Thursday, September 27, 2012

nguyễn thị thảo an


Cái chết của Chị Hằng
 

                              Autumn moon. Artist: Mitchell

Ánh trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ
Ôm một mối mơ...”
Hồi nhỏ, hằng năm vào độ Rằm Tháng Tám, mỗi khi nghe lũ trẻ nghêu ngao ngoài đầu ngõ là thể nào tôi cũng hỏi.
“Mẹ ơi, tại sao người ta lại gọi Cuội già là “thằng” hở mẹ?”
“Tại Cuội nói dối.”
“Mẹ ơi, Chị Hằng lên trăng hay chú Cuội lên trước hở mẹ?”
“Chắc... Chị Hằng.”
“Sao mẹ biết?”
Mẹ tôi ngần ngừ, “Vì mẹ nghe chuyện Hằng Nga Hậu Nghệ trước.”
“Chuyện như thế nào hở mẹ?”
Mặc tôi hỏi nhây, cứ mỗi độ Trung Thu, thể nào mẹ cũng dỗ tôi ngủ bằng cái câu chuyện mà tôi đã thuộc nằm lòng.
 “Ngày xửa, ngày xưa, thuở quỷ thần còn hỗn mang, có chín con quạ tu luyện thành tinh biến thành chín mặt trời. Chín mặt trời ngày đêm tỏa ánh sáng hừng hực như muốn thiêu đốt thế gian. Sông ngòi khô cạn, đất đai nứt nẻ, đồng ruộng xác xơ. Thiên hạ chết khát, chết đói la liệt khắp nơi. Dân tình than oán như đã đến ngày tận thế.
  Ở kinh thành, nhà vua rao truyền trong dân gian, ai làm tắt được chín mặt trời, ngài sẽ gả con và nhường ngôi cho. Những bậc hiền tài khắp nơi đều mong giúp nước, nhưng không ai đủ sức giương cung bắn tới mặt trời.
  Có một hôm, giữa lúc nhà vua đang tuyệt vọng nhất thì có một người tự xưng là Hậu Nghệ vác một cây cung thật to, xin vào yết kiến. Thấy chàng khôi ngô, lực lưỡng, vua rất thuận lòng. Hậu Nghệ xin lên núi cao, vận hết thần lực giương cây cung chín thước. Khi chàng buông cung, tên lao vun vút rồi mất dạng giữa bóng mặt trời.  Trong chín ngày, chàng bắn chín phát, mỗi phát trúng một mặt trời. Tới ngày thứ chín, bầu trời chỉ còn lại một mặt trời nguyên thủy. Nắng lửa không còn. Không gian trở nên mát mẻ.Thiên hạ khắp nơi vui mừng nhảy múa, nhà vua cũng đẹp dạ truyền gả Hằng Nga và nhường ngôi cho. Trên thiên đình, Bà Tây Vương Mẫu  cũng cảm kích tặng Hậu Nghệ một viên linh đơn trường sinh bất tử. Hậu Nghệ giấu kín linh đơn, cái bí mật này chàng chỉ tiết lộ với Hằng Nga, người vợ xinh đẹp nhất đời của mình.
  Từ khi lên ngôi, Hậu Nghệ thường ỷ công bắn hạ mặt trời nên đâm ra kiêu ngạo. Một hôm nhân lúc chàng mải mê săn bắn, Hằng Nga tò mò lấy thuốc ra xem. Đúng lúc đó, Hậu Nghệ trở về. Sợ chồng bắt được quả tang, Hằng Nga túng thế nuốt vội viên thuốc. Thuốc thần hiệu nghiệm, thân thể Hằng Nga trở nên nhẹ hẫng, từ từ bay bng lên cao. Hậu Nghệ đành bất lực, trơ mắt mà nhìn Hằng Nga mất dấu trên trời.
  Từ đó, đời đời tương truyền, Hằng Nga bay lên cung trăng và sống cô độc một mình giữa chốn khôn cùng.
  Mấy ngàn năm trôi qua.
  Nhân loại già rồi chết.
  Chỉ có một người cứ sống. Sống mãi... Sống mãi.
 Tôi nhìn lên trăng, lòng đầy thương cảm. Ai hoài cho một người bị giam cầm trong cõi mịt mùng.
 Dân gian kể, mỗi năm vào độ Trung Thu, đúng vào lúc trăng sáng nhất, Chị Hằng sẽ bước ra ngoài cung trăng để vũ khúc Nghê Thường. trong cổ thi
Hồi nhỏ, tôi tin là thật, nhiều đêm cứ đăm đăm nhìn lên trời để mong rình gặp Chị Hằng.
Ôi! Tuổi thơ tôi. Và những mùa trăng đếm được.


