Wednesday, April 30, 2014

TẢN MẠN BÊN TÁCH CÀ PHÊ. MỘNG THẤY ĐƯỜNG ĐI ĐƯỜNG VỀ



Nguyễn Xuân Thiệp


 
                                            Tháng Tư. Hoa poppies đỏ

Tháng Tư về, gợi lên bao điều để suy nghĩ và để nhớ.
Nhớ Sài Gòn, chẳng hạn. Ờ, tại sao lại nhớ Sài Gòn mà không nhớ Huế, nhớ Đà Nẵng, nhớ Nha Trang? Hay nhớ Đà Lạt? Có thể nhiều người nhớ những thành phố này, còn với Nguyễn tôi thì Sài Gòn là đóa quỳ vàng của một thời. Có lẽ tại vì Nguyễn đã sống ở đó những năm thanh xuân của đời mình, và ra đi từ đó. Lại nữa, Sài Gòn chính là Việt Nam trong tim của Nguyễn và nhiều người. Ôi Việt Nam / từng là nỗi đau xé trong tôi / sao tôi khóc lúc ra đi / phượng đỏ một lời yêu dấu cũ / là lúc chia xa…Vâng, qua bên này nghe ca khúc Đêm Nhớ Về Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng (như đêm nào, tại nhà Nhật Hoàng một bạn đã hát lại bài này) ôi càng nhớ da diết. Đêm nhớ về Sài Gòn / Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa / Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa / Ai sầu trong quán úa … Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song / Mắt người tình một trời mênh mông / Gợi bao nhiêu cho cùng... Yêu me một khối tình quê / Yêu em từng bước tình si / Đêm đêm mộng thấy đường đi đường về

     Tưởng Năng Tiến, trong một bài tạp bút đã viết rất hay về những giấc mơ của mình. Kẻ này dám chắc nhiều vị ở tuổi  phù vân cũng sẽ cảm nhận điều này khi đọc bài Những Mảnh Đời Rách Nát của Tiến. Này nhé, Tiến kể rằng mình chỉ là một cư dân “part time” của xứ Huê Kỳ vì đêm đêm hồn thường thoát bay về nơi cố quận. Tiến thấy mình trở về với Đà Lạt thời thơ ấu. Bắn chim, chơi tạt lon, trèo cây, tắm hồ, bắt dế, lang thang trên những con đường vắng... Có khi Tiến trở về nhìn lại mảnh trăng rừng, thăm ngôi nhà biệt giam ở trại cải tạo Tân Rai, thuộc ngoại ô tỉnh Lâm Đồng, nơi Tiến bị tụi nó còng chân dưới mái nóng như điên, trong khi mình lên cơn sốt.      
    Đọc đoạn văn Tưởng Năng Tiến viết, lòng kẻ này bỗng dưng đâm ra trăn trở. Tự nhủ mình cũng có nhiều kỷ niệm ở bên kia bờ đại dương- như thời mới lớn ở Vương Phủ, tuổi thanh xuân ở Sài Gòn, Đà Lạt, buổi trung niên lưu đày đất Bắc..., và thường vẫn nghĩ về những nơi chốn ấy. Thế nhưng không được như Tiến đêm đêm mộng thấy mình về sống lại những quãng đời xưa. Nói nào ngay, cũng có nhiều đêm nằm mơ. Thường là những giấc mơ dữ và buồn. Như hồi mới qua Mỹ, đôi lúc mơ thấy bị Cộng Sản bắt lại, tỉnh dậy mồ hôi đẫm ướt áo, mình hâm hấp nóng, miệng khát đắng. Cũng có lúc thấy mình đang ở một bến đò nào đó -Thừa Phủ hay Ô Lâu- lúc bóng chiều rơi đỏ mặt sông, và con đò mãi không ghé bến. Có một lần trở về Đà Lạt, bàng hoàng nhặt trái thông khô, và chợt thấy -như trong tranh Chagall- “em và bầy chim én / vẫn bay trên phố xưa / những mái nâu cao thấp / quán sách. hương cà phê...” Đêm mộng về cố hương, chỉ có bấy nhiêu. Ngoài ra, rất thường khi, mơ lúc đang tỉnh. Như khi ngồi trước còm-pu-tờ, cùng người đi trên bờ biển hay lái xe trên freeway... Thân xác ở nơi này mà hồn như một đám mây, hay một mặt trăng, bay trên những vùng đất cũ. Tôi lại thấy tôi cùng Thỏ nhặt những chiếc lá bàng ở Vương Phủ hay chạy chơi trên sân lát gạch hồng. Tôi lại thấy tôi cùng Dao Ca và Tạ Ký ngồi đọc thơ Vũ Hoàng Chương trên Đập Đá vào một đêm những chiếc thuyền trăng trôi trên dòng Hương biếc. Tôi lại thấy tôi khi thì đang cùng người thân yêu, tay trong tay, dạo chơi trên phố Catinat; hay đang đứng trên bục giảng ở ngôi trường Lê Ngọc Hân nhìn xuống thấy đôi mắt màu nâu mở lớn nhìn mình... Và chim én nữa chứ, chim én ơi, bay bay hoài dưới mái Đài phát thanh Đà Lạt và nhà thờ Con Gà. Rồi những lán trại chập chùng trong sương. Cẩm Nhân, Bắc Thái, Thanh Chương... Tôi thấy, thấy lại nhiều lắm trong những phút giây của đời sống nơi này, lúc đang tỉnh thức chứ không phải đêm khuya khi đã chìm vào giấc ngủ. Mộng giữa ban ngày. Đúng như thế đó. Những cảnh đời đã qua cứ như đèn kéo quân làm cuộc diễu hành thầm lặng trước mắt. Chính vì vậy mà thành người đãng trí, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, từng bị vợ và người ta la thôi kể siết. Nghĩ cho cùng, đúng như Tưởng Năng Tiến nói, mình chỉ sống “part time” ở trên xứ Mỹ. Còn thì hồn cứ mãi ở đâu đâu. Nghĩa là một cuộc phân thân -một nửa ở nơi này, một nửa ở nơi kia.
   Vậy nơi đâu là chốn quê nhà? Đây không phải là câu hỏi hàm ý siêu hình như trong ca từ của Trịnh Công Sơn. Nó rất là hiện thực. Tôi biết rất rõ quê nhà của tôi ở đó, bên kia biển rộng. Nó là căn phần của tôi, không thể nào chặt đứt được. Nhưng đặt chân về thì… Mới đây thôi, tôi có nói với bạn nhỏ rằng hiện tại tôi không thể trở về nơi đình làng xưa như lời chiêu dụ của ông Đạo diễn Trần Văn Thủy trong “Nếu Đi Hết Biển”:
này anh em. bạn bè
chúng ta đã đi hết biển
qua các đại dương. và châu lục
không về lại mái đình xưa
bá ngọ
thời của quỷ
ngói lở. cột xiêu. sen tàn. mùa hạ chết

