nguyễn
xuân thiệp
Lại nhớ Sài Gòn.
Vậy sao? Có người bạn
đọc thân thương sẽ hỏi: Nhớ gì mà nhớ hoài vậy? Quả thật những giây phút của cuộc
sống hiện nay của Nguyễn, ở lúc này lúc khác, đều được làm bằng hồi ức những
năm tháng ở Sài Gòn. Ôi, những con phố, những ngõ hẻm, những hàng cây, những
quán sách, những quán cà phê, những bóng hình ngày xưa ở đó vẫn còn sống trong
hồn này. Mới đây, đêm cuối tuần qua, ở nhà Hoàng Định Nam và Ánh Nguyệt, nghe
Anh Thư hát “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” mà lòng bàng hoàng thổn thức nước mắt chợt muốn
trào lên mi. Và mình đã lẩm nhẩm hát theo
Đêm nhớ về Sài Gòn
Tiếng nhạc vàng gọi từng
âm xưa
Ánh đèn vàng nhạt
nhòa đêm mưa
Ai sầu trong quán úa
Bóng mẹ hiền mờ mờ
bên song
Mắt người tình một trời
mênh mông .
Gợi bao nhiêu cho
cùng ..
Chưa
hết. Chiều nay, lướt trên net chợt gặp một bài viết của Phạm Công Luận có tựa đề
Sài Gòn- Chuyện Đời Của Phố: Quán Cơm, Phòng Trà Anh Vũ. Một lần nữa,
lòng mình lại giao động. Quán cơm, phòng trà Anh Vũ. Một hình ảnh quá thân
quen của thời mới từ Huế vào Sài Gòn -những năm cuối 1950. Những năm làm sinh
viên ấy, đã bao lần mình cùng Hồ Đăng Tín ghé ăn trưa ở Anh Vũ cũng như đến Anh
Vũ để nghe ca nhạc. Bao nhiêu bóng hình chợt hiện: trường Luật, con đường Duy Tân
với hàng dầu cao tỏa bóng, hiệu sách Albert Portail (Xuân Thu), cà phê Quán Chùa,
con đường Bùi Viện với những sinh viên hơi bụi và Thanh Thúy, Lệ Thanh những giọng
ca của một thời. Còn nhiều, còn nhiều nữa… Nhưng thôi, để lúc khác.
Bây
giờ xin nói về cuốn sách trong đó có bài viết vừa kể. Nó có tưa đề gợi hình
và gợi cảm: Sài Gòn -Chuyện Đời Của Phố.
Tác giả của nó là Phạm Công Luận, một cái tên lạ đối với người đọc ở hải ngoại.
“Sài Gòn -chuyện đời của phố” do Công Ty Sách Phương Nam liên kết với NXB Hội
Nhà Văn ấn hành. Không phải là tác phẩm nghiên cứu, sách gồm những bài tản văn
với nhiều hình ảnh minh họa.
"Sài
Gòn - Chuyện đời của phố" gồm 36 bài viết về những câu chuyện gợi nhớ một
Sài Gòn xưa: Con đường ký ức, Hồn đô thị,
Nhà cổ ven đường, Tìm lại giấc mơ xưa, Nhiếp ảnh gia của nghệ sĩ Sài Gòn, Ban hợp
ca Thăng Long, Một cuộc thi hoa hậu, Giai nhân một thưở… Những góc phố nhỏ Sài
Gòn lần đầu tiên kể về chuyện đời của mình sau bao nhiêu năm tưởng chừng đã
chìm sâu vào ký ức.
Người
điểm sách trên Facebook ghi: Đọc “Sài Gòn - chuyện đời của phố” giống
như ngồi trong quán cà phê đầu hẻm, vừa nhìn cuộc đời trôi qua vừa
nghe người già kể những câu chuyện xưa nay, dắt dây nhau một cách khó
ngờ. Trong đó có người lạ và có cả người quen, có chuyện hấp dẫn,
có chuyện lê thê. Nhưng chắc chắn là không hề nhàm chán.
Một
blogger khác viết: Chuyện đời của phố được viết lên bởi chính ký ức của một người
sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên cùng Sài Gòn qua bao năm tháng. Bằng lời văn giản dị
và chân thành, tác giả mô tả những góc nhỏ ở Sài Gòn thật gần gũi và thân
thương. Tác phẩm chứa rất nhiều tư liệu hình ảnh quý giá, thể hiện nhiều góc
nhìn về Sài Gòn và con người của mảnh đất này trước năm 75. Sách khá dày, trang
giấy mịn, hình ảnh in rất rõ nét. Đây thật sự là một cuốn sách dành cho những
ai yêu Sai Gòn tha thiết.
Còn
Quỳnh Hương nữa: Khi thấy quyển sách này trên Tiki, nói về Sài Gòn những ngày
xưa cũ, nghĩ có vẻ lạ nên tôi quyết định mua cho bố mẹ. Là người thuộc thế hệ
9X, tôi dường như chẳng có khái niệm gì về Sài Gòn xưa, về những góc phố, con
đường gắn liền với một thời chiến tranh, lửa đạn. Trong tôi, Sài Gòn - Gia Định
dường như khá nhạt nhòa, nhưng đối với bố mẹ đó lại là một phần của cuộc đời, của
những mảnh ký ức nào đó đã xa lắm. Không xa sao được khi chẳng thể tìm lại nhà
sách Khai Trí, những tiệm đóng sách thủ công xưa, những con đường ghi dấu lịch
sử, những nghệ sĩ nổi tiếng một thời như Thanh Nga, Út Trà Ôn, ... và còn nhiều,
rất nhiều những con người, những sự vật khác gắn liền với kỉ niệm. Thật tốt khi
những hình ảnh đẹp đẽ, quý giá này vẫn còn được lưu giữ, truyền lại cho các thế
hệ sau. Cảm ơn tác giả Phạm Công Luận, cảm ơn Tiki đã mang đến cho tôi quyển
sách giá trị như thế này. Chính nhờ "Sài Gòn - Chuyện đời của phố" mà
tôi như được thấy lại một Sài Gòn phồn hoa, rực rỡ của những ngày đó, để thấy
yêu hơn nữa Sài Gòn mà chúng ta đang sống ngày hôm nay.
Ôi,
Sài Gòn của tôi. Sao thân yêu thế!
NXT
Feb 22. 2016
No comments:
Post a Comment