Ngày 21 tháng 7 năm 1969. Thế giới chấn động. Phi thuyền Apollo 11 đưa con người đặt bàn chân đầu tiên lên tới mặt trăng.
“That’s one small step for a man, one giant leap for mankind.”
“Đó là bước nhỏ của một con người, nhưng là một bước nhẩy vọt vĩ đại cho nhân loại.”
Cả thế giới đứng tim theo dõi bước đi của Neil Amstrong.
Còn tôi, tôi cũng đứng tim theo dõi bước chân của... một người khác. 
“Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi.”
Tôi thấp thỏm. Tôi lo âu. Cứ nghĩ đến nỗi mong nhớ trần gian của Chị Hằng thì biết. Khó mà tưởng tượng! Mấy ngàn năm trôi qua! Bao nhiêu lần hình dung ra cảnh Chị Hằng chạy như bay tới chỗ Neil Amstrong. Là trái tim tôi nức nở. Chị không thể nào bỏ qua. Chị không thể nào không biết. Cơ hội mấy ngàn năm có một như vầy.
Nhưng Neil Amstrong đã không gặp Chị Hằng. Một dấu vết nhỏ cũng không. Mặt trăng chưa từng có sự sống.
Thế thì Hằng Nga đi đâu?

Nếu Hậu Nghệ là một nhân vật lịch sử thì Hằng Nga không phải là một nhân vật chỉ có trong huyền thoại.
Chính sử Trung Quốc viết, Hậu Nghệ là vua nước Hữu Cùng. Hữu Cùng là một nước chư hầu tí hon thời Nhà Hạ. Ông nổi tiếng thần xạ, bách phát bách trúng. Năm 2188 TCN, vua Nhà hạ là Khải mất, con là Thái Khang lên nối ngôi. Nhưng Thái Khang là kẻ ham chơi, thích săn bắn, không quan tâm đến triều chính và tin dùng Hậu Nghệ. Mỗi lần săn bắn thường mời Hậu Nghệ đi cùng. Thấy Thái Khang bỏ bê chính, hậu Nghệ nảy sinh ý định cướp ngôi.
Một hôm, nhân dịp Thái khang rời kinh đi săn ở đất Lạc, Hậu Nghệ một mặt bí mật sai quân ở nước Hữu Cùng bất ngờ tấn công kinh đô Nhà Hạ, một mặt đem quân phong tỏa lối về của Thái Khang.
Nghe tin có biến, Thái Khang vội vàng mang quân trở về, nhưng không phá nỗi vòng vây, đành dẫn quân sang các nước chư hầu.
Thái Khang định liên kết với chư hầu đánh Hậu Nghệ, nhưng vì chư hầu không phục, đành lưu vong rồi mất ở nước ngoài.
Hậu Nghệ sau khi cướp được Nhà Hạ lại tỏ ra kiêu ngạo, lại bắt chước như Thái Khang đắm mình trong tửu sắc, mê săn bắn và bỏ bê việc nước. Nhiều trung thần can ngăn nhưng Hậu Nghệ lại đâm oán ghét rồi điều họ đi nơi khác. Một người bề tôi tên là Hàn Trác thấy thế cũng nảy sinh ý định cướp ngôi.
Hàn Trác là kẻ giảo hoạt, dùng lời xu nịnh, tán tụng Hậu Nghệ lên tận mây xanh. Hậu Nghệ hết lòng tin tưởng, trao hết triều chính cho Hàn Trác để hưởng lạc. Hàn Trác thường xuyên ra vào cung cấm, lộng quyền, lại còn cả gan tư thông với Hằng Nga là vợ Hậu Nghệ.
Về sau, có kẻ mật báo, Hậu Nghệ tức giận cầm gươm vào cung tra vấn. Trong cơn ghen tột độ đã giết chết Hằng Nga. Sau đó phao lên, Hằng Nga lén uống linh đơn nên bay về trời. Tin từ miệng vua truyền, không ai dám tra vấn hay nghi ngờ chi cả. Câu chuyện truyền từ đời này sang đời khác, mỗi người thêm thắt, riết thành huyền thoại.
Mà huyền thoại bao giờ cũng sáng rực trong thi ca.

