Pages

Saturday, September 12, 2015

ĐI VÀO CÕI TẠO HÌNH MỘT ĐINH CƯỜNG ĐỐN NGỘ





Hình I_ Đinh Cường
[Nghệ Thuật Tạo Hình VN Hiện Đại, Huỳnh Hữu Uỷ, VAALA 2008]

TIỂU SỬ ĐINH CƯỜNG
Tên thật là Đinh Văn Cường, sinh ngày 5 tháng 7 năm 1939 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, xứ sở của đồ gốm và sơn mài, với trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một do người Pháp thành lập từ 1901 [Thủ Dầu Một cũng là nơi hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí đã bị người Pháp giam an trí tại đây sau khi ra khỏi trại tù Sơn La]
1951-1957 học sinh Trung học Pétrus Ký Sài Gòn.
1963 tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế
1964 tốt nghiệp Sư Phạm Hội Hoạ Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn
1962 Huy Chương Bạc với bức Thần Thoại, Triển Lãm Hội Hoạ Mùa Xuân Sài Gòn
1962 Giải Thưởng với bức Nhà Thờ, Đệ Nhất Triển Lãm Mỹ Thuật Quốc Tế Sài Gòn của Toà Đại Sứ Trung Hoa Dân Quốc
1963 Huy Chương Bạc lần thứ hai với bức Chứng Tích, Triển Lãm Hội Hoạ Mùa Xuân Sài Gòn
1969-1971 Uỷ viên Kiểm soát Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam
1963-1967 Giáo Sư Hội Hoạ trường Nữ Trung Học Đồng Khánh Huế
1967-1975 Giáo Sư trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế

Đinh Cường đã sống ở Huế, Đà Lạt, Sài Gòn với một thời tuổi trẻ đi và sống lang thang khắp miền đất nước cho đến khi sang định cư ở Mỹ từ 1989, hiện sống ở thị trấn Burke, bang Virginia.

Đinh Cường đã có hơn 20 cuộc triển lãm tại Việt Nam [qua nhiều thành phố Đà Lạt, Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Pleiku] và ngoài nước như Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Brésil, Tunisie, Ấn Độ, Singapore.
Theo một brochure Triển Lãm Đinh Cường, tính cho đến 2005 Đinh Cường đã có 24 lần triển lãm tranh riêng và 21 lần cùng với các hoạ sĩ khác. 


Sách đã xuất bản:
Cào lá ngoài sân đêm, thơ, Thư Ấn Quán Hoa Kỳ 2014
Tôi về đứng ngẩn ngơ, thơ, Quán Văn Sài Gòn 2014
Đi Vào Cõi Tạo Hình I, tiểu luận hội hoạ, Văn Mới California 2015


Hình II_ Bìa Cào lá ngoài sân đêm (trái),
Tôi về đứng ngẩn ngơ (phải)

Hình IIIa_ Đinh Cường Võ Phiến (trái) Đinh Cường Doãn Quốc Sỹ (phải)
[tư liệu Võ Phiến và Đinh Cường]

                                                 Hình IIIb_ từ trái: Nguyễn Mộng Giác, Đinh Cường,
Khánh Trường, Nguyễn Xuân Hoàng

ĐI VÀO CÕI TẠO HÌNH
Là bộ sách 2 cuốn, Tập I viết từ thời người Pháp thiết lập trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương những năm 1930 cho tới giai đoạn chuyển tiếp 1954; cũng là thời điểm của hiệp định Genève chia đôi đất nước. Tập II viết về những hoạ sĩ cùng thời từ 1957 đến 1966, năm thành lập Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam.
Đi Vào Cõi Tạo Hình I, viết về 16 hoạ sĩ tên tuổi theo thứ tự trong sách: Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Thứ, Nguyễn Gia Trí, Tôn Thất Đào, Nguyễn Đỗ Cung, Điềm Phùng Thị, Trương Thị Thịnh, Tạ Tỵ, Văn Đen, Lê Văn Phương, Võ Đình, Bùi Xuân Phái, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng. Không mang tính cách một tài liệu biên khảo mà là một thể loại như tuỳ bút, Đinh Cường đã vẽ nên chân dung rất linh hoạt của từng hoạ sĩ mà anh có cơ hội gặp gỡ tiếp xúc, cùng với nguồn tư liệu phong phú và cũng rất riêng tư mà có lẽ chỉ Đinh Cường còn lưu giữ được. Cả đến mỗi bức tranh in trong tập sách cũng là chọn lựa rất đắt giá của Đinh Cường, phản ánh đầy đủ cá tính và tài năng của từng hoạ sĩ mà anh viết tới.