vâng. tôi từ xứ bò. miền đồng cỏ
hái bông vô ưu. ngày nắng phai
chào boston. thế giới dường như rất nhỏ
xướng ca. ồn. quên lệ rơi
   Mặt khác, hơn mười năm sống ở xứ người, tôi cũng đã bắt đầu quen thuộc với đời sống bên đây. Cái nắng, cái mưa, kể cả thunderstorm qua miền đồng cỏ, và cơn bão tuyết trên ngũ đại hồ... Những con phố đông vui như ở quảng trường Times Square, ở khu French Quarter của Louisiana, ở Las Vegas, trên bờ biển Destin hay Huntington Beach... Những bông trúc đào, hải đào, bluebonnet, poppies, redbud, tulip, lilac, azalea, golden daffodil, daylilies, magnolia... Những chiếc lưng trần, bờ vai trần, quần hở rốn và mùi xạ hương mê nồng... Rồi thì những miếng bánh pizza, những tảng steak ở Trail Dust hay crawfish ở một quán seafood nào đó. Và cafe Starbucks hay Cafe du Monde... Cả nhạc Jazz New Orleans và thơ hippies thơ Beats... Tất cả đã trở thành một phần của đời sống tôi những năm tháng này. Như vậy, trong tôi có hai đời sống -một để nghĩ về và một để sống với. Cuộc phân thân không phải là không đau đớn, nhưng mặt khác dường như nó làm cho mình trở nên giàu có hơn -tất nhiên dưới mắt nhìn của người nghệ sĩ sáng tạo. Có phải vậy không cà, các bạn ta?

NXT


KHÚC THƠ ĐÊM 29 THÁNG 4


Nguyễn Xuân Thiệp





buổi chiều
trong căn phòng bệnh viện
một người nằm mơ
những bông hướng dương. màu vàng
rực rỡ
và những cánh ong bay
tỉnh dậy
thấy chung quanh mình
khuôn mặt của những người thân yêu. cười. nắng tỏa

chợt
nghe như trong lòng
biển hát

NXT

Tuesday, April 29, 2014

LẦN THEO MỘNG ẢO MÀ VỀ…



Nguyễn Thị Khánh Minh


                                                     Blue Concert. Marc Chagall

  Ai đó đã nói, có rất nhiều nơi để đến, nhưng dường như chỉ có một chốn để quay về..., ba dấu chấm này để bạn điền vào nơi chốn của riêng bạn. Để tôi đoán xem, có thể là, gia đình, quê nhà, một nơi ước hẹn..., ngay cả, một giấc mơ, nơi này coi bộ quyến rũ nhất, đối với tôi. Nhưng xin lúc này, hãy cùng tôi,

