Tuesday, June 21, 2011

thơ nguyễn xuân thiệp

Đêm,
đọc thơ người xa, bỗng nhớ…

                        Withered roses - i48.tinypic.com

Đêm
trong tiếng mưa xa
ngồi đọc lại những bài
thơ của ý nhi
như chợt thấy
đóa mặt trời nhỏ. trên con dốc
ngày nào
và mảnh trăng. đong đưa. đầu mái ngói
bóng thiên thu. về
nơi góc tường vương phủ ấy
ai. hay tôi. còn cầm giữ trong tay
một bao diêm
và những cánh hồng khô
bên hiên nhà
rác. và hương thời gian
trộn lẫn
này em
chiếc chong chóng. mù
vẫn quay trong chiều. hoàng thổ
thời gian
thời gian
hãy đợi
sớm mai
thức dậy. nhìn qua khung cửa
tự nhủ lòng
thôi đừng buồn
đừng giận
dù trái tim đau. như cánh diều trăng
đã rụng trong chiều
chỉ còn lại bậc thềm.
và đá ẩm
và bờ rào
và sương mù
và lá
đỏ
ôi em. em là sương. hay em là ngọn lửa
hay bóng nắng. bên bức tường. rêu
cuối phố
giã từ
giã từ
những bài thơ
những trang văn
tôi đã viết
ở ngọn đồi twelve oaks
trong cà phê. ly thơ

tàu đã hụ còi

NXT
HỠI NGƯỜI CHIẾN SĨ…

Bài viết và ảnh Lưu Na


… Tôi nghĩ không ai hát Người Tình Không Chân Dung hay hơn Lệ Thu. Tiếng ngân tưởng còn vang âm thầm trong cái nón sắt ấy, như hồn những tiếng chuông xưa vẫn vang vọng từ lòng chuông.
   Hôm nay, tôi thấy cái nón sắt ấy trên giá súng, trong buổi lễ tưởng niệm nhân ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 tháng 6. Tôi không hiểu nghi thức nên cũng không nhớ tên gọi nghi thức ấy, nhưng tin chắc bất cứ ai nhìn chiếc nón sắt trên giá súng và lá cờ rũ đều hiểu, những người đứng quanh đây đang hướng về những người chiến sĩ ấy.
   Dưới khán đài tôi thoáng gặp một khuôn mặt già nua tình cờ được biết. Ông mặc thường phục ngồi trên bậc thềm xi măng của khán đài trò chuyện cùng những người bạn khác trong quân phục. Nếu ông đúng là người niên trưởng ấy, thì ông cũng có bộ quân phục mà ông nhất quyết không mặc nếu như trộn lẫn trong những buổi lễ quân cách là những khuôn mặt quân nhân kiếm danh hay những bộ quân phục giả. Có lẽ với ông bộ quân phục thấm hồn thiêng sông núi, thấm hồn tử sĩ của những anh em chiến hữu nên nó linh thiêng và ông không muốn nó vấy bẩn. Không biết có phải là ông, tôi không có dịp lại gần vì ông đã ra về không biết tự bao giờ, nhưng hình ảnh của ông lấn quấn hoài trong óc tôi.
   Suốt buổi, tôi leo trèo chậy lung tung chụp biết bao nhiêu góc cạnh, nhưng trong đầu tôi lẫn với hình ảnh của ông là những hàng bia mộ trùng điệp ở nghĩa trang Quân đội Los Angeles. Mộ, mới hay cũ, gần trung tâm hay sát tận vòng rào, bia đứng hay bia nằm, tất cả đều được cắm một lá cờ US nhỏ bằng 2 bàn tay ngày Chiến sĩ trận vong (Merorial Day). Nghĩa trang quân đội, Bắc cũng như Nam, có nghi thức nào tỏ lòng với người đã vì non sông như vậy không?
   Tôi nhìn những bộ quân phục quanh tôi. Từ ngày đến ở nơi đây tôi ra tượng đài không biết bao lần, chụp không biết bao nhiêu hình những ngày lễ quân đội. Lần giở kho hình có những bộ quân phục năm nào, dịp nào cũng hiện diện. Họ kiên nhẫn ngày này qua tháng nọ, tìm mãi hồn xưa, hồn những người lính khẳng quyết với lý tưởng và biết đất đứng của mình. Trong loạn lạc chiến tranh, những người chiến sĩ ấy là chim đầu đàn, mà khi sẩy đàn tan nghé những người dân như tôi không biết phải xoay hướng nào và phản ứng ra sao.
   Hôm nay, trong cái hỗn mang, chúng ta kẻ dựa vào nhau tìm chút hồn thiêng sông núi xưa kẻ lặng lẽ tưởng nhớ cách riêng của mình. Và tôi thấy thương người niên trưởng ấy muôn vàn. Tôi thương cô gái nhỏ cầm máy chụp hình buổi lễ mà bố cô là một anh cũng chưa “niên trưởng” lắm trong bộ đồ sinh viên sĩ quan Thủ Đức màu kaki (anh nói cho đủ bộ !!!) Tôi thương 2 cháu trai thật dễ thương với bà mẹ trẻ con luôn quản thúc để chúng đừng chạy lung tung. Cuối lễ cháu lại gần đu lấy ông, bảng tên đỏ hình như Đ. Thọ. Nếu không có những buổi lễ này chắc bọn trẻ sẽ lớn bật kia không có dịp nhìn thấy nụ cười hớn hở của cha ông, một chân dung khác trên những bộ mặt hằng ngày chúng vẫn gặp. Tôi thương những người vợ hay thân nhân của lính, nghiêm chỉnh lúc chào cờ và kêu gọi người bên cạnh ngồi đến phút cuối cho xong buổi lễ, thương những người dân cùng nhau tiến lên bàn thờ thắp nén nhang tưởng niệm những người chiến sĩ vô danh.