                                                    Hình IV_ Bìa Đi Vào Cõi Tạo Hình
và thủ bút Đinh Cường

Cũng rất riêng tư, cuốn sách Đi Vào Cõi Tạo Hình I, như một flashback về mấy tên tuổi như Tôn Thất Đào, Mai Thứ, Tạ Tỵ. Tôi nhớ lại, đã từng được học vẽ với hoạ sĩ Tôn Thất Đào mấy năm trung học ở Huế.

Họa sĩ Mai Thứ
Riêng với tên tuổi hoạ sĩ Mai Trung Thứ đã gợi cho tôi những hồi tưởng xa hơn. Trước thập niên 1940s khi chưa có tôi, cụ thân sinh tôi nguyên là giáo Pháp văn trường Khải Định cùng thời với hoạ sĩ Mai Trung Thứ, là giáo sư hội hoạ. Hai vị quen nhau trong thời gian này. Năm 1952, sau khi gia đình tôi từ Thanh Hoá hồi cư về Hà Nội, hoạ sĩ Mai Thứ lúc ấy đang sống ở Pháp và hai vị liên lạc lại được với nhau. Lúc đó tôi 11 tuổi, chỉ biết mặt hoạ sĩ Mai Trung Thứ qua mấy bức hình ông gửi, cùng với một bức tranh màu vuông nhỏ vẽ về thế giới trẻ thơ – rất Mai Thứ, do ông gửi tặng, nay không còn giữ được, ngoài hai tấm hình chụp hoạ sĩ Mai Thứ trong Studio ở Paris nay còn tìm thấy được trong album gia đình. [Hình VI]


Hình Va_ Hoạ sĩ Mai Thứ trong Studio, Paris 1952
[tư liệu Ngô Thế Vinh]

Đúng như cảm nhận của Đinh Cường: "xem lại thế giới trẻ thơ trong tranh Mai Thứ là một niềm vui, một hạnh phúc". Không phải chỉ có niềm vui và hạnh phúc của người xem tranh, hoạ sĩ Mai Thứ còn cống hiến và tặng dữ niềm vui và hạnh phúc ấy tới những đứa trẻ bất hạnh trên khắp Năm Châu qua những bức tranh trẻ thơ được in trên các tấm postcards của UNICEF/ United Nations International Children’s Emergency Fund giúp gây Quỹ Bảo Trợ Nhi Đồng của Liên Hiệp Quốc. [Hình VII]


Hình Vb_ Thư Pháp/ La Calligraphie (trái), Mẹ Dạy Thêu Thùa (phải),
tranh Mai Thứ trên bưu thiếp UNICEF, giúp gây Quỹ Bảo Trợ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc
[nguồn: Mai Lan Phương, con gái Hs Mai Thứ]

Hoạ sĩ Tạ Tỵ
Từ trước 1975, đã được xem tranh, đọc thơ văn và cả sách nhận định văn học của Tạ Tỵ [Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ, Nam Chi Tùng Thư Sài Gòn 1970, Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, Lá Bối Sài Gòn 1972] nhớ lại là với mỗi tác giả đều được Tạ Tỵ phác thảo một chân dung với đường nét hết sức độc đáo. Tạ Tỵ tốt nghiệp từ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, nhưng anh đã không tự ép mình trong khuôn khổ được đào tạo từ trường ốc, anh luôn luôn đi tìm cái mới và được coi như hoạ sĩ tiên phong trong lãnh vực hội hoạ Lập thể/ Cubism rất sớm ở Việt Nam từ những năm 1950s và hội hoạ Trừu tượng/ Abstract những năm về sau này.

Hình VIa_ Thủ bút của Tạ Tỵ 02-01-1995

Tôi chỉ thực sự được quen anh là trên đất Mỹ từ những năm 1990, khi cả hai cùng một lứa bên trời lận đận. Tạ Tỵ cùng thế hệ với Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng, anh hơn tôi một thế hệ. Anh đã có dịp đọc "Giấc Mộng Con năm 2000" và nồng nhiệt chia xẻ với tôi về dự án một Công viên Văn hoá ở hải ngoại mà anh gọi là Giấc Mộng Lớn. Trong một thư riêng viết từ Garden Grove Feb 1, 1995, anh viết: "Tôi chia sẻ rất nhiều với anh về những điều anh viết, dù rằng tuổi tôi đã cao, cái sự ‘nhìn thấy những điều mình mơ ước’ chắc cũng khó mà thực hiện, nhưng đó cũng chẳng sao, vì tất cả đều cho mai sau và cái ‘mai sau’ đó so với sự luân chuyển của thời gian cũng như lịch sử nó chẳng đáng gì. Ngọn lửa đã nhúm lên rồi, chỉ cần có thêm nhiều nguyên liệu tạo nên sự bùng cháy trường kỳ trong lòng mỗi người tỵ nạn có tâm huyết, bất luận trí thức hay bình dân. Mong lắm thay! Hy vọng, hy vọng và hy vọng! Mong anh đừng bao giờ để có người nói: "Các ông là những người đến muộn".
Và trong chỗ rất riêng tư, anh ngỏ ý sẵn sàng hiến tặng một số tác phẩm lớn để đời của anh, khi hình thành được một Công viên Văn hoá như vậy. Nhưng rồi, khá bất ngờ vào tháng Jul 27, 2000 từ San Diego cũng trong một thư riêng khác anh cho biết quyết định sẽ về sống ở Việt Nam "dù không biết trước cái gì sẽ xảy ra cho đời mình, nhưng dầu sao tôi cũng muốn được an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra, đã sống 60 năm trời. Về Việt Nam, tôi vĩnh viễn rửa tay gác bút, chờ ngày đi vào cõi Hư Không. Nhớ các anh lắm". Tạ Tỵ



