Monday, June 30, 2014

ĐÊM MÙA HÈ LAVENDER



nguyễn thị khánh minh



                                               Lavender. Nguồn Internet 

Có tiếng kêu của một loài chim đêm
Hòa vào điệu vũ cỏ. Sương. Và hoa
Những đóa kèn của thiên thần đã đến giờ thổi. Long lanh hội
Tím lavender. Hối hả
Em ơi. Em ơi. Em ơi
Dạ vũ ánh trăng và mộng
Em đi chưa?

Bước những cánh hoa reo. Tiếng gió nhịp chân quấn quít. Em nghe tiếng anh như tiếng lá vừa chạm xuống vai. Em nghe từ ánh mắt anh dịu sáng những lời thơ ẩn giấu. Miên man môi đêm màu tím, cọng rơm mật ngọt. Tràn em trăng đêm

Tiếng chuông nôn nả gọi.  Lavender, Lavender
Ưng ức 12 nhịp chuông buồn. Nửa đêm. Những điều ước nhỏ lệ trên nhịp chạy
Đêm tan và mất dấu
Bóng tối xoá dần những cặp đôi say sưa điệu nhẩy
Em ơi. Em ơi. Em ơi
Em đi đâu?

Những bước vội. Con đường trăng rơi mù dốc sương. Tiếng gọi như hạt chuông vừa bỏ lại. Những ánh nến. Lập loè hun hút. Em chạy trong tiếng giấc mơ rơi trên con đường đêm thút thít. Tìm nhau

Những cánh cửa nhà nhà đã khép
Và giấc ngủ bao trùm mặt đất
Thiên thần đã cầm đi đoá hoa cuối cùng
Chiếc xe chở vào giấc mộng biến thành những con chuột chui vào hang tối
Chiếc áo lễ hội tan thành bụi đêm. Lavender buồn rũ
Em ơi. Em ơi. Em ơi
Vọng âm đêm
Vọng âm tim

Lavender bên cổng nhà ai
Kể với tôi
Về một đêm dạ vũ
Giống y như trong chuyện cổ tích
Tôi biết rằng có thực
Khi nhìn lavender mắt tím đêm. Dấu son phai
Và mầu xiêm y buồn bã

6.2014
NTKM

TÌM DẤU TÍCH NỀN VĂN MINH MAYA



Nguyễn Xuân Thiệp








                                                          Photo Bảo Huân

theo cánh chim kiskadee
chao nghiêng
tôi tới nơi này
đất và trời
maya
trưa
nắng
những cây phượng mùa hè. rực rỡ
nhớ phượng thành
em có nghe cùng tôi
những âm vang
từ đá
và mùi ca cao. nồng môi. đêm. như ở café maya ngày nào
ôi. maya
tôi tới đây
đi bên người. và chim
con đường bụi đất
những phế tích. tường thành
tắc kè xanh đỏ, hình đầu rắn và beo
chim rừng
những nét phù điêu trên đá
cây và chim. ngàn năm. vẫn nhớ bóng người