 Xưa nay, có thi sĩ nào mà lại không yêu trăng?
Giả sử, trời không có trăng, đêm sẽ buồn biết mấy! Thi ca sẽ là những dòng chữ tối tăm, mờ mịt.
Trong bài Điểu Minh Giản, Vương Duy viết
“Người nhàn hoa quế rụng.
  Đêm Xuân núi đìu hiu.
  Trăng lên chim thảng thốt
  Khe Xuân vọng tiếng kêu”
Đêm trong núi, bất chợt có ánh trăng nhô lên, lồng lộng sáng trên đầu ngọn rừng, làm con chim phải bàng hoàng, giật mình mà thảng thốt. Hóa ra, vạn vật đều say trăng, không cứ chỉ con người.
 Trăng chỉ có một nhưng mỗi người yêu mỗi cách.
Nhà thơ Lý Bạch Trung Hoa đôi lúc cũng hỏi trời, hỏi trăng.
“Trời xanh, trăng có tự bao giờ?
  Nâng chén, đêm nay hỏi một câu.
  Người với lên trăng, vin chẳng được.
  Khi đi, trăng lại mãi theo nhau.”
Trăng tự ngàn xưa mà trăng vẫn mới.
Thơ của người xưa sao ý vẫn mới?
Trăng chỉ có một, mà người mỗi nước yêu mỗi khác.
Trong thơ Việt, nhà thơ kéo trăng xuống đời.
“Gió theo lối gió, mây đường mây.
  Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
  Thuyền ai đậu bến sông trăng đó.
  Có chở trăng về kịp tối nay?”
Mà hình như chỉ ở Việt Nam, trăng mới đầy huyền thoại. Chị Hằng trong trăng, trăng hóa Chị Hằng.
 “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu.
   Đợi gió Đông về để lả lơi.
   Hoa lá ngây tình không muốn động.
   Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi!”
Hay trăng của Vũ Hoàng Chương,
  “Sao đọng kim cương sáng ngập bờ
    Lúa thì con gái mượt như tơ
    Gốc đa cổ thụ duyên còn đượm
    Và cái trăng vàng quá lẳng lơ”
Trăng chỉ có một, sao trăng Việt Nam lại lẳng lơ hơn? Chị Hằng cũng có một, sao Chị Hằng trong mắt Việt lại gợi tình hơn? Hay chỉ tại nhà thơ Việt quá đa tình? Đến nỗi “thi cuồng” Bùi Giáng cũng lên tiếng trêu,
“Trăm năm tắm gội dưới trời
  Ngày thì tắm nắng, tối rồi tắm trăng.
  Nhớ em tắm với chị Hằng
  Tận cùng tắm với ngọn đèn cô đơn.”
Nhưng yêu trăng nhất có lẽ chính là Tô Thùy Yên, nhà thơ lớn của Việt Nam, một tâm hồn lớn mở hết với trăng.
  “Trăng, bạn hiền xưa giờ tái ngộ
    Ta thức đêm nay chơi với trăng
    Nghĩ tội thương sau này, mãi mãi.
    Quanh mồ ta, trăng phải lang thang.”
Trăng tít tận trời, mà trăng gần gũi như người bạn. Thức trắng đêm để chơi với trăng. Yêu trăng hằng đêm, yêu trăng tới nỗi khi nghĩ đến cái chết mai sau, mình mất rồi thì sẽ trăng quạnh quẽ mà chạnh lòng. Yêu đến vậy thì tột cùng. Thì mới là yêu nhất.

