sớm được
ngồi bên bờ sông Hương, khu vực Trung tâm Liễu Quán, Lê Bá Đảng, làng nghề
Phương Nam… nhâm nhi cà phê và gặp gỡ bạn bè. Cà phê Liễu Quán hay lắm. Dưới mỗi
phin cà phê có một ngọn đèn cầy sưởi ấm! Đáng lẽ thay vì ngọn đèn cầy thì đặt một
cục than hồng chắc sẽ thú vị hơn. Để nhớ TCS: ngoài phố mùa đông/ đôi môi em
là đốm lửa hồng/ ru đời đi nhé cho ta nương nhờ chút thở than…
Sáng nay lên Huyền Không Sơn
Thương thăm thầy Giới Đức. Nghe Sư sắp nhập thất 3 năm. Rửa tay gác kiếm. Tuyệt
tích giang hồ! Sư vốn là một nghệ sĩ, một nhà thơ, nhà văn, nhà thư pháp nổi tiếng
Minh Đức Triều Tâm Ảnh từ hơn bốn mươi năm trước. Vẫn mưa lất phất. Khá lạnh.
Mây mù trên đỉnh núi xa. Đường quanh co đèo dốc. Lang thang chợt thấy một túp lều
tranh, giữa lòng hồ lớn, có dòng suối róc rách, một nhịp cầu bắt ngang… Lạ nhỉ.
Ai mà chọn một chỗ đẹp như tranh vầy nhỉ. Làm nhớ “Nhà tôi bên chiếc cầu
soi nước/ Em đến tôi một lần/ Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân…”
(Văn Cao). Lần theo chiếc cầu tre nhiều đoạn như sắp gãy tìm chủ nhân. Chó bỗng
sủa vang. Nhìn lên thấy một… sư trẻ râu ria rậm rạp, trông “tiên phong đạo cốt”.
Thì ra đó là thầy CQ. Châm nước pha trà mời khách phương xa. Chưa gặp mà không
hề lạ. Đúng là tứ hải giai huynh đệ.
Về ghé chùa Thiên Mụ. Đã quá
trưa. Chùa đông du khách quá! Lễ Phật, tham quan các nơi rồi… xuống núi. “Kim
Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”! Trẫm mà còn vậy
huống chi. Nhưng Kim Long còn có món ngon xứ Huế, lẫn trong vườn mướt lá.
Chiều đó, áp thấp nhiệt đới. Sóng
sông Hương mạnh dần lên nên bỏ chuyến đò ca Huế trên sông. Thế nhưng... các bạn
vẫn cho nghe một buổi ca Huế... trên bờ!
Ngày mai, sẽ viếng các chùa xưa xứ
Huế…
Trước hết, chùa Quốc Ân, Tổ đình
thiền Lâm Tế, do Sư Nguyên Thiều khai sơn, năm 1682, thời chúa Nguyễn Phúc Tần.
Một cõi Phật trang nghiêm, thanh tịnh. Lòng như nhẹ lâng. Mưa vẫn nặng hạt. Rồi
đến chùa Thuyền Tôn, do thiền sư Liễu Quán khai sáng từ đầu thế kỷ 17. Đây cũng
là nơi đã nhiều lần mở các Đại giới đàn truyền giới cho hàng vạn tín đồ. Huế
nay còn có Trung tâm Liễu Quán rất trang nhã bên bờ sông Hương và có giai phẩm
Liễu Quán rất đẹp và giá trị. Ghé Ni viện Diệu Đức, được xây dựng từ năm 1932 bởi
Sư bà Diệu Không, nay vẫn là một trung tâm đào tạo nổi tiếng cả nước.
Chùa Bảo Quốc có từ đời chúa Nguyễn
Phúc Tần, nơi ngài Liễu Quán từng đến học đạo nhiều năm, sau này trở thành trường
Cao đẳng Phật học, đào tạo tăng tài. Các Hòa thượng Trí Tịnh, Thiện Hoa… ở
phương Nam cũng từng đến học tập nơi này. Bác sĩ cư sĩ Lê Đình Thám, hội trưởng
An Nam Phật học hội, cũng sinh hoạt tại đây.
