Saturday, May 31, 2014

Ô CỬA SỔ NHÀ TÔI. BÓNG QUẠ. VỀ NHƯ CÂY ĐỨNG KHÓC



thơ nguyễn xuân thiệp


                                                  Mật ngôn. Đinh Cường


Ô cửa sổ nhà tôi

ô cửa sổ nhà tôi
không có tiếng dương cầm
chỉ có tiếng chim buổi sáng
thỉnh thoảng kêu
đánh thức gã ngủ muộn. cô đơn

đôi khi
tiếng mưa lúc nửa đêm
lạnh vắng

đã lâu rồi
trăng không về nữa
người ngoài ngàn trùng. xa khuất
còn tôi. và những câu thơ

đôi khi. tiếng sấm
dội về
chớp xé
qua khung cửa sổ
và tôi biết
hồn tôi không bình yên


bóng quạ 

em nhé
thơ  tôi
có bông loa kèn rực rỡ

và đôi khi
cả bóng quạ đen
này. em nghe đây

đứng trên cành phong du
lẻ loi
một bóng quạ.
đêm
kêu
nhớ trăng. tà. nguyệt
bên cầu
basho

về như cây. đứng khóc

dù ở một nơi xa. thật xa
vẫn nhìn thấy
căn phòng. và ngọn đèn. mắt ai
bên bông hồng đỏ
như lời gọi
của một người, gởi một người
về đi. về đi
kẻo mai
gió lạnh đầy
không còn ánh lửa

dù ở một nơi. xa thật xa. xứ của mặt trời mù. quạ. và cánh đồng
cũng tưởng như trước hiên nhà
nơi có khóm oải hương. và mùi cà phê. buổi sáng
một người ngồi đợi
đã bao năm
đợi ai. chờ ai
từ bức tranh siêu thực. bước xuống
hay từ bài serenade
bay lên
hay từ thơ e.e.cummings
về lại giữa đời này
như cây
đứng khóc

ĐỖ HỒNG NGỌC. THƠ VÀ THIỀN



Bạn Văn



                                                                   Đỗ Hồng Ngọc







Nỗi đau vì sự mất mát của con gái, tình yêu dành cho những điều nhẹ nhàng, trân quý trong cuộc sống khiến vị bác sĩ cảm tác nên những vần thơ đẹp.
Gần đây, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc phát hành hai cuốn sách mới, đó là: Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khácThiền và sức khỏe.
Trong lời bạt tập thơ mới của Đỗ Hồng Ngọc, giáo sư Huỳnh Như Phương viết "Thơ Đỗ Hồng Ngọc ẩn hiện giữa cuộc đời. Câu thơ chan hòa, giản dị, như bật ra từ trái tim...".
Hoạt động trong ngành y,  nhưng ông là vị bác sĩ mê thơ. Nhiều người nhìn ông như một thầy thuốc đi làm thơ nhưng thực ra ông cũng được xem là nhà thơ (nghệ danh Đỗ Nghê) đi làm... thầy thuốc. Thơ chiếm không nhiều trong số lượng sách ông từng xuất bản (trên 30 cuốn) nhưng giúp thể hiện nhiều góc cạnh của ông nhất: đa tình, lãng du, suy tưởng, chiêm nghiệm và hướng thiền...

Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác, trong phần thứ ba, Đỗ Hồng Ngọc dành 11 bài thơ viết riêng cho đứa con gái vắn số của anh, đã qua đời vì một tai nạn. Những vần thơ anh viết về đứa con rút ruột của mình vừa yêu thương, vừa tự hào, vừa xót xa, bất lực. Tác giả vừa tự trách mình đã không thể hiện tình yêu thương với con đủ nhiều ngay khi còn có thể. Có lẽ đây là phần xúc động nhất của tập thơ vì chạm đến trái tim của mọi người.