    Về, là về lại một nơi mình đã chia xa, một chốn cũ, nơi mình được ngồi yên lặng để bầu thân thuộc chuyền cho mình những dưỡng chất đã tiêu hao theo những dặm dài, để được nhìn thấy mình cùng không khí ấy mới mẻ thế nào, cũ kỹ ra sao. Hẳn sẽ là bước về nôn nao hối hả.
    Về, là về cõi thời gian, một dòng chảy mơ không bờ bến, nếu không dành tâm tới lui với nó, khuấy lên hiện tiền một tiếng gọi, vén chút mù sương của ký ức, dợm một bước những phút giây sẽ tới, thì dòng chảy ấy sẽ hư vô. Nên bước về như thước phim quay chậm.
    Và sẽ chập chùng trên đó những bước chân của xác phàm lẫn tâm thức. Nơi chốn ấy là Sài Gòn, thời gian ấy là Sài Gòn. Vâng, Sài Gòn.
    Dạo tôi còn học lớp ESL tại Santa Ana College, thầy Lewis cho viết một bài văn tự do, tôi đã viết một đoạn ngắn về Sài Gòn, với những quán ăn khuya và mưa đêm, nhân lúc nói chuyện ngoài giờ học, thầy nói một ngày nào ông sẽ đi Sài Gòn để thưởng thức trời mưa trong không khí ăn đêm. Tôi đã phải nói rõ thêm với ông rằng, Sài Gòn đã là tên xưa, và tại sao nó trở thành tên xưa. Điều này làm tôi xót như động phải vết thương, vì cái tên ấy nó đã là một phần của thân-thể-ký-ức tôi, là một dòng chảy cảm xúc trong huyết quản tôi.
    Những nốt nhạc ký ức tôi gảy lên hôm nay, ước sao là một tiếng đàn hòa trong bản giao hưởng hồi ức của những tâm hồn đồng điệu, một thời, như tôi, lớn lên từ lòng con phố mang một tên đã thành xưa này. Đó là âm những con chữ cho tôi lần về, và bạn thân ơi, dường như tôi chỉ đang quyến luyến nơi này qua đường tơ kỷ niệm.

    …Tôi bước lên những bậc thềm mịn rêu, bước chậm, sợ mình sẽ bị trượt ra sau, cái ngã ngửa chẳng khác nào cái rớt xuống trần gian đầy ngỡ ngàng của hai chàng Lưu Nguyễn. Tôi chưa muốn thế, tôi đang muốn sống cõi phi thực kia với từng rung động e dè chậm chậm, để nghe chạm vào cánh cổng tháng năm hoen rỉ, và dù nhẹ nhàng đến thế nào cũng sẽ ghê răng bởi tiếng rít của một cánh cửa lâu ngày không mở. Hồi hộp, nên tim tôi đập khác thường.
    Ngôi nhà ba mẹ tôi ngày trước, có hàng tràm bông vàng bên kia vệ đường, tới mùa hoa gieo phấn thì bụi vàng xác hoa li ti đầy trước ngõ, nếu tôi bắt chước thiền sư Cảnh Sầm theo cánh hoa rụng mà về (Hựu trục lạc hoa hồi) thì hẳn không thể nào tới được nhà, vì hàng cây giờ đã không còn. Đây là nơi tôi luôn mong để trở về. Thật ra, tôi đã biết ngôi nhà đã khác hẳn ngày xưa lúc còn là biệt thự nhỏ, tường sần sùi màu hồng nâu ẩn hiện sau rặng tre tàng mận (dưới gốc mận này là nơi chôn nhau con trai đầu lòng của tôi) và hoa hồng tầm xuân lòa xòa trước cổng, nhưng sao lòng vẫn buồn buồn khi nhìn nó bây giờ, lồ lộ phô những cửa kiếng ra mặt đường, và cũng chỉ còn non một nửa căn.
    Tôi đứng yên trước cổng, nếu có bấm chuông thì cũng sẽ không có ai mở cửa, tần ngần cầm chiếc chìa khóa, tôi mở, tiếng lách cách nghe lạ như lâu lắm chưa từng. Từ ngày cha tôi mất, từ ngày mẹ tôi rời khỏi đây, nhà không ai ở, tôi nhìn những đốm sáng chập chờn trên chiếc ghế dài, lòng bỗng như một vạt nắng xa vắng, cũng may là Hương, cô em dâu, đã qua lau chùi trước chứ nếu bây giờ tôi nhìn thấy lớp bụi đóng trên bàn ghế nữa thì chắc tâm hồn tôi sẽ bị niêm phong luôn với nỗi cô quạnh. Tôi đi thẳng lên lầu nơi có bàn thờ, mùi gỗ của cầu thang âm ẩm, tôi nhìn hình cha, một chút sợ sợ, không biết vì sao, có lẽ tại âm dương nghìn trùng trong căn phòng thờ im lặng, tôi đặt tay lên khuôn hình, ba ơi, con về với ba đây. Anh Khải dặn nhớ thắp nhang, nhưng chắc gì đường đi của khói đến được cha hơn hơi ấm của bàn tay?