   Nhưng dẫu đập vỡ kính ra vẫn không tìm thấy bóng, hỡi người …

Lưu Na
06/19/2011





















Phan
Cà phê góc phố

                                Mưa - ngoi sao.net
  
   Sáng tháng hai mưa về không hẹn, không gian màu chì làm nhớ những góc phố thuở túm năm tụm ba tập tành trốn học, đốt điếu đầu đời còn sặc sữa guigoz, uống hớp cà phê chỉ nghe vị đắng. Nhưng không lâu hoá ngọt tình cờ khi người bỏ nhau đi. Nỗi buồn sóng sánh, đen tuyền, nhỏ giọt,… nói làm sao hết trong những đôi mắt ngổ ngáo đã lắng dịu như mây thấp thật gần mà vời vợi cuối chân trời. Nỗi hận lòng trút vô cái thìa nhôm; khuấy muốn vỡ cái ly miểng tái sinh đầy bọt; chứa một thứ nước uống đen quánh như dòng nhớ trôi theo bước người đi. Sao người ta có thể bỏ lại sau lưng những hàng cây; những góc tường có tên hai đứa ở một quán quen nào đó, những hè phố nhớ gót chân người đến hẹn lại lên… Sao người ta có thể bỏ trái tim vào nước đá để tê dại cảm xúc - ra đi; người ngồi nghĩ suy phương hướng-mù lòa - lao theo cuộc vượt thoát đã thành phong trào vượt biển. Sao anh đành bỏ em để ra đi một mình… chưa bao giờ dòng nhạc bolero lại ướt át đến thế, sớm thế trong những phận người còn viễn mộng xa xôi; tây đòi ham hiểu… Rồi một sáng tháng hai mưa về không hẹn, không gian màu chì làm nhớ những góc phố mây mù kỷ niệm, không có ai khóc thầm bên tách cà phê lách cách tiếng muỗng nhôm như kiến bò miệng chén không lối thoát; không còn chọn lựa nào khác hơn chiếc khăn tay tha hồ gói chuyện nghìn trùng xa cách; Chuyện taxi, bến bãi… rù rì, thủ thỉ bên ly cà phê thiếu không gian tráo trở của Sài gòn làm người ta nhớ nhau rưng rưng, “ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới…” nhà dự báo thời tiết Thanh Tâm Tuyền có cái nhìn xuyên thời gian, không gian đến kính nể. Để một sáng tháng hai mưa về không hẹn, không giam màu chì làm nhớ những góc phố âm hồn lảng vảng trong mưa, nhớ những mặt người đầu xanh tang tóc, túm năm tụm ba để hợp khẩn nguyện cầu cho người đến được bến bờ sớm có tương lai; người nghìn thu yên giấc dưới lòng biển mẹ… Ô kìa, cái ghế quen của người đi không về; góc hóng tình đắc địa của kẻ chết còn trinh đã bỏ trống… Không còn ai dành giật một chỗ ngồi chỉ để ngắm trời mây cây lá; ngắm như không thấy một giai nhân để đêm về huyễn mộng khi Sài gòn tứ bề thọ địch; không còn ai để kể cho nhau nghe truyện Ba con cáo ở Sài gòn thời Bình Nguyên Lộc; Sài gòn của Sơn Nam với hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…; Sài gòn-Chợ Lớn đã đời lưu manh trong mắt Bùi Giáng……
    Sài gòn của Sài gòn vì không có Sài gòn thứ hai trên đời, - nhận thức ùa đến khi đứng giữa thủ đô người Việt tỵ nạn cũng chỉ gặp lại những mặt người đã một lần hớt hải bỏ lại Sài gòn. Những khâu vá lại một Sài gòn trốn chạy để thoả cơn hoài niệm hay khơi vết thương xưa? Quy tội báng bổ cũng không đành lòng với những người còn có Sài gòn trong góc nhớ đêm qua, mà làm ngơ đứt đoạn với Sài gòn cũng áy náy tâm can người chạy sau thì cũng là người trốn chạy. Sài gòn không mảnh rác giữa thủ đô tỵ nạn không phải là Sài gòn của niềm nhớ không tên; không có mùi chợ chiều ở cửa tây chợ Sài gòn; mùi sâm bổ lượng hắt hiu trong gió hay lòng gã học trò nghèo hiu hắt gió đi qua… coi như mình mới ăn xong ly sâm bổ lượng, còn thơm mùi nhãn nhục nơi cuống lưỡi. Làm sao gọi là Sài gòn khi không có cái oi bức của thời tiết, rồi trời bỗng mưa rào cho cống ngập bắp chân ai; Sài gòn không có những lọn gió hanh hao tự biển về xanh xao hoa cúc, hoa vàng mấy độ cho vừa áo em thì hoa mai đã nở rộ trước sân nhà… Sài gòn bát ngát trong thơ văn từ tiền bối đến hậu sanh. Sài gòn trong mưa sùi sụt nỗi nhớ của một du sinh: “… có lẽ bây giờ bạn bè đang chia nhau ly cà phê sáng trước cổng trường. Ngôi trường của những người học dở, không thân thế thì vào tạm qua ngày. Nhưng khi ngồi một mình với màn đêm và gió lạnh ở nơi thật xa; thèm hớp ké thằng bạn hớp cà phê buổi sáng mà nó đang uống dè, sợ hết… Nhớ ngôi trường bèo nhèo; nhớ Sài gòn; nhớ hôm bước chân đi; và nhớ…”…
    Sáng tháng hai mưa về không hẹn, ngồi đọc blog của người bạn trẻ nhớ Sài gòn. Bạn ơi! trước tôi đã có nhiều người nhớ từng góc phố; sau tôi có bạn nhớ ngôi trường, thèm hớp ké hớp cà phê buổi sáng của người bạn đang uống dè, sợ hết… Bạn đã làm cho tim tôi thắt lại: nỗi bùi ngùi của những người từng sống; đã có và mất đi những góc phố của Sài gòn - không có từ ngữ nào diễn tả hết tình yêu và nỗi nhớ những góc phố đã ăn sâu vào máu thịt. Hãy hớp ké ly cà phê mưa của tôi đi, ta hỏi chuyện Sài gòn với tiền nhân; kể nhau nghe về một tình yêu tự phát đến muôn đời của người đã từng ngồi xuống một góc phố ở Sài gòn-và uống ly cà phê-như uống Sài gòn vào viễn mộng. Bạn biết không, trong tờ khai sanh của tôi ghi nơi sanh là quận Nhì. Nhưng tôi chỉ nhớ tôi được sanh ra ở Hòn Ngọc Viễn Đông. Thời ấy, Sài gòn đơn sơ với tên gọi địa danh bằng số như: quận Nhứt, quận Nhì, quận Ba, quận Tư… Quận Năm - Chợ Lớn. Miệt Bà chiểu lên Gò Vấp, rẽ ra Thị Nghè, hình như tôi nhớ gọi là vùng Gia Định. Vì có mộ Tả quân Lê Văn Duyệt mà sau này chúng sanh gọi là cà phê Gò Mả, xéo ngang trường Cao đẳng Mỹ thuật, đối diện bệnh viện Nguyễn văn Học; nếu đi vào hẻm nhà xác bên hông bệnh viện, bạn có thể luồn ra rạp Đại Đồng theo hướng tay phải; bằng không theo hướng trái thì ra chợ Cây Quéo… Xin lỗi, tự nhiên đi vào cấm địa nên dòng nhớ tôi tuôn ra……
   Hòn Ngọc Viễn Đông thời thiên đình sai tôi xuống bán báo, dân cư còn thưa thớt lắm. Kiến trúc mang phong cách Tây phương, làm tôi có cảm giác Sài Gòn bự sự; hay mình quá nhỏ nhoi giữa Sài gòn thuở đó - tới muôn đời sau - tôi cũng không thích trưởng thành đâu! Sài gòn của thời tôi đi bắt dế cơm, cào cuống bên hông trường Văn Khoa; đá banh mỗi ngày ở sân Hoa Lư mới thật là một Sài gòn trong trái tim tôi. Thời này tôi chưa ngồi quán… vì sợ mấy xe nước mía; nước đá xí mụi bán ế! Nhưng tôi có nghe kể, có khi đọc được trong thơ văn tiền bối về quán xá lúc bấy giờ: Sáng ra Thanh Bạch trên đường Bonnard (Lê Lợi) ăn bò kho danh bất hư truyền. Bò kho Thanh Bạch khác bò kho Chợ Lớn. Một so sánh khập khiễng quá chừng của tiền bối nên tôi không dám lạm bạm; Theo tôi, đã vô Chợ Lớn ăn sáng thì sao không ăn hủ tíu bánh bao, mì vịt tìm, mới đúng địa chỉ. Ăn rành trong Chợ Lớn rồi thì kêu một tô hủ tíu xa tế cho nồng nàn. Loại hủ tíu mà nấu bằng thịt bò; nước sauce sền sệt và cay, màu nâu nhạt ánh hồng từ màu tương với đậu phộng xay làm ngất ngây hồn ta… Ăn vào một sáng cuối năm, tiết trời se lạnh; trong tiếng chuông nhà thờ Cha Tam lạc nẻo và lạt lẽo trong bầu trời khói nhang nghi ngút của người Tàu. Sau đó, uống ly trà cúc bỏ miếng đường phèn. Mùi thơm hoa cúc xông lên xoan mũi, theo ngã tư quốc tế: mắt tai mũi họng toả đi muôn phương tới nghe mềm phế phủ như Duyên Anh rêm mé đìu hiu……
   Xin lỗi bạn, tôi lạc đề qua ẩm thực mất rồi, ta về lại Sài gòn thập niên solex, có người con gái kẹp vạt áo dài xuống yên sau, chiếc nón lá lật ra sau mái tóc theo gió… cái xe đen tuyền như tiểu hắc ô, tôi thấy trên đường đến quán Phạm Thị Trước ở góc đường Pasteur-Bonnard, ăn sáng Paté Chaud với vài người quen tên trên sách vở, tôi không chơi với mấy vị này vì họ già hơn tôi nhiều quá! Buổi chiều ra Thanh Thế, trên đường Nguyễn Trung Trực lai rai, hay Kim Hoa góc Lê Lợi-Pasteur, quán Chez Albert ngoài Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao… làm ly Martell cho rõ dân trường Tây không uống rượu Mỹ. Khi màn đêm hạ cánh xuống tàn me, giật mình không ngờ ta đang sống trong thanh bình mà sao say sớm; mai giặc về tìm đâu chút bình yên. Mà thôi, ăn nhậu té xuồng chết sớm như Lý Bạch thì ai làm thơ, cà phê cũng đủ khơi nguồn sáng tạo. Ta ra Kim Sơn nhé, ở góc Bonnard-Nguyễn Trung Trực. Chiều nay nhé, hãy ngồi xuống hàng hiên quán, gọi một tách cà phê nóng. Ngồi nhâm nhi hương thơm vị ngọt thướt tha như tà áo ai trông quen mà lạ ngoài phố chiều chưa có tiếng đạn bay……
   Bạn biết La Pagode không, trên đường Catinat, đường Tự Do đó. Từ khi Đồng Khởi mất Tự Do. Không biết câu thơ này thì không phải dân ngồi quán; tôi nói bạn nghe, đừng kể với ai nhé! Tôi nghe nói cây me bên kia đường của quán La Pagode, đã nhớ khách quen nên viết câu thơ này. Sau đó bị người ta cưa trừng trị - bán thớt me hết rồi. Thiệt là cái chết kẻ sĩ. Nghe nói ông Me chết để tưởng nhớ những Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân... đều là khách quen của La Pagode cả đấy bạn ạ! Khi tôi lớn tôi có đến ngã tư đường Lê Thánh Tôn-Tự Do, với vài trang sách cũ, ngồi uống cà phê với quý ngài… tôi mới nổi giận ra về vì tình cờ phát hiện ra, tiếng Việt có bao nhiêu thơ từ hay, các cụ xài mẹ nó hết rồi; đời sau tịt thơ vì lắt léo cỡ nào cũng giẫm lên dấu chân các cụ. Nhưng cũng có hôm tôi trở lại, cha mẹ hư con cái cũng có trách nhiện chớ bộ. Tôi ngồi đó thả hồn vô màu xanh của lá, ngỡ hồn mình là rừng, xác mình là ăn xin vì rách rưới lắm! Mấy người ngoại quốc nhìn tôi; tôi không chịu được cái nhìn thương hại của người ngoài đâu; tôi ăn mày chữ của tiền bối tôi chứ không ngoại lai, đừng nhìn tôi như thế!