 Năm 1983, tôi đi vượt biên. Ngồi trên chiếc ghe nhỏ chòng chành giữa trùng khơi mịt mùng. Sinh mạng mong manh, mỏng tựa sợi tơ, chỉ chực đứt đời khi trời gió nổi. Mấy đêm liền trời tối đen như mực, chúng tôi 62 người như những người mù ngồi im trong bóng tối. Tôi giơ bàn tay, bàn tay cũng chìm trong cái mầu đen kịt. Tôi nghĩ đến cái chết của một con người. Của tôi. Giống như một dấu chấm nhỏ nhoi đột nhiên biến mất. Không hề gây ra một xao động nào. Một sự tĩnh lặng tuyệt nhiên trong trời đất.
 Vậy mà hôm sau trời lại có trăng. Một lần trong đời ngắm trăng trên biển. Tôi như con chim trong thơ Vương Duy bỗng giật mình thảng thốt kêu. Những thi sĩ không yêu trăng quá đà. Thơ không hề cường điệu. Không có nơi nào đẹp bằng trăng trên biển. Trên núi non, trên sông ngòi, mặt đất hẹp quá nên trăng không giải hết. Chỉ có biển, biển mới đủ rộng cho thỏa tình trăng tỏa. Đêm đó tôi ngồi giữa biển trăng mà chảy nước mắt. Những giọt nước mắt cảm động tạ ơn Thượng Đế. Cảm ơn Ngài đã cho tôi một ân phước lớn trong đời. Trước khi chết còn thấy được một kỳ công của tạo hóa. Biển trăng.

Bây giờ, cũng đang là mùa trăng.
Đã lâu, tôi không ai nghe ai hát bài “Ánh trăng trắng ngà...”
“Mẹ ơi, không có ai ở trên cung trăng đâu mẹ.”
“Mẹ ơi, thằng Cuội không phải là kẻ nói dối nhất đâu mẹ?”
Trăng trên đất lạ xa cách và lạnh. Cũng là mầu vàng trăng nhưng trăng xưa đã khác. Huyền thoại về trăng cũng không còn. Mà huyền thoại là những câu chuyện đầy mầu sắc, nó phát ra một thứ ánh sáng huyễn hoặc dẫn dắt con người ta đi hết thuở thiếu thời.
Không có huyền thoại, thế thì con tôi có lẽ đang đi qua tuổi thơ bằng những con đường khác.
Có ai làm ơn chỉ giùm tôi lối đi của chúng?n
ntta
Sept. 21/2012

ĐỌC THƠ NGUYỄN XUÂN THIỆP


Khởi từ “Tôi Cùng Gió Mùa” đến “Thơ Nguyễn Xuân Thiệp”:

Một dòng thơ thủy chung hiếm thấy.

Bài của Đức Phổ








    Đọc thơ, thật vô cùng thú vị. Mà, đọc thơ Nguyễn Xuân Thiệp (NXT) lại thú vị hơn nữa.
Bởi, Thơ NXT mới, hay, vững vàng, tâm huyết, và, thủy chung… hơn tất cả những dòng thơ mà người đọc thơ đã từng đọc qua.
   Từ những bài thơ đầu đời, nhà thơ NXT viết vào những thập niên 50-60, lúc đó anh còn rất trẻ, anh đã chứng tỏ mình có nội công của một người làm thơ mà tứ thơ, cấu trúc thơ… như đã có sẵn trong tim trong máu, chỉ chờ thêm phút nhã hứng là thơ được thể hiện một cách thoải mái.
Thông thường, ai làm thơ cũng muốn tạo riêng cho mình một dáng vẻ, cung cách riêng để người đọc dễ dàng nhận ra cái bản sắc riêng của từng nhà thơ. Trong hầu hết thơ NXT, anh thể hiện như những bức tranh. Có hoa lá, cây cỏ, mái ngói, đền thờ, cây kèn, tiếng trống và nhất là những cơn mưa… Từ quê nhà của anh. Từ khu vườn êm đẹp mộng mơ của thôn Vỹ Dạ. Từ núi đồi cao nguyên hút chung điếu thuốc với bạn bè. Từ Đà Lạt mộng mơ với hoa dã quỳ vàng óng. Từ biển Nha Trang cát trắng gió hiền. Cho đến những con đường đi lên phía Bắc. Dưới những cơn mưa lạnh cắt thịt da. Anh vẫn điềm nhiên không chút phiền muộn hận thù. Cho dù ở đâu, hoàn cảnh nào thơ anh vẫn tỉnh táo, vững vàng. Không những tạo cho mình cái đời tự tại mà anh còn khuyên những người bạn cùng cảnh ngộ nên lạc quan xem mưa ở đây cũng giống như mưa ở quê nhà. Đọc những bài thơ này, người đọc dù có cùng chung cảnh ngộ lao tù Cộng sản hay không cũng sẵn sàng rung cảm. Thậm chí đôi lúc nước mắt phải rơi khi đọc “Đốt lửa nghe sư đàn”.   Có thể lúc đó, ta không khóc vì hoàn cảnh khổ đau tột cùng của những người tù không bản án. Có thể không khóc vì sự oan khuất của những nhà sư chỉ biết chuyện tu và hành đạo cũng phải bị tập trung tù đày lao lý. Mà khóc vì xót đau cho vận nước nổi trôi!
   Cái bản sắc thơ NXT đã đi theo anh suốt một đời làm thơ. Cho đến một ngày, chương trình HO đã mang anh và gia đình anh đến một chân trời mới. Anh sẵn sàng làm lại từ đầu về mọi thứ mà anh đã bị tước cướp trên quê hương mình. Anh làm lại mọi thứ để có cuộc sống đề huế hạnh phúc với gia đình. Anh lập lại mọi quan hệ trong mọi sinh hoạt văn nghệ, báo chí ở hải ngoại. Anh nối lại nhịp cầu giao hảo với các bạn văn… Nói chung mọi thứ anh đều phải sắp xếp lại hết. Duy chỉ một điều: Thơ NXT vẫn giữ nguyên bản sắc. Tâm hồn anh vẫn dễ dàng rung động dưới cảnh tuyết rơi. Tiếng kèn đồng của người da đen bên lề đường New Orleans. Hay từ một góc nhìn phố xá Santa Ana, Oakohama, Dallas… Thơ NXT vẫn giữ nguyên nét thủy chung gợi nhớ về quê nhà yêu dấu…