   Trước hết, một lần nữa xin được nói về những cây phượng ở khu Chichen Itza. Chúng nở đỏ mùa hè và hồn tôi. Đã lâu rồi, cũng đã gần 20 năm, không được nhìn thấy phượng. Cho nên nhờ Bảo Huận chụp cho mấy tấm hình dưới cây phượng nở hoa mà lòng cứ bồi hồi. Vốn mang tâm hồn nostalgia, Nguyễn nhớ tới những cây phượng thời đi học, ở dọc theo bò sông Hương, dưới bóng phượng thành. Và những cây phượng ở sân trướng Marie Curie, Lê Quý Đôn và hai bên đường vào thành phố Mỹ Tho tận trường Lê Ngọc Hân và trường Nguyễn Đình Chiểu ngày nào. Ôi những cây phượng của đời tôi.
     Trở lại khu phế tích Chichen Itza.
     Đã lâu rồi, tôi có nghe tới hay đọc thấy trên trang sách về một nền văn minh cổ đại mang tên Maya, nay đã gần như biến mất. Chỉ còn cây rừng, chim chóc, những con tắc kè xanh đỏ trên các bức tường thành đá núi, những cây cột, kim tự tháp và mây bay. Còn người, người Maya đã đi đâu về đâu. Tôi có gặp nhiều thổ dân ở đây, họ bán những hòn đá và đồ lưu niệm dưới bóng cây. Họ có màu da ngăm đen, mắt sâu nói thứ ngôn ngữ lạ, vậy họ có phải là hậu duệ của người Maya còn sống sót không. Ba cô gái mặc y phục cổ truyền rực rỡ nhảy múa trong quán ăn có tên Restaurante Peblo Maya, có đúng họ là con cháu đời sau của người Maya không. Đọc tài liệu trên net có ghi: Ngày nay có hơn bảy triệu người Maya vẫn sống trong các khu vực mà trước đây là nơi cư trú của tổ tiên họ. Có những người trong số đó vẫn giữ một lượng đáng kẻ các di sản văn hóa cổ xưa.
     Vậy là cả một nền văn minh đã biến mất giữa cây rừng. Tài liệu trên internet thấy còn ghi: Khoảng thế kỷ thứ I, người Maya đã sống quần tụ thành quốc gia. Họ sống dựa vào nông nghiệp và phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên như khí hậu. Các sản phẩm trồng trọt của người Maya chủ yếu là ngô, đậu, cà chua, bí đỏ, ca cao... Người Maya cũng lấy chăn nuôi làm nguồn lội chính sau trồng trọt. Các loại động vật chăn nuôi gồm chó, , hươu, nai, chim, ong mật... Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người Maya cũng đạt đến một trình độ rất cao. Ngoài ra, người Maya còn biết làm muối với những khu vực rộng lớn và độc đáo.
   Người Maya cũng là người đầu tiên dùng ca cao. Bằng cách dùng hạt ca cao đã được rang, họ làm ra đồ uống sô cô la lạnh và cay. Sau đó, người châu Âu đã đưa ca cao về chế biến thành sô cô la và ca cao nóng. Ca cao là món quà thiêng liêng của các vị thần và hạt ca cao được dùng như tiền tệ. Ca cao thậm chí có vị thần của nó: Ek Chuah, vị thần của người Maya về buôn bán và thương mại, cũng là thần hộ mệnh của những vụ mùa ca cao. Mặc dù nền văn hóa có những thay đổi theo thời gian nhưng người Maya vẫn duy trì ngôn ngữ và những nét truyền thống. Hệ thống chữ viết của người Maya rất phức tạp, gồm khoảng 800 chữ tượng hình riêng biệt. Người Maya viết sách về các vị thần, người đứng đầu, về cuộc sống và những sự kiện đặc biệt của họ. Những cuốn sách của người Maya được làm từ vỏ cây, bao gồm các chữ viết tượng hình được gọi là “codices”. Khi người Tây Ba Nha đến xâm lược, khoảng 600 năm sau khi nền văn minh Maya biến mất, họ đã tìm thấy những cuốn codices. Tin rằng những cuốn sách chứa các hình ảnh về ma quỷ, họ đã thiêu rụi 40 cuốn sách codices của người Maya và 20 ngàn hình ảnh tôn giáo của họ, chỉ 4 cuốn codices còn tồn tại.


                                               Cây cacao. Nguồn: Internet

 

