Pages

Sunday, February 21, 2016

HỌA SĨ ĐINH CƯỜNG: MỘT TẤM LÒNG VÔ HẠN (*)



bài của Nguyệt Cầm

Họa sĩ Đinh Cường 2008 - Ảnh: Nguyệt Cầm

                                           Trong thư phòng của ông, họa sĩ Đinh Cường viết một câu 
                                           của Samuel Beckett “Nghệ thuật là phản đề của nỗi cô đơn”.

Trong nỗi cô đơn, trong niềm hoài nhớ cùng những kỷ niệm về quê nhà và bè bạn ông đã vẽ được thật nhiều.
Tranh ông bày khắp studio và thư phòng của ông trong ngôi nhà ở quận Burke (bang Virginia, Hoa Kỳ) mà vào mùa thu cảnh sắc thiên nhiên thật tuyệt mỹ.

Mới đây thôi, trong bữa ăn chia tay với chủ nhân gallery Tự Do, tôi vẫn còn tự tin nói về triển lãm tranh của họa sĩ Đinh Cường mà một nhóm thân hữu chúng tôi dự tính tổ chức khoảng cuối tháng 2 tới đây, có thể khai mạc vào đúng kỷ niệm sinh nhật (28-2) của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người bạn thân thiết của đời ông.
Mọi việc đã được sắp xếp, lo liệu: đã liên hệ để có một không gian trưng bày vào cỡ đẹp nhất Sài Gòn hôm nay, các khoản chi phí để lo vé máy bay, chỗ ở cho tác giả những ngày triển lãm cũng đã được tính toán khá chu đáo, một vựng tập triển lãm sẽ in thật đẹp...

Chúng tôi hiểu đây sẽ là triển lãm cuối đời của Đinh Cường, bởi sức khỏe của ông như ngọn đèn dầu đang cạn dần.

Giữa tháng 10-2015, khi mọi việc đã ổn, tôi mới báo tin cho Đinh Cường về triển lãm ấy và nhận được email trả lời của ông: “Cuối tháng 2-2016 có thể được... Tôi vui và nghe rộn ràng trong người, biết đâu sẽ khỏe...”.

Nhưng đến trung tuần tháng 12-2015, khi gửi email lần nữa để trao đổi cụ thể về triển lãm và cả dự định in lại tập sách Đi vào cõi tạo hình của ông trong nước, tôi không nhận được hồi âm, điều chưa từng thấy nơi một người hết sức cẩn trọng và chu đáo với bằng hữu, anh em.
Rồi Đinh Trường Chinh, con trai ông, cho biết ông rất khó khăn để có thể ngồi vào máy tính đọc thư và lo ngại ông sẽ khó lòng về nước làm triển lãm. Chúng tôi vẫn chưa hết hi vọng “biết đâu sẽ khỏe” như lời ông.

Vậy mà cuộc triển lãm ấy đã không thành sự thật nữa rồi. Tin Đinh Cường qua đời đêm thứ năm 7-1-2016 được loan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và được chia sẻ rộng rãi với bao nỗi tiếc thương một nghệ sĩ tài hoa, một nhân cách đáng ngưỡng mộ.
Họa sĩ Đỗ Quang Em không giấu được xúc động khi được báo tin dữ: “Theo tôi, trong giới mỹ thuật anh Đinh Cường là người được thương mến nhiều nhất”.
Năm 2007, khi triển lãm chung với họa sĩ Nguyễn Đình Thuần tại California, Đinh Cường có trả lời phỏng vấn một tờ báo người Việt tại Mỹ, qua đó ông cho biết thời trai trẻ mình đã “phải lòng” với hội họa như thế nào:

“Thời trung học, trong khi bạn mình đọc những Camus, những Sartre, tôi lại đi tìm những Bernard Buffet, những Modigliani. Đi ra những nhà sách Nhựt Bằng, nhà sách Albert Portail, nhìn những bức tranh mà mê. Mê những cô gái cổ dài của Modigliani, những tranh thơ mộng của Chagall, của Klee”.

Và ông đã tìm thấy “chân lý hội họa” sau nhiều thập niên gắn bó với sắc màu, đó là “sự kết hợp giữa kỹ thuật phương Tây với triết lý và tâm hồn sâu ẩn của Á Đông. Hai cái đó kết hợp lại để tạo ra một không khí hội họa phù hợp với mình. Và đi theo khuynh hướng hiện đại hóa”.

Nhận định về người bạn thân của mình, nhà giáo - nhà phê bình Đặng Tiến (Paris) tổng kết: “Đinh Cường sống trọn đời, tận tụy cho nghiệp hội họa, không nhất thiết là sống nhờ vào nghề hội họa. Anh triển lãm nhiều, không nhất thiết để bán tranh mà để gặp gỡ, làm quen.
Vẽ tranh là tìm đến với cuộc đời và bày tranh là đi trọn dặm trường hạnh ngộ. Nói khác đi, làm khác đi, là chưa hết lòng với chính mình và chưa tận tình với nghệ thuật” (*).

Không chỉ vẽ và vẽ suốt đời, Đinh Cường còn làm thơ và viết báo, viết sách về hội họa. Bài viết của ông về các họa sĩ nhiều thế hệ được đăng trên nhiều báo, tạp chí trong và ngoài nước. Ông ra đi khi đang bắt tay thực hiện tập 2 của Đi vào cõi tạo hình.
Tập 1 được xuất bản tại Mỹ tháng 5-2015, với những bài viết về các bậc thầy xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí, Tôn Thất Đào, Nguyễn Đỗ Cung... và những tên tuổi của mỹ thuật Việt Nam hiện đại như Bùi Xuân Phái, Điềm Phùng Thị, Thái Tuấn, Văn Đen, Tạ Tỵ... với cách viết không nặng hàn lâm mà như kể chuyện thủ thỉ, thân tình, gần gũi về những người ông hằng yêu mến. Ở Đinh Cường, cả hội họa lẫn văn chương chính là người vậy.

Nguyệt Cầm        
(Nguồn: TTr ẻ Online)

__________

(*) Mượn tựa bài viết của Đặng Tiến giới thiệu triển lãm tranh Đinh Cường tại Paris tháng 10-2010.

No comments:

Post a Comment