   Những bài thơ không viết hoa chữ đầu dòng của một số bài thơ thường cho người đọc biết được sự liên chảy của mạch thơ như một dòng nước đã có tự suối nguồn nào, khi người làm thơ bắt gặp được cảm xúc từ một đoạn sông, thì thơ của họ sẽ bắt nguồn từ đó.
   Điểm nổi bật, rõ nét nhất trong thơ NXT. Từ “Tôi Cùng Gió Mùa” đến “Thơ Nguyễn Xuân Thiệp” là, tất cả chữ đầu bài thơ đều không viết hoa. Chứng tỏ nhà thơ NXT từ trong vô thức đã sản sinh mạch nguồn thi hứng một cách tiềm tàng vô kể. Đặc biệt hơn, nhà thơ NXT dùng duy nhất một dấu chấm (.) để ngắt câu, nhấn mạnh từ ngữ… Và phía sau dấu chấm (.) không viết hoa. Đây là một lối cách tân thầm lặng, không ồn ào xao động mà mang nét thủy chung hiếm thấy trong suốt dòng thơ NXT. Ta thử đưa ra bất kỳ bài thơ nào của NXT mà không ghi tên tác giả, người đọc cũng dễ dàng nhận ra tác giả bài thơ ấy là nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp!
   Nhân ngày ra mắt thơ anh, tôi có đôi ý tình ghi vội để chia vui cùng tác giả. Xin chúc mừng anh, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp!

ĐỨC PHỔ
Savannah, 06-10-12

NGẬM NGẢI TÌM TRẦM

Lưu Na




   Trong mười năm trở lại đây, người ta viết nhiều hơn tìm hiểu nhiều hơn về một thời văn học miền Nam cũ. Bên trong rụt rè quan điểm dù gì thì nó vẫn là dấu vết sinh hoạt của người dân trong một thời, không thể làm ngơ hay xóa bỏ.  Bên ngoài mòn mỏi sưu tầm thu thập hệ thống hóa, quyết khẳng định một cái đã bị thẳng tay bôi xóa.  Nhưng bên cạnh tính cách văn học sử của những công việc lời nói đó, có cần thiết không để đi tìm lại những hình ảnh những ngòi viết của một thời?  Đoàn Xuân Kiên cho rằng cần thiết, bởi vì
   “Có người sẽ nói rằng thế hệ hôm nay đang hình thành một nền văn học khác, không cần phải lưu luyến gì với những tâm tình già cỗi của người đi trước.  Có thể là thế.  Đi tìm bản sắc cho mình luôn luôn là một hành trình gian nan và cô đơn.  Nhưng hình như vẫn là quy luật, là sự vận hành xã hội thường theo những tiến trình của nó.  Chu kì sinh thành và phát triển của thế hệ văn học hôm nay sẽ đi qua tiến trình mà cha anh họ đã trải qua…”  (Đoàn Xuân Kiên, Có một thế hệ văn học mới cũng đang “đoạn tuyệt để lên đường” ?) 
   Tôi có thêm một lý do, ngoài cái tình riêng, để đi tìm chữ của một người trong thế hệ cũ _ Nguyễn Đình Toàn.