                      Góc Continental nhìn sang Givral
   
   Tôi chán La Pagode, thả xuống Givral đối diện Continental, cũng trên con đường Catinat thơ mộng này, dừng chân phiếm đàm với cánh báo chí. Nghệ sĩ… đủ cả. Có khi tôi qua Brodard khi thèm cốc rượu mạnh thì ở dưới nhà, trên lầu cũng cà phê như những quán kia thôi. Ngồi chiêu vài shot thấy Sài gòn lung linh… đã lắm.
    Hôm tôi theo anh bạn bán thuốc lá thùng gỗ, mà thích uống rượu chát Pháp chính hiệu nên không theo tôi vô Brodard, anh ấy dẫn tôi đi vài bước đã đến quán Imperial-Hoàng Gia của ông Tây già. Ngồi uống rượu đỏ vùng Bordeaux, nhấm trứng cá hồi Cavias, không thích thì có Fromage Camembert, nghe anh ấy nói về vùng Bordeaux như quê nhà  anh ấy, nơi phong thổ hữu tình, cấu tạo địa dư thuộc loại đất đá vôi, thích hợp cho cây nho phát triển về thể chất, trong khí hậu thích hợp nhất cho cây nho… nhưng hương vị không thể nhầm lẫn được với chùm  nho uất hận hay giống nho nào khác trên thế giới vì những cô gái hái nho ở Bordeaux đã cười nói đến thấm vào trái nho trước khi đem đi cất rượu…
   Bạn trẻ à, anh còn thức hay đã say tình cô hái nho bên Bordeaux, những gì tôi kể với anh nãy giờ là sáng nay bỗng nhớ ông già vá xe đạp ở đầu ngõ nhà tôi. Ông hay kể tôi nghe thời ông làm nhà báo ở Sài gòn. Tôi qúy ông lắm, kho tàng Sài gòn của tôi đó. Ông là quán rượu cổ, quán cà phê lâu đời như chòm tóc bạc không buồn chải của ông. Ông bỏ đi rồi, nhưng tôi thỉnh thoảng cũng dừng bước ở những quán xưa, để nhớ người cũ thôi mà. Anh chê tôi không có góc phố của mình à? Tôi có đó, anh muốn nghe không? Hoài niệm của tôi bát ngát như lòng tôi hướng về Sài gòn từ ngày anh chưa bước tới - để có ngày ngồi viết blog - khêu gợi lòng tôi.
    Cái quán cà phê tôi nhớ nhất, tên Thanh, nằm ở đường Nguyễn Văn Thoại, quận 3. Là ngôi nhà xưa, xây cất theo Tây, có bậc tam cấp… quán duy nhất có nhạc Pháp trong thời bưng bít, tuy không lời nhưng đã đíu lắm rồi. Tiếc là tôi không đến đó thường được vì lương đi học của tôi lúc ấy là 45 ngàn đồng/ tháng. Chỉ đủ hai ly cà phê đá với bốn điếu Jet. Tôi ngồi uống cà phê chay với bà cụ sinh ra mấy đứa con tôi bây giờ. Tôi khoái cụm từ của nhà văn T.Vấn khi giới thiệu về má xấp nhỏ; tôi người Sài gòn, không ăn nói văn chương được như bác Vấn di cư.
    Tới thời mở cửa thì vô thiên lủng, quán cà phê hạng sang, cà phê đèn mờ, cà phê Ali Baba ở Trần Quang Khải - y hình quán tên Hồng hay Mây Hồng gì đó! Nhưng có cô thâu ngân y chang tài tử trong phim Ali Baba và bốm mươi tên cướp, nên bốn trăm ngàn tên giặc ở Sài gòn thời tôi đều gọi quán đó là quán Ali Baba. Sau này nữa, cà phê biệt thự sân vườn mọc lên như nấm sau mưa. Tôi cũng sau cơm mưa đói nghèo, đã có rủng rỉnh trong túi để đến những nơi… không biết không phải dân sành điệu theo quan điểm mới. Trong khi tôi thuộc loại người hoài niện nên tôi nhớ hoài những góc phố chơi vơi; những quán vỉa hè chênh vênh giữa Sài gòn đổi chủ. Cà phê Gò Mả là nơi tôi vinh hạnh được mời nhà thơ Bùi Giáng điếu thuốc lá… điếu thuốc lá cho phép tôi treo chân dung ngài chỗ bàn làm việc của tôi ngoài garage. Tôi xé tờ báo Việt Ngữ có trang tưởng niện Bùi Giáng một cách vui mừng như gặp lại ông đang bị lót dưới chảo chiên chả giò cho dầu khỏi văng. Tôi cứu ông một bàn thua trông thấy, không cảm ơn mà cứ nhìn tôi viết, rồi cười cười, làm tôi hổ thẹn.
   Anh biết không, có khi tôi ngồi trên đống tiền, một chân ngoài đời một chân trong tù. Nhưng nhâm nhi cốc cà phê gốc phố, tôi nghe được linh hồn dị thảo trong thành phố tôi yêu, tôi gặp lại bạn bè đã tứ tán theo phong trào vượt biên, tôi gặp lại mình trong tình yêu mới lớn, nơi một góc phố tĩnh yên với rụt rè… Tôi ngồi hẳn trong tôi, bất động trước dòng đời, dòng nhớ chảy quanh… tôi gặp lại mình lạ hoắc lạ huơ. Chơi vơi. Chênh vênh… cho đến ngày rời xa Sài gòn mà tôi không mong hay ít nhất cũng chưa nghĩ tới ngày trở lại. Tôi ngồi nghe gót giày quen thuộc của ai đó đang đến với tôi nơi góc phố có quán cà phê thì thầm; tiếng ai cười trong veo khi hùn tiền với nhau vừa đủ hai ly cà phê dưới dạ cầu Ông Lớn. Nơi có vạt nắng chiều vừa đủ để quên nhau, “uống xong ly rượu cùng nhau/ hẹn rằng mãi mãi quên nhau muôn đời…” tôi thường so sánh thời buổi để kiểm chứng suy niệm của Bùi tiên sinh, thiệt là đi trước thời đại… những suy nghĩ miên man như lục bình tím ngát biết về đâu, nên nhớ hoài những góc phố, có quán cà phê chênh vênh một thời……
   Anh bạn trẻ tôi ơi! Hôm nào mưa sụt sùi, ướt sũng nỗi nhớ Sài gòn. Anh hãy tả lại những quán cà phê góc phố trong thời đại anh, để tôi biết với. Hớp hớp cà phê của bạn bè chưa hạ cốc đã nghe nó chửi; nhưng hương vị một thời từ đó không quên… nhớ lây tới những quán cóc đã thành linh hồn con phố cao sang vì nó chơi vơi, chênh vênh như những mảnh đời không nơi nương tựa giữa đổi thay nhất thời; vạn đại vẫn là những quán cà phê bên góc phố đích thực làm chứng nhân lịch sử; chứng nhân cho một giống nòi; chứng nhân cho một cuộc tình; chứng nhân không phải mình nên còn hoài góc phố có quán cà phê……