Chùa Bảo Quốc đã được Hoàng hậu
Hiếu Khương cho tái thiết năm 1808 và sau này Bà Từ Dũ cũng đã hỗ trợ sửa sang.
Tiếp đó viếng chùa Từ Hiếu và
chùa Từ Đàm, hôm sau còn ghé Trúc Lâm Bạch Mã trên đường về Đà Nẵng…
Rất tình cờ thôi, không tính trước
mà đã có dịp viếng thăm mười cảnh chùa Huế.
Đi sâu vào các chùa chiền xứ Thần
kinh mới thấy Phật giáo từ xa xưa đã được vua chúa quan tâm hỗ trợ, đặc biệt
chúa Nguyễn Phúc Tần, vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… đã tạo điều kiện cho sự
phát triển bền vững, cũng đã được các Công chúa, Hoàng hậu… tích cực giúp đỡ
xây dựng, trùng tu. Huế đúng là cái nôi của Phật giáo không chỉ của miền Trung
mà gần gũi biết bao với miền Nam. Ngoài việc tu tập còn đào tạo tăng tài, ra
báo, tổ chức hệ thống gia đình Phật tử. Đã có sự đóng góp không nhỏ của các Cư
sĩ, Phật tử. “Gốc sâu thì nhánh tốt/ Nguồn xa thì sông dài…”.
Ở chùa Bảo Quốc hiện nay còn thấy
có trưng bày ảnh các vị Hòa thượng và cư sĩ Lê Đình Thám, cùng một bài Thi kệ của
Thầy Phước Hậu.
“Kinh điển lưu truyền tám vạn
tư,
Học hành không thiếu cũng không
dư,
Năm nay nghĩ lại chừng quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.”
Phải, “Chỉ nhớ trên đầu một
chữ Như”. Vậy là đã đủ!
Nhớ Duy-ma-cật cũng từng kêu gọi
Bảo Tích và năm trăm vị vương tôn công tử, thiếu gia thành Tỳ-da-ly rằng hãy
“Phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác) ” là
đã đủ. Phát tâm đi đã rồi từ đó mới thấy được Pháp thân Phật, thấy được Như Lai
nhờ “học hành không thiếu cũng không dư”.
Ở chùa Bảo Quốc, nơi đào tạo tăng
tài, không chỉ có các vị Thầy đạo cao đức trọng mà còn có sự hợp lực của các cư
sĩ như cư sĩ Lê Đình Thám…
“Buổi mai hôm đó, Phật vừa rời khỏi
tịnh thất sau ba tháng an cư kiết hạ, đưa mắt nhìn các đệ tử nghiêm trang tu tập,
người ngồi dưới gốc cây, người ngồi trên tảng đá, tất cả đều tinh cần, chánh niệm,
tỉnh giác, tất cả đều sống một đời sống đạm bạc, kham nhẫn, tri túc, Ngài rất
hài lòng. Đa số các vị đã là A-la-hán, đã tròn đầy phạm hạnh, đã đặt gánh nặng
xuống, đã… vô sinh, không trở lại cõi Ta-bà ô trược này nữa. Một số vị Bồ-tát lớn
thì đang rày đây mai đó, bươn chãi nơi này nơi kia, thuyết giảng cho chúng sanh
con đường giải thoát, còn số Bồ-tát nhỏ mới tu thì đang quét lá, dọn dẹp chỗ
trú sau mùa mưa bão.