                                        Nghệ thuật Maya. Nguồn Internet 

        Tôn giáo của người Maya là sự pha trộn của Công giáo, tín ngưỡng Maya cổ và các nghi lễ trong đó có lễ hiến tế bằng máu. Người Maya là người đầu tiên sử dụng vật tế sống. Họ hiến tế cả động vật và con người. Một số động vật được cúng với số lượng lớn như: cá sấu, cự đà, chó, báo đốm, gà tây. Tuy nhiên lễ cúng người sống là tối cao. Sự hy sinh này đã được mô tả trong các đồ gốm cổ, bức điêu khắc và những bức tranh tường. Nô lệ, tội phạm, con hoang, trẻ em, trẻ mồ côi là phần lớn nạn nhân. Việc tế lễ được thực hiện tr ên đ ỉnh kim t ự th áp. Các nạn nhân được sơn xanh rồi bị xé mở ngực và cắt tim (quả tim vẫn còn đập). Trái tim này được đưa cho vị linh mục cao nhất và phần cơ thể nạn nhân được ném xuống các bậc thang của ngôi đền.
   Nền văn minh Maya đạt một trình độ cao không những về lĩnh vực xây dựng nhà nước mà còn phát triển rực rỡ cả lĩnh vực kiến trúc, toán học, thiên văn học và tính toán thời gian. Người Maya xác định chính xác độ dài của một năm gồm 365 ngày, thời gian Trái Đất quay hết một vòng quanh Mặt Trời, chính xác hơn rất nhiều lịch được châu Âu sử dụng vào thời đó (lịch Gregory). Người Maya sử dụng lịch (gọi là lịch Maya) trên cơ sở năm Mặt Trời với 365 ngày. Một năm Mặt Trời được chia thành 18 tháng, mỗi tháng có 20 ngày (dùng hệ đếm cơ số 20), năm ngày còn lại được đưa vào cuối năm. Các ngày trong tháng được ghi bằng số thứ tự từ 0 đến 19 trước tên tháng (0 đến 4 cho tháng thiếu, cuối năm có 5 ngày). Theo lịch này, các năm nối tiếp nhau không ngừng, không có năm nhuận. Như vậy kết quả là lịch sẽ bị sai lệch lùi về một ngày trong vòng 4 năm.
   Nhiều người xem nghệ thuật Maya ở Kỷ nguyên Kinh Điển của họ (khoảng từ năm 200 đến 900) là rất tinh xảo và đẹp nhất của Tân Thế Giới cổ. Những tác phẩm chạm khắc và nghệ thuật đắp nổi bằng vữa tường ở Palenque và những tượng của Copán đáng ngưỡng mộ, phô bày dáng vẻ tinh tế, yêu kiều, chính xác của con người ở Nam Mỹ làm các nhà khảo cổ nhớ đến các nền văn minh kinh điển của Cựu Thế Giới, mà ban tặng cho cái tên quý giá trên.
   Ngoài những tác phẩm hội họa kinh điển Maya, còn rất nhiều những đồ gốm tùy táng hay hiến tế với độ chắc chắn và tinh xảo. Tại công trình của Maya ở Bonampak còn lưu giữ những bức tranh tường cổ đại với vẻ đẹp trường tồn. Cùng với việc giải mã các chữ viết của người Maya, các nhà khoa học cũng biết được rất nhiều nghệ sỹ. Căn cứ vào các di vật khám phá ngày càng phong phú, người ta xác định được rằng vào khoảng thế kỷ thứ 1 các quốc gia cổ đại của người Maya đã được thành lập. Phần lớn các quốc gia người Maya bị diệt vong do nhiều lý do ở vào khoảng thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 10. Duy chỉ có quốc gia thành thị trên bán đảo Yucatán, thuộc Mexico tiếp tục tồn tại cho đến khi thực dân Tây Ban Nha đến xâm chiếm vùng này vào thế kỷ 16. Hậu quả của cuộc xâm lăng đã tàn phá rất nhiều các di sản của người Maya.

                                    