DẤU VẾT THỜI ĐẠI

   Sau 1954, chúng ta đã đi qua thời văn trong sáng của Tự Lực văn đoàn.  Cái thời ấy kể là xong. 
   Bây giờ, rừng văn thơ của những năm tháng đầu tiên mang nhiều, quá nhiều sắc thái.  Người ta vừa tiếp thu cái mới của phương Tây vừa đi tìm cái gì vừa phải thích hợp cho hồn Việt, vừa muốn đổi mới vừa không muốn vong thân, vừa hô hào thách nhau làm cái mới vừa tìm kiếm chính mình.  Nơi rừng chữ ấy, biết tìm nơi đâu hình ảnh Nguyễn- đình-Toàn-nhà-văn của 20 năm văn học miền Nam.  Rừng xưa đã khép.  Người ta nói nhìn cây thấy rừng, nhưng tôi bây giờ phải tìm về cánh rừng xưa lao vào kiếm mới mong thấy cây, mới mong gặp mảnh hồn năm cũ.  Không dễ tìm thấy một con người. 
   Đoàn Xuân Kiên nói:  “Trong không khí giao lưu văn hóa rộng rãi thời hai mươi năm Việt Nam Cộng Hòa, văn nghệ có một số thành tựu nhất định.  Những thành tựu của văn học thời kì này không ra ngoài những xu hướng chung của văn học thế giới vào những thập niên 1960 và 1970…”
   Nhìn vào, Thụy Khuê, Văn Học Miền Nam, cho rằng chia nhà văn theo nhóm với khuynh hướng quan điểm lập trường chính trị thì các tờ báo
   “Văn, Phổ Thông, Văn học, qui tụ các nhà văn không có lập trường chính trị biểu hiện rõ rệt mà thuần túy văn thơ cổ điển như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Vỹ, Bùi Khánh Đản, hay văn nghệ thời đại, sinh hoạt thành phố như Nguyễn đình Toàn, Nguyễn thị Thụy Vũ, Túy Hồng;”   “Triết học hiện sinh…hậu thuẫn cho tác phẩm: con người quay về khảo sát chính mình, nhận thức chính mình…”