Phan

Bài văn của Phan đã gợi cảm hứng cho nhạc sĩ Trần Lê Việt viết thành ca khúc boléro, và T. Vấn đã hát ở Wichita với tiếng dương cầm của cháu Vân.

Góc phố

Tháng hai mưa về không hẹn
Hiên nhà đắng giọt cà phê
Nhé em đôi mắt u huyền, như mây thấp thật gần mà vời vợi cuối chân mây.
Bước chân chưa lần quay về
Thôi đành bỏ lại sau lưng
Góc phố mây mù kỷ niệm, những quán cóc chênh vênh còn vương bước chân người
Thôi khâu vá chi lại một Sài gòn
Cho đau hoài vết thương xưa
Nỗi nhớ làm tim thắt lại
Bùi ngùi thương một góc phố Sài gòn
Ghế quen mong người không về
Giữa lòng quán lạnh chơi vơi
Bóng ai nghiêng dài nẻo phố
Cuối chiều vạt nắng liêu xiêu.




Sunday, June 19, 2011

thơ đức phổ

Dâu bể muôn chiều vẫn cố huơng

                           Tranh sơn dầu. Võ Đình - Gió-o

(Hồi tưởng ngày về thăm Huế 2003 và gặp lại bằng hữu ở đó)

Mười năm xa Huế như cơn mộng
tỉnh lai. Thăm Hương lệ chực tràn.
Rượu thấm dăm thằng ngồi Thương Bạc
rưng rưng Thừa Phủ… bẵng đò giang!

Chếnh choáng giọng tình thằng ở lại
những ngày Thượng Tứ ngựa chen mây.
Mười năm xe pháo quen tứ xứ
một mảnh hồn hoang lấm bụi ngày!

Hồ dễ lòng trơ khi cạn máu
ngựa về tàu cũ xót thương ai (?)
Mười năm đỉnh Ngự trông ngùi mắt
đổi một đời  -nhặt nhánh thu phai!

Chiều quạnh Nam Giao leo ngược dốc
tình nghe chan chứa những truông đồi!
Mười năm xa xứ mòn sức vóc
đâu dễ hư hao một hạnh người!

Ngồi uống tàn canh trăng Vỹ Dạ
hồn đầy sương và… tóc pha sương!
Mười năm ly khách về, chăng la (?)
Dâu bể muôn chiều vẫn cố hương!

ĐỨC PHỔ  

EM GÁI HẬU PHƯƠNG DẠ LAN

Văn Quang

Bạn đọc hỏi nhà văn Văn Quang:
Xin ông cho biết ai là người đã có sáng kiến lập ra Chương trình Dạ Lan? Nghe nói hình như người có giọng nói hớp hồn chiến sĩ và sau này cô Dạ Lan đã trở thành bà Văn Quang một thời gian khá lâu?
(Vu Thị Nhung -Fairfield)

Trả lời:
Về đề tài này đã có vài cuộc tranh cãi qua internet. Dường như mỗi người phát biểu theo nhận xét riêng của mình. Người nhìn ở góc độ tham gia sáng lập Chương trình Dạ Lan, người nhìn theo góc độ điều hành chương trình. Ở đây, tôi trả lời bạn về những gì tôi biết.

Tôi không nhớ rõ năm đó là năm nào, có lẽ là những năm 1960. Khi đó, Đại tá Trần Ngọc Huyến làm Giám đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý trực thuộc Bộ Quốc Phòng. Sau mới đổi tên là Cục Tâm Lý Chiến (TLC) thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Có thể nhận định vị đại tá này là một vị Cục Trưởng trí thức, sáng giá nhất. Chính ông là người có sáng kiến làm ra Chương trình Dạ Lan trên Đài Phát Thanh Quân Đội (PTQĐ) và lập tức được hầu hết quân nhân yêu thích. Trước đó, ông đã họp Bộ Tham Mưu của Cục TLC để thảo luận về chương trình này. Ông cũng nói đây là một mô hình theo chương trình địch vận và đồng minh vận của Nhật Bản trong thế chiến. Và cũng dựa theo chương trình binh vận của Đài Loan. Những nữ xướng ngôn viên của quân đội Nhật và Đài Loan đã rất thành công với giọng nói thánh thót, êm đềm và những bản nhạc quốc tế rất hay.