    Phất phơ màu áo lụa mỡ gà bộ bà ba xô dạt tôi, A, tôi đã theo màu áo này mà về.
    ... Màu áo tôi không quên cha tôi mặc tối hôm ấy. Buổi tối, như vậy thôi, đừng nhớ thêm gì nữa về thời gian..., một toán lính xông vào nhà tôi như một trận bão, túa lên những phòng và dồn 8 người gia đình tôi xuống phòng khách. Một tờ giấy được dơ lên, một lời được đọc. Đêm đóng lại theo từng bước chân của mỗi người được gọi lên phòng của mình. Chắc ba mẹ và các em cũng mang tâm trạng như tôi, khi lên phòng mình, có hai người lính, tôi thấy sách vở, cùng những lá thư nháo nhào trên sàn. Tôi bị nghe những lời rất lạ tai, phản động, đồi trụy, rồi Tagore, Mozart, Khánh Ly, Lệ Thu… tất cả bị tóm lại trong một cái bao lớn, tôi phản xạ giựt lại đĩa nhạc Mozart, vì tôi chợt nghĩ sao Mozart lại là điều có thể bị tịch thu, người lính hất tôi ra, mất thăng bằng tôi ngã đập vào thành giường, cú đau điếng khiến tôi biết rằng phải im lặng, tôi đã lén nhét một lá thư của người yêu vào túi áo, như muốn tìm một sức mạnh, nhưng nó lại làm tôi ứa lệ. Tất cả phòng đều bị niêm phong. Có ai nghe tiếng một chùm chìa khóa quăng mạnh xuống mặt bàn gỗ như thế nào không, có thể không là gì nhưng đêm đó âm thanh ấy đã làm cả nhà tôi giật nẩy người. Đó là chùm khóa nhà. Và sau đó là tiếng loảng xoảng của những chiếc còng tay. Ba tôi đi, hai em trai tôi đi, bước lên một cái xe bít bùng. Họ đang bước vào bóng tối. Cùng đi là tất cả sách vở trong nhà. Tiếng những chiếc xe nhà binh như tiếng rú. Còn lại mẹ và chị em tôi, 5 người, co cụm nơi phòng khách, nơi có để hai cái chiếu và một cái màn. Ở ngoài cổng có hai người lính gác. Mẹ và tôi nắm tay nhau, tôi còn nhớ rất đậm cái run lẩy bẩy, bần bật của hai bàn tay nắm lại với nhau, vai mẹ rung nhưng mắt mẹ khô lạnh, cô em nhỏ thút thít khóc, cậu em kế thì đanh mặt lại ngồi cúi đầu, cậu bé út thì giương hai con mắt trẻ thơ rất buồn, ngơ ngác, nó không khóc, chỉ nhìn mẹ và chị rồi nằm xuống cong người lại trên chiếu. Mẹ tôi nói như thầm, Khánh ạ, mẹ con mình phải chết thôi. Nhà mình còn hai bình gas. Tôi giật thót mình, nhưng má ơi, hai bình có đủ chết không hay là chỉ làm mình ngắc ngoải thì có nước chết với họ -Mình sẽ vào bếp đóng kín cửa lại con ạ. Mẹ bỗng quay sang em gái tôi, 17 tuổi, giọng bà nhỏ, quyết liệt, Chết không con, Khanh -Chết! con bé gật phăng cái đầu dập dềnh mái tóc mây. Mẹ lại hỏi cậu em 16 tuổi, giọng có vẻ như bà đã quyết định, Chết nhé Khiết -Dạ, Chết! Thằng bé nói với vẻ lì cố hữu của nó. Rồi tới cậu em út,11 tuổi, giọng mẹ nhẹ nhàng, Chết không con, Khiêm? -Chết! Tôi rúng động hồn phách, nó nói chết nhanh như thể mẹ hỏi ăn không con-Ăn! Mẹ không hỏi tôi, vì bà biết tôi sẽ là đứa nói không. Tôi kéo mẹ nằm xuống chiếu, thì thầm, má không nghĩ là sẽ làm vậy, đúng không. Mình phải sống má ạ, anh Khải còn mất tích chưa biết sao, Khương làm việc xa sẽ về với mình, mình còn những 6 người, còn lo cho 3 người vừa bị bắt nữa, mình dư sức sống mà má. Chúng tôi đã đủ sức sống để lội qua những tháng ngày nước ngược ấy, có cả những tiễn đưa âm thầm trong tâm trạng một đi là có thể vĩnh viễn không gặp lại. Cha tôi trở về sau đó 7 năm, gầy guộc, ốm đau, ngày qua ngày, lặng lẽ làm tiếp cuốn tự điển đang làm dở. Lần sau cha lại rời nhà ra đi một lần nữa, lần này thì không có ngày trở lại để làm tiếp cuốn sách vẫn chưa xong. Tôi quên chưa hỏi mẹ lúc mất cha có đang mặc bộ bà ba lụa màu mỡ gà không, cái bộ cha mặc đi đêm tối ấy chắc đã mục trong tù. Tôi nhìn những cây viết và sách để trên bàn thờ mà thấy cô liêu quá, cuộc đời, con đường nào bây giờ cây cô độc ấy đang đi. Có bạn bè chứ, ba ơi... Hình cha mờ như có hơi nước, dường như vừa sóng sánh trên vô chung thời gian, tôi tin thêm một lần này, dòng chảy buồn ấy sẽ không gợn sóng nữa, nó sẽ yên, chảy tận lòng sâu.