                              Sách của người Maya. Nguồn Internet
 
     Một trưa tháng 6 của năm 2014, đoàng chúng tôi gồm 6 người: Bảo Huân, anh chị Gió Đồng Nội, Nguyễn này và Ngọc, Thi, Vivian  đã đến thăm thành cổ Chichén Itzá. Thành này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, ở cách Cancún 180 cây số. Theo ghi nhận của nhà báo Bùi Văn Phú trong một ký sự đọc thấy trên web: Quần thể khu di tích rộng hơn 6 cây số vuông, nằm giữa rừng. Nơi đây có El Castillo được coi là một trong bảy kì quan nhân tạo của thế giới. Khu này được bắt đầu xây dựng từ thế kỉ thứ 5 và kim tự tháp được xây vào năm 850 là biểu tượng của nền văn minh Maya mà đến nay giống dân này đã biến mất không hiểu vì nguyên do nào. El Castillo cao 25 mét. Mỗi mặt có 91 bậc thang, tổng cộng bốn mặt là 364, cộng với một sàn chính là 365, là số ngày của một năm. Còn những con số biểu tượng khác qua những tảng đá, cấu trúc trên kim tự tháp như 18 tháng của niên lịch Maya, 52 tuần lễ của một năm hay theo chu kì cứ 52 năm các hành tinh lại cùng nằm trên một trục thẳng trong không gian là những điều được người hướng dẫn giải thích.
   Đoàn chúng tôi đến thăm và đứng chụp hình dưới bóng kim tự tháp El Castillo, tiếc rằng đã không biết đến một sự kiện khoa học là đứng dưới chân kim tự tháp cùng vỗ tay, trong vài giây những tràng pháo tay dồn dập vọng lại trong gió nghe như một đàn chim đang vỗ cánh bay ngang. Đúng là tiếc vô cùng, nếu biết được cả đám sẽ đứng vỗ tay liên hồi để nghe beo gầm, cọp rống, những con chim rừng thiên cổ đập cánh và tiếng người dội trên các vách đá, và mưa rơi, sấm nổ chớp lóe trên cổ thành. Em, em có gọi tên anh giữa cổ thạch và cây rừng không?  Trong khi đi thăm khu kiến trúc gồm đài thiên văn, sân thể thao, đấu trường, đền thờ tế lễ, giếng nước của người Maya, Bảo Huân khoái nhất là chụp hình mấy con tắc kè, đầu rắn và những phù điêu trên đá. Mình, mình cũng khoái y như vậy. Còn Ngọc và các vị nữ lưu thì hăng hái mua đồ lưu niệm. Mình chỉ mua một cục đá cẩm thạch màu xanh cho bộ sưu tập “Những bông hoa và hòn đá”.
   Ngày vui ngắn ngủi. Trên đường về ghé một nhà hàng Mễ uống bia nội địa và ăn súp thật ngon. Ôi, biết bao giờ ta trở lại chốn này?

Tháng 6. 2014
NXT

Sunday, June 29, 2014

ĐỌC ‘GHI CHÉP LANG THANG’ CỦA ĐỖ HỒNG NGỌC



Hoài Thương

 