Hồi đó trong cuộc họp tham mưu của Cục TLC thường mỗi tuần 1 lần, có các trưởng khối và trưởng phòng tham dự. Lúc đó, tôi còn là Trưởng phòng Báo Chí nên thường xuyên tham dự các cuộc họp này. Tất cả đều nhận thấy chương trình đó rất hay và sau đó giao cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Nam tìm xướng ngôn viên. Trong số một vài xướng ngôn viên (XNV) được đưa ra thử giọng qua máy ghi âm, một nữ XNV của Đài Phát thanh Đông Hà được chọn và được điều chuyển về Sài Gòn. Chương trình Dạ Lan từ đó bắt đầu. Hai tiếng Dạ Lan có thể hiểu đó là một loại hương thơm quyến rũ về đêm (chương trình này được phát vào buổi tối vào lúc 19g). Cũng có một sự trùng hợp, tên nữ XNV đó cũng lại là Lan, nhưng là Hoàng Thị Xuân Lan nên có thể hiểu là một tên chung và cũng là tên riêng.

                            Hoàng Thị Xuân Lan 

                        Hồng Phương Lan, tức Mỹ Linh

Tất nhiên, chương trình của Đài Phát thanh Quân Đội thì do đài này phụ trách phần nội dung. Tất cả bài vở, cách chọn nhạc, chọn tin do tiểu ban Chương Trìnnh Đặc Biệt của Đài này chịu trách nhiệm, tiểu ban này do Đại Úy Nguyễn Thiệu Hùng tức nhà thơ Mai Trung Tĩnh phụ trách.
Nhưng hơn một năm sau, vì lý do riêng, nữ xướng ngôn viên Xuân Lan nghỉ việc. Đài Phát thanh Quân Đội chọn một nữ XNV khác có giọng nói y hệt XNV cũ khiến thính giả không thể phân biệt được đâu là người mới đâu là người cũ. Người tiếp tục chương trình Dạ Lan, cũng do một sự tình cờ, lại vẫn có tên thật là Lan, Hồng Phương Lan, tức Mỹ Linh. Chị Mỹ Linh làm việc tại Đài PTQĐ cho đến phút chót. Như thế, thời gian chị Mỹ Linh làm XNV Chương trình Dạ Lan khoảng 6-7 năm. Năm 1969, khi tôi về làm Quản Đốc Đài PTQĐ thì chị Mỹ Linh đã làm ở đây rồi. Sau đó anh Mai Trung Tĩnh giải ngũ, Đại Úy Dương Ngọc Hoán làm trưởng ban chương trình và là người phụ trách Chương trình Dạ Lan cũng như Chương trình Đồng Minh Vận. Chị Mỹ Linh hiện đang sống tại Mỹ và thường làm XNV cho các chương trình ca nhạc.

Nhưng theo tôi thì Chương trình Dạ Lan còn âm vang mãi trong lòng các "anh trai tiền tuyến và em gái hậu phương" mới là quan trọng. Cả hai nữ XNV đều đáng được ghi nhận thành tích như nhau. Còn rất nhiều văn nghệ sĩ cũng đã từng góp công góp sức cho chương trình này như nhạc sĩ Ngọc Bích, Đan Thọ, Anh Ngọc, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Canh Thân, Nguyễn Đức, Văn Đô, Trần Thiện Thanh, Trần Trịnh, Đào Duy, Thục Vũ... Các nhà văn, nhà thơ như Huy Phương, Nguyễn Triệu Nam, Nhất Tuấn, Nguyễn Quốc Hùng (thầy khóa Tư), Dương Phục, Phạm Huấn, Châu Trị, Lâm Tường Dũ, Nguyễn Xuân Thiệp, Tô Kiều Ngân... Tôi không thể nhớ hết.

- Về vế thứ hai trong câu hỏi của Bà/Cô có nhiều điều tế nhị trong cuộc sống và nay thì mỗi người đã có cuộc sống và gia đình riêng nên xin phép tôi không nhắc lại.

Văn Quang - từ Sài Gòn
(Nguồn: Tô Thẩm Huy gởi)
Thơ Tô Thẩm Huy

Mùa xuân ngồi thiền,
nhớ cao xuân huy


Khi không bỏ dở cuộc chơi,
Để trăng vương vất giữa trời buồn tênh.
Hỏi con sâu róm trên cành,
Trăm năm đo mãi dễ thành bướm chưa?
Môi cười mỉm cả hư vô,
Đem thân trượng khách ra đùa là sao!
Qua rồi nọ cuộc binh đao,
Gửi sương cho nắng đem vào lòng hoa.
Mới hay trong cõi người ta,
Lọ chăng trăng ấy…
Nữa là chiêm bao.
Dọc ngang bạc nửa hàm râu,
Trần gian vẳng lại một câu: Thế à.

Tô Thẩm Huy
Kaufman, Texas, 4 tháng 4, tiết Lập Hạ, Tân Mão

eBook trên Da Màu


Chương trình ebook của mạng Kệ sách vừa khai trương.
Nhà văn Phùng Nguyễn vừa cho biết 
Trung tâm ấn hành eBook Kệ Sách với phương châm “mang tác phẩm đến tận tay người đọc” đã chính thức mở cửa. Đợt ebook phát hành đầu tiên gồm 12 tác phẩm giá trị  của các tác giả quen thuộc trong và ngoài nước. Các ebook này nằm trong chương trình “ebook miễn phí” dành cho bạn đọc cư ngụ tại Việt Nam và không có điều kiện mua ebook bằng thẻ tín dụng.
Xin mời tác giả và bạn đọc ghé thăm để biết thêm chi tiết về các dịch vụ liên quan đến xuất bản và phát hành ebook nhằm phục vụ tác giả và độc giả Việt Nam trong và ngoài nước: http://kesach.org

Thursday, June 16, 2011

                                       TIN VĂN NGHỆ

                  Nhân dịp hai bạn văn từ Úc Châu
                     ghé thăm thành phố Dallas
*Hoàng Ngọc Tuấn, Giáo Sư Nhạc Học/Nhạc Sĩ Sáng Tác
*Nguyễn Hưng Quốc, Giáo Sư / Nhà Nghiên Cứu Lý Luận Phê Bình Văn Học

                     Nhóm thân hữu Dallas dự định tổ chức

                      Hội Ngộ Văn Học Nghệ Thuật
             Vào chiều và tối Chủ Nhật 10 tháng 7. 2011

với sự hiện diện của các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ đến từ Houston, Boston, Virginia, California, Atlanta, Alabama

Chương trình gồm:
                                                 trưng bày tranh,
                                                 ký tặng sách,
                                                 lưu bút,
                                                 giao lưu
                                                 hội luận văn học nghệ thuật
                                                 đọc thơ & hát thơ
      
Những tác giả sau đây sẽ ký tặng Thơ & Sách:
                                                Nguyễn Xuân Thiệp
                                                Nguyên Nhi
                                                Phan Xuân Sinh
                                        


                   Joan Baez by Milo

Kính mời quý anh chị Văn Nghệ Sĩ các nơi tới tham dự. Nhóm Thân Hữu Dallas bảo đảm đưa đón, ăn ở và di chuyển trong thành phố. Xin liên lạc với người đại diện


                            Nguyễn Xuân Thiệp   214.587.4976
                                     nxthiep@gmail.com     

Sunday, June 12, 2011

Mời  Đọc

tập truyện nguyễn thị thảo an



Đọc những truyện đầu tiên của Nguyện Thị Thảo An, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã có ngay nhận xét: Đa số các nhà văn lúc mới viết thường viết về mình. Nguyễn Thị Thảo An đã vượt lên để viết về người -về một không gian khác, đồi sống khác, con người và tâm cảm khác.
Quả đúng vậy: Ngòi bút NTTA đặc sắc ở những chân trời khai phá ấy. Bạn đã xúc động tới kinh ngạc khi đọc những truyện ngắn như Đỉnh Trời Tròn, Những Dòng Sông Không Chảy trong tập Bức Phù Điêu Khắc Cạn…xin hãy đọc Lửa Bạc, Đường Ra Khỏi Basra, Rừng Gọi, Thằng Josh… trong Tập Truyện Nguyễn Thị Thảo An để cảm nhận những màu sắc phong phú rực rỡ của cuộc nhân sinh và những cảm xúc trong sâu thẳm của tình người qua tài năng sáng tạo của tác giả NTThảo An.