    Tắp vào bến nhà ba mẹ tôi chuyến này, có vợ chồng cậu em út ở Úc về, cậu em năm nào gật đầu đồng ý chết một cách vô tư bây giờ đã là một người đàn ông đang mon men tới gần cái tuổi tri thiên mệnh. Về cùng là một anh bạn thân của em, Quỳnh, người đã nấu những bữa cơm rất ngon cho 6 người, và mỗi sáng vẫn làm cho tôi một ly cà phê thật đậm tình bè bạn. Còn có vợ chồng con trai lớn của tôi cùng bé gái 8 tháng tuổi nữa. Khánh Chi. A, tôi biết rồi, tiếng gọi tôi về chính là âm thanh ban sơ của tiếng khóc, là mùi sữa thơm từ khóe miệng bé, và khanh khách tiếng cười đang rù quến mọi cảm xúc tôi. Nếu tôi không về để mà hít hà cái mùi da thịt thơm non này thì hẳn là tôi cứ ngồi đó mà nói về mùi lavender…
    ...Buổi sáng, tôi đón ly cà phê từ tay Quỳnh, nắng chiếu ấm trên bàn, ra cổng lại thấy một gói na treo toòng teng, chắc chị Liên đã tạt qua từ sớm, cắn một miếng na nghe tan trong miệng chút lòng chắt chiu. Tôi đứng trước hiên phòng nhỏ của mẹ, nắng sáng mà nóng ướt da, đang tưới cây, bỗng nghe vọng lên từ cổng dưới, “có thư đây”, trái tim tôi như nhảy ra ngoài, cây sứ như có con gió nào tới khua tàng lá và hương hoa rộn rã, tôi nhẹ như mây lướt qua những bậc thang gỗ mầu nhiệm… hóa thành cô gái nhỏ,… thân quen cổng nhà cũ, người đưa thư năm xưa, “con gái có thư con đây”, cô vội vàng, thò tay qua cổng, rối rít, “đưa con mau lên”, và khi những lá thư với những sọc xanh đỏ trắng viền quanh phong bì nằm gọn trong tay thì cô lại thưởng cho bác ít tiền, bác đi chiếc xe Honda Dame màu xanh lá chuối, hằng tuần đem đến cho cô những lá thư thơm mùi biển xa, nỗi nhớ nhung theo nửa vòng trái đất buộc thành lời hò hẹn dài..., cô không biết sẽ dài một đời...
    A, tôi biết rồi, chính sợi tơ hẹn ước lênh đênh trên đường mộng ảo này dẫn tôi về, thành phố mang tên Sài Gòn, nơi tôi đã lớn lên, chỉ nơi này tôi mới lọt được vào nếp gấp xô lệch của thời gian, trở lại mọi thứ, như cũ, thời hai mươi vàng mười, lời tình tự mưa đêm thơm mùi hoa sứ, mùa hạ ướt những cơn mưa mà cho dù bao nhiêu lần được làm người nữa, nếu còn là mình, tôi còn nghe tiếng rất trong của nó rơi trước hiên nhà che chắn cho tôi một giấc mơ. Một nhịp chẩy diễm ảo đang đồng hóa tôi, tôi có đang trôi đi hay mãi mộng mơ đứng bên cổng cổ tích nhìn cánh bồ câu ngậm thư đưa tin yêu về?
    ...Một buổi sáng, tôi gọi taxi lên phố. Cô đi đâu? -Cho tôi tới trường Luật, đường Duy Tân- -Dạ đâu cô? Tôi mỉm cười thích thú, vậy là mình đã nói ra được câu như lúc nào đó trong quá khứ rồi. À xin lỗi, cho tôi tới trường Kinh Tế đường Phạm Ngọc Thạch. Đấy vật đổi sao dời. Tới đây thì tôi tự thắc mắc, Duy Tân là tên một vì vua yêu nước, tại sao phải bị thay tên, mà hẳn ông bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nơi cõi trên chắc cũng chẳng lấy làm vui khi tên mình thay tên vua Duy Tân. Cái tên quen thuộc đến nỗi chỉ cần nói Duy Tân là mặc nhiên động đậy đến kỷ niệm thời sinh viên Luật (và Kiến Trúc của ai nữa chăng, dù trường này có cổng ở đường khác nhưng sát hông trường Luật nên kỷ niệm chắc cũng có chút bà con). Một thời sinh viên chúi đầu vào sách vở, cho đến một ngày, đến trường bỗng ngỡ ngàng, bọn con gái chúng tôi hỏi nhau với giọng thảng thốt, sao lớp vắng thế này, bọn con trai đâu cả? ra năm đó nếu tôi nhớ đúng,1972, vừa có một luật động viên đôn quân (tôi có thể kiểm chứng xem mình có nhớ đúng không, nhưng thấy không cần thiết), tôi lúc đó như bị va đầu vào tường, cú đập choáng người. Đã từ bao lâu sinh viên Sài Gòn như tôi lúc đó đi bên lề cuộc chiến? Đã bao lâu rồi? dân Sài Gòn luôn tin chắc rằng Sài Gòn là một ốc đảo mà con sóng của chiến tranh không thể đổ vào bờ. Đã bao nhiêu người trong lớp sinh viên như tôi tin rằng Sài Gòn là biên giới dừng lại của đường đi súng đạn chủ nghĩa? Tôi mắc cỡ và cảm thấy có tội, cũng như không hiểu nổi hệ thống dân vận lúc ấy đã để cho con lũ phong trào phản chiến lợi dụng kẽ hở của bờ đê dân chủ tự do ngập lụt hết ý thức về một cuộc chiến đang xảy ra, là của mình, ở cạnh mình, đe dọa sự sống còn của mảnh đất có Hòn Ngọc Viễn Đông lấp lánh. Chúng tôi như những viên gạch lát ngô nghê. Nghêu ngao những bài phản chiến trên những ra đi vĩnh viễn của cha, anh, bạn bè mình ngoài chiến trường. Bây giờ tôi đang đứng đây, nơi ngày trước là lối cổng nhỏ khiêm cung trầm lắng màu gỗ hai cánh cửa nhỏ, trên là bảng Luật Khoa Đại Học Đường, như nghe được hơi lạnh tiếng gió thổi vào lớp học khua buồn những hàng ghế trống buổi chiều xưa, có bao nhiêu bạn bè từ chỗ ngồi ấy ra đi không về nữa? Tôi thấy qua nắng muộn ánh mắt của những cô gái hai mươi, Châu Tỷ, Liêm, Liên, Gấm, Hoa, Xuân…và tôi, nhìn nhau, biết rằng, từ hôm ấy, tin chiến sự là vết mực đen phết trên từng trang sách học.Tôi đi bộ bên vệ đường Duy Tân, đã mất rồi lối đi đất nhỏ với hàng cây dầu, nơi tôi lộng gió tà áo vàng trong tấm hình gửi người vạn dặm, thôi hãy dùng ký ức mà đi để lọt vào không khí Saigon thời yêu người thiết tha…, Hồ Con Rùa, cây đa cổ thụ trước Viện Đại Học Saigon có tôi, Huệ,Thôi “Oanh Oanh” thấp thoáng những tà áo dài trong nắng… Chập chờn những cánh bướm trên con đường rộng thênh thang băng qua ngôi rừng nhỏ trước Dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà, và kìa một con bướm vàng bay vội vã qua những bậc cấp bưu điện rồi chui vào thùng thư, ngày mai người ta sẽ lấy thư…
    A, tôi lần về theo dòng máu đẩy của nhịp đập, hồng hào lại nơi nương náu của kỷ niệm, trái tim Sài Gòn ưng ức hoài nơi ngực trái…