Hiện sinh được gắn với Nguyễn Đình Toàn.
   Rõ hơn, Trần Văn Nam, Các Thời Kỳ Văn Học Miền Nam 1963-1975, cho rằng 
“Ảnh hưởng Triết lý Hiện sinh phổ biến từ trước năm 1963, đến giai đoạn này [1965-1972] mới thật sự táo tợn… trước đó chỉ là hiện sinh pha với lãng mạn, hoặc hiện sinh độc thoại nội tâm.” 
Những nhận định đó dành cho các tác phẩm khác, nhưng nếu đọc NĐT sẽ thấy nó cũng đúng với tiểu thuyết NĐT.
   Bên cạnh, Văn Học Tổng quan của Võ Phiến có Nguyễn đình Toàn thơ, Nguyễn đình Toàn truyện ngắn truyện dài, Nguyễn đình Toàn kịch thơ, có kịch không_đọc hoa cả mắt không còn nhớ.  Nơi những trang viết về 20 năm Văn học miền Nam, tổng kết luận bàn về xu hướng thời đại, về tư duy, về tâm tình về sắc thái vân vân, tên Nguyễn đình Toàn luôn được nhắc với nhóm tiểu thuyết mới. 
   Nguyễn Vy Khanh trong Tiểu Thuyết Thế Kỷ I và II cũng xác nhận một Nguyễn Đình Toàn hiện sinh lãng mạn và tiểu thuyết mới.
   Theo Nguyễn Vy Khanh, sau 1954, nhà văn miền Nam tiếp cận với tư tưởng và kỹ thuật cách tân của thế giới và Âu châu, tiểu thuyết thời kỳ này có một không khí mới chưa thấy trước đó.  Các nhà văn viết như một cách thế để sống sót.
 “[Họ không] phân tích tâm lý để cho có tiểu thuyết, để ăn khách, mà nay trở nên một vấn đề sống chết không lựa chọn…  Với Nguyễn đình Toàn cũng như Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, câu chuyện chỉ là cái cớ để tác giả triết lý, phát biểu nhận định về con người và cuộc đời…  
   …Hoài nghi đã xuất hiện trong tình yêu, trong thế giới tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn …Ý nghĩa cuộc đời chỉ có thể có từ kinh nghiệm cá nhân mỗi người, và tự do chọn lựa, như một số nhân vật...  Nay không còn khuôn mẫu văn hóa chung, phổ quát, trừu tượng,nay chỉ có chủ thể mà không còn khách thể
   …Cái không khí Dostoievski nặng nề và bi quan, cái không khí buồn tột cùng hay bất lực đó đã thấy trong các tác phẩm của Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu,… cũng như cái phi lý dửng dưng trong tác phẩm Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn.  Thanh Tâm Tuyền và Nguyễn Đình Toàn chẳng hạn, đều đi tìm ý nghĩa cuộc sống; trong khi Thanh Tâm Tuyền hăm hở mà dửng dưng, tự hào, không cảm tính, thì Nguyễn Đình Toàn chậm chạp khám phá theo cảm tính và tư duy…”