Hình VIb_ tranh Tạ Tỵ: Nhớ Hà Nội, 1947 (trái);
Những Mảnh Đời Tỵ Nạn, sơn dầu 2000 (phải)

Rồi anh đã âm thầm trở về Sài Gòn, sống những ngày cuối đời với người con gái út. Anh mất ngày 24 tháng 8 năm 2004, thọ 83 tuổi. Anh được toại nguyện an nghỉ nơi quê nhà, thân xác anh được hoả thiêu trở về với cát bụi, nhưng tên tuổi Tạ Tỵ và các tác phẩm của anh thì vẫn trường tồn trong dòng chảy văn hoá dân tộc.

HỘI HOẠ SĨ TRẺ VIỆT NAM
Ở giai đoạn thập niên 1960, thế hệ các hoạ sĩ như Đinh Cường, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Cù Nguyễn, Lâm Triết, Trịnh Cung, Nguyên Khai… họ không những trẻ về tuổi tác, mà có thêm một mẫu số chung là không ngừng đi tìm những đường nét mới làm trẻ trung cho nền hội hoạ Việt Nam. Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam chính thức được hình thành 1966, với nhận định:
"Chúng tôi, một số hoạ sĩ trẻ không ngại những khó khăn tinh thần lẫn vật chất cùng thành lập một hội lấy tên là Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam, làm như vậy chúng tôi hy vọng tạo được những cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và từ đó sẽ hình thành ra những đưởng lối sáng tạo độc đáo trong bầu không khí sinh hoạt hội hoạ trong sạch và cởi mở".
Không phải chờ tới năm 1966 khi Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam được thành lập, trong suốt 20 năm thời kỳ 1954 tới 1975, cùng với các bộ môn khác của văn học nghệ thuật, như một kết tinh may mắn của lịch sử: của thiên thời địa lợi nhân hoà, nền hội hoạ và điêu khắc của Miền Nam đã phát triển trong nhiệt tình và đổi mới tới cao độ. Họ ở lứa tuổi 20 – 30, cho dù là hội viên của Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam hay không, một số tốt nghiệp trường Mỹ Thuật như Đinh Cường, Lâm Triết, Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Nguyễn Phước, Nguyên Khai, hay bỏ học ngang như Nghiêu Đề, hoặc không xuất thân từ trường Mỹ Thuật như Cù Nguyễn nhưng họ đều là những viên ngọc ẩn thạch, những khuôn mặt tài năng có cơ hội là phát triển với sức sáng tạo thăng hoa tới mức cao nhất để hình thành những tác phẩm hội hoạ có giá trị nghệ thuật trong không khí tự do của Miền Nam.
Qua người bạn tấm cám Nghiêu Đề, tôi có cơ hội làm quen và giao tiếp với các bạn của anh trong giới hội hoạ của thời kỳ ấy, trong số đó có những Lâm Triết, Cù Nguyễn, Nguyễn Trung, Nguyên Khai, Trịnh Cung, Đinh Cường, rồi Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ ở những năm về sau này.

XEM TRANH ĐINH CƯỜNG


Hình VII_ Qua đồi cát La Vang, Đinh Cường sơn dầu
sưu tập của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (trái)
Vườn Đá Tảng, Đinh Cường sơn dầu 1994 (phải)

Bày tỏ về nghệ thuật hội hoạ, Đinh Cường cho biết: "Tôi đã vẽ trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn. Không biết để làm gì. Có lúc gần như tuyệt vọng, đôi khi thấy mình được cứu rỗi. Và tôi lại tiếp tục vẽ, tiếp tục suy nghiệm".
Đinh Cường đã thành danh trước khi tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật 1963. Trước đó một năm, với bức Thần Thoại Đinh Cường đã sớm tạo được thành tích với một Huy Chương Bạc trong cuộc Triển Lãm Mùa Xuân năm 1962.