                                       Văn Mới xuất bản
                                       Giá bán: 15MK
                       Liên lạc: Thaoan2009@gmail.com
TẢn mẠn
Bên tách cà phê

Nguyễn Xuân Thiệp

Bên biển Destin,
đọc lại vài trang văn Võ Đình

Mùa hè này, Nguyễn cùng với gia đình lại về chơi vùng biển Destin, Florida. Đứng trên khách sạn nhìn ra, lại nhớ đến mấy câu thơ đã viết hồi năm rồi khi có Nguyên Nhi, Phạm Chi Lan, Nhật Hoàng, Đinh Yên Thảo ngồi uống rượu ở balcon, ngắm pháo bông đêm July 4 bay sáng ngời mặt biển. Ấy là thời gian tiền Thế Vận Hội Mùa Hè Bắc Kinh.
Chiều
destin
nghe chim biển kêu
và mưa rơi
mưa. rơi
trên ngọn trúc đào

ảo ảnh. ôi. cánh buồm lermontov
ngoài khơi xa
tìm bình yên trong bão tố

và đêm
đêm
anh nhìn pháo bông. rực sáng. đầy trời
thấy vạn lý trường thành trong mây
thấy con đường tơ lụa
thấy thiên an môn. gạch và máu
thấy em là cánh chim bay ngang…

                  Bông trúc đào -. images.alobacsi.vn
   Trở lại Destin lần này, chỉ có gia đình, không có bằng hữu. Vẫn bờ cát trắng và nước biển xanh màu emerald ngọc bích. Vẫn con đường bờ biển với hoa trúc đào nở đỏ màu áo ai trong chiều. Vẫn những con diều giấy của trẻ bay lượn dưới trời. Và cánh buồm màu trắng ngoài khơi, xa. Và chim biển mà cháu Nguyệt Quỳnh cứ nhất định cãi với ông là chim nhà.
   Trở lại Destin lần này, đặc biệt Nguyễn tôi có mang theo hai cuốn sách của Võ Đình. Lầu Xép với lời ký tặng của tác giả và Huyệt Tuyết. Ôi, Võ Đình vừa mới ra đi! Nguyễn với anh vốn là đồng hương. Có quen biết nhau nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Chị Trần Thị Lai Hồng -vợ của Võ Đình- cùng học ở Quốc Học ngày xưa, trên Nguyễn hai, ba lớp. Nhớ hồi năm 1999 đến Orlando, Florida để giới thiệu tập thơ Tôi Cùng Gió Mùa vừa ấn hành, có hẹn với Võ Đình sẽ đến thăm anh chị, và Triều Hoa Đại đã hứa chở đi. Võ Đình nói sẽ cho ăn những món đặc biệt “cây nhà lá vườn”. Nhưng rồi Triều Hoa Đại ngại đường xa không đưa tới, làm anh Võ Đình giận cành hông. Không tới thăm Võ Đình được, Nguyễn tôi lấy làm tiếc lắm. Bây giờ anh không còn nữa, nhìn mây biển lớp lớp xây thành, lòng không khỏi chạnh buồn.

                       Nhà văn Võ Đình - Nguồn: Gió-o
    Dẫu không được như Đinh Cường, Trương Vũ, Nguyễn Thị Hoàng Bắc… thường xuyên lui tới viếng thăm, Nguyễn cũng có lòng yêu mến và kính trọng Võ Đình. Ngoài tình đồng hương, Nguyễn tìm thấy ở anh những điểm hợp với mình trong suy nghĩ và cách viết. Chẳng hạn cái tựa đề Xứ Sấm Sét của một tập truyện của anh. Nguyễn đã mượn cụm từ này để gọi xứ Texas nơi mình ở bởi đây là một vùng thường xuyên có thunderstorm và đôi khi có báo động màu da cam về một trận tornado gào thét qua đồng cỏ. Hơn nữa, Oklahoma Texas Kansas Arkansas Mississippi… cùng nằm trên hành lang bão tố. Mặt khác, Võ Đình yêu cỏ cây, Nguyễn cũng vậy, nhưng Nguyễn không được như Võ Đình bỏ công chăm sóc và trồng cả một vườn cây xanh tốt. Cũng như Võ Đình, Nguyễn có kỷ niệm về một cây bàng và đặc biệt yêu bài văn Nhặt Lá Bàng của Nhất Linh. Cây bàng của Nguyễn ở Vương Phủ, Vỹ Dạ và Nguyễn xa nó đã bốn mươi tám năm, có thể còn lâu hơn Võ Đình xa cây bàng của anh. Và có lẽ chẳng bao giờ Nguyễn tôi còn có cơ hội gặp lại nó trong đời. Sau đây là đoạn văn Võ Đình viết về cây bàng của anh:
   “Xe vừa rẽ vào đường hẻm, tôi đã nhận ra ngay cây bàng. Tức thì nhớ lại “Nhặt Lá Bàng” của ông Nhất Linh. Như vậy là hơn bốn mươi năm rồi tôi mới lại thấy cây bàng. Nó đứng lơ láo  giữa khúc quẹo ngã ba của con hẻm nhỏ. Rễ trơ trụi, trồi lên mặt đất. Thân gầy gò, cành xác xơ. Lá úa vàng. Trời nóng đổ mồ hôi hột nhưng tôi kịp nhớ ra rằng đang ở tháng chạp dương lịch, giữa mùa đông Sài Gòn.
   “Chuyến bay từ Singapore về đúng giờ. Nhưng cũng mất gần hai tiếng đồng hồ mới ra khỏi hải quan. Trên đường về nhà từ phi trường Tân Sơn Nhứt, tôi thấy một ngôi nhà lớn, mặt tiền căng biểu ngữ “Người Về Từ Nghìn Trùng”. Người về từ nghìn trùng thật. Tôi bàng hoàng xúc động trong niềm vui thấy mặt những người ruột thịt thân yêu. Tôi choáng váng trong nắng, gió và bụi Sài Gòn. Nhưng cây bàng trong hẻm đã cứu lấy tôi. Nó bốc tôi ra khỏi nỗi bàng hoàng, choáng váng đó. Nó làm tôi nhớ lại cái vị chua chua chát chát của những trái bàng còn xanh của thời thơ ấu.”(Chuyện Cây Bàng. Lầu Xép)