Nơi Phật an cư kiết hạ mùa này
không xa thành Tỳ-da-ly dưới kia, một thành phố lớn, một đô thị giàu có, dân cư
đông đúc, nơi chúng sanh người thì nheo nhóc lặn ngụp trong bao nỗi lo toan, sợ
hãi, ốm đau, già nua, bệnh hoạn…, người thì trọc phú huênh hoang, nứt đố
đổ vách, lặn ngụp trong cảnh xa hoa, lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ, bên cạnh
là các vương tôn công tử áo gấm quần hoa ăn chơi trác táng, tửu điếm trà đình,
và rất nhiều thanh lâu sang trọng với những cô kỹ nữ khuynh thành đón người cửa
trước rước người cửa sau và rượu, và thuốc gây nghiện tràn lan; bên cạnh đó là
những bậc trí giả ngày đêm tranh luận không ngừng về những triết thuyết cao
siêu huyền bí, giải thích mọi hiện tượng của vũ trụ và loài người, ai cũng cho
mình đúng nhất hay nhất. Nơi thành Tỳ-da-ly đó không ít kẻ vì tranh ngôi đoạt vị
mà tay không ngần ngại nhúng máu nhúng chàm, gây oán chuốc thù, chiếm đất giành
dân không ngớt…
Thành Tỳ-da-ly rực rỡ ánh đèn dưới
kia khiến Phật thấy đã đến lúc phải thay đổi cách tiếp cận mới mong giải thoát
được chúng sinh. Làm sao mà các vị A-la-hán, các vị Bồ-tát đạo cao đức trọng đã
xuất gia theo Phật bấy nay đang tĩnh tọa xung quanh Phật bây giờ lại có thể tiếp
cận được với các bậc vương tôn công tử, với các quan chức, với các nhà buôn dưới
kia? Làm sao mà các vị A-la-hán, các vị Bồ-tát đạo cao đức trọng đã xuất gia
theo Phật bấy nay tiếp cận được với các cô nàng kỷ nữ nhan sắc kiêu kỳ ở các
thanh lâu trà đình tửu điếm dưới kia? Làm sao mà các vị A-la-hán, các vị Bồ-tát
đạo cao đức trọng lại có thể vào tận các ổ mại dâm, động ma túy sa đọa dưới kia
để thuyết giảng lời Phật? Ai đây có thể
tiếp cận được? Cách nào đây có thể tiếp cận được? Ai đây sẵn lòng xâm nhập vào
chốn bùn nhơ mà đủ năng lực giúp đỡ, hỗ trợ người khác vượt qua, không chỉ với
những lời khuyên suông, lý thuyết trên mây, cao ngạo và xa cách, mà từ những thực
tế của cuộc sống vì Phật đạo không xa cách thế gian, Phật đạo ở ngay trong lòng
thế gian. Làm sao cho những cánh sen xanh biếc mọc lên từ chốn bùn nhơ?”…
Sen Hồ Tịnh Tâm
Cách tốt nhất để tiếp cận ở đây là phương pháp “tiếp cận
dựa vào cộng đồng” (Community-based approach). Cộng đồng Tỳ-da-ly có những đặc
thù của nó, phải tiếp cận dựa vào nó, tự trong nó. Phải từ bùn mà sen mọc lên.
Phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng này đòi hỏi phải có sự tham gia của cộng
đồng (community involvement), và có kỹ thuật học thích hợp (appropriate
technology)… mới thành công”!
(Cõi Phật đâu
xa, thấp thoáng lời kinh Duy-ma-cật, Đỗ Hồng Ngọc, 2016).
Rời Huế sớm để lên đường về Đà Nẵng. Cứ như học trò xứ
Quảng ra thi! Lại cà phê Liễu Quán. Lại sông Hương
dùng dằng.
Con sông dùng dằng con sông không
chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.
(Thu Bồn)
Đỗ Hồng Ngọc
Địa chỉ sản xuất và phân phối nội thất bàn ghế bar cafe, phòng trà, nhà hàng, khách sạn.... trên toàn quốc:
ReplyDeleteGhế giả mây
Ghế nhựa giả mây
Ghế sắt mặt gỗ
Ghế đôn gấp
Ghế xếp inox
Cây treo quần áo
Giàn phơi quần áo
Võng xếp
Ghế xếp thư giãn
bàn ghế cafe
ghế quầy bar