Hình VIII_ Trang tranh Đinh Cường
trên báo Thế Giới Tự Do, Tập XIV Số 8, 1967 Sài Gòn

Khởi đi từ giai đoạn nghệ thuật tạo hình/ figurative paintings, Đinh Cường đã nổi tiếng ngay với những bức tranh của một thời kỳ lãng mạn với đường nét thanh thoát về một Đà Lạt với phố núi mù sương vừa thơ mộng và cả quạnh hiu với đỉnh nóc tháp chuông nhà thờ với lẻ loi một bóng chim đậu.
Người xem tranh Đinh Cường khi ấy không thể không liên tưởng tới hình ảnh nóc nhà thờ trong cuốn phim trắng đen Les Dimanches de Ville d’ Avray nổi tiếng của Pháp chiếu ở Sài Gòn thời bấy giờ (1962). Đó là câu chuyện của viên phi công trong khi tấn công một đoàn xe địch, anh tin rằng mình đã giết lầm một bé gái; phi cơ anh bị bắn hạ, tuy sống sót nhưng anh hoàn toàn mất trí nhớ. Sau này khi anh gặp một cô bé Cybèle 10 tuổi bị bỏ rơi trong viện mồ côi sống với các bà sơ, anh đinh ninh đó là cô bé gái đã bị chết trong vụ oanh kích và từ đó đã nẩy sinh một mối liên hệ tình cảm thánh thiện giữa anh phi công và cô bé. Nhưng vẻ đẹp thuần khiết của mối liên hệ ấy đã bị nghi ngờ, trở thành scandal trong thị trấn Avray và kết thúc là một thảm kịch. Đinh Cường kể lại là sau này có dịp sang Pháp, anh đã tìm tới thăm thị trấn Avray, tới tìm lại hình ảnh ngôi nhà thờ với đỉnh tháp chuông có gắn con gà bằng đồng trong cuốn phim đã xem từ năm nào.
Với hơn nửa thế kỷ vẽ tranh và không ngừng sáng tạo, đã có nhiều bài nhận định phê bình về hội hoạ Đinh Cường. Hầu như tất cả đều nói tới "chất thơ" chất lãng mạn của tranh Đinh Cường.
Trịnh Công Sơn viết: "Trong hội hoạ, Đinh Cường là thi sĩ của hoài niệm" [Tuổi Trẻ, tháng 9, 1986].
Đặng Tiến trong một bài viết tiếng Pháp giới thiệu cuộc triển lãm tranh Đinh Cường tại Galerie Annam Héritage 2010, nhan đề "Đinh Cường, La Source Résurgente/ Tấm lòng Vô hạn", Đặng Tiến viết: "Tranh Đinh Cường, trong tinh thể, phải chăng là ký ức của một đoá hoa hồng đã hiến dâng hương sắc cho trần gian. Và nghệ thuật trần gian phải chăng là hoài niệm một mùi hương" [Orleans, tháng 10-2010]
Huỳnh Hữu Uỷ Nhận định: "Đinh Cường đã dựng nên một vũ trụ đầy chất thơ, kết hợp rung cảm với bút pháp độc đáo của một tư duy riêng biệt. Ở đây, âm hưởng của màu sắc, bố cục của đường nét là phương tiện phô diễn tính cách độc đáo của một tư tưởng nhiều chiều sâu, phản ánh nhiều hình bóng của đời sống và thời đại."

Hình IX_ Đinh Cường Huỳnh Hữu Uỷ

Bùi Giáng nói tới chất thơ trong tranh Đinh Cường, trong một bài thơ tiếng Pháp tặng Đinh Cường 1972:

Le Poème de la Peinture

Il s’en va come le Poisson d’eau douce
Sa Peinture rêveuse s’en va comme le Demeurer du Demeurant
Qui déploie son ordre et se refuse
Sur le mode de la Double Réserve
Je n’ai rien à lui dire sinon peut-être
Que le Poème de la Peinture
S’ entend à merveille avec la Peinture du Poème
Comme la Reine des Almées
S’ appelle aussi bien l’ Almées des Reines
Que le Retour de la convalescente qui chante sa joie
A réjoui immensément l’ Enfant des Riveraines
Au bord de l’ Abîme des Abîmes
Vou n’ avez rien à lui dire sinon peut-être
Que l’ Éclaircie de l’ Être lui est favorable
Comme l’ Éraflure du Temps lui est favorisante
Lorsque la Terre advient à l’ émergence
Tandis qu’ un Monde s’ ouvre
Bùi Giáng 1972


Hình X_ trái: thủ bút Bùi Giáng, "Bài thơ Hội hoạ" tặng Đinh Cường 1972;
phải: Đinh Cường Bùi Giáng, Sài Gòn 1987

Bản phỏng dịch Ngô Văn Tao
(Ngô Văn Quế, Gs Toán ĐH Montréal, bạn nhà thơ Bùi Giáng)
[nguồn: DNSG – Xuân Kỷ Sửu 2009]