             Nguyệt cầm. Tranh Võ Đình - Nguồn: Gió-o
    Đơn sơ mà hay, phải không các bạn?  Và sau đây là một đoạn tả tuyết rơi trong một đêm ở miền gần núi:
   “Tin tức mười giờ tối báo trước rằng nửa đêm sẽ có tuyết lớn. Khi tắt đèn đi ngủ, đồng hồ chỉ quá mười hai giờ rưỡi. Thế nhìn ra trời vẫn chưa thấy tuyết. Tuyết chưa rơi nhưng chàng cảm thấy có sự khác thường. Không gian im lìm, cỏ cây bất động, sững sờ. Từ xa, phía trên rừng, một tiếng hét đột ngột vang lên rồi tắt ngay. Thế tự nhủ, lại cái giống chim đêm kỳ quái, tiếng kêu ngắn, sắc, lanh lảnh như tiếng người.
   “Thế tỉnh giấc, nhìn đồng hồ dạ quang trên bàn nhỏ cạnh giường. Ba giờ sáng. Nghe có tiếng lao xao rì rào bên ngoài, đoán là tuyết đang rơi, rơi mạnh. Thế khẽ vén chăn, ngồi dậy, khuô chân kiếm dép, rón rén lần ra phía cửa sổ. Vườn sau đã trắng xóa. Mái nhà, thấp hơn từ mặt hậu nên dễ thấy, cũng trắng xóa. Cứ xét bề dày biết tuyết đã rơi mạnh liên tục, khá lâu. Thế nghĩ nếu cứ thế này thì đến khi mặt trời lên, tuyết có thể dày tới ba bốn chục phân. Nghĩ vậy, chợt thấy lo lắng, nhưng thế không nghĩ tiếp, quay trở lại giường chui vào chăn. Vợ chàng ú ớ mấy tiếng khẽ, rồi thở đều, coi bộ ngủ say.” (Huyệt Tuyết)  
  Và một đoạn ngắn nữa, cực ngắn, rất nổi tiếng của Võ Đình, tả về sự phục sinh của hồi ức qua hình ảnh một vũng nước trên đường:
  "Không hiểu tại sao, tôi liên tưởng đến vũng nước mưa vẩn bùn ở chân thành cửa Thượng Tứ.  Vũng nước đã thuỷ chung không biến dạng, đã chờ đợi tôi suốt một phần tư thế kỷ, để hôm ấy, rất tình cờ, tôi dừng chân cúi xuống, và vũng nước nhỏ ngước lên chào đón một kẻ quy cố hương.” (Chiếc Vòng)
   Hay khi anh tả cây chanh mà anh đã trồng trong chậu, giam nó trong nhà suốt hai mươi năm khiến nó héo hắt, bây giờ nó được đem ra trồng ngoài trời:
   “Tôi bước ra vườn sau thăm cây chanh lần nữa trước khi tắt đèn đi ngủ. Trăng sao vằng vặc. Tôi mân mê thật nhẹ mấy cái chồi non nhỏ xíu. Thế là cây chanh nó đã về đến nơi đáng ra nó đã trở về hơn hai mươi năm trước. Trên đầu có sao. Dưới chân có đất.
   “Tôi từng nghe nói: Không ai thương bằng cơm thương. Tôi nghĩ, thật ra, nên nói rằng: Không ai thương bằng trời đất thương.” (Cây Chanh)
   Chỉ mới đọc một vài đoạn ngắn cũng thấy được Võ Đình rất tinh tế trong cảm xúc, chữ nghĩa, viết lách. Tiếng Việt của anh, như Trương Vũ nói “… khi anh viết hay khi anh nói, nếu không biết không ai dám nghĩ rằng kể từ năm 17 tuổi cho đến quá tuổi tri thiên mệnh, cho đến những ngày cuối cùng, anh chỉ sống ở Việt Nam tổng cộng có vài tháng. Không phải chỉ hay thôi, nó đạt đến phần vi tế nhất của ngôn ngữ mà những nhà văn tài hoa và khó tánh nổi tiếng về cách dùng tiếng Việt cũng phải khâm phục.”
   Thật ra, Võ Đình yêu thơ văn và có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ. Lúc thiếu niên, anh đã chịu khó đóng một cuốn tập để chép thơ. Và anh là người chịu khó sưu tập, gìn giữ những ấn phẩm thời xưa (in ở Hà Nội những năm 30-40). Nguyễn tôi tự thấy mình cũng giống anh, thời nhỏ ở Vương Phủ đêm đêm cũng cặm cụi chong đèn dầu chép thơ, rồi những năm đi học cũng chịu khó sưu tầm những sách của Tự Lực Văn Đoàn và các tác giả khác. Nhưng Nguyễn không làm được như Võ Đình là giữ những cuốn sách ấy cho đến bây giờ. Rồi trong những năm sống ở Pháp và ở Mỹ, Võ Đình cũng viết và theo dõi sinh hoạt văn học trong nước. Nghĩa là anh luôn sống trong không khí sách vở, chữ nghĩa, nghệ thuật của quê nhà. Là người yêu văn chương từ nhỏ, có tâm hồn, giàu xúc cảm, uyên bác, Võ Đình viết văn hay là phải.
Thượng tuần tháng 7.2009
(còn tiếp một kỳ)
NXT
Những Chuyện Tình ở Ga Xe Lửa

Nguyễn Thị Hải Hà


   Hằng ngày tôi đáp xe lửa từ ngoại ô vào thành phố để làm việc. Ga tôi đón xe lửa là một ga nhỏ, khách không mấy đông người nên ai cũng biết mặt nhau. Không thân thiết gì ngoại trừ dăm ba câu chào hỏi vớ vẩn về thời tiết. Một hôm ở ga bỗng xuất hiện một cặp trung niên, cả hai đều tóc đã muối tiêu, người da trắng. Cả hai đều tầm thước, khá bệu mỡ, trong cách ăn mặc họ có vẻ là những người làm việc phòng giấy nhưng không giữ chức vụ cao. Người đàn ông mắt lộ, môi dầy, quần khaki, áo sơ mi, thỉnh thoảng ông ta mặc áo thun có cổ bẻ, hôm nào trời lạnh ông ta mặc áo khoác gió loại ngắn. Người đàn bà tóc ngắn, tóc dợn sóng lọn to, làm tôi nghĩ đêm nào đi ngủ chắc đầu của bà cũng đầy ống quấn tóc. Bà ta khá béo. Hai cái đùi to đầy mỡ của bà như khép chặt lại vào nhau. Quần bà hơi ngắn trên mắt cá chân, giày thấp. Những người đàn bà quá mập hay bị cái nạn ống quần dính vào đùi làm khoảng ống quần bên trong khoảng giữa hai chân rút ngắn lại, do đó nhìn có vẻ xộc xệch. Họ lại thường hay bị yếu đầu gối vì phải mang trọng lượng thặng dư vì thế không thể mang giày cao gót. Và như thế lại càng làm cho dáng vẻ của họ thô kệch hơn. Nói chung, đây không phải là một đôi vợ chồng già đẹp tướng.
   Họ cũng không có vẻ là vợ chồng. Trông họ có vẻ như là một cặp tình nhân mới. Sáng nào cũng thế, giữa chốn đông người, hai người ôm hôn nhau thắm thiết như một cặp trai gái mới lớn còn háo hức chuyện thăm dò thân xác của người yêu. Khi xe lửa đến Penn ga lớn nhất của tiểu bang New Jersey, dưới chân cầu thang cả hai lại ôm nhau hôn ngấu nghiến. Những nụ hôn thật say đắm làm tôi có cảm tưởng như đây là những cái hôn cuối cùng. Ngày mai họ sẽ chia tay nhau vĩnh viễn.
   Tự bao giờ hình ảnh sân ga vẫn là đề tài của những cuộc chia tay. Của “Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông. . .  Jersey, suốt đời làm chia ly. . .”  Của “tuyết rơi phủ con tàu, trong ga em lạnh đầy, làm sao em nói hết, cho ấm mộng đêm này. . . ”[1]  Tôi tự hỏi không biết vì lý do gì mà họ phải chia tay nhau.