Đúng như tên gọi của tập sách, “Ghi chép lang thang” là quyển sách tập hợp những bài viết ghi chép lại những điều mắt thấy, tai nghe, những cảm nhận chân thực, những chia sẻ chân thành trên đường “lang thang” với đời, với nghề của nhà thơ, nhà văn, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.
* Đó có thể chỉ là một buổi lang thang tìm kiếm băng đĩa ở một cửa tiệm nào đó để rồi thích thú phát hiện ra những tên gọi mới cho loại nhạc mà mình yêu thích: “Sến Già Nam”, “Sến Già Nữ”. Từ đó tác giả nói dài, nói rộng ra và hoài niệm về những bài hát, những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng một thời mà bây giờ bị giới trẻ đóng mác là “sến”. “Tôi chắc rồi một hôm nào đó cậu trai 8X kia sẽ tìm đến bản nhạc “sến chảy nước” nọ và rồi 8X sẽ được thay thế bởi 9X, 0X… Rồi sẽ có những người tìm đến Sến Già Nam, Sến Già Nữ như tôi hôm nay cho mà coi! Không lâu lắm đâu! Hãy đợi đấy!”
* Với góc nhìn của một bác sĩ cũng như một người nghiên cứu, người làm văn hóa, tác giả giúp người đọc hiểu được sự thiêng liêng, quan trọng của việc một sinh linh bé bỏng hình thành trong cơ thể của người mẹ, việc thay đổi tâm lý, tu tâm dưỡng tính của người mẹ để chuẩn bị đón đứa con sắp chào đời để rồi mới có câu “Con vào dạ, mạ đi tu”.
* Tác giả chia sẻ quyển sách của Nguyễn Hiến Lê đã làm thay đổi cuộc đời mình, quyển sách giúp một cậu bé mười lăm tuổi, thất học, phụ mẹ bán hàng xén ở một chợ quê vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm học hành và trở thành một bác sĩ, một nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa nổi tiếng ngày nay. Từ chia sẻ ấy, con đường văn hóa của Nguyễn Hiến Lê đã được nối dài, “những hạt mầm đã vươn lên”.
* Hay đó chỉ là những cảm xúc về vở kịch Thiên Thiên của Việt Linh; những cảm nhận của bạn đọc cũng như suy nghĩ của tác giả về quyển sách “ấn tống” – “Già ơi… Chào bạn!” của mình – một quyển sách “in để biếu tặng, không bán”; những bài viết thú vị về Thiền, vận dụng Kinh Kim Cang vào cuộc sống hàng ngày!
* Tuổi già và nhận biết mình già có lẽ là điều không vui gì so với nhiều người, nhưng Đỗ Hồng Ngọc lại khác. Ông nhìn trực diện vào tuổi già, chia sẻ nhiều về tuổi già, từ những ghi chép ngắn cho đến cả quyển sách về tuổi già: Già ơi… Chào bạn! Những bài viết cho thấy một Đỗ Hồng Ngọc chấp nhận tuổi già, hiểu luật sinh tử, phân tích tuổi già trên nhiều góc độ như y học, văn hóa, tôn giáo… với cái nhìn hoài niệm của người có tuổi, nhớ lại những chuyện xưa, người cũ nhưng vẫn hài hước, lạc quan: “Lá cứ rụng rồi lá cứ xanh. Hoa cứ nở rồi hoa cứ tàn. Trăng cứ tròn rồi trăng cứ khuyết… Cho nên, chỉ già thêm chút nữa, rồi già thêm chút nữa… nữa với mỗi người, thế thôi.”
* Và rồi, bắt đầu những chuyến đi, những ghi chép lang thang đích thực về cảnh, về người, chuyện mình, chuyện người. Từ La Gi đến Phan Thiết, núi Tà Cú, xuống Vũng Tàu rồi ngược lên Đà Lạt, leo lên Bà Nà rồi về Đà Nẵng, ra Huế, đi Sa Đéc… những chuyến “giang hồ… vặt” ấy mang lại cho tác giả bao nhiêu kỷ niệm. Những chuyện ngày xưa, ngày nay; bạn mới, bạn cũ cùng những cảnh đẹp, cảm nhận về những địa danh đều được tác giả viết ngắn gọn mà thân tình, êm ái. Đó chỉ là những câu chuyện nho nhỏ, mỗi nơi mỗi nỗi nhớ riêng, “mới thôi mà đã 60 năm!”.
* Đúng chất ghi chép lang thang, quyển sách còn ghi lại nhiều cảm xúc, suy nghĩ của tác giả về những ngày làm việc, những ngày đang sống của mình. Từ những buổi sinh hoạt văn nghệ, những ghi chép vội vã về những chuyến đi, những ngày lang thang Sài Gòn để nhớ chuyện cũ, người xưa… mới thấy tác giả đi nhiều, gặp nhiều và “cảm” nhiều chuyện mình, chuyện người.
* Trong sách còn có những bài trả lời phỏng vấn rất thú vị của Đỗ Hồng Ngọc với nhà báo Ngô Sơn về y học, với nhà thơ Lê Minh Quốc về văn chương, về cuộc sống, với Linh Thoại về nghề y, nghề viết, với Trần Hữu Ngư về tuổi già tuổi trẻ, với Kim Yến về con đường “tìm thuốc”… Ngoài ra còn có những câu hỏi và trả lời của tác giả trong các buổi giao lưu trực tiếp cũng như trực tuyến trên mạng mà nhiều bạn trẻ, nhiều bạn đọc gần xa dành cho ông.
* “Ghi chép lang thang” đặc biệt còn có khá nhiều những hình vẽ bút sắt… cũng lang thang không kém của Đỗ Hồng Ngọc, những minh họa rất dễ thương!
(HT)