Trong chỗ riêng tư, Đinh Cường cho biết: anh thì vẫn tâm đắc nhất với bài viết của Đỗ Long Vân, nhà nghiên cứu mỹ học, người bạn chung sống với Đinh Cường hai năm ở Đà Lạt trong cùng một studio nhỏ trên đường Hoa Hồng. Bài viết tiếng Pháp của Đỗ Long Vân, được một Bửu Ý tài hoa dịch sang tiếng Việt. Trích đoạn:
"Nul éclat. Aucune dissonnance. Une pâte sombre et dense, légère malgré cela, et qui chante comme de l’or. C’est un or nocturne dont toute la lumière est tournée vers l’intérieur. Cela ennuie tout d’abord, et puis l’on finit par aimer cette pudeur obstinée, qui, pour sembler sans audace, n’en est pas moins durement conquise. Il suffit d’ailleurs de regarder Cuong au travail et l’on voit que le charme simple et lisse qui séduit lentement en ses toiles, jamais Cuong ne l’a atteint du premier coup, mais qu’il est l’aboutissement de longs essais où se conjuguent le hasard et l’on ne sait quelle fatalité. Ses toiles débutent toujours dans l’éclat. Cela commence comme une explosion de fleurs et, presque toujours, cela devient un océan et nuit bleue et noire, non la vieille nuit sanglante qui obsède la mémoire de son souvenir, mais la jeunesse du monde dont tous les trésors enfouis s’éveillent pour illuminer de leur éclat fragile cette première nuit qui s’appellerait aussi bien l’aurore. Car voilà que du fond de la terre des lueurs nous viennent, que l’espace s’entr’ouvre dans un envol d’acier, que des cristaux scintillent tandis qu’au-dessus de l’abime, des villes en dérive tentent d’aller ensemble…"
"Không rực rỡ, không lạc điệu, một chất màu ủ và quánh mà vẫn nhẹ nhàng và reo ca như vàng kim. Một thứ dạ kim với bao nhiêu hào quang quay trở vào bên trong. Điều này thoạt tiên bắt chán, cuối cùng ta lại đem lòng yêu mến cái e ấp trì quyết ấy, nó có vẻ như không táo gan, nhưng không phải vì thế mà không khổ công chinh phục. Phương chi chỉ cần nhìn Cường làm việc và ta thấy cái đẹp đơn sơ và bóng láng quyến rũ chầm chậm ở tranh anh, không bao giờ Cường đạt được ngay từ lúc đầu, mà nó là kết thúc của nhiều dò dẫm dài hơn, nơi kết liên của ngẫu nhiên và một tiền định nào đó không hiểu. Tranh của anh luôn luôn khởi đi từ trong ánh rực rỡ. Bắt đầu như một vỡ oà của hoa, và hầu như luôn luôn trở thành đại dương đêm xanh đen, không phải cái đêm cổ tích đẫm máu ám ảnh ký ức bằng kỷ niệm, nhưng là tuổi trẻ của trần gian với hết thảy kho tàng vùi chôn choàng dậy hầu soi tỏ bằng ánh sáng mong manh cái đêm đầu tiên ấy, cũng có thể gọi luôn là buổi lê minh. Vì chưng đã đến với ta kia, từ cùng thẳm địa cầu, từng đợt sóng, không gian hé mở trong một vỗ cánh ánh thép, những mảnh thuỷ tinh nhấp nháy, trong khi bên kia vực thẳm, bao thành phố rắp tâm phiêu dạt theo nhau…"

Hình XI_ Đỗ Long Vân và Đinh Cường, Đà Lạt 1963

Sau Đà Lạt, Đinh Cường có một thời gian sống lâu dài ở Huế, anh đã sáng tác những bức tranh với màu sắc u trầm – chữ của Huỳnh Hữu Uỷ, về Thành Nội về một cố đô Huế khuê các nhưng tàn tạ khuất lấp sau những lớp rêu phong.


Hình XII_ Studio Đinh Cường, đường Rose Đà Lạt 1963 (trái)
Đà Lạt Nostalgia, tranh Đinh Cường sơn dầu (phải)

Đinh Cường thành công rất sớm nhưng anh vẫn đi tìm cái mới, có một giai đoạn khoảng sáu năm (1969-1975), anh chuyển qua nghệ thuật hội hoạ trừu tượng/ abstract paintings.
Trả lời phỏng vấn báo Thế Giới Tự Do [Tập XIV, số 8, 1967 Sài Gòn], Đinh Cường thổ lộ: "Tôi đã dần dần tước bỏ hết ý niệm về sự vật, hay nói theo danh từ triết học kinh điển, loại bỏ mô thể/ forme của sự vật để chỉ còn giữ lại chất liệu/ matière thuần tuý của sơn dầu." Nhưng rồi cuối cùng anh vẫn trở về với hội hoạ tạo hình, với những bức tranh rất Đinh Cường, có thể nói không cần có chữ ký, người thưởng ngoạn vẫn có thể nhận ra bức tranh đó là của Đinh Cường. Số lượng tranh Đinh Cường đã vẽ có thể lên tới con số ngàn. Định cư ở Mỹ từ 1989 tới năm 2000, chỉ trong vòng 10 năm, Đinh Cường đã thực hiện được 5 cuộc triển lãm, chưa kể những cuộc triển lãm tranh trong nước.