    Nơi ấy bây giờ, người đông hơn nên đường chật đi, nhà nhiều hơn, cao hơn, nên đất trời trong tầm mắt bị nhỏ lại. Tôi như cái bóng câm đi giữa muôn âm thanh hình ảnh ồn ào của một thế giới khác. Có phải đã muôn trùng thời gian đi qua nơi này, và tôi thấy mình buồn tẻ, lạc lõng, cũ xưa. Tôi đã nói với Nguyễn Lương Vỵ như thế, trong một quán cà phê, dưới bóng một cây trứng cá, có một trái nhỏ rụng đúng vào ly cà phê của tôi. Tôi cũng đang rơi một cách lạc điệu, như thế chăng. Vỵ đọc cho tôi nghe …những gương mặt lặng lẽ/ treo trên hai sợi dây điện song song/ vắt ngang cành trứng cá … tôi hỏi, thơ ai mà lọt hẳn vào tàng cây trứng cá này vậy. Vỵ đưa cho tôi tập thơ nhỏ, thơ Đoàn Minh Châu. Tôi dở ra ngẫu nhiên, những câu thơ, kỷ niệm vẹn nguyên mỗi năm…/ em vẫn là người hoài cổ/ sống bằng nhớ nhung ngày sắp tới…
    Tôi đang được sống thực một nỗi nhớ. Nó đang dắt tôi về.

    ... Rồi cũng được nghe lại tiếng biển. Ngôi nhà Hoa Sứ của anh chị Khoa-Geneviève, trong một xóm chài, nằm gần góc cong của bờ biển kéo ra Long Hải. Chị nói chị sẽ đổi tên nhà là Sao Biển. Buổi sáng tôi xuống bãi xem ghe đánh cá về, cá đánh bắt ven bờ chỉ toàn là cá nhỏ. Xóm chài rất nghèo. Chiều chiều trẻ con đi đầy trên bãi để bắt còng hay cào nghêu. Bờ biển ứ rác và phế thải của người. Nước biển đục ngầu. Nhưng nhạc sóng vẫn trong. Gió biển thổi mặn môi. Cát biển bay xót mắt. Đêm ở đó tôi ngủ trong tiếng mưa, rơi tong tong trước thềm gạch tàu. Tiếng sóng rì rầm xa xa gần gần, không còn là tiếng u u mường tượng trong vỏ ốc, tôi choàng dậy đứng nhìn ra ngoài của sổ, nhìn và nghe, biển kia, mưa kia, thân thiết lắm với mùi hương ký ức…
    Bao giờ nữa anh em mình lại được quây quần bên một bàn ăn dài, ăn những món hải sản thơm mùi biển của chúng ta kết với rượu vang quê hương chị Geneviève?
    Những cánh hoa giấy đỏ buông xuống vẫy tiễn tôi, ánh mắt nâu hạt dẻ của chị nhìn theo, nụ cười hiền của anh Khoa như cánh thuyền nhỏ, bập bềnh trên sóng. Tôi khép mắt để nghe rưng một hạt lệ, tiếng rơi trong trên mặt hồ thời gian để hiện ra những ảnh hình tưởng đã quên dưới dòng phẳng lặng…

