Friday, May 12, 2017

NƯỚC TRONG NGUỒN


Hồ Đình Nghiêm

Mẹ & con. Tranh Bé Ký

Có một độc giả viết email gửi cho tôi: Chúng ta luôn đồng ý là thi ca mãi sắp hàng đầu, thứ hạng mà truyện ngắn chẳng tài sức ngoi lên để sánh đôi, bị lép vế, bất quá chỉ đứng hạng nhì. Hẳn anh cũng đồng ý? Nhưng đọc một bài thơ hay, cảm xúc nó len vào hồn mình bằng thứ cung bậc khác hẳn là khi anh đọc phải một truyện ngắn viết rất đạt. Nói rõ ra đã có lắm kẻ khóc thầm với văn mà nước mắt kia chưa rơi xuống vì một bài thơ.

Tôi hồi âm: Chị nói đúng, ít ra là với tôi. Một tác phẩm hội hoạ, mình chỉ biết thốt lên ba chữ: Ôi, quá đẹp! Hoặc: Siêu phẩm. Hoặc: Tuyệt tác. Chỉ ngần ấy thôi. Nghe một bản nhạc buồn, thổn thức, mắt mình ướt hồi nào không hay! Tôi chẳng thích so sánh, thấy nó miễn cưỡng lắm. Nhưng có một sự thật mới tinh khôi: Thơ của chị Trần Mộng Tú hay, nhẹ nhàng đầy nữ tính, có bài xúi quặn lòng; nhưng đọc văn chị viết về chuyến đi xa tới các hoang đảo ở Nam Dương, ở Mã Lai để thắp nhang cho các linh hồn thuyền nhân xấu số, chị Trần Mộng Tú đã lấy đi của độc giả biết bao là nước mắt. Quá cảm động, quá dằn vặt, quá tình người! Thơ đứng nhất, văn đứng hai, mỗi thứ linh hiển một cách, nhưng cách dụng văn để trải hồn thì quả đã mang tới nhiều dư âm, hệ luỵ.

Và có một lúc tôi đã dại khờ nghĩ: Ba tôi là một bài thơ trong khi Mạ tôi là một đoản văn. Nhớ về hình bóng mạ mình, cách sống cam chịu làm tròn bổn phận của mạ khiến tôi luôn phải lau thầm nước mắt. Người ta ví von: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Thơ đâu? Văn đâu? Chữ nghĩa cao cả đâu? Sao lại ăn nói một cách hà tiện đến thế! Người ta quả có bất lực, không chuyển tải được một bóng dáng rất đỗi lớn lao. Chẳng phải sao, Mẹ là tượng đài mãi dựng trong tâm những đứa con? Và con, có ăn năn, có hối muộn chăng khi chúng không biết đưa ra một hình ảnh gì đặt cạnh nhằm so sánh cái lớn rộng “bao la như biển Thái Bình”. Đã thế khi lớn lên, trong mắt chúng đa phần đều chứa duy một nhân dáng: Người Yêu. Nhân Tình. Chúng bất hiếu chăng? Hãy đọc văn chương truyền khẩu của dân gian:

“Cha mẹ anh có đánh quằn đánh quại
Bắt anh ra treo tại nhành dương
Biểu từ ai, anh từ đặng
Chớ biểu anh từ người thương, anh không từ”.

Một tuyên ngôn? Một cam kết dành cho đối tượng? Lỡ như Mẹ (Má) nghe ra, hiền mẫu không trách cứ đứa trẻ người non dạ ấy, chỉ ngậm ngùi, như ca dao:

“Cây cao bóng mát không ngồi
Ra ngồi chỗ nắng trách trời không mây”.

Chứ gì nữa? Má là bóng mát che chở con. Mẹ là mây tụ vũng râm trên đầu. Và con mãi vùng vằng, ưa làm đày làm láo để buông lời trách móc đấng sinh thành. Rồi dựng vợ gả chồng cho con được yên bề gia thất, rồi cơm không lành canh chẳng ngọt, tái diễn cảnh nàng dâu mẹ chồng… Ôi thôi, mẹ chỉ biết cúi đầu: Bàn tay có ngón ngắn ngón dài! Để khuây khoả má nói thầm: Cha mẹ sanh con trời sanh tánh! Mạ ngó lên trời xanh: Số mình vụng tu!

Trong thi tập nổi tiếng “Paroles” (1946) của Jacques Prévert, nhà thơ người Pháp, có bài hay:

PREMIER JOUR

Des draps blancs dans une armoire
Des draps rouges dans un lit
Un enfant dans sa mère
Sa mère dans les douleurs
Le père dans le couloir
Le couloir dans la maison
La maison dans la ville
La ville dans la nuit
La mort dans un cri
Et l’enfant dans la vie.

Tạm dịch:

NGÀY ĐẦU

Những tấm khăn trải giường trắng nằm trong tủ
Những tấm khăn đỏ nằm trên một giường
Một đứa bé trong mẹ nó
Mẹ nó trong những cơn đau
Cha trong hành lang
Hành lang trong căn nhà
Căn nhà trong thành phố
Thành phố trong màn đêm
Cái chết trong tiếng thét
Và đứa bé trong cuộc đời.

Nằm trong cái này, nằm trong cái kia. Mọi thứ được bao phủ và với tiếng hét, như một vết cắt, mới hiện hữu được một vật thể. Cuộc vượt cạn có máu đổ, cơn đau chẻ dọc người, mẹ vừa mang con tới bến bờ đầy nước mắt. Trước đó mẹ từng bảo bọc con trong bụng chín tháng, ôm trong vòng tay ba năm, dìu đỡ hơn mười năm và mãi mãi hình ảnh con luôn nằm sâu trong tâm mẹ. Con thành nhân, con lập thân và con bận bịu suốt, con có phút giây nào thoáng nhớ thương tới mẹ không? “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”. Đừng con, chớ đối xử với mẹ như thế, buồn lắm con ạ!

Mạ ơi, người đời ưu ái gọi con là nhà văn. Hắn viết được những gì? Dường như hắn không đủ hoả hầu khi dụng chữ đề cao tới Mạ. Hắn chỉ có thể sửa đổi câu ca dao:
Mạ ơi xin đánh con đau
Để con ôm giữ cuống nhau dại khờ.

Tôi đi xa, đành đoạn bỏ quên mộ phần song thân bên nhà. Tôi sống, chỉ biết hồi tưởng, chỉ biết nhớ. Và mãi ăn năn hối muộn khi hay ra tôi chưa thể thành nhân cũng như thành thân. Tôi bất hiếu! Tôi mãi trách trời không mây.

Tôi đứng trong hành lang
Hành lang trong gió lộng
Gió thổi trong thành phố
Thành phố trong bóng đêm
Đêm mờ trong nước mắt
Nước mắt trong lòng mẹ
Mẹ già trong lòng đất
Đất chôn trong lòng tôi.

Hồ Đình Nghiêm


No comments:

Post a Comment