Hình XIII_ Studio Đinh Cường, đường Hoà Bình Huế 1966 (trái)
Huế Nostalgia, tranh Đinh Cường sơn dầu (phải)

Theo Đỗ Hồng Ngọc – nhà thơ Đỗ Nghê, Thân Trọng Minh – nhà văn nhà thơ Lữ Kiều, là 2 bạn đồng môn cho biết mặc dù phát hiện bệnh từ 2011, Đinh Cường vẫn về Việt Nam triển lãm tranh với Thân Trọng Minh năm đó. Năm 2013, tuy đã yếu nhưng Đinh Cường vẫn về Việt Nam gặp gỡ bạn hữu và triển lãm tranh lần thứ hai. Chuẩn bị năm 2015 sẽ về thực hiện một cuộc triển lãm tranh quan trọng khác tại Đà Nẵng trong Viện Bảo Tàng Điêu Khắc Chàm/ Musée de la Sculpture Cham, nhưng lần này phải hoãn lại vì Đinh Cường bước vào giai đoạn chemo.
Ngoài khối tranh nghệ thuật, đa số là sơn dầu, là sự nghiệp hội hoạ rất dày của Đinh Cường, phải kể tới những ký hoạ chân dung của đông đảo các văn nghệ sĩ, và cả những chân dung tự hoạ, đây cũng là một nét tài hoa khác của Đinh Cường.



Hình XIVa_ từ trái: ký hoạ Bùi Giáng, Tuệ Sĩ, Nguyễn Đức Sơn



Hình XIVb_ từ trái: ký hoạ Doãn Quốc Sĩ, Võ Phiến
Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn

Đinh Cường đã từng cảm phục sức làm việc của Khánh Trường, nhất là trong suốt thời kỳ đang bệnh hoạn: hai lần tai biến mạch máu não, ung thư thanh quan, xuất huyết bao tử, truỵ thận phải liên tục lọc máu hàng đêm/ Peritoneal Dialysis. Vậy mà Khánh Trường vẫn viết tác phẩm Tịch Dương, vẫn nhận trình bày các bìa sách, vẽ rất nhiều tranh thiền và mở ba cuộc triển lãm. Đinh Cường viết về Khánh Trường: "một con người tưởng đã chết đi và sống lại, sống lại lẫm liệt để Qua Bờ. Bờ của an trú tịch nhiên" [Khánh Trường, Sức Mạnh của Im Lặng, Virginia Jan 8, 2012]
Nhưng rồi chính bản thân Đinh Cường sau này cũng qua những trải nghiệm thăng trầm về sức khoẻ, không thiếu gian truân, nhưng sức làm việc của Đinh Cường cũng vẫn cứ bền bỉ không ngừng sáng tạo trong mọi hoàn cảnh. 

Hình XV_ Họp mặt sinh nhật Thái Tuấn 11/9/1983
sau từ trái: Trần Lê Nguyễn, Đinh Cường, Thanh Tâm Tuyền
trước từ trái: Thái Tuấn, Quang Dũng, Doãn Quốc Sỹ
[Quang Dũng tác giả bài thơ Tây Tiến, là bạn học thiếu thời của Thái Tuấn]

ĐỌC THƠ ĐINH CƯỜNG

cào lá ngoài sân đêm

tặng Bửu Ý
chiều mù cây nhánh trơ
tôi mù sương mất hút
giữa muôn trùng lạnh tăm
cuối năm rào lá đổ
suốt ngày nghe tiếng quạ
kêu ngoài hiên xanh rêu
đôi khi vờ ngủ muộn
giấc mộng đầy quạnh hiu
chiều ra sông bến lạ
bên kia phố lên đèn
mới biết mùa đông gọi
một mặt trời không tên
như người xưa nhớ bạn
cánh nhạn nhờ đưa tin
tôi một mình đứng lặng
cào lá ngoài sân đêm
Virginia, Nov 1997