   Nói ngắn lại, Nguyễn Vy Khanh cho rằng Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn có khuynh hướng hiện sinh, nhưng không khí tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn, Hoàng Ngọc Biên, và Huỳnh Phan Anh gần với khuynh hướng tiểu thuyết mới ở Âu châu, “một loại phản tiểu thuyết, [với] đối thoại và độc thoại cùng tình cảm nội tâm trộn lẫn, thứ tự thời gian đảo lộn, không cần đến cốt truyện, có khi không cả người kể.”
   Từ tác phẩm đầu ra mắt, ảnh hưởng của hiện sinh nơi NĐT đã được ghi nhận bởi Tràng Thiên, Qua Hàng Sách _ Chị em Hải của Nguyễn đình Toàn:
   “Cốt truyện về sau như có một ngụ ý răn đời.  Tác giả không đến nỗi dùng bừa bãi những sáo ngữ của thời đại: buồn nôn, thân phận làm người, phi lý…, nhưng đôi khi ông lý luận về cái ‘hiện hữu phi lý’, ta vẫn thấy như một sự trịnh trọng không cần thiết.  Tuy vậy,… không đến nỗi lộ liễu quá.”
   Đến Con Đường thì dấu ấn thời đại nơi tác phẩm đã thực rõ nét.  Nguyễn Mạnh Côn (NMC), Đọc sách mới _ Con Đường đã nêu ý kiến về tư tưởng của NĐT
    “…tôi nghĩ Toàn đã sai lầm…  Toàn đã lạc hậu…  Cũng như Sartre, Camus, Robbe Grillet cùng tất cả các đồng nghiệp văn sĩ Tây phương của họ đã lạc hậu… có nhiều thắc mắc mà Toàn trình bày đã được giải quyết từ khá lâu rồi.  Thứ nhất là sự hiện diện, hữu danh hay vô danh, của cá nhân trong xã hội…  các nhà bác học, toán học đã xác nhận tính hiện hữu của …[định] luật của số đông... thứ số đông mà người ta chỉ biết là có…  Số đông đó làm nên tính mầu nhiệm của sự sống… mỗi đứa trong hai chúng ta là một đơn vị trong số đông đó.  Một đơn vị mang trong bản thân nó sự mầu nhiệm của hàng tỷ tế bào, là đơn vị của một số đông trong những kích thước khác.
    Toàn cần phải nghĩ ngược lại, khởi từ đơn vị.  Đơn vị tự thấy nó nhỏ bé quá, tự thấy nó sống giữa sự lãnh đạm, không chú ý của đám đông, và do đó, tưởng rằng sự sống của nó có thể có, nhưng có thể không có, mà số đông cũng không lay chuyển chút nào.  Ý nghĩ này làm cho nhiều người tuyệt vọng.  Tuyệt vọng vì thấy mình không có gì đáng kể giữa số đông và trong thời gian.  Nhưng nghĩ như thế là không biết rằng sự vận động của số đông có tính chất hoàn toàn ngẫu nhiên.  Sự hiện hữu của mỗi đơn vị không thể nào chịu thêm một định luật, hay một chỉ huy nào khác…  Khoa học đã thấy mỗi tế bào cũng có cái sinh hồn – bioconscience của nó…  Mỗi đơn vị hãy làm tốt hết phần của nó.  Số đông sẽ vì thế mà khá hơn.  Đến lúc đó chúng ta sẽ nhận thấy ngẫu nhiên chỉ là kết quả chứ không phải khởi xướng.” 
   Ở đây có thể hiểu rằng NMC bác tính bi quan và hoài nghi của NĐT về sự sống, về tính cách ngẫu nhiên của mọi sự trong đời tỏ ra trong Con Đường.  Rõ ràng NMC thấy ta có mặt là ta hiện hữu, và sự hiện hữu của ta có một ý nghĩa, nó là mầu nhiệm của sự sống, không cần phải hoài nghi để rồi bi quan.  Về sự ngẫu nhiên, có vẻ nhà toán học NMC cho rằng NĐT đã nhân đôi nhân ba sự ngẫu nhiên (ta có mặt hay không đều đã là ngẫu nhiên, mọi sự đến hay không đến với ta đã nằm trong ngẫu nhiên đó, không thể có ngẫu nhiên “tôi” có mặt trong cuộc đời này rồi ngẫu nhiên chuyện đó xảy ra cho tôi, “chuyện đó” xảy ra hay không đã ngẫu nhiên vì sự có mặt ngẫu nhiên của tôi.)  Nói để mà nói, tôi không biết chắc có phải NĐT cho rằng tất cả mọi sự là ngẫu nhiên, cũng không dám nói hiểu NMC, nhưng tôi cũng tin rằng trong sự có mặt ngẫu nhiên của một cá nhân ta vẫn có một số quyết định trên cuộc sống của mình chứ không phải cái gì đến với ta cũng ngẫu nhiên.  Và dường như NĐT cũng đồng ý với NMC đó chứ: “Cuộc đời như một vở kịch người ta cố dàn xếp để cho nó phải xảy ra như thế, hay không liên quan gì đến thế cũng được…”  Nơi câu nói đó, cái suy nghĩ về cuộc đời vô nghĩa mà người ta chính là yếu tố chủ động dàn xếp, xung đột với cái ý xuyên suốt trong truyện: mọi sự xảy ra dù lớn lao hay nhỏ bé đều là định mệnh đều là sự tình cờ.  Hình như NĐT không chỉ mang trong lòng nỗi hoài nghi bi quan và tuyệt vọng, có phải đó chính là điều NMC cho là NĐT quả là vừa đĩ vừa ngoan?  Nhưng đào bới ra cho rách chuyện, vấn đề ở đây, là suy nghĩ của NĐT về cuộc đời, và suy nghĩ đó xuất hiện trong Con Đường như một luận đề, nhưng đến Ngày Tháng 1968 thì chỉ còn cô đơn tuyệt vọng, và đến Đồng Cỏ 1973, đến Áo Mơ Phai 1973, tuyệt vọng hay ngẫu nhiên gì cũng có vẻ đã mờ nhạt. 
   Về cái viết của mình, Nguyễn Đình Toàn cũng xác nhận chuyển biến trong kỹ thuật viết, trích trong phỏng vấn in trên báo Văn (SG) và Văn học (1974) trg 94-95, tài liệu của Nguyễn Vy Khanh.   Nguyễn Đình Toàn ý thức rõ điều mình muốn chữ mình viết: “Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên.” 
   Như vậy, giữa những người tìm hiểu và nhận định, cùng với chính tác giả, cái hiện sinh lãng mạn và tiểu thuyết mới là đặc điểm của tiểu thuyết Nguyễn Đình Toàn. 
(còn tiếp)
Lưu Na