                   Kurt And Goldie Kissing Goodbye
   Nhưng, họ không chia tay nhau. Ngày hôm đó và những ngày sau nữa, họ vẫn còn đó, hôn nhau như nhai nuốt lẫn nhau. Họ hôn nhau ngay trên sân ga trước khi lên tàu. Họ hôn nhau dưới chân cầu thang trong Penn Station khi xuống ga. Rồi bỗng nhiên, tôi thấy những chiếc hôn này có vẻ gì bỉ ổi. Tôi cứ phải quay mặt đi tránh nhìn họ và có cảm giác như mình bị xâm phạm, bị cướp mất chút tự do thanh thản đầu ngày. Tôi đổi chuyến xe lửa đi chuyến trễ hơn, vài tuần sau đi trở lại chuyến xe giờ cũ, vẫn nhìn thấy người đàn ông nhưng người đàn bà trong vòng tay ông ta lại là một người đàn bà khác. Người đàn bà mới này không trẻ hơn, không đẹp hơn, cũng na ná giống người đàn bà của mấy tuần trước. Tôi tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra. Không biết người đàn bà thua cuộc có đứng đâu đó trong góc nhà ga mà vấn vương. “Sao nhà ga ấy sân ga ấy, chỉ để cho lòng dấu biệt ly... ”[2]
   Người ta thường hay gắn liền sân ga với những lần chia tay, những nỗi buồn giã biệt. Như Tế Hanh trong bài Những Ngày Nghỉ Học “Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt. Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.”  Tuy nhiên không ít người xem sân ga là nơi hẹn hò, là chỗ của trùng phùng, tao ngộ.

   Buổi chiều tan sở, tôi băng qua đường, vào một hành lang đầy ánh sáng. Từ đây tôi leo lên thang cuộn và nó sẽ đưa tôi lên trên sàn cao chỗ xe lửa cập bến. Bước vào trong hành lang là khách đi xe lửa đã được nghe những tấu khúc dương cầm êm dịu. Tôi đi bộ trên sàn cao dọc theo đường rầy số Năm chừng hơn trăm mét sẽ đi ngang phòng đợi nằm bên phải và đường rầy xe lửa số năm của ga Penn nằm bên tay trái của tôi. Phòng đợi này rất nhỏ và hẹp so với phòng đợi chính của ga Penn. , được dùng cho khách đợi tạm thời trước khi xe lửa đến. Dọc theo tường là băng ghế gỗ bóng loáng, ánh sáng chan hòa.  Chia cách giữa sàn cao và phòng đợi là một vách tường có cửa sổ bằng kính được lau chùi trong suốt.
   Gần đây, chiều nào tôi cũng gặp một cặp tình nhân trẻ người da trắng khoảng chừng ba mươi trở lại đang hôn nhau đắm đuối trong phòng đợi. Từ khi cặp tình nhân trẻ dùng phòng đợi nhỏ này làm tổ uyên ương, không có ai ngồi trong phòng đợi nữa cả. Xuyên qua cửa kính, tôi thấy bàn tay tham lam của người đàn ông trẻ chạy khắp nơi. Anh kéo tuột cả váy cô nàng trễ xuống để lộ cái tam giác của cái “thong” màu đỏ phía sau mông. Họ hôn nhau thật đắm đuối, thật mê loạn, hối hả. Hôn như ngày mai sẽ tận thế. Hôn như tài tử Harrison Ford hôn cô nàng Melanie Griffith trong phim Working Girl. Chỉ cần nhìn họ thôi người ta cũng đoán được dưới lớp quần áo đó tất cả những đầu dây thần kinh đều nở rộng và đứng dậy. Họ sẽ bốc cháy.
   Đây là một cặp tình nhân rất đẹp đôi. Người đàn ông cao ráo, vai to, có vẻ trẻ hơn người đàn bà vài tuổi. Người đàn bà trẻ này đẹp như tài tử Julianne Moore. Da trắng, người mảnh mai, tóc hung đỏ. Hai cánh tay thon dài của cô quàng ngang cổ anh bạn trai như để dọn chỗ cho bàn tay của anh ta tùy nghi chọn chỗ đáp. Tôi tiếp tục đi và leo lên xe lửa thường đã cập bến chờ sẵn. Ngày nào cũng nhìn họ hôn nhau ngấu nghiến như thế tôi không khỏi tự hỏi tại sao. Ở xứ này, trai gái làm tình từ khi mới vừa quá tuổi trăng tròn. Đôi tình nhân này có vẻ gì vụng trộm và có lẽ chỉ có ăn vụng mới tạo ra cái cảm giác ly kỳ đắm đuối đến thế. Trông họ càng đắm đuối say sưa họ càng có vẻ gì tội lỗi.
   Chiều thứ sáu vừa qua, khi tôi vừa lên tới bậc cuối cùng của cái thang cuốn thì đôi tình nhân mở cửa bước vào để đi xuống hành lang dẫn ra đường. Cô nàng mặc bộ suit bằng lụa màu đồng ôm sát người, đôi chân thon trần trắng muốt. Dường như dưới làn da không phải là máu thịt mà là kem và sữa, ngọt lịm, béo ngậy. Khi đi ngang qua phòng đợi nơi mà họ hay đứng hôn và vuốt ve nhau mặc kệ người qua lại bên cửa sổ, tôi thấy hàng ghế dọc theo tường đầy chật những người. Thì ra họ bị đuổi ra khỏi tổ uyên ương.

   Theo thói quen, mỗi chiều về tôi hay ngủ gật trên xe lửa. Khi tỉnh giấc, xe lửa đang vào trạm
Roselle Park. Nhìn ra cửa sổ tôi chợt nhìn thấy cô nàng mặc bộ suit màu đồng lúc nãy vừa bước ra khỏi cửa xe lửa đứng trên thềm ga, vẫy tay chào một người nào đó đang chờ dưới sân ga. Cô đứng một mình không thấy người bạn trai đã hôn cô và dắt tay cô lúc nãy. Tôi tò mò ngó theo khi cô xuống sân ga, người đón cô là một người đàn ông khoảng bốn mươi, vẻ sang trọng, đi chiếc xe SUV hiệu Lexus màu đen. Hai người trao đổi cái hôn, thân cận nhưng không còn đắm đuối say mê, gần gũi, môi chạm môi, kiểu hôn của những cặp vợ chồng. Đúng như sự nghi ngờ của tôi, tôi vừa chứng kiến một sự gian dối trong tình cảm.
   Những mối tình này sẽ đi về đâu. Cái say đắm của họ có phải chỉ là những cảm xúc nhất thời hay đó là một tình yêu thật sự?

   Người bản xứ thường hay phân biệt tình yêu (love) và dục tính (lust). Thật tình tôi không thể phân biệt cái ranh giới mong manh của hai loại tình cảm này. Đôi khi tôi có cảm tưởng người ta gom tất cả những mối tình không danh chính ngôn thuận, hay những mối tình không thành (vì không hợp nhau chẳng hạn) vào hàng dục tính. Rằng “nó” chỉ là cảm giác nhất thời, chỉ hình như là tình yêu chớ không phải tình yêu. Làm sao người ta có thể cả quyết trong những cuộc tình không danh chính ngôn thuận kia không có một tình yêu thật sự, và có ai dám cả quyết trong những cuộc hôn nhân danh chính ngôn thuận kia không có cái gọi là tình yêu, và nếu có thì đã không còn, và làm sao biết được người ta không sống với nhau chỉ vì đó là một dục tính được xã hội và pháp luật công nhận?

Nguyễn Thị Hải Hà

[1] Thơ Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy phổ nhạc
[2] Bóng Người Trên Sân Ga, Nguyễn Bính.