XEM TRANH MỚI ĐINH CƯỜNG

Hình XVIa_ Bố Cục Xám I, sơn dầu trên canvas 30 x 40 in
Đinh Cường 2014

Hình XVIb_ Bố Cục Xám II, sơn dầu trên canvas 30 x 30 in
Đinh Cường 2014

NHỮNG BÀI THƠ THỨ SÁU
Sinh lão bệnh tử là bốn khổ não của xác thân, mà không một chúng sinh nào thoát ra khỏi. Bản thân người viết đã trải qua 46 năm hành nghề y khoa, cũng đã từng là con bệnh nặng sau những năm ra tù và chỉ khi ấy mới thực sự thấm thía ý nghĩa kinh điển của một câu nói "không có bệnh chỉ có người bệnh". Trong một cuốn sách nhan đề "When Doctors are Patients" của Pinner M. và Miller B.F. [W.W. Norton and Co., New York 1952] ghi lại một cách trung thực những kinh nghiệm bản thân phải nếm trải của chính các bác sĩ khi phải đối đầu với một số bệnh nặng hay cả nan y, qua nội dung cuốn sách Pinner M. cũng là một bác sĩ đã đi tới kết luận: "Người bệnh không chỉ đương đầu với căn bệnh, mà phải đối phó với một suy sụp toàn thể".
Ý nghĩ miên man ấy sau khi nói chuyện điện thoại với Đinh Cường, vẫn giọng nói ấm và trầm tĩnh của Bạn thuở nào. Với những tin tức về sức khoẻ của Đinh Cường từ khi bước qua ngưỡng tuổi "cổ lai hy" với một lần chấn thương sọ não và nay Đinh Cường đã "xuống tóc" do chemo khiến bạn hữu rất quan tâm. Cách đây ba năm, sau một tai nạn xe cộ tuy nhẹ, nhưng Đinh Cường đã bị một cục máu tụ trong sọ não. Theo đồng nghiệp Nguyễn Tường Giang, một cố tri thân thiết ở rất gần với Đinh Cường, thì sau phẫu thuật thần kinh/ trepanation, Đinh Cường hoàn toàn trở lại bình thường ngoài vết sẹo lõm của lỗ khoan trên hộp sọ.
Nhưng sớm hơn cách đây bốn năm 2011, Đinh Cường đã được chẩn đoán về một căn bệnh khác: ung thư tuyến tiền liệt/ prostate cancer. Ung thư tuyến tiền liệt cũng khá thông thường như ung thư vú ở phụ nữ. Với tiến bộ của y khoa, cả hai dạng ung thư trong nhiều trường hợp có thể chữa khỏi nếu chẩn đoán sớm và điều trị đúng mức. Không hiếm những người bệnh bị ung thư tuyến tiền liệt từ hơn 30 năm vẫn khoẻ mạnh ở tuổi đã ngoài 90, đến lứa tuổi ấy nếu chết thường là do những nguyên nhân khác.
Không rõ chi tiết bệnh của Đinh Cường có được chẩn đoán sớm hay không, nhưng ở tuổi đã ngoài 70, bác sĩ của Đinh Cường đã không chọn giải pháp phẫu thuật mà bằng hormonotherapy. Bệnh ổn định trong một thời gian, sau đó Đinh Cường được chuyển qua chemotherapy/ hoá trị; dĩ nhiên với nhiều tác dụng phụ/ side effects và anh đã can đảm vượt qua.
Nằm trên chiếc ghế chemo, đã quá quen thuộc, nhìn những giọt thuốc nhỏ giọt, nhưng đó là chuyện của thân xác; Đinh Cường thì vẫn cứ làm thơ hay vẽ một bức tranh nhỏ và để rồi ngày hôm sau, gần như ngày nào anh cũng được các bạn tới đón đi ăn sáng hoặc brunch. Khi thì Nguyễn Mạnh Hùng Nguyễn Tường Giang, khi Phùng Nguyễn và Như Hạnh, khi thì Nguyễn Thế Toàn biệt danh Toàn Bò, khi Nguyễn Minh Nữu, khi Phạm Cao Hoàng và rồi cả các bạn từ xa tới thăm. Đinh Cường rất quảng giao, ngày nào cũng ra khỏi nhà, anh luôn luôn được vây quanh bởi một tình bạn ấm cúng.
Từ xa, phone thăm bạn, 9 giờ sáng California là giờ buổi trưa ở Miền Đông, vui với giọng nói Đinh Cường vẫn trầm ấm và mạnh như thuở nào, rồi sau đó được Đinh Cường chuyển điện thoại cho nói chuyện khi thì với Phùng Nguyễn Tháp Ký Ức bên Da Màu nơi quán Starbucks, khi thì với Nguyễn Tường Giang Khói Hồ Bay từ Café Montmartre hay Le Chat Noir, nhắc tới cố tri Nguyễn Tường Vũ, tới Thế Uyên Thái Độ Xám rồi Duy Lam Gia Đình Tôi với sức khoẻ hồi này sa sút ra sao; rồi với Nguyễn Mạnh Hùng Đại học George Mason vừa sau chuyến đi Bắc Kinh và Nam Ninh trở về, với ấn tượng về những "think tank" rất trẻ trung của Trung Quốc ở lứa tuổi trên dưới 40 chứ không già nua như ở Việt Nam – một Việt Nam thì vẫn cắm cúi đi theo mô hình Trung Quốc nhưng bao giờ cũng tụt hậu ít nhất 20 năm, khiến không thể không nhắc tới câu nói của Lê Khả Phiêu, tổng bí thư Đảng CSVN đã làm cho người Việt phải chau mày: "Nếu Trung Quốc thành công trong đổi mới, chúng ta sẽ thành công. Nếu Trung Quốc thất bại chúng ta sẽ thất bại". [FEER, 06/22/2000].
Tuy ở xa hàng ngàn dặm, với cell phone, internet eMail thì mối liên hệ bằng hữu vẫn cứ gần gũi như trong một ngôi làng nhỏ.