Từ những biến cố, mất mát của cuộc đời, ý niệm về thiền bước vào đời sống của Đỗ Hồng Ngọc tự nhiên như hơi thở. Đây là điều được đề cập ở ấn phẩm thứ hai của ông. Trong thơ có thiền, trong thiền có thơ.
Hãy cùng đọc bài "Thở" của ông:
"Lắng nghe hơi thở của mình
Mới hay hơi thở đã nghìn năm xưa
Một hôm hơi thở tình cờ
Dính vào hạt bụi thành ra của mình
Của mình chẳng phải của mình
Thì ra hơi thở của nghìn năm sau...!"
Trong lời ngỏ cuốn sách, Đỗ Hồng Ngọc viết: "Khi bước đi được những bước đầu tiên lẫm chẫm như một em bé trên nền đất, tôi thấy quả là một phép lạ. Tôi nhìn tôi trong gương với cái đầu trọc lóc và thấy tức cười. Tôi đó ư? Vậy mà lâu nay tôi tưởng tôi là cái gì khác chứ! Bạn bè trong ngành ai cũng thương cho thật nhiều thuốc. Tôi chọn dùng một thứ duy nhất bởi biết bệnh tôi không thể chữa bằng thuốc. Phải đi tìm một con đường khác thôi. Rồi tôi đọc lại Tâm Kinh 'Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách...'. Những câu kinh xưa mịt mờ bây giờ bỗng sáng rõ với tôi. Phải rồi. Phải tự tại. Phải dựa vào chính mình thôi. Tôi vừa tìm hiểu kinh thư vừa lục toang đống sách y khoa đã học từ mấy chục năm trước để tìm kiếm. Thì ra có sẵn một con đường mà bấy lâu xa lạ".

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Ông là tiến sĩ y khoa quốc gia, tốt nghiệp Y khoa Đại học đường Sài Gòn (1969). Ông cộng tác với rất nhiều báo, tạp chí. Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có: Thể loại tạp văn: Gió heo may đã về; Già ơi…Chào bạn! Nghĩ từ trái tim, Những người trẻ lạ lùng; Thầy thuốc và bệnh nhân, Như ngàn thang thuốc bổ, Cành mai sân trước (tuyển tập), Thư gởi người bận rộn 1,2, Khi người ta lớn, Như thị, Chẳng cũng khoái ru?, Gươm báu trao tay, Nhớ đến một người, Thấp thoáng lời Kinh...
Ông có các tập thơ đã xuất bản như: Tình người (1967), Thơ Đỗ Nghê (1973),  Giữa hoàng hôn xưa (1993), Vòng quanh (1997)...

(Trang nhà BS Đỗ Hồng Ngọc)

VÕ ĐÌNH. TỔ CHIM TRÊN BỜ BIỂN



Bài của Đinh Cường



                                             Võ Đình
    
                                      để nhớ 5 năm ngày mất Võ Đình

Võ Đình là một tác giả tên tuổi trong văn học nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Sang Pháp du học từ năm 1950, học văn chương ở Đại Học Sorbonne, hội họa ở Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris và La Grande Chaumière. Sang Mỹ năm 1960, sống tại một vùng ngoại ô miền núi phía Tây Bắc Maryland. Triển lãm cá nhân đầu tiên năm 1961 tại New York. Từ đó tranh anh bày trong nhiều cuộc triển lãm quan trọng khác, vẫn nhiều nhất ở Mỹ. Được giải Christopher Award năm 1975 tại New York. Ngoài vẽ tranh anh còn viết và dịch thuật, cộng tác với các tạp chí Mỹ, Việt, là người viết nhận định về hội họa rất sâu sắc, hóm hỉnh. Lâu đem ra đọc lại Sao Có Tiếng Sóng, do Văn Nghệ xuất bản năm 1991, những suy nghĩ của anh về văn chương nghệ thuật vẫn thâm thúy, Ỷ nhị. Anh là một người giỏi chuyên môn ở cả hai lãnh vực, nên viết về anh thật khó. Tôi chỉ còn biết ghi chút kỷ niệm cùng anh.

Nhớ là vào dịp Tết Giáp Dần năm 1974 anh về nước sau trên hai mươi năm xa cách. Ôn (thân sinh anh) đưa anh ra thăm chúng tôi ở ngôi nhà phía sau trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, tôi đang dạy ở đó, và nhà tôi dạy cùng trường Nữ Trung Học Thành Nội với chị Võ thị Nga, em gái anh. Sau đó tôi rủ Trịnh Công Sơn cùng ghé thăm, uống với nhau ly rượu mừng xuân, tình anh em văn nghệ thân thiết rất đỗi tự nhiên, anh đã kể lại trong Trời Đất:

"Năm 1974, sau trên hai thập niên lưu lạc, từ Huế sang Paris, từ New York sang San Francisco, tôi lại quay về Huế. Chỉ hai hôm sau Tết Giáp Dần, hai chàng trẻ đến thăm: Đinh Cường và Trịnh Công Sơn. ĐC hỏi tôi có đem tranh về không. Tôi nói không. ĐC đề nghị tôi vẽ ngay một số tranh: Anh sắp có triển lãm, nếu tôi cùng trưng bày với anh càng vui. Tôi vẽ 14 bức tranh mực xạ trên giấy, đặt tên từ Huế I đến Huế XIV. Cuộc triển lãm diễn ra ở một phòng lớn của đại học Văn Khoa Huế. Sau đó chúng tôi "họp mặt" ở nhà Trịnh Công Sơn. Và lần đầu tiên tôi gặp Lê Thành Nhơn. Trước đó tôi từng gặp Lê Thành Nhơn. Gặp tác phẩm, không gặp người. Sau buổi nói chuyện ở trường Mỹ Thuật, tôi cùng nhiều người bước ra sân. Không nhớ ai đã chỉ cho tôi xem tượng Phan Bội Châu. Ở Huế, người ta gọi là cụ Phan, hay cụ Phan Sào Nam. Cả bức tượng là một cái đầu người. Một cái đầu vĩ đại. Tôi sinh ở Huế, lớn lên ở Huế, từng nghe không biết bao nhiêu chuyện khí khái về "Ông Già Bến Ngự". Đêm ấy tôi đã được gặp tác giả chân dung cụ Phan. Và nhớ mãi." [1]



                                          Tổ Chim Trên Bờ Biển tranh Võ Đình ( coll. DC )

Tôi cũng nhớ mãi anh đã vẽ tặng tôi bức "Tổ Chim Trên Bờ Biển" với lời ghi Tưởng niệm Phan Sào Nam tiên sinh. Đêm ở nhà Sơn, anh uống rượu rất chì, râu mép đen dày, mắt lim dim, hút pipe, áo khoác kaki bốn túi, đúng là dân Parisien, và khi rượu đã thấm. anh bỗng ngâm thuộc lòng Bài Hành Phương Nam dài của Nguyễn Bính:

Hai ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Riêng ta với người buồn vậy thay
.
rồi ngâm Tràng Giang của Huy Cận:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Giọng anh trầm buồn, ngân vang, đứt quãng, như muốn khóc. Khuya tôi về cùng anh qua mấy con đường âm u trong Thành Nội, anh chỉ mấy chiếc am bên hàng chè tàu nhà ai còn đốm nhang chưa tàn. Sáng hôm sau tôi đi mua giấy vẽ và màu nước, mực xạ đem đến. Anh hứng thú vô cùng, trải ngay trên bộ ngựa gõ cạnh phòng khách. ngồi xếp bằng, vung bút. Hình ảnh chiếc am và cội mai già trước sân nhà là hình ảnh đậm nét nhất trong những bức tranh mực xạ của anh. Chúng tôi đã có cuộc bày tranh đầy kỷ niệm: Triển lãm tranh mực xạ và tranh màu nước Võ Đình - Đinh Cường tại Đại Học Văn Khoa Huế từ 28 tháng 2 đến 2 tháng 3 năm 1974. Catalogue ghi: 14 bức Huế I đến Huế XIV, và bức 15: Mảnh Giấy Này của Võ Đình. Phần tôi 22 bức tranh cỡ nhỏ màu nước, đúng hơn, là sơn dầu trên giấy.

Buổi khai mạc do Trung tướng Lâm Quang Thi, Tư Lệnh Vùng I Chiến Thuật cắt băng, và ông Dương Đình Khôi, Khoa Trưởng Đại học Văn Khoa lúc ấy, trang trọng giới thiệu chúng tôi và phòng tranh cùng quan khách.

Sau đó, theo ý kiến anh Doãn Quốc Sỹ, chúng tôi tiếp tục đem tranh vào bày tại Hội Việt Mỹ Sài Gòn từ 29 tháng 3 đến 4 tháng 4 năm 1974.
Triển Lãm tranh Võ ?ình - ?inh Cường Hội Việt Mỹ - Sài Gòn 1974


                                                Triển Lãm tranh Võ Đình - Đinh Cường
                                                           Hội Việt Mỹ - Sài Gòn 1974