    ... Lại một buổi cả nhà leo lên xe, lòng ai cũng vui vì nơi tới là Đà Lạt. Ôi Đà Lạt một thời là ước mơ của tôi, đi Đà Lạt hồi đó bao giờ cũng là một phần thưởng khi học hành có kết quả tốt, vì thế ngày đó tôi đi Đà Lạt không quá ba lần. Tôi không về ký ức mà đi đến một nơi giấc mơ chưa thành.
    Đến Đà Lạt vào tối, trời mưa. Tôi ngồi co trong chiếc ghế cạnh chỗ Khánh Chương lái xe, nhìn mưa rơi hối hả rồi tan trên mặt kính, tôi thoát ra cơn mỏi mắt buồn ngủ vì nhìn mãi vào chiếc cần gạt nước, quay ra phía cửa sổ. Phố lóa xóa mặt gương, đèn xe xanh đỏ lập lòa như những ánh lân tinh ở một phố âm, cậu em ngồi hàng ghế sau vừa nói, không biết đêm Đà Lạt còn chợ âm phủ không, tối nay tụi mình đi nhen. Giọng cậu không có vẻ chi là phấn khởi mà rù rì như nói trong lúc đang ngủ, tôi cười, nếu hết mưa Khiêm à, giọng tôi cũng nhỏ, tại không khí dào dạt mưa chăng. Tôi chợt bấm kính cửa xe xuống, mưa hắt lạnh, và tôi giật mình vì tiếng còi xe quá lớn, vội bấm kính lên. Hình như có cả tiếng nói nữa, không phải âm của Đà Lạt, hồi trước, khi tới đây, tôi gặp rất nhiều tiếng Huế. Cảm giác lúc chạm vào gió vào mưa Đà Lạt thế nào nhỉ, giật mình vì tiếng còi xe, vì âm giọng nói quá lạ, chỉ vậy thôi. Khi đi ngang khách sạn Anh Đào, tôi mơ màng thấy mình cùng các bạn đang đứng dán những tờ cổ động cho liên danh ứng cử dân biểu của cha tôi năm nào, đó là lần thứ hai tôi lên Đà Lạt. Lần đầu, vừa xong năm thứ nhất Luật, cha thưởng cho một chuyến đi, thật đáng nhớ, tới nơi người lớn ngồi nhà đánh bài, để ba con nhỏ là tôi, em Khanh và Bích, con bác Chi, ngồi chèo queo nơi phòng khách có ngọn lửa nhịp nhàng trong lò sưởi, tôi thì không sao (vì có một nỗi nhớ cặp kè, đâu có một mình). Kỳ đó Đà Lạt chỉ là Hồ Xuân Hương và quán cơm Như Ý. Hết. A quên, còn có một con dốc nằm thơ dại đẫm ánh trăng cùng Bích và một chàng sinh viên trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt nữa. Lần thứ hai vui hơn vì đông bạn bè, lại được đi chơi thoải mái, nhớ những hạt mưa hắt ngược trên đỉnh LangBiang, có Hà cầm đàn ngồi hát cho một cô gái Đà Lạt …Đưa em về dưới mưa nói năng chi cũng thừa…(Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Duy) trời lạnh giọng chàng run hay tại người đẹp như mơ? có Tiến với giọng Bắc trầm, vừa hát ta nghe nghìn sợi nhỏ rớt xuống đời…(TCS) vừa bấm máy chụp hình, có Khương điều động việc dán bích chương, kỳ đó liên danh cha tôi thất cử nhưng chúng tôi được no nê Đà Lạt gần một tuần, có Thanh giọng như tiếng gió thổi qua tua lá thông, có Tính đọc thơ giọng Bắc nũng nịu, kéo đêm Đà Lạt nhẹ lơi như khúc nhạc dạo đầu, trời mưa nho nhỏ, vạt áo em xưa, anh giữ trong tay, lời tình chợt ngỏ, em khóc bất ngờ, đêm run bóng lá, nho nhỏ trời mưa… thơ tôi viết cho ai vậy Thanh?
    Có người ở xa nhờ tôi chuyển lời chào đến quỳ vàng, nhưng đi trên đường không thấy một mắt quỳ nào dòm ngó, quỳ ơi, người đã muốn một cây quỳ vàng trên mộ cỏ mốt mai đấy, lãng mạn quá tình yêu dã quỳ... Và cũng chẳng có một cánh én nào dưới mái lầu Hotel du Parc như người kể, chỉ chênh vênh con gà trên đỉnh nhà thờ có lẽ là chứng nhân chung thủy của thời gian và gìn giữ kỷ niệm của người dân Đà Lạt, của người yêu Đà Lạt nay đã tản mạn những phương trời.
    Đến tối, đi dạo Đà Lạt đêm, thì tôi thật sự thất vọng, không còn một Đà Lạt trong trầm lặng rét nữa, những người trẻ đi thành nhóm đông la hét ồn ào, đứng trên bậc thềm cao ngó xuống khu chợ Hòa Bình chỉ thấy người và người nườm nượp bát nháo. Bên lề thì la liệt những đống quần áo cũ bán mua tấp nập. Ôi, muốn lãng mạn một chút với Đà Lạt cũng không xong rồi. Tôi nhớ đến tiếc con đường dốc trong đêm bập bùng ánh lửa của người dân tộc bán ngo và thổ sản của họ. Ánh lửa khơi động một ấm áp thổi Đà Lạt hun hút vào ký ức. Đâu rồi, đâu rồi cái khí hiu hắt lạnh thơ mộng ấy? Đà Lạt như cô gái thức dậy, cắt phăng mớ tóc dài mơ, mặc quần jean áo thun nhún nhẩy vào nhịp dồn dập sống còn của khúc ca hiện đại. Thúy Anh nói, chắc dưới kia là chợ Âm Phủ. Khiêm cười, lúc nhúc ồn như kia chỉ có chợ dương phủ thôi em, quả thật là tôi cũng không đủ can đảm để bước xuống những bậc thang đi tìm chợ âm phủ trong biển người dương thế kia, cho dù rất nhớ ly sữa đậu phộng bên hông chợ. Quỳnh thì sau đó nhất định phải đến “quán chè khép một bên cửa”, không biết nghe ở đâu, cửa quán chỉ mở già nửa, không phải để ngăn ngừa cái huyên náo bên ngoài mà là nhét vào những lộn xộn nhất có thể của một quán chè đêm…Tôi cùng các em vội vã ăn và vội vã quay về.
    Thế là không sữa đậu nành nóng, không hạt dẻ ấm trong túi áo, và tiếc thay tôi cũng không có kỷ niệm nhiều với Đà Lạt để đưa mình vào Đà Lạt sang trọng trầm lặng ngày cũ. Cứ thế mà phơi mình giữa một không khí Đà Lạt bị cày xới thô bạo bởi những mỹ quan kiểu mới. Muốn nhắn nhủ với những ai yêu Đà Lạt, có về hãy trang bị cho đủ đầy nỗi nhớ và chiếc áo giáp của kỷ niệm để chống đỡ với những bất ngờ của Đà Lạt.
    Ngày về lại Sài Gòn, khi đi qua đèo gió Bảo Lộc, tự nhiên nhớ lời dặn dò cột tóc của nhạc sĩ họ Trịnh với hồng nhan tri kỷ…Trong tôi không có một lời hẹn nào để trở lại Đà Lạt. Coi như vẫn còn đó, một giấc mơ dang dở.
    Một đêm, tôi nói, mai mẹ về lại Mỹ rồi (nhớ hôm ở Mỹ, cũng nói với Bảo Chương, mai mẹ về Sài Gòn rồi, hai nơi đều là về cả, là sao), con trai Khánh Chương ôm vai, ngập ngừng, bây giờ cho mẹ bịnh đi, cũng được để mẹ ở lại thêm nữa nhen mẹ… Hạnh nói, con trai nhớ mẹ rồi đấy mẹ ơi. Như đêm đang ngừng trôi, phải không, những giọt đêm khẽ khàng ru tôi từng nhịp ấm của hạt lệ.
    A, tôi biết rồi tôi đã lần theo nhịp đập trái tim hai đứa con yêu dấu này để về. Về đây, và đang nằm ngủ nơi góc phòng cha đã ngủ năm nào. Nghe dòng sông thế hệ nhịp nhàng từ ba mẹ tôi đến tôi, rồi các con tôi, và kia bùng reo, cô cháu nhỏ. Trôi đi, dịu dàng.
    Hôm rời Sài Gòn, đang kéo hành lý ra cổng, chị Liên nhắc, thắp nhang ba chưa? Tôi vội lên lầu, là để cho chị vui thôi, chứ ngày nào tôi chẳng lên nhìn và nói gì đó với cha. Nhưng cha đâu riêng ở đây, nơi nào mà trái tim các con ông còn đập, thì ông ở đó.
    Và Sài Gòn, mãi mãi là một hơi thở, của tôi. Những kỷ niệm thuộc về Sài Gòn như một tấm khiên che chắn cho tôi bớt hụt hẫng về tốc độ những đổi thay, hóa ra tôi chẳng phút giây nào nhìn thành phố này bằng con mắt xác phàm, chẳng thấy gì cả ngoài một Sài Gòn đầm đìa kỷ niệm.
    A, tôi lần theo hoa rụng tuổi thanh xuân mộng ảo mà về đấy thôi.
    Tới đây thì bạn biết cái một nơi để quay về của tôi rồi, đúng không, những sợi tơ ấy chỉ có một mối... bạn ơi.