Hình XVII_ Đinh Cường autoportrait
tại quán cà phê Starbucks Apr.17.2015

Gởi Ngô Thế Vinh,

Chiếc ghế chemo trong căn phòng ấy
những sợi giây nylon đang thả xuống
hai bịch nước trong veo như nước mắt
tôi ngước mắt nhìn lên. từng giọt. đều.
rơi xuống. giọt. làm nhớ Văn Cao:

từ trời xanh
                    rơi
                           vài giọt tháp Chàm
Quy Nhơn. ngày anh đến đó. những tháng đầu năm 1985
ba bài thơ Quy Nhơn I, Quy Nhơn II, Quy Nhơn III
anh đã ghi lại như ba tấu khúc cello. đẹp như huyền thoại
biển đưa về vài chùm chim yến
nắng làm khô những lá dừa non
quanh Quy Nhơn
tôi như đứa nhỏ yêu huyền thoại  [1]
giọt. giọt. giọt. tôi lại ngước mắt nhìn lên
xem gần cạn chưa. cho đến giọt cuối cùng.
hai giờ lim dim hai giờ hít thở… chemo. chemo …
thì cứ xem như một điệu nhảy vui của người Phi Châu
thì cứ xem như những lời khuyên của Đỗ Hồng Ngọc
mình phải sống. và sống khác. Phải tự tại thôi
Ai có thể “thở” giùm ai? Ai có thể “thiền” giùm ai?
Virginia, July 10, 2015
Đinh Cường

[1] Văn Cao – Lá – thơ – Nhà xb Tác Phẩm Mới 1988

MỘT ĐINH CƯỜNG ĐỐN NGỘ
Nhớ lại cuộc phỏng vấn Đinh Cường do Nguyễn Nam Anh [một bút hiệu khác của Nguyễn Xuân Hoàng] thực hiện cách đây cũng gần 1/4 thế kỷ, Đinh Cường đã phát biểu: "Đời sống bên này có cái thực tế khắc nghiệt là vậy. Càng khắc nghiệt tôi càng trầm tĩnh. Nghiệm ra một điều: hãy làm hết sức mình cho một công việc tốt, cũng có lúc bù đắp lại. Những tấm tranh cũng đã từng nuôi sống tôi, tôi không thể bỏ vẽ được". Tạp chí Thế Kỷ 21, số 23 tháng 3, 1991]

Hình XVIII_ Đinh Cường, Ngô Thế Vinh trong garage studio
Burke, Virginia [photo by Như Phong, 1993]

Càng khắc nghiệt tôi càng trầm tĩnh. Hai mươi bốn năm sau lần nói chuyện với Nguyễn Xuân Hoàng, Đinh Cường vẫn sống khắc kỷ như vậy ngay cả trong tình huống rất cực đoan và vô cùng khắc nghiệt về sức khoẻ. Nguyễn Xuân Hoàng thì cũng đã mất gần một năm [12/09/2014]. Đinh Cường thì vẫn hít thở, sống trọn vẹn từng giây phút từng ngày, vẫn vẽ tranh làm thơ, vẫn hoàn tất trong cùng năm 2015 hai tác phẩm tiểu luận về hội hoạ "Đi vào Cõi Tạo Hình I & II", Đinh Cường tự nhủ: phải sống và sống khác, phải tự tại thôi. Một Đinh Cường đã thực sự đốn ngộ, cho dù đang chênh vênh bước trên con dốc tử sinh.
Thứ Sáu 28/ 08/ 2015, một ngày chemo của Đinh Cường, sau đó được Nguyễn Thế Toàn tới đón từ nhà thương, nói chuyện qua phone vẫn một Đinh Cường giọng ấm và trầm tĩnh, hai người bạn ấy cứ như từ một pinic và đang trên đường về. Sáng Thứ Bảy ngày hôm sau, Đinh Cường đã đưa Nguyễn Đình Thuần đi Washington DC xem tranh tại National Gallery of Art, đến tối là một buổi họp bạn tới khuya. Đinh Cường đều có mặt, đó là tin vui cho các bạn hữu ở xa muốn biết tình trạng sức khoẻ của Đinh Cường.
NGÔ THẾ VINH
Long Beach, Sep. 6, 2015

No comments:

Post a Comment