Bà Nguyễn văn Bông, giám đốc Hội Việt Mỹ Saigon đã ưu ái cho bày tranh trước vì anh Võ Đình phải trở lại Mỹ sớm hơn thời hạn, nên phải dời lại những phòng bày tranh kế tiếp, đã lên chương trình cả năm. Bà Bông với áo dài lụa gấm màu mỡ gà, thêu mấy lá trúc xanh, cắt băng khai mạc. Phòng tranh đông kín người xem. Lần này anh Võ Đình được gặp lại những người bạn thân, nhất là anh Trương Bính, người bạn ở Pháp về Việt Nam sinh sống sớm nhất. Tôi biết anh rất quý người bạn này, khi anh Bính mất, Võ Đình có vẽ một bức tranh, chụp lại gởi cho xem, một màu nâu của đất, đầy hương khói. Tại Saigon, anh ở lại nhà anh chi. Doãn Quốc Sỹ, vẽ trang trí cái tủ thờ với mầu đỏ son nồng ấm và tặng anh chị Sỹ mấy bức tranh mộc bản thật đẹp, tôi nhớ mãi hai bức: Công Cha (Công cha như núi Thái Sơn) và Nghĩa Mẹ (Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra). Anh thích trang trí những vật dụng trong nhà. Tôi còn giữ chiếc đèn để bàn và cái bàn gỗ thấp, hình lục giác, tự tay anh cưa gỗ, đóng lấy, trang trí những vuông màu đen đỏ, mặt dưới anh ký tên và ghi VI - 65. Anh tặng đem về làm kỷ niệm, lần anh lái xe đón tôi và cháu trai đầu lên thăm anh ở Thạch Lũng - Stonevale, Burkittsville, Tây Bắc Maryland - dừng lại dọc đường anh chỉ nhà bưu điện nhỏ ở phố quận làm nhớ bưu điện ở phố núi vắng lặng Đơn Dương làm sao, và nhà thờ nhỏ lâu đời bên kia đường.. Chiếc bàn này nay là nơi hai cháu nội chúng tôi - Như Thơ, Như Tranh - thích nhất, mỗi lần về thăm là đòi xuống basement, ngồi vào hai chiếc gối thấp hai bên để vẽ. Chiếc bàn đã 45 năm, sau cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của anh tại New York năm 1961. Chao ơi, thời gian.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế, cho đến ngày xuất ngoại khi chưa tới tuổi hai mươi. Nhà cha mẹ tôi trong Thành Nội, ở một xóm sau lưng hoàng thành. Tôi sống qua những năm niên thiếu trong một không khí vừa cổ kính vừa tàn tạ. Cha tôi làm công chức, tính cương nghị, thích yên tĩnh. Mẹ tôi không buôn bán chi, chỉ ở nhà trông nom việc nhà, trồng hoa, trồng rau. Cha tôi vóc dáng lực lưỡng, siêng làm việc chân tay, ăn uống điều độ, giản dị.
Còn mẹ tôi vốn đã cần mẫn việc dâng hương tụng kinh."
(Một món Tết mặn mà - Văn Học, Tết Mậu Thìn, 1988).

Với tôi, ai thương yêu cha mẹ là anh hùng. Anh rất đỗi yêu Thầy, Mẹ là anh hùng trong tôi. Luôn nhớ chiếc bàn thờ Ôn Mệ với tranh hoa sen, nét đặc biệt của anh và chiếc mõ, tượng Quán Thế Âm nhỏ, bát chuông đồng chỉ gõ nhẹ mà tiếng ngân vang.

Mới đó mà đã năm năm rồi sao, nhớ như in buổi trưa, chúng tôi - những người bạn xem như em - đã từ Virginia về kịp đứng bên giường anh cùng chị Lai Hồng và hai cháu Phượng Nam, Linh Giang tụng kinh mải miết, chứng kiến từng hơi thở anh cho đến phút cuối: 6 giờ 20 chiều 31 tháng 5 - 2009 tại căn nhà có bức tranh Chim Hồng vẽ trên cửa kính - cửa chính vào nhà . Bây giờ chỉ còn chị Lai Hồng với khu vườn rộng, đủ thứ cây trái như bên nhà. Chị mới chụp gởi cho xem cây phượng vỹ trước ngõ nở bông rực rỡ, mừng là chị vẫn còn rất khỏe chị nói trời thương.




Tổ Chim Trên Bờ Biển, tấm tranh màu nước nhỏ anh tặng, bên dưới ghi Tưởng niệm Phan Sào Nam Tiên Sinh phải chăng như nhắc lại lòng yêu nước của Ông Già Bến Ngự. khi những ngày tháng này quân Trung Quốc đang lấn chiếm biển đã làm sục sôi bao ý chí đấu tranh của con dân Việt Nam chúng ta.

Virginia, May 28, 2014
Đinh Cường

Võ Đình, tên Võ Đình Mai pháp danh Nguyên Chân
sinh năm 1933 tại Huế, mất ngày 31 tháng 5 - 2009 tại West Palm Beach - Florida

[1] Trời đất - Võ Đình - 10 truyện - 10 chuyện, Tổ hợp xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ 2008