    Có một chỗ ở Sài Gòn bây giờ tôi bước đi không bằng ký ức, đó là con đường bờ kè kênh Nhiêu Lộc. Tôi bước dọc theo con đường mới mẻ, cái nhìn mở ra vui như nắng đang xiên qua những hàng liễu rủ, gió thổi thốc tới từ phía ngôi chùa xa cạnh Viện Đại Học Vạn Hạnh xưa làm tóc tôi bay, tôi không thể tưởng là mình đang đứng bên dòng kênh khẳm đen nhếch nhác khi xưa.
   ...có lẽ lần sau Khánh về thì nước kênh sẽ trong.
    Giọng anh tôi nhỏ nhưng có vẻ như anh đang nói về một công trình của mình. Điều ấy làm tôi vui.
    Tôi đang nghĩ đến chuyện cổ tích, soi xuống dòng trong để tỏ mặt mày… tất cả sẽ đổi thay như kênh Nhiêu Lộc này, những vẩn đục sẽ lắng xuống để dòng trong.
    ...Nhớ nói cho em biết khi nước kênh Nhiêu Lộc trong nhé, anh Khải.
    Vậy là tôi có một lời hẹn với Sài Gòn rồi.
    Và, nếu có, thì tôi cũng sẽ về vào mùa mưa tháng 9 để tiếng mưa trả lại cho tôi những lời tình tự, thêm một lần nữa sống với giấc mơ.
Santa Ana,
Tháng 9, ngày 